TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 81  
 
2 7 7 9 0 7 6 2
 
 
Thông tin Y tế
Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới phòng chống thiếu sắt và bảo vệ sự phát triển của não bộ

Phát hiện thiếu sắt sớm trong quá trình mang thai và ở trẻ nhỏ là rất quan trọng. Thiếu sắt ở trẻ em dưới hai tuổi có thể tác động đáng kể, không thể đảo ngược đối với sự phát triển của não bộ. Điều này dễ dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với việc học tập và thành tích học tập sau này trong cuộc sống. Sự phát triển nhận thức của một đứa trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng nếu người mẹ bị thiếu sắt trong ba tháng cuối của thai kỳ. Hướng dẫn mới của Tổ chức Y tế Thế giới với tên gọi Hướng dẫn về sử dụng nồng độ ferritin để đánh giá tình trạng sắt ở cá nhân và các nhóm dân số (Tiếng Anh: Guidelines on the use of ferritin concentrations to assess iron status in individuals and populations) sẽ giúp nhân viên y tế phát hiện sớm tình trạng thiếu sắt và tránh các tác động nghiêm trọng nhất.

WHO chỉ ra cách đo ferritin tốt nhất, đây là một chỉ số cho thấy tình trạng sắt trong cơ thể, để giúp xác định tình trạng thiếu hoặc thừa sắt. Ferritin là một loại protein có thể được tìm thấy với một lượng nhỏ lưu thông trong máu người. Nồng độ ferritin thấp ở những người thiếu sắt và cao ở những người thừa sắt. Các phép đo chính xác của protein này, cùng với đánh giá lâm sàng và xét nghiệm, có thể định hướng các biện pháp can thiệp thích hợp ở cả bệnh nhân cá nhân và ở cấp độ dân số.

Giảm tình trạng thiếu máu là một trong những nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới để loại bỏ tất cả các dạng suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, tiến độ đã bị hạn chế khi vẫn còn 614 triệu phụ nữ và 280 triệu trẻ em trên toàn cầu đang phải gặp tình trạng đó. Thiếu sắt là một yếu tố chính dẫn tới thiếu máu và đo ferritin, một dấu ấn sinh học chính của chuyển hóa sắt, sẽ giúp các quốc gia hướng đến mục tiêu tốt hơn và đánh giá hành động để chống lại bệnh thiếu máu.

Sắt là một nguyên tố thiết yếu có các chức năng quan trọng như vận chuyển oxy, tổng hợp DNA và chuyển hóa cơ bắp. Thiếu sắt là nguyên nhân chính gây ra thiếu máu, là tình trạng thiếu dinh dưỡng phổ biến nhất trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến 33% phụ nữ không mang thai, 40% phụ nữ mang thai và 42% trẻ em trên toàn thế giới.

Ở người trưởng thành, thiếu sắt cũng có thể có những tác động tiêu cực bao gồm mệt mỏi, suy giảm thể lực và giảm năng suất làm việc, cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội. Thiếu sắt chủ yếu xảy ra khi các nhu cầu về sắt tăng lên trong các giai đoạn tăng trưởng và phát triển nhanh chóng như ở thời thơ ấu, thanh thiếu niên và mang thai, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở các giai đoạn khác trong cuộc sống. Ở phụ nữ mang thai, thiếu sắt có thể gây thiếu máu, giảm cân nặng của trẻ khi sinh và rút ngắn thời gian mang thai.

Các hướng dẫn mới cũng bao gồm việc phát hiện sớm tình trạng thừa sắt. Tình trạng thừa sắt (tích lũy sắt trong cơ thể) nói chung là kết quả của các rối loạn như bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh thalassemia, truyền máu nhiều lần hoặc các tình trạng khác có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ hoặc điều hòa sắt, cũng có thể dẫn đến suy giảm sức khỏe của một người nếu không được điều trị.

Cải thiện kiến thức về tỷ lệ mắc và phân bố của tình trạng thiếu sắt và nguy cơ thừa sắt trong dân số giúp các quốc gia quyết định các biện pháp can thiệp phù hợp, giám sát và đánh giá tác động cũng như an toàn của các chương trình y tế công cộng. Ví dụ, thiếu sắt dinh dưỡng thường được tìm thấy trong các quần thể cũng có bệnh truyền nhiễm. Việc đánh giá đầy đủ tình trạng sắt ở các quốc gia có rối loạn nhiễm khuẩn sẽ giúp các quốc gia đưa ra các chính sách y tế một cách đầy đủ.

Hướng dẫn của WHO nhằm giúp các quốc gia thành viên của WHO và các đối tác đưa ra các quyết định dựa trên bằng chứng về các hành động phù hợp trong nỗ lực giảm thiếu sắt, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của các cá nhân và các nhóm dân số.

 

Ngày 22/04/2020
Tổ chức Y tế Thế giới - WHO  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.