TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ tư, Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 24  
 
2 7 7 8 4 9 8 2
 
 
Thông tin Y tế
Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe trẻ em

Báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) báo động tình trạng một số lượng lớn trẻ em đang phải chịu hậu quả của hệ thống thực phẩm và chế độ dinh dưỡng nghèo nàn.

Báo cáo có tên gọi Báo cáo Trẻ em thế giới năm 2019: Trẻ em, Thực phẩm và Dinh dưỡng (Tiếng Anh: The State of the World’s Children 2019: Children, food and nutrition) cho thấy rằng ít nhất 1/3 trẻ em dưới năm tuổi, tức là hơn 200 triệu trẻ em bị thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân. Gần 2/3 số trẻ em từ sáu tháng đến hai tuổi không được ăn thức ăn bổ sung hỗ trợ sự phát triển của cơ thể và bộ não trẻ. Điều này khiến trẻ có nguy cơ phát triển não kém, học tập yếu, khả năng miễn dịch thấp, nhiễm trùng gia tăng và tử vong trong nhiều trường hợp.

Mặc dù thế giới đạt được những tiến bộ về công nghệ, văn hóa và xã hội trong vài thập kỷ qua, nhưng có một sự thật là nếu trẻ em dinh dưỡng kém, chúng sẽ sống yếu ớt. Hàng triệu trẻ em đang phải sống trong chế độ dinh dưỡng không lành mạnh vì đơn giản là chúng không có lựa chọn nào tốt hơn. Cách thức chúng ta hiểu và đáp ứng với suy dinh dưỡng cần phải thay đổi: Không chỉ là cho trẻ ăn đủ, mà trên hết là phải cho chúng ăn đúng loại thực phẩm.

Báo cáo cung cấp đánh giá toàn diện nhất về suy dinh dưỡng trẻ em ở thế kỷ 21 dưới mọi hình thức. Nó mô tả một gánh nặng gấp ba lần của vấn đề dinh dưỡng, bao gồm suy dinh dưỡng, đói tiềm ẩn do thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu và thừa cân ở trẻ em dưới năm tuổi, được lưu ý xảy ra trên toàn thế giới:

• 149 triệu trẻ em bị thấp còi hoặc quá thấp so với tuổi của chúng;

• 50 triệu trẻ em bị gầy mòn hoặc quá gầy so với chiều cao của chúng;

• 340 triệu trẻ em, tức 1/2 - bị thiếu hụt các vitamin và chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin A và sắt;

• 40 triệu trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì.

Báo cáo cảnh báo rằng những thói quen và chế độ ăn uống kém bắt đầu từ những ngày đầu tiên của cuộc đời đứa trẻ. Mặc dù nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu sống nhiều đứa trẻ, nhưng chỉ có 42% trẻ em dưới sáu tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn, trong khi ngày càng nhiều trẻ em được nuôi bằng sữa công thức. Doanh số bán sữa công thức tăng 72% từ năm 2008 đến năm 2013 tại các quốc gia có thu nhập trung bình cao như Brazil, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn là do các chiến dịch tiếp thị không phù hợp, các chính sách và chương trình yếu kém để bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.

Khi trẻ bắt đầu chuyển sang thức ăn mềm hoặc rắn hơn quanh mốc sáu tháng, rất nhiều trẻ được đưa vào loại chế độ ăn sai. Trên toàn thế giới, gần 45% trẻ em từ sáu tháng đến hai tuổi không được cho ăn bất kỳ loại trái cây hoặc rau quả nào, gần 60% không ăn bất kỳ trứng, sữa, cá hoặc thịt.

Khi trẻ lớn lên, việc tiếp xúc với thực phẩm không lành mạnh trở nên đáng báo động, chủ yếu là do tiếp thị và quảng cáo không phù hợp, sự phong phú của thực phẩm chế biến sẵn không chỉ ở các thành phố mà cả ở vùng xa xôi, tăng khả năng tiếp cận với thức ăn nhanh và đồ uống có độ ngọt cao.

Báo cáo cho thấy 42% thanh thiếu niên đi học tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình tiêu thụ nước ngọt có ga ít nhất một lần mỗi ngày và 46% ăn thức ăn nhanh ít nhất một lần mỗi tuần. Những tỷ lệ này lần lượt lên tới 62% và 49% đối với thanh thiếu niên tại các quốc gia thu nhập cao.

Do đó, mức độ thừa cân và béo phì trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên đang gia tăng trên toàn thế giới. Từ năm 2000 đến năm 2016, tỷ lệ trẻ em từ 5 đến 19 tuổi thừa cân tăng gấp đôi từ 1/10 lên gần 1/5. Ngày nay tỷ lệ gấp 10 lần ở trẻ em gái và 12 lần ở trẻ em trai trong lứa tuổi này mắc béo phì so với năm 1975.

Báo cáo cũng lưu ý gánh nặng lớn nhất của suy dinh dưỡng ở tất cả các dạng xảy ra với nhóm trẻ em và thanh thiếu niên từ các cộng đồng nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất. Chỉ 1/5 trẻ em từ sáu tháng đến hai tuổi ở các hộ nghèo nhất ăn một chế độ ăn đủ đa dạng để tăng trưởng khỏe mạnh. Ngay cả ở các quốc gia có thu nhập cao như Anh, tỷ lệ thừa cân cao hơn gấp đôi tại những khu vực nghèo nhất so với những khu vực giàu nhất.

Báo cáo cũng đề cập đến các thảm họa liên quan đến khí hậu cũng gây ra khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Hạn hán gây ra 80% thiệt hại và tổn thất trong nông nghiệp, làm thay đổi đáng kể những thực phẩm có sẵn cho trẻ em và gia đình, cũng như chất lượng và giá cả của thực phẩm đó.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng đang gia tăng này dưới mọi hình thức, UNICEF đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp tới các chính phủ, khu vực tư nhân, các nhà tài trợ, cha mẹ, gia đình và doanh nghiệp nhằm giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh bằng cách:

1. Trao quyền cho gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên bổ sung thực phẩm bổ dưỡng, bao gồm cải thiện giáo dục dinh dưỡng và sử dụng các chính sách đã được chứng minh hiệu quả, như thuế đường, để giảm nhu cầu đối với thực phẩm không lành mạnh.

2. Thúc đẩy các nhà cung cấp thực phẩm làm điều đúng đắn cho trẻ em, bằng cách khuyến khích cung cấp thực phẩm lành mạnh, tiện lợi và giá cả phải chăng.

3. Xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên bằng cách sử dụng các phương pháp đã được chứng minh, chẳng hạn như ghi nhãn chính xác và dễ hiểu, kiểm soát mạnh mẽ hơn trong việc tiếp thị thực phẩm không lành mạnh.

4. Huy động các hệ thống hỗ trợ như y tế, nước sạch và vệ sinh, giáo dục và an sinh xã hội, để tăng cường kết quả dinh dưỡng cho tất cả trẻ em.

5. Thu thập, phân tích, sử dụng dữ liệu và bằng chứng chất lượng tốt để hướng dẫn hành động và theo dõi tiến trình.

 

Ngày 07/11/2019
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.