TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 24  
 
2 7 7 6 0 7 7 9
 
 
Các nghiên cứu khoa học Quản lý điều hành
Hiệu quả can thiệp TCCĐ trong nhóm người nghiện chích ma túy tại TP Bắc Giang năm 2007 - 2010

ĐẶT VẤN ĐỀ
Tiếp cận cộng đồng (TCCĐ) là một trong những biện pháp giảm tác hại thuộc chương trình dự phòng lây nhiễm HIV. Nhân viên TCCĐ là đồng đẳng viên, được lựa chọn và đào tạo để tiếp cận, giáo dục và hỗ trợ các thành viên có nguy cơ cao trong cộng đồng nhằm giúp họ nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, chuyển đổi từ hành vi có hại cho sức khỏe sang thực hiện các hành vi có lợi liên quan đến dự phòng lây nhiễm HIV. Nhân viên tiếp cận cộng đồng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các nhóm nguy cơ cao như: truyền thông chuyển đổi hành vi, cấp phát BKT, BCS, tài liệu truyền thông, thu gom BKT bẩn…. Đồng thời nhân viên TCCĐ còn tìm hiểu nhu cầu của thân chủ (người NCMT) và giới thiệu chuyển tiếp tới các dịch vụ khác.
Bắc Giang là địa phương cũng đã triển khai chương trình TCCĐ tại một phường của thành phố Bắc Giang. Sau 2 năm triển khai, kết quả thu được từ chương trình chưa được như mong đợi do chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến NCMT, nguyên nhân dùng chung BKT trong tiêm chích và không dùng BCS trong QHTD của người NCMT; nhân viên TCCĐ bỏ cuộc nhiều vì không đủ sức khỏe và không tiếp cận được người NCMT trẻ tuổi mới nghiện hút đặc biệt là con em trong các gia đình quyền chức; hoạt động của chương trình luôn bị ngắt quãng do việc giám sát không chặt chẽ. Cha/mẹ, gia đình người thân của người NCMT chưa chấp nhận cho con em mình tiếp cận với nhân viên TCCĐ.
Xuất phát từ bối cảnh trên, nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả can thiệp Tiếp cận cộng đồng đối với hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trên người nghiện ma túy tại thành phố Bắc Giang” đã được thực hiện nhằm rút ra bài học kinh nghiệm trong dự phòng lây nhiễm HIV và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả của các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong thời gian sắp tới.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu
+ Người tiêm chích ma tuý, đang sống tại gia đình hoặc đang sống tại cộng đồng. Được thông báo, tư vấn và tự nguyện tham gia nghiên cứu.
+ Các đối tượng cộng đồng liên quan đến người NCMT trong can thiệp bao gồm: Cha/mẹ và các thành viên trong gia đình của người NCMT; Các ban ngành đoàn thể tại địa phương: Công an, hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên; Trưởng trạm y tế xã/phường và các nhân viên TYT phường thuộc địa bàn thành phố Bắc Giang.

