TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 270  
 
2 7 6 0 1 6 7 6
 
 
Tin tức
Viện Chiến lược và Chính sách y tế sinh hoạt khoa học thường kỳ tháng 7/2017

Ngày 31/7/2017, Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học thường kỳ tháng 7/2017 với 02 chủ đề :“Tổng quan chính sách đào tạo bác sĩ cho vùng khó khăn tại một số quốc gia trên thế giới” và“ Quy định về cấp phép hành nghề của một số nước trên thế giới và trong khu vực”. 

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế Vũ Thị Minh Hạnh đã chủ trì  buổi sinh khoa học. Các Phó Viện trưởng Trần Đức Thuận, Khương Anh Tuấn và lãnh đạo một số khoa, phòng cùng đông đảo các nghiên cứu viên của Viện đã tham dự.

Tại buổi sinh hoạt khoa học, Ths.Tạ Đăng Hưng - Khoa Tổ chức và Nhân lực Y tế đã trình bày “Tổng quan chính sách đào tạo bác sĩ cho vùng khó khăn tại một số quốc gia trên thế giới”. Bài trình bày bao gồm 5 nội dung chính: Đặt vấn đề, Mục tiêu, Chính sách đào tạo bác sĩ cho vùng khó khăn tại một số quốc gia,  Bàn luận về các chính sách đào tạo bác sĩ cho vùng khó khăn tại Việt Nam, Kết luận. Theo Ths.Tạ Đăng Hưng, Hoa Kỳ, Nhật, Thái Lan, Trung Quốc có chính sách tổng hợp về đào tạo bác sĩ  còn các quốc gia khác thường xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ ở vùng khó khăn. Việt Nam đã có những chính sách đào tạo bác sĩ cho vùng khó khăn như: cử tuyển, theo địa chỉ, hỗ trợ của các dự án. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang gặp khó khăn về triển khai đồng bộ và cơ chế tài chính. Vì thế, Việt Nam cần có đánh giá tổng thể các chính sách đào tạo bác sĩ cho vùng khó khăn đã thực hiện và đề xuất chính sách mới phù hợp hơn.

 
(Ths.Tạ Đăng Hưng trình bày)
 

Tiếp theo phần trình bày của Ths.Tạ Đăng Hưng, Phó Viện trưởng Vũ Thị Minh Hạnh đã trình bày “Quy định về cấp phép hành nghề của một số nước trên thế giới và trong khu vực” với các nội dung sau: Quy định về cấp phép hành nghề, Quy định về thi cấp phép hành nghề; Những bất cập cần lưu ý đối với Việt Nam và Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. ThS Vũ Thị Minh Hạnh đã chỉ ra những bất cập trong các quy định về cấp phép hành nghề cần lưu ý đối với  Việt Nam như: Việt Nam và một số ít các nước (Singapore, Malaysia, ) đang sử dụng thuật ngữ Chứng chỉ hành nghề trong khi các nước đều dùng chung thuật ngữ Giấy phép hành nghề; Đối tượng cần cấp phép hành nghề là những ai? (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh, nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản …); Việt Nam hiện chỉ cấp 1 loại Chứng chỉ hành nghề trong khi số đông các nước đều cấp nhiều loại Giấy phép hành nghề nhằm đảm bảo vị thế pháp lý cho nhiều hình thức hành nghề, nhiều nhóm tham gia hành nghề trong thực tế; Thời gian thực hành tiền hành nghề để được cấp Chứng chỉ hành nghề của Việt Nam theo quy định hiện hành là 18 tháng dài hơn so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực (12 tháng); Việt Nam hiện đang cấp Chứng chỉ hành nghề không thời hạn trong khi số đông các nước đều cấp có thời hạn từ 1 – 5 năm; Việt Nam không có quy định về thi cấp Chứng chỉ hành nghề trong khi đa số các nước đã thực hiện như một phương thức bắt buộc để kiểm soát chất lượng hành nghề của nhân viên y tế trong bối cảnh chất lượng đào tạo ở Việt Nam chưa có được sự công nhận của nhiều nước; Việt Nam chưa có các biện pháp kiểm soát đặc thù đối với chất lượng hành nghề của lĩnh vực ngoài công lập và người nước ngoài; Việt Nam chưa có cơ chế giám sát hiệu quả chất lượng hành nghề sau khi được cấp Chứng chỉ hành nghề … 

