TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 37  
 
2 7 7 8 9 8 2 3
 
 
Thông tin Y tế Thế giới
Tổ chức Y tế Thế giới cập nhật Danh mục Thuốc thiết yếu với những lời khuyên mới về sử dụng kháng sinh và bổ sung các thuốc điều trị Viêm gan C, HIV, Lao và Ung thư

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung vào Danh mục Thuốc thiết yếu những lời khuyên mới về việc sử dụng kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường và bảo vệ những trường hợp nghiêm trọng nhất, đồng thời bổ sung các thuốc điều trị Viêm gan C, HIV, Lao và bệnh bạch cầu ác tính.

Danh sách cập nhật này đã bổ sung thêm 30 loại thuốc cho người trưởng thành và 25 loại cho trẻ em, và chỉ định sử dụng mới cho 09 sản phẩm đã được đưa vào danh mục, nâng tổng số lên thành 433 loại thuốc thiết yếu để đáp ứng cho các nhu cầu sức khỏe công cộng quan trọng nhất. Danh mục Thuốc thiết yếu của WHO (WHO – EML) được nhiều quốc gia sử dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận thuốc và đưa ra các quyết định hướng dẫn về các sản phẩm được đảm bảo sẵn có cho người dân ở quốc gia đó. Thuốc an toàn và hiệu quả là một phần thiết yếu của bất kỳ hệ thống y tế nào, đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với các loại thuốc khi cần thiết, ở thời điểm và địa điểm họ cần là điều cốt yếu cho sự tiến bộ của các quốc gia trong việc bao phủ sức khỏe toàn dân.

 

Lời khuyên mới cho 03 nhóm kháng sinh

Trong bản sửa đổi lớn nhất của phần kháng sinh trong lịch sử 40 năm của WHO – EML, các chuyên gia của WHO đã phân nhóm các loại kháng sinh vào 03 nhóm: ACCESS, WATCH và RESERVE, với các khuyến nghị về việc sử dụng cho mỗi loại. Ban đầu, các nhóm mới này được áp dụng cho các loại kháng sinh để điều trị 21 loại nhiễm trùng thông thường nhất. Nếu được cho là hữu ích, nó có thể được mở rộng trong các phiên bản tương lai của WHO – EML để áp dụng cho các thuốc điều trị các loại nhiễm trùng khác.

Sự thay đổi này nhằm đảm bảo rằng các thuốc kháng sinh sẵn có khi cần thiết và các thuốc kháng sinh phải được kê đơn đúng cho những trường hợp nhiễm trùng thích hợp. Việc tăng cường kết quả điều trị, giảm thiểu sự phát triển của các loại vi khuẩn kháng thuốc và duy trì hiệu quả các loại kháng sinh “phương án cuối cùng” là cần thiết khi các loại thuốc khác trở nên thất bại. Những thay đổi này hỗ trợ Kế hoạch hành động toàn cầu của WHO về kháng kháng sinh, nhằm chống lại sự phát triển của kháng thuốc bằng cách đảm bảo sử dụng kháng sinh hiệu quả nhất.

Nhóm ACCESS bao gồm các thuốc kháng sinh luôn sẵn có để điều trị cho một loạt các bệnh nhiễm trùng thông thường, ví dụ như amoxicillin được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi.

Nhóm WATCH bao gồm các loại kháng sinh được khuyến cáo như phương pháp điều trị đầu tiên hoặc thứ hai đối với một số lượng nhỏ các bệnh nhiễm trùng, ví dụ như sử dụng ciprofloxacin để điều trị viêm bàng quang và các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (viêm xoang do vi khuẩn, viêm phế quản do vi khuẩn) nên giảm một cách đáng kể để tránh sự phát triển của kháng thuốc.

Nhóm RESERVE bao gồm các loại kháng sinh như colistin và một số cephalosporins cần được xem xét như các lựa chọn cuối cùng và chỉ được sử dụng trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, khi tất cả các phương án khác không thành công như các trường hợp nhiễm trùng đe dọa đến mạng sống do khuẩn đa kháng thuốc.

