TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 100  
 
2 7 7 5 8 3 9 0
 
 
Thông tin Y tế Thế giới
Ngày Thế giới không Thuốc lá 31/5/2017: Phòng chống thuốc lá vì sức khỏe, sự thịnh vượng, môi trường và phát triển quốc gia

Nhân ngày Thế giới không Thuốc lá 2017, Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh việc thuốc lá đang đe dọa đến sự phát triển của các quốc gia trên thế giới như thế nào và kêu gọi các chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá mạnh mẽ. Chúng bao gồm cấm tiếp thị và quảng cáo thuốc lá, thúc đẩy việc đóng gói bao bì trơn đối với các sản phẩm thuốc lá, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, và làm cho nơi làm việc và khu vực công cộng trong nhà không khói thuốc.

Hành động chấm dứt sử dụng thuốc lá có thể giúp các quốc gia ngăn ngừa hàng triệu người mắc bệnh và tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, chống lại đói nghèo và giảm sự xuống cấp về môi trường ở quy mô lớn.


 

Chi phí y tế và kinh tế của thuốc lá

Việc sử dụng thuốc lá gây ra hơn 7 triệu ca tử vong mỗi năm, khiến các hộ gia đình và chính phủ phải chi hơn 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ cho chi phí y tế và năng suấtlao động bị mất.Thuốc lá làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo, giảm năng suất kinh tế, nghèo hóa sự lựa chọn lương thực của hộ gia đình và gây ô nhiễm không khí trong nhà.

Tuy nhiên, với việc áp dụng các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả, các chính phủ có thể bảo vệ tương lai của các quốc gia bằng cách bảo vệ những người sử dụng thuốc lá và những người không sử dụng thuốc lá khỏi các sản phẩm này, tạo ra nguồn thu để cung cấp tài chính cho y tế và các dịch vụ xã hội khác, bảo vệ môi trường khỏi sự tàn phá do thuốc lá gây ra.

Tất cả các quốc gia đã cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững nhằm tăng cường hòa bình và xóa đói giảm nghèo. Các yếu tố chính trong Chương trình Nghị sự này bao gồm việc thực hiện Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá, và đến năm 2030, giảm 1/3 số ca tử vong sớm vì các bệnh không lây nhiễm, gồm bệnh tim, phổi, ung thư, đái tháo đường mà việc sử dụng thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính.


Thuốc lá hủy diệt môi trường

Báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới với tên gọi Thuốc lá và Tác động môi trường của nó (Tobacco and its environmental impact: An overview) cho thấy tác động của nó lên tự nhiên, bao gồm:

- Chất thải của thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, bao gồm cả các chất gây ung thư cho con người.

- Khói thuốc lá thải ra hàng chục tấn các chất gây ung thư cho con người, các chất độc và khí nhà kính vào môi trường. Chất thải thuốc lá là loại rác thải lớn nhất toàn cầu.

- Khoảng 10 tỷ trong tổng số 15 tỷ điếu thuốc lá bán ra hàng ngày tự xử lý trong môi trường.

- Đầu mẩu thuốc lá chiếm 30 – 40% trong tổng số tất cả các loại rác thu được ở các khu vực vệ sinh ven biển và đô thị.


Thuốc lá đe dọa phụ nữ, trẻ em và sinh kế

Thuốc lá đedọa tất cả mọi người, sự phát triển của các quốc gia và khu vực bằng nhiều cách, bao gồm:

- Nghèo đói: Khoảng 860 triệu người trưởng thành hút thuốc lá sống ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những hộ gia đình nghèo nhất chi tiêu cho các sản phẩm thuốc lá thường chiếm hơn 10% tổng chi tiêu của hộ gia đình, ít hơn số tiền chi cho lương thực, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

- Trẻ em và giáo dục: Việc trồng thuốc lá khiến trẻ em phải bỏ học, có 10 – 14% trẻ em ở các gia đình trồng cây thuốc lá phải bỏ học vì phải làm việc trên các cánh đồng thuốc lá.

- Phụ nữ: 60 – 70% công nhân của các nông trường thuốc lá là phụ nữ, buộc họ phải thường xuyên tiếp xúc gần với các hóa chất nguy hiểm thường gặp.

- Sức khỏe: Thuốc lá chiếm 16% trong số tất cả các ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm.


Thuế - Một công cụ kiểm soát thuốc lá mạnh 

Nhiều chính phủ đang hành động phòng chống thuốc lá, cấm quảng cáo và tiếp thị, sử dụng bao bì trơn cho các sản phẩm thuốc lá và thiết lập các khu vực công cộng và nơi làm việc không khói thuốc. Tuy nhiên, một trong những biện pháp kiểm soát thuốc lá có hiệu quả nhất để giúp các quốc gia giải quyết nhu cầu phát triển là thông qua tăng thuế và giá thuốc lá.

Các chính phủ thu về gần 270 tỷ đô la Mỹ từ thuế tiêu thụ đặc biệt mỗi năm, nhưng có thể tăng hơn 50%, tạo ra thêm 141 tỷ đô la Mỹ, chỉ đơn giản từ việc tăng thuế đối với thuốc lá điếu 0,8 đô la Mỹ cho mỗi bao thuốc (tương đương một đô la quốc tế) ở tất cả các quốc gia.Tăng nguồn thu từ thuế thuốc lá sẽ tăng cường việc huy động các nguồn lực trong nước, tạo ra khoản tài chính cần thiết cho các quốc gia để đạt được các ưu tiên phát triển theo Chương trình Nghị sự 2030.

Thuốc lá là một rào cản lớn đối với sự phát triển toàn cầu. Tử vong và bệnh tật liên quan đến thuốc lá là những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, khiến cho các hộ gia đình không có người lao động, chuyển các nguồn tài nguyên hạn chế của hộ gia đình để mua các sản phẩm thuốc lá chứ không phải là thực phẩm hay tài liệu học tập, buộc nhiều người phải chi trả các chi phí y tế. Hành động để kiểm soát nó sẽ cung cấp cho các quốc gia một công cụ mạnh để bảo vệ công dân và tương lai của họ.





 

Ngày 31/05/2017
Tổ chức Y tế Thế giới - WHO  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.