 
(Phó Viện trưởng Vũ Thị Minh Hạnh trình bày)
 

Sau khi phân tích các quy định về cấp phép hành nghề của một số nước trên thế giới và trong khu vực như Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, New Zealand, Australia, Mỹ, Anh… ThS Vũ Thị Minh Hạnh đã rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đó là:

- Kỳ thi quốc gia cấp  phép hành nghề cần phải được quy định là điều kiện bắt buộc đối với những người hành nghề Y nhằm quy chuẩn năng lực hành nghề thiết yếu cần có của từng chức danh chuyên môn đảm bảo chất lượng của dịch vụ y tế đồng thời thông qua đó để hoàn thiện chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường Y. Cần phải được đề cập trong Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, bổ sung.

- Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi quốc gia và công nhận kết quả kỳ thi quốc gia nên là một đơn vị độc lập thuộc Bộ Y tế (tương tự như mô hình Hội đồng Y khoa Thái lan khi mới thành lập) song cần phải được thực hiện hàng năm theo định hướng của một Hội đồng độc lập trực thuộc Chính phủ để có đủ vị thế quyết định những phương hướng quan trọng...

- Sự linh hoạt trong điều chỉnh chuẩn năng lực hành nghề nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong thực tiễn trên cơ sở đó kịp thời điều chỉnh chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo Y khoa và chương trình đào tạo bác sỹ, điề dưỡng (tương tự kinh nghiệm của Nhật Bản).

- Định kỳ thực hiện kỳ thi quốc gia cấp phép hành nghề nên là 1 lần/năm. 

- Nội dung thi nên bao gồm cả lý thuyết và thực hành lâm sàng. Hình thức thi trên máy tính với bài thi lý thuyết và trên mô hình hoặc theo kịch bản giả định/trên bệnh nhân đối với bài thi thực hàng lâm sàng. 

- Thời điểm thi có thể trước khi tốt nghiệp các trường Y hoặc sau khi hoàn thành thời gian thực hành tiền lâm sàng.

- Địa điểm thi nên phân theo các khu vực. 

- Chất lượng hành nghề là một quá trình cập nhật thường xuyên và liên tục ngay cả sau khi đã được cấp phép hành nghề (tương tự kinh nghiệm của Nhật Bản). 

- Y tế công cộng là một cách tiếp cận không thể thiếu trong chăm sóc sức khỏe, tất cả nhân viên y tế đều phải được trang bị những kiến thức về y tế công cộng để hành nghề đạt hiệu quả cao hơn, phù hợp với nhu cầu thực tiễn hơn (tương tự kinh nghiệm của Nhật Bản). 

- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chia sẻ thông tin, trao đổi bàn bạc để liên kết giữa chuẩn năng lực hành nghề của bác sĩ, điều dưỡng với chuẩn năng lực đầu ra của sinh viên Y khoa tại các cơ sở đào tạo từ đó tăng cường kiểm chuẩn đối với các cơ sở đào tạo... Phân định trách nhiệm của từng ngành dựa theo đúng chức năng và nhiệm vụ được giao...

Lãnh đạo Viện và các nghiên cứu viên tham dự buổi sinh hoạt khoa học đã đánh giá cao bài trình bày của hai báo cáo viên, đồng thời cảm ơn ThS Vũ Thị Minh Hạnh và Ths.Tạ Đăng Hưng trong việc cung cấp những thông tin hữu ích và thiết thực cho các nghiên cứu mà Viện đang thực hiện.

Ngày 01/08/2017
Khoa Xã hội học Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.