Các chuyên gia của WHO đã bổ sung thêm 10 loại kháng sinh vào danh sách cho người lớn và 12 loại vào danh sách cho trẻ em.

Sự gia tăng của tình trạng kháng kháng sinh bắt nguồn từ cách chúng ta sử dụng và lạm dụng các loại thuốc này. Danh sách mới của WHO giúp cho các nhà hoạch định hệ thống y tế và các bác sỹ kê đơn đảm bảo rằng những người cần thuốc kháng sinh sẽ được tiếp cận với chúng và đảm bảo họ có được đúng loại kháng sinh, để vấn đề kháng thuốc không trở nên tệ hơn.

Các bổ sung khác

Bản cập nhật của WHO – EML cũng bổ sung một số loại thuốc mới, chẳng hạn như hai loại thuốc điều trị ung thư miệng, một loại thuốc mới cho điều trị Viêm gan C kết hợp từ hai loại thuốc, một loại thuốc điều trị hiệu quả hơn cho HIV cũng như một loại thuốc cũ có thể được sử dụng để dự phòng nhiễm HIV ở những người nguy cơ cao, các công thức mới cho các thuốc điều trị lao và giảm đau. Cụ thể là:

- Hai loại thuốc điều trị ung thư miệng (Dasatinib và Nilotinib) sử dụng cho điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn tính đã trở nên kháng với điều trị chuẩn. Trong các thử nghiệm lâm sàng, ½ số bệnh nhân đã sử dụng các thuốc này để đạt được kết quả khỏi bệnh hoàn toàn và bền vững.

- Sofosbuvir + Velpatasvir là phương pháp điều trị kết hợp đầu tiên để điều trị tất cả 6 loại Viêm gan C (WHO hiện đang cập nhật các khuyến cáo điều trị Viêm gan C).

- Dolutegravir để điều trị nhiễm HIV, đáp ứng với những bằng chứng mới nhất cho thấy sự an toàn, hiệu quả của thuốc và rào cản cao đối với kháng thuốc.

- Dự phòng trước phơi nhiễm PrEP với Tenofovir đơn thuần, hoặc kết hợp với Emtricitabine hoặc Lamivudine để ngăn ngừa nhiễm HIV.

- Delamanid để điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên mắc lao đa kháng (MDR-TB) và Clofazimine cho trẻ em và người lớn mắc lao đa kháng.

- Các chế phẩm kết hợp có liều cố định cho trẻ em của Isoniazid, Rifampicin, Ethambutol và Pyrazinamide để điều trị lao phổi ở trẻ em.

- Miếng dán ngoài da Fentanyl và Methadone để giảm đau ở bệnh nhân ung thư với mục đích tăng khả năng tiếp cận với các loại thuốc trong giai đoạn chăm sóc cuối đời.

Danh mục Thuốc thiết yếu của WHO được đưa ra vào năm 1977, đạt được sự chấp thuận của chính phủ các quốc gia tại Hội nghị Y tế Thế giới về sức khỏe cho tất cả mọi người theo như nguyên tắc chỉ đạo của WHO và chính sách y tế của các quốc gia.

Nhiều quốc gia đã thông qua khái niệm về thuốc thiết yếu và phát triển danh sách của riêng quốc gia đó, sử dụng WHO – EML làm hướng dẫn. WHO – EML được cập nhật và sửa đổi định kỳ 2 năm/lần bởi Ủy ban Chuyên gia của WHO về lựa chọn và sử dụng thuốc thiết yếu. Kỳ họp của Ủy ban Chuyên gia lần thứ 21 vào tháng 3/2017 đã xem xét 92 đề nghị cho 100 loại thuốc và đã bổ sung 55 loại vào Danh mục, gồm 30 loại đối với WHO – EML tổng quát và 25 loại đối với WHO – EML cho trẻ em.

Ngày 08/06/2017
Tổ chức Y tế Thế giới - WHO  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.