2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu can thiệp cộng đồng so sánh trước và sau.
* Cỡ mẫu nghiên cứu định lượng
Cỡ mẫu được tính theo cỡ mẫu thiết kế nghiên cứu can thiệp (so sánh 2 tỷ lệ): Cỡ mẫu tính được là 320 người NCMT.
* Phương pháp chọn mẫu nghiên cứu định lượng
Do đối tượng nghiên cứu là nhóm tương đối nhạy cảm và khó tiếp cận nên chúng tôi đã lựa chọn phương pháp chọn mẫu RDS (phương pháp chọn mẫu dây chuyền/chuỗi) có kiểm soát.
* Mẫu và phương pháp chọn mẫu nghiên cứu định tính
Trong nghiên cứu định tính lấy mẫu theo chủ định tại địa bàn thành phố Bắc Giang gồm: 25 cuộc phỏng vấn sâu gồm người NCMT, GMD, cha/mẹ người NCMT; 6 cuộc thảo luận nhóm gồm nhóm người NCMT, nhóm GMD, nhóm các ban ngành liên quan.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN
1. Hành vi tiêm chích ma túy
Hành vi dùng chung bơm kim tiêm thuốc/dụng cụ pha thuốc trong vòng 6 tháng qua
Tỷ lệ người NCMT dùng chung BKT giảm từ 40,63% xuống còn 17,50% trong thời gian 3 năm từ trước can thiệp đến sau can thiệp, sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê với p<0,01, chỉ số hiệu quả (CSHQ) = 56,92%. Trong số những người sử dụng chung BKT, tỷ lệ người NCMT dùng chung BKT chủ yếu với bạn chích chiếm 96,43; với người bán ma túy là 26,92; với vợ/người yêu là 12,82%.
Tỷ lệ người NCMT dùng chung thuốc/dụng cụ pha thuốc (gồm thuốc lấy từ cùng 1 lọ, dụng cụ pha thuốc) giảm từ 51,04% xuống còn 37,19% trong khoảng thời gian từ trước can thiệp đến sau can thiệp, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê p<0,01, CSHQ = 100%. Trong số những người dùng chung thuốc/dụng cụ pha thuốc với các đối tượng đều giảm trong khoảng thời gian trước và sau can thiệp, lần lượt: với bạn chích (46,35% so với 34,69%, CSHQ = 92,6%); với người bán ma tuý (23,44 so với 4,38%, CSHQ = 76%); với gái mại dâm (13,02% so với 3,13%, CSHQ = 25,2%); vợ /bạn tình (4,17% so với 0,31%, CSHQ = 81,3%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,01
Hành vi dùng chung BKT trong vòng 1 tháng qua
Tỷ lệ người NCMT dùng chung BKT trong vòng 1 tháng qua giảm từ 41,67% xuống còn 15,94% trong khoảng thời gian từ trước can thiệp đến sau can thiệp, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,01, CSHQ = 61,74%. Có nhiều lý do khiến cho người NCMT dùng chung BKT như thiếu tiền mua thuốc, do ý thích hoặc tin tưởng vào nhau đặc biệt là vợ hoặc người yêu. Trong 15,94% người NCMT có sử dụng chung BKT vẫn còn 3,13% không làm sạch BKT trước khi sử dụng. 12,81% người NCMT có làm sạch BKT mặc dù chỉ dưới dạng tráng BKT bằng nước nguội chiếm 58,54%, súc nước nóng chiếm 41,47% và có 7,32% súc cồn.
Hành vi dùng chung BKT trong lần tiêm chích gần nhất
Tỷ lệ người NCMT dùng chung BKT sau can thiệp đã giảm từ 36,46% xuống còn 12,81% so với trước can thiệp, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,01, CSHQ = 64,86%. Trong số những người dùng chung BKT vẫn còn 5% không làm sạch BKT trước khi sử dụng và 7,81% người NCMT có làm sạch BKT. Lý do người NCMT không làm sạch BKT trước khi tiêm chích chủ yếu do không có sẵn nước, cồn hay thuốc sát trùng. Trong số 41 người NCMT có sử dụng chung BKT, có 58,54% người NCMT thường xuyên dùng chung BKT với bạn chích; 21,95% người thường xuyên dùng chung với người bán ma túy, 2,44% người thường xuyên tiêm chích chung với vợ/người yêu.
2. Hành vi tình dục
Tỷ lệ người NCMT cho biết đã từng sử dụng BCS là 81,08% trong số những người NMCT cho biết đã từng có QHTD. Hầu hết người NCMT được hỏi cho rằng khả năng tiếp cận với BCS của họ là khá tốt với tỷ lệ 80,36%. Người NMCT cho rằng họ có thể lấy được BCS bất cứ khi nào cần chiếm 84,80%.
Hiệu thuốc và đồng đẳng viên là hai nguồn cung cấp BCS được người NCMT biết đến nhiều nhất và đây cũng là hai nguồn họ thường mua/nhận được BCS, chiếm tỷ lệ 87,4% và 80,7%. Ngoài ra, các quán bar/khách sạn/nhà hàng cũng là những nơi người NCMT thường lấy được BCS với tỷ lệ 67,2%. Các địa điểm khác như các câu lạc bộ, cơ sở y tế, cán bộ y tế không phải là những nơi cung cấp BCS được nhiều người NMCT biết đến, chiếm tỷ lệ lần lượt là 49,6%; 36,3% và 16,8%.
Qua kết quả đánh giá theo thang điểm cho thấy tỷ lệ người NCMT có kiến thức phòng lây nhiễm HIV ở mức điểm đạt tăng từ 63,7% lên 92,2% trong khoảng thời gian trước và sau can thiệp, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,01, CSHQ = 44,7%.
3. Tiếp cận chương trình BKT sạch:
Tỷ lệ người NMCT sau can thiệp nhận được BKT sạch là khá cao với 84,06% trong vòng 6 tháng trước điều tra, trong đó tỷ lệ người NCMT nhận được BKT trong 1 tháng trước điều tra là 78,18%, chỉ còn 5,85% chưa nhận được BKT. Trung bình số lần nhận được BKT sạch là 4,05 lần/tháng (SD=1,8) và trung bình mỗi lần người NCMT nhận được 15,49 chiếc BKT sạch (SD = 7,66).
Hầu hết người NCMT nhận được BKT thông qua nhân viên TCCĐ đã tăng từ 23,61% lên 94,3% trong thời gian từ trước can thiệp đến sau can thiệp, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,01, CSHQ = 299,4%. Nguồn từ hiệu thuốc giảm từ 88,455 xuống 67,19%, nguồn BKT từ CBYT tăng từ 26,9% lên 42,71%. Đối với nguồn cung cấp BKT từ phòng VCT, cửa hàng tạp hóa và khách sạn chiếm tỷ lệ thấp dưới 20% và không thay đổi trước và sau can thiệp.
Tỷ lệ người NCMT đã từng xét nghiệm HIV tăng từ 46,88% trước can thiệp lên 91,25% sau can thiệp, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,01, CSHQ = 94,6%. Trong số những người đã đi xét nghiệm HIV có 91,10% là xét nghiệm tự nguyện và 90,66% trả lời có được tư vấn trước xét nghiệm. Tuy nhiên vẫn còn 7,5% người NCMT chưa mạnh dạn đi XN và 1,25% người NCMT không trả lời.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Hành vi sử dụng chung bơm kim tiêm
Tỷ lệ người NCMT sử dụng chung BKT trong vòng 6 tháng trước điều tra giảm từ 40,63% xuống còn 17,50%, CSHQ 56,92%.
Tỷ lệ người NCMT dùng chung BKT trong vòng 1 tháng trước cuộc điều tra này cũng giảm từ 41,67% xuống còn 15,94%, CSHQ = 61,74%.
Tỷ lệ người NCMT dùng chung BKT trong lần gần nhất giảm từ 36,46% xuống còn 12,81%, CSHQ = 64,86%.
Tỷ lệ người NCMT dùng chung thuốc/dụng cụ pha thuốc trong vòng 6 tháng trước điều tra giảm từ 51,04% xuống còn 37,19%, CSHQ = 100%. Trong vòng 1 tháng giảm từ 43,6% xuống còn 16,3%, CSHQ = 62,6%.
Tỷ lệ người NCMT làm sạch BKT đã tăng từ 36,25% lên 80,39%, CSHQ = 121,6%.

