TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 20  
 
2 7 7 5 7 3 5 1
 
 
Thông tin Y tế Thế giới
Khuyến nghị chính sách hỗ trợ các gia đình nuôi trẻ nhỏ

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới công bố các khuyến nghị chính sách hỗ trợ các gia đình nuôi trẻ nhỏ, bao gồm nghỉ có lương đối với cha mẹ, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc trẻ và các phúc lợi cho trẻ em. Các chính phủ và doanh nghiệp cần có sự đầu tư vào các gia đình để giảm nghèo và đặt nền tảng cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ em và sự thành công trong công việc của người lớn. 

Báo cáo có tên gọi Chính sách thân thiện với Gia đình: Điều chỉnh nơi làm việc cho tương lai (Tiếng Anh: Family – Friendly Policies: Redesigning the Workplace of the Future) nhấn mạnh rằng các chính sách thân thiện đối với phụ huynh vẫn chưa sẵn có đối với phần lớn phụ huynh trên thế giới.

Không có thời gian nào quan trọng hơn những năm đầu đời của trẻ em. Đó là lý do tại sao cần một sự thay đổi đột phá trong việc các doanh nghiệp và chính phủ đầu tư vào các chính sách và thực hành, không chỉ hỗ trợ sự phát triển trí não khỏe mạnh cho trẻ mà còn tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đồng thời gặt hái những lợi ích kinh tế và xã hội to lớn.

Bản khuyến nghị chính sách dựa trên bằng chứng về lợi ích sức khỏe, giáo dục và kinh tế của các chính sách thân thiện với gia đình và đưa ra bốn khuyến nghị sau:

1. Nghỉ có lương đối với cha mẹ: 

Ít nhất 06 tháng nghỉ có lương cho tất cả các phụ huynh cộng lại, trong đó 18 tuần nghỉ có lương nên dành cho các bà mẹ. Các chính phủ và doanh nghiệp nên phấn đấu tối đa 12 tháng nghỉ phép có lương.

Gần hai phần ba nam giới và nữ giới lao động trên toàn cầu đang làm việc trong khu vực phi chính thức, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ đối với việc nghỉ phép và hỗ trợ của cha mẹ.

Ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, việc nghỉ thai sản có lương tăng thêm một tháng đã cho thấy giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh xuống 13%. Ở các quốc gia có thu nhập cao, mỗi tuần nghỉ phép có lương của cha mẹ liên quan đến khả năng các bà mẹ đơn thân sống trong nghèo đói thấp hơn 4%. Nghỉ phép có lương của cha mẹ trong sáu tháng cũng giúp thúc đẩy nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.

Nghỉ phép có lương của cha mẹ cũng giúp góp phần giảm tỷ lệ luân chuyển nhân viên, giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo và giữ chân nhân viên có kinh nghiệm. Đối với các quốc gia đã áp dụng các chính sách này trong nhiều thập kỷ qua, việc tăng lao động nữ đã thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người từ 10% lên đến 20%.

2. Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ: 

Nghỉ cho con bú thường xuyên trong giờ làm việc để phù hợp với việc cho con bú hoặc việc vắt sữa mẹ, và môi trường hỗ trợ cho trẻ bú mẹ phải bao gồm các điều kiện thích hợp cho phép các bà mẹ tiếp tục cho con bú hoàn toàn hoặc bổ sung sau khi đi làm trở lại.

Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ 40% trẻ em dưới sáu tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn theo khuyến nghị. Nơi làm việc là một rào cản đáng kể đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ, với khoảng 16% nơi làm việc không có bất kỳ điều kiện theo quy định nào để hỗ trợ việc này.

Nuôi con bằng sữa mẹ góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các bệnh cấp tính và mạn tính, cũng như cải thiện kết quả nhận thức và giáo dục. Lợi ích sức khỏe đối với người mẹ bao gồm tỷ lệ trầm cảm sau sinh thấp hơn, sức khỏe thể chất được cải thiện và giảm nguy cơ ung thư vú suốt đời. Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ một cách tối ưu tạo ra lợi ích xã hội thông qua ước tính thu về 35 đô la Mỹ cho 1 đô la Mỹ đầu tư.

3. Bao phủ chăm sóc trẻ em: 

Bao phủ tiếp cận phổ cập với dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng, giá cả phải chăng từ cuối thời gian nghỉ phép của cha mẹ cho đến khi một đứa trẻ vào lớp một, bao gồm cả chăm sóc trước và sau cho trẻ nhỏ và các chương trình tiền tiểu học.

Trẻ em nhận được sự chăm sóc nuôi dưỡng và chất lượng từ sớm sẽ khỏe mạnh hơn, học tốt hơn, thời gian đi học dài hơn và có thu nhập cao hơn khi trưởng thành. Các quy định về chăm sóc trẻ em vốn rất quan trọng đối với việc trao quyền cho phụ nữ, sẽ cho phép các cha mẹ đáp ứng các nghĩa vụ và nguyện vọng trong công việc cũng như làm cha mẹ ở nhà.

4. Phúc lợi cho trẻ em:

Mở rộng phạm vi bao phủ phúc lợi cho tất cả trẻ em, bắt đầu từ những trẻ nhỏ nhất và làm việc theo hướng bao phủ toàn cầu. Phúc lợi cho trẻ em nên là một phần của hệ thống bảo trợ xã hội dành cho trẻ em ở tất cả các quốc gia.

Một phân tích gần đây chỉ ra rằng chỉ có 1/3 số hộ gia đình trên toàn cầu nhận được trợ cấp bằng tiền mặt cho trẻ em/gia đình, thay đổi từ 88% ở Châu Âu và Trung Á, đến 28% ở Châu Á và Thái Bình Dương và 16% ở Châu Phi. Có nghĩa là phần lớn trẻ em ở các quốc gia nghèo nhất, sống trong các hộ gia đình nghèo nhất, chưa được hưởng lợi từ các trợ cấp bằng tiền mặt để hỗ trợ sự phát triển của chúng.

Lợi ích của các chính sách thân thiện với gia đình vượt xa chi phí thực hiện: kết quả sức khỏe được cải thiện, giảm nghèo, tăng năng suất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Đầu tư vào gia đình là chính sách xã hội thông minh, nhưng cũng là chính sách kinh tế thông minh.

 

Ngày 23/07/2019
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.