TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 26  
 
2 7 7 5 5 5 8 8
 
 
Tin tức Tin Hội thảo
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển mô hình bác sĩ gia đình trong tăng cường cung ứng dịch vụ CSSKBĐ (12/01/2016)

Mục tiêu hàng đầu của hệ thống y tế mà mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam đang hướng tới là phát triển bền vững thông qua việc thực hiện bao phủ CSSK toàn dân, tức là bảo đảm để mọi người dân khi cần đều có thể sử dụng các dịch vụ nâng cao sức khỏe, dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ có chất lượng, hiệu quả đồng thời bảo đảm rằng việc sử dụng các dịch vụ này không làm cho người sử dụng gặp phải rủi ro về tài chính. Để thực hiện mục tiêu này, yếu tố quyết định là hệ thống y tế cần phải dựa trên nền tảng của CSSKBĐ thông qua việc tăng cường năng lực của mạng lưới YTCS.

Ở nước ta, trong nhiều năm qua; Đảng và Chính phủ luôn xác định y tế cơ sở là nền tảng cơ bản của hệ thống y tế. Chính vì vậy, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm không ngừng củng cố, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của YTCS. Nhờ vậy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về các chỉ số sức khỏe của dân cư đặc biệt là với các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên đứng trước những thách thức của sự biến đổi về mô hình bệnh tật, vấn đề già hóa dân số cùng với sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm cùng các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi đòi hỏi mạng lưới y tế cơ sở cần phải tiếp tục được đổi mới để đáp ứng không chỉ với việc phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và khám chữa bệnh thông thường mà còn phải đáp ứng được với nhu cầu chăm sóc sức khỏe đối với các bệnh không lây nhiễm trong đó người bệnh không chỉ được CSSK tại các cơ sở y tế mà còn cần phải được CSSK tại gia đình, cộng đồng và được quản lý về sức khỏe. Ngành y tế  ngoài việc cung cấp các dịch vụ khám và điều trị còn phải hướng dẫn cho người bệnh, người thân trong gia đình và cộng đồng trong việc tự nâng cao sức khỏe, phòng bệnh và phục hồi chức năng. Công tác CSSK cũng đòi hỏi  phải có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy y học gia đình có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống y tế, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo phương châm chăm sóc sức khỏe toàn dân. Y học gia đình giúp người dân giảm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe nhờ được tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế phù hợp, được chăm sóc toàn diện và liên tục và làm giảm bất bình đẳng trong chăm sóc sức khoẻ. Hoạt động của mô hình bác sỹ gia đình (BSGĐ) đảm bảo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại cộng đồng, chú trọng hơn tới  dự phòng nâng cao sức khoẻ, sàng lọc bệnh, khám chữa bệnh ban đầu và quản lý sức khoẻ với sự tham gia chủ động của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng. Nhiều nước trên thế giới luôn đề cao và tôn vinh vai trò của BSGĐ và coi họ như người "gác cổng" trong hệ thống cung ứng dịch vụ y tế. Khi bị bệnh, việc đầu tiên là bệnh nhân phải tiếp cận với BSGĐ để khám chữa bệnh và nếu cần thiết sẽ được BSGĐ giới thiệu chuyển tuyến. Nếu người bệnh tự đến cơ sở y tế thì sẽ phải tự trả chi phí khám chữa bệnh với giá rất đắt đỏ. Mô hình tổ chức của hoạt động y học gia đình trên thế giới khá đa dạng và được áp dụng linh hoạt tùy thuộc theo điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và mô hình bệnh tật của mỗi quốc gia. Brazil có 40.000 đội Y học gia đình với thành phần gồm có: BSGĐ hoặc sinh viên thực tập, 2 điều dưỡng, 6 cộng tác viên y tế. Nhiều nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Cu Ba, Úc, Mỹ, Trung Quốc có mô hình Phòng khám BSGĐ độc lập hoặc lồng ghép trong các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập và hoạt động rất hiệu quả… Các nước cũng đã có nhiều kinh nghiệm thành công trong đào tạo nhân lực về lĩnh vực y học gia đình và dành nhiều thời lượng cho đào tạo tại cộng đồng. Bằng chứng từ nhiều nước trên thế giới cũng đã cho thấy những lợi ích thiết thực từ hoạt động y học gia đình đối với chăm sóc sức khỏe toàn dân. Y học gia đình có thể giải quyết khoảng 70% nhu cầu CSSKBĐ của người dân. Có những quốc gia mặc dù kinh tế chưa phát triển song nhờ triển khai mô hình BSGĐ mà tình trạng sức khỏe dân cư được cải thiện một cách nhanh chóng.

Trước bối cảnh đó, ngày 12/01/2016, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển mô hình bác sĩ gia đình trong tăng cường cung ứng dịch vụ CSSKBĐ tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Tổ chức Atlantic Philanthropies. Hội thảo được điều hành bởi PGS. TS. Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, và khách mời đặc biệt của Hội thảo, GS. Michael Kidd - Chủ tịch Tổ chức Bác sĩ gia đình thế giới (WONCA). Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Minh Thảo – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, như Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế…; lãnh đạo và nghiên cứu viên Viện Chiến lược và Chính sách Y tế; đại diện một số trường đại học trên cả nước, như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y tế công cộng; đại diện một số cơ sở y tế các tuyến, như Bệnh viện Lão khoa TW, Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn…; và đại diện các tổ chức trong và ngoài nước, như Ngân hàng thế giới (WB), Trung tâm Đào tạo và Phát triển cộng đồng (RTCCD)…

Thông qua những kinh nghiệm và ý kiến được trao đổi trong Hội thảo, PGS. Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ y tế đã kết luận mô hình BSGĐ có thể được vận dụng và phát triển linh hoạt trong bối cảnh Việt Nam và cần coi đó là một trong những giải pháp hữu ích giúp tăng cường khả năng cung cấp và tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu bởi BSGĐ có vai trò quan trọng trong CSSK hướng tới dự phòng bệnh tật, CSSK liên tục, toàn diện, hướng tới gia đình và cộng đồng. Về phương thức hoạt động có thể vận dụng linh hoạt cả mô hình Phòng khám BSGĐ tại những khu đô thị, nông thôn đồng bằng và mô hình Đội y học gia đình lồng ghép với hoạt động của trạm y tế xã tại khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Về đào tạo nhân lực cho lĩnh vực y học gia đình sẽ được triển khai tại các cơ sở đào tạo y dược trong cả nước và chú trọng nhiều hơn hình thức đào tạo tại cộng đồng gắn với thực hành tại các đơn vị y tế tuyến cơ sở. Đồng thời cũng cần phải ban hành cơ chế phối hợp liên kết chuyển tuyến giữa các Phòng khám BSGĐ, Đội y học gia đình với các cơ sở y tế công lập cũng như ngoài công lập. Bên cạnh đó cần phải đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho hoạt động y học gia đình tùy thuộc theo phương thức hoạt động, có thể từ nguồn đầu tư của nhà nước hoặc thể thông qua bảo hiểm y tế hoặc thực thanh thực chi… Việc phát triển mô hình Phòng khám BSGĐ và Đội y học gia đình lồng ghép với hoạt động của trạm y tế xã sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện ở Việt Nam hiện nay và đảm bảo người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở cũng như giảm chi phí y tế cho hộ gia đình cũng như toàn xã hội.

Ngày 14/01/2016
Khoa Y tế Công cộng  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.