Hành vi tình dục
Tỷ lệ người NCMT có sử dụng BCS trong 12 tháng qua khi QHTD với vợ/người yêu đã tăng từ 7,3% lên 43,37%, CSHQ = 494,1%. Tỷ lệ người NCMT có sử dụng BCS trong lần quan hệ gần nhất chiếm 37,14% cao hơn 28,49%, CSHQ = 30,4%.
Tỷ lệ người NCMT sử dụng BCS trong QHTD với GMD tăng từ 53,62% lên 72%, CSHQ = 34,3%. Tỷ lệ người NCMT sử dụng BCS trong lần QHTD với bạn tình bất chợt không thay đổi trước và sau can thiệp (chiếm 73,33%). Chủ động gợi ý dùng BCS khi QHTD với nhóm này là người NCMT chiếm 87,27% cao hơn 70,27%, CSHQ = 24,1%.
Khả năng tiếp cận với BCS miễn phí tăng từ 64,80% lên 80,36%, CSHQ = 24,01%. Nguồn cung cấp BCS đã đa dạng nhưng chủ yếu từ nhân viên TCCĐ chiếm 87,4% và hiệu thuốc chiếm 80,7%. Tỷ lệ người NCMT thực hành đúng tăng từ 34,92% lên 82,24, CSHQ = 135,5%.
Tỷ lệ người NCMT hiểu biết đúng về các đường lây truyền HIV tăng từ 63,7% lên 92,2%, CSHQ = 44,7%.
Tiếp cận với các chương trình can thiệp
Tỷ lệ người NCMT biết nơi nhận/mua được BKT bất cứ khi nào cần trong vòng 6 tháng là 84,06% và 1 tháng là 93%. Nguồn cung cấp BKT mới chủ yếu từ nhân viên TCCĐ 82,19%; hiệu thuốc 79,38%
Tỷ lệ người NCMT đã từng nhận được BCS trong vòng 6 tháng qua là 76,88%; trong đó, tỷ lệ người NCMT nhận được BCS trong vòng 1 tháng là 89,4%. Nguồn cung cấp chủ yếu từ nhân viên TCCĐ chiếm 94,3%; hiệu thuốc 78,45%
- Kết quả nghiên cứu định tính phát hiện thấy sau can thiệp người NCMT, cha/mẹ, cộng đồng người NCMT đã chấp  nhận và ủng hộ hoạt động của chương trình TCCĐ; tự tin, hiểu biết và thực hiện các hành vi TCAT, TDAT, giảm bớt sự kỳ thị, tự kỳ thị và có niềm tin trong cuộc sống.

