TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 103  
 
2 7 7 5 9 7 3 5
 
 
Thông tin Y tế Thế giới
An toàn thực phẩm là trách nhiệm của tất cả mọi người

Lễ kỷ niệm đầu tiên của Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới do Liên Hợp Quốc phát động được tổ chức trên toàn cầu vào ngày 07/6, nhằm tăng cường nỗ lực để đảm bảo rằng thực phẩm chúng ta ăn là an toàn.

Mỗi năm, gần 1/10 số người trên thế giới (ước tính khoảng 600 triệu người) bị bệnh và 420.000 người tử vong sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc các chất hóa học. Thực phẩm không an toàn cũng cản trở sự phát triển ở nhiều nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, gây thất thoát khoảng 95 tỷ USD năng suất liên quan đến bệnh tật, khuyết tật và tử vong sớm do người lao động phải gánh chịu.

Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới năm 2019 với chủ đề An toàn thực phẩm là trách nhiệm của tất cả mọi người. An toàn thực phẩm góp phần đảm bảo an ninh lương thực, sức khỏe con người, thịnh vượng kinh tế, nông nghiệp, tiếp cận thị trường, du lịch và phát triển bền vững.

Liên hợp quốc đã chỉ định hai cơ quan là Tổ chức Nông nghiệp và Lương Thực (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu các nỗ lực thúc đẩy an toàn thực phẩm trên toàn thế giới.

Hai tổ chức này đang hợp tác để hỗ trợ các quốc gia dự phòng, quản lý và ứng phó với các rủi ro trong chuỗi cung ứng thực phẩm, làm việc với các nhà sản xuất và nhà cung cấp thực phẩm, cơ quan quản lý và các bên liên quan xã hội dân sự, cho dù thực phẩm được sản xuất trong nước hay nhập khẩu.

Không có an ninh lương thực nếu không có an toàn thực phẩm. Thực phẩm không an toàn gây tử vong cho khoảng 420.000 người mỗi năm. Những ca tử vong này hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới là một cơ hội để nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của thực phẩm không an toàn đối với chính phủ, nhà sản xuất, người xử lý và người tiêu dùng. 

Đầu tư vào hệ thống thực phẩm bền vững sẽ có kết quả xứng đáng

FAO và WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả mọi người trong việc tiếp cận với thực phẩm an toàn, bổ dưỡng và đầy đủ, và thực phẩm an toàn là rất quan trọng để thúc đẩy sức khỏe và chấm dứt nạn đói, là hai trong số các mục tiêu chính của các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Thực phẩm an toàn cho phép bổ sung các chất dinh dưỡng phù hợp và góp phần vào cuộc sống khỏe mạnh. Sản xuất thực phẩm an toàn cải thiện tính bền vững bằng cách cho phép tiếp cận thị trường và năng suất, thúc đẩy phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Đầu tư vào giáo dục an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng có thể giảm bệnh truyền qua thực phẩm và tiết kiệm tới 10 đô la Mỹ cho mỗi đô la đầu tư.

Tham gia vào Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới

Các hoạt động trên toàn thế giới được tổ chức vào Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới nhằm truyền cảm hứng cho những hành động giúp ngăn ngừa, phát hiện và quản lý rủi ro sức khỏe từ thực phẩm. Những hành động đúng đắn trong chuỗi cung ứng thực phẩm, từ nông dân đến người tiêu dùng, cũng như quản trị và các quy định tốt, là điều cần thiết cho an toàn thực phẩm.

FAO và WHO đã xây dựng một hướng dẫn mới cho thấy mọi người có thể tham gia như thế nào. Hướng dẫn bao gồm năm bước để tạo sự khác biệt bền vững cho an toàn thực phẩm:

- Đảm bảo an toàn: Chính phủ phải đảm bảo thực phẩm an toàn và bổ dưỡng cho tất cả mọi người.

- Trồng trọt an toàn: Các nhà sản xuất nông nghiệp và thực phẩm cần áp dụng các thực hành tốt.

- Lưu giữ an toàn: Nhà điều hành kinh doanh phải đảm bảo thực phẩm được vận chuyển, lưu trữ và chuẩn bị an toàn.

- Kiểm tra an toàn: Người tiêu dùng cần tiếp cận các thông tin kịp thời, rõ ràng và đáng tin cậy về các rủi ro dinh dưỡng và bệnh tật liên quan đến lựa chọn thực phẩm của họ.

- Hợp tác hướng tới an toàn: Chính phủ, các cơ quan kinh tế khu vực, các tổ chức của Liên hợp quốc, các cơ quan phát triển, các tổ chức thương mại, các nhóm sản xuất và tiêu dùng, các tổ chức nghiên cứu và học thuật và các tổ chức khu vực tư nhân phải làm việc cùng nhau về các vấn đề an toàn thực phẩm.

Bắt đầu từ năm 2019, vào ngày 7 tháng 6 sẽ là thời điểm để làm nổi bật những lợi ích của thực phẩm an toàn. Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 12 năm 2018. Quá trình này được bắt đầu vào năm 2016 bởi Costa Rica thông qua Ủy ban Codex Alimentarius do FAO và WHO quản lý.

Thông tin về an toàn thực phẩm

- Ước tính có khoảng 600 triệu người, gần 1/10 người trên thế giới, mắc bệnh sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm bẩn và 420.000 người tử vong mỗi năm.

- Trẻ em dưới 5 tuổi chịu 40% gánh nặng bệnh tật do thực phẩm, với 125.000 ca tử vong mỗi năm.

- Các bệnh do thực phẩm có nguyên nhân do vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc các chất hóa học xâm nhập vào cơ thể thông qua thực phẩm hoặc nước bị nhiễm bẩn.

- Các bệnh do thực phẩm gây cản trở sự phát triển kinh tế xã hội bằng cách làm căng thẳng các hệ thống chăm sóc sức khỏe và gây tổn hại cho các nền kinh tế, du lịch và thương mại của các quốc gia.

- Giá trị thương mại thực phẩm là 1,6 nghìn tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 10% tổng giao dịch hàng năm trên toàn cầu.

- Các ước tính gần đây cho thấy tác động của thực phẩm không an toàn làm tiêu tốn cho các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình khoảng 95 tỷ USD năng suất bị mất mỗi năm.

- Cải thiện thực hành vệ sinh trong các lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp giúp làm giảm sự xuất hiện và lan truyền của kháng kháng sinh dọc theo chuỗi thức ăn và trong môi trường.

 

Ngày 10/06/2019
Tổ chức Y tế Thế giới - WHO  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.