TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 75  
 
2 7 5 9 0 2 3 4
 
 
Tin tức
Câu chuyện thành công của nước Nga trong giảm sử dụng rượu bia: Áp dụng đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát rượu bia- Kinh nghiệm cho Việt Nam

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ được thảo luận  vào ngày 23/5/2019 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14. Người dân đang mong đợi Quốc hội sẽ thông qua các biện pháp kiểm soát rượu bia chặt chẽ nhằm đẩy lùi mức gia tăng sử dụng rượu bia kỷ lục của  Việt Nam hiện nay. 

Ngày 7/5/2019, Tạp chí Lancet công bố bài báo của Manthey và cộng sự  về mức tiêu thụ đồ uống có cồn (ĐUCC) bình quân đầu người của 189 quốc gia giai đoạn 1990-2017 và dự báo đến năm 20301

Trong gần ba thập kỷ qua, mức tiêu thụ ĐUCC bình quân đầu người trên toàn thế giới tăng  từ 5.9 lít (1990) lên 6.2 lít (2010) và 6.5 lít (2017). Theo khu vực, Châu Á có mức tiêu thụ tăng nhanh (Việt Nam, Ấn độ…),  trong khi ở đó nhiều nước Châu Âu và châu Đại Dương mức sử dụng đã giảm, như Kyrgyzstan, Ucraina, Belarus, Nga, Anh, Canada, Úc. 

Các số liệu về Việt Nam mà tiến sỹ Manthey Jakob cung cấp cho chúng tôi cho thấy tình trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang thực sự báo động. Năm 2017, mức tiêu thụ bình quân đầu người của Việt Nam đã lên đến 8,9 lít cồn nguyên chất. Việt Năm đứng thứ 5 thế giới (chỉ sau Timor-Leste, Niger, Comoros và Seychelles) về mức tăng tiêu thụ bình quân đầu người giai đoạn 2010-2017 (với 90,2%) và dẫn đầu thế giới với mức tăng lên đến 2.459% sau 27 năm, từ 1990 đến 2017. Nếu không áp dụng các chính sách chặt chẽ nhằm giảm sử dụng rượu bia, dự kiến đến năm 2025 và 2030, mức tiêu thụ của người Việt Nam sẽ tiếp tục tăng rất nhanh, lên đến 14 và 18 lít (xem biểu đồ so sánh)

Biểu đồ so sánh mức tăng tiêu thụ ĐUCC ở Việt Nam với một số quốc gia, khu vực, thế giới và dự báo đến năm 2030

Trong số các quốc gia đã giảm được lượng rượu bia tiêu thụ bình quân đầu người, Nga là một thí dụ điển hình của việc áp dụng và triển khai thành công các chính sách mạnh mẽ nhằm giảm sử dụng ĐUCC. Từ năm 2005 đến nay, Nga đã theo đuổi chính sách kiểm soát ĐUCC chặt chẽ, áp dụng tất cả các biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả cao, chi phí thấp trong giảm sử dụng ĐUCC như sau2:

1. Thuế và giá: 

• Chính sách thuế: sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 10% mỗi năm từ 2008, năm 2014 tăng thuế TTĐB 33%; 

• Chính sách quản lý giá: năm 2009: Quy định mức giá bán lẻ tối thiểu của rượu mạnh có nồng độ cồn từ 28% trở lên, năm 2014 tiếp tục tăng mức giá bán lẻ tối thiểu của rượu 28% độ cồn trở lên; 2016 quy định mức giá bản lẻ tối thiểu đối với rượu voka

2. Hạn chế tính sẵn có: 

• Năm 2005 cấm bán rượu có độ cồn >15% tại một số địa điểm công cộng, tại các điểm không được cấp phép; 

• Năm 2007: cấm mọi hình thức bán sỉ và bán lẻ đồ uống có cồn trên Internet 

• Năm 2011 tăng cường thực thi quy định cấm bán rượu bia cho người người dưới 18 tuổi và tăng nặng chế tài xử phạt hành vivi phạm; cấm bán rượu, bia tại các trạm/ cây xăng dầu; 

• Năm 2012: Cấm bán bia tại một số địa điểm; 

• Năm 2014 tăng nặng mức phạt đối với hành vi bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi và gắn trách nhiệm hình sự nếu tái phạm vi phạm; 

• Năm 2016 triển khai đăng ký và quản lý mạng lưới bán lẻ;  

• Năm 2018: Xem xét đề xuất tăng tuổi được phép mua/uống rượu bia lên 21 tuổi

3. Quảng cáo: 

• 2008: cấm quảng cáo trên tất cả các phương tiện giao thông, 

• 2012: Cấm quảng cáo trên báo hình, báo giấy, mạng xã hội và internet; nới lỏng cho phép quảng cáo bia và rượu vang nhân dịp Worldcup 2018 đến ngày 1/1/2019); 

4. Cấm điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống ĐUCC:

• 2010: quy định độ cồn trong máu bằng 0 khi tham gia đìiều khiển phương tiện giao thông; 

• 2012: Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà nồng độ cồn trong khí thở vượt mức 0.16mg/l 

• 2017, 2019: Tăng nặng án phạt hình sự đối với người uống rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng

Nhờ vậy, sau bảy năm, mức tiêu  thụ ĐUCC bình quân đầu người ở Nga đã giảm 22%, từ 15,8 lít năm 2010  xuống 12,3 lít (2017); gánh nặng bệnh tật và tử vong do ĐUCC gây ra cũng đã giảm đáng kể.

1 Manthey J, Shield KD, Rylett M, Hasan OSM, Probst C, Rehm J. Global alcohol exposure between 1990 and 2017 and forecasts until 2030: a modelling study. Lancet (London, England). 2019

2 Tổ chức Y tế thế giới. Báo cáo về ĐUCC và sức khoẻ  toàn cầu 2018

 

Ngày 22/05/2019
Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Khoa Xã hội học Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.