TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 228  
 
2 7 6 0 5 7 1 5
 
 
Thông tin Y tế
Các quốc gia phải đầu tư tối thiểu hơn 1% GDP vào chăm sóc sức khỏe ban đầu để loại bỏ các khoảng trống về bao phủ

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác tại cuộc họp cấp cao của Hội đồng chung Liên hợp quốc về Bao phủ sức khỏe toàn dân, các quốc gia phải tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe ban đầu ở mức tối thiểu 1% GDP, để thế giới giải quyết được các khoảng trống về bao phủ và đạt được các mục tiêu sức khỏe đã đề ra từ năm 2015. Các quốc gia cũng cần tăng cường các nỗ lực để mở rộng các dịch vụ trên toàn quốc.

Theo Báo cáo giám sát Bao phủ sức khỏe toàn dân, thế giới sẽ cần phải tăng gấp đôi bao phủ sức khỏe toàn dân từ bây giờ cho đến 2030. Nó cảnh báo rằng nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, sẽ có tới 5 tỷ người không thể tiếp cận các dịch vụ y tế vào năm 2030, thời hạn để đạt được bao phủ sức khỏe toàn dân, trong đó hầu hết là người nghèo và người bị thiệt thòi.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu là chìa khóa cho tất cả

Nếu các quốc gia nhận thức nghiêm túc về việc phải đạt được bao phủ sức khỏe toàn dân và cải thiện cuộc sống của người dân, các quốc gia phải thấy được tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe ban đầu. Điều đó có nghĩa là cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu như tiêm chủng, chăm sóc tiền sản, tư vấn lối sống lành mạnh càng gần nơi ở càng tốt, và đảm bảo rằng người dân không phải trả tiền túi cá nhân của họ.

Đầu tư thêm 200 tỷ đô la Mỹ mỗi năm để mở rộng quy mô chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có khả năng cứu được 60 triệu mạng sống, tăng tuổi thọ trung bình thêm 3,7 vào năm 2030, và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội. Nó chỉ chiếm mức tăng 3% trong tổng số 7,5 nghìn tỷ đô la Mỹ được sử dụng cho sức khỏe toàn cầu mỗi năm.

Hầu hết các nguồn tài chính đều từ chính quốc gia đó. Báo cáo cho thấy rằng hầu hết các quốc gia có thể mở rộng chăm sóc sức khỏe ban đầu bằng cách sử dụng nguồn lực trong nước, thông qua tăng chi tiêu công cho sức khỏe nói chung, hoặc phân bổ chi tiêu hướng tới chăm sóc sức khỏe ban đầu, hoặc thực hiện cả hai. Hiện tại, hầu hết các quốc gia đang đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tuy nhiên, đối với các quốc gia nghèo nhất, bao gồm nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, điều này có vẻ không khả thi. Các quốc gia này sẽ tiếp tục phải yêu cầu những nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Các nguồn tài trợ này phải nhắm đến mục tiêu một cách cẩn thận, để tạo ra kết quả cải thiện lâu dài cho hệ thống và dịch vụ y tế, thông qua tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu trong toàn bộ quốc gia đó.

Đẩy nhanh quy mô dịch vụ 

Các quốc gia cũng phải đổi mới những nỗ lực nhằm mở rộng phạm vi bao phủ dịch vụ trong quốc gia. Mặc dù mức độ bao phủ đã tăng đều đặn kể từ năm 2000, tuy nhiên tiến bộ đã chậm lại trong vài năm gần đây. Hầu hết việc tăng xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp, nhưng các quốc gia này vẫn còn tụt hậu phía sau. Những khoảng trống dịch vụ y tế lớn nhất xảy ra ở những quốc gia nghèo nhất và những quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ những bệnh tật có thể dễ dàng dự phòng và điều trị, chỉ vì họ không thể tiếp cận được dịch vụ y tế cần thiết. Bằng cách làm việc với các cộng đồng để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương, các quốc gia có thể tiếp cận tới tất cả mọi người và cứu hàng triệu mạng sống.

Phạm vi bao phủ ở các khu vực nông thôn thường thấp hơn ở khu vực thành thị. Báo cáo cho thấy rằng thiếu cơ sở hạ tầng y tế, thiếu hụt nhân lực y tế, hệ thống cung cấp yếu kém, chất lượng chăm sóc yếu kém là những nguyên nhân dẫn đến sự tin tưởng thấp trong cộng đồng cũng là những trở ngại lớn để đạt được bao phủ sức khỏe toàn dân. 

Cải thiện và mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tất cả các khu vực là then chốt. Đó là cách tốt nhất để đảm bảo mọi người có thể có được các dịch vụ bao phủ phần lớn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của họ từ trước khi sinh tới suốt đời.

Bảo vệ chống lại các khó khăn về tài chính

Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết bảo vệ người dân khỏi những khó khăn về tài chính.

Mục tiêu của bao phủ sức khỏe toàn dân sẽ vẫn khó đạt được trừ khi các quốc gia thực hiện các hành động khẩn cấp để bảo vệ mọi người khỏi rơi vào nghèo đói do việc chi trả cho các dịch vụ y tế thiết yếu. Mở rộng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng sẽ cứu sống và giữ cho chi phí y tế ở mức phù hợp.

Nhiều người vẫn phải đối mặt với những hậu quả cho việc chi trả cho các dịch vụ y tế từ tiền túi của họ từ cách đây 15 năm. Khoảng 925 triệu người chi tiêu trên 10% chi tiêu hộ gia đình của họ cho chăm sóc y tế; 200 triệu người chi tiêu nhiều hơn 25% thu nhập của họ cho y tế. Nghèo hóa do chi trả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng lên, vẫn có rất nhiều người đang phải chi trả quá nhiều tiền cho sức khỏe của họ, dù kể cả ở những nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, điều này không xảy ra ở các quốc gia đầu tư nhiều hơn và hiệu quả hơn trong y tế.

Ngày 23/9, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận về một tuyên bố sâu rộng hơn về bao phủ sức khỏe toàn dân, bao gồm các khuyến nghị liên quan đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm cả việc phân bổ thêm 1% GDP cho chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua các khoản đầu tư bổ sung hoặc tái phân bổ.

 

Ngày 26/09/2019
Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.