Khuyến nghị: Từ kết quả nghiên cứu chúng tôi thấy cần phải: Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền cho người NCMT về tác hại của ma tuý, tác hại của dùng chung BKT khi tiêm chích. Khuyến khích người NCMT không sử dụng chung BKT, thuốc/dụng cụ pha thuốc trong mọi trường hợp tiêm chích, đặc biệt đối với bạn chích và GMD.
Vận động người NCMT sử dụng BCS khi QHTD với tất cả các đối tượng, đặc biệt là với GMD và bạn tình bất chợt.
Cung cấp BKT sạch cho người NCMT, đảm bảo tính sẵn có BKT khi và ở nơi người NCMT cần, tạo thói quen sử dụng BKT riêng. Mở rộng phạm vi hoạt động của chương trình TCCĐ. Hỗ trợ miễn phí thuốc điều trị thay thế cho người NCMT. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ khám và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế và dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí, các dịch vụ tư¬ vấn và xét nghiệm tự nguyện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục phòng chống HIV/AIDS Việt Nam, Dự án dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS tại Việt Nam (2008) "Tình hình dịch HIV/AIDS và kết quả hoạt động chương trình TCCĐ tại Hà Nội, Giai đoạn II (10/2003 – 9/2007),"  Báo cáo tiếp cận cộng đồng các tỉnh phía Bắc, tháng 4/2008, NXB Y học, Hà Nội.
2. Lưu Thị Minh Châu, Trần Như Nguyên, ”Tỷ lệ nhiễm và hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy tại thành phố Hà Nội, năm 2004” in Hội nghị khoa học quốc gia về HIV/AIDS lần thứ III ngày 24-26/11/2005, 2005, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Vũ Văn Chiểu, Nguyễn Thị Minh Tâm (2010), ”Yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tình dục không an toàn của người tiêm chích ma túy tại Việt Nam”, Các công trình nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS giai đoạn 2006 -2010, tạp chí y học thực hành, 12 / 2010.
4. Desembriartista, Y, ”Kết quả của dự án đánh giá về dự phòng HIV/AIDS thông qua một nghiên cứu lồng ghép và dự án về can thiệp về giảm thiểu nguy cơ cho người lạm dụng chất gây nghiện ở Denpasar và Kuta, Bali”, Hội nghị quốc tế lần thứ 12 về giảm thiểu nguy cơ khi sử dụng ma tuý, 2001, Delhi.
5. Dave, B., L. Wright, A. De, eds, ”Những thực hành tốt nhất của quốc tế trong việc thực hiện chương trình tiếp cận cộng đồng, 2008”, Trung tâm dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, Hà Nội.
 

Ngày 19/12/2011
Trịnh Thị Sang, Lê Cự Linh và CS  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.