TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ tư, Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 14  
 
2 7 7 8 5 7 3 1
 
 
Tin tức Tin Hội thảo
Hội thảo cung cấp thông tin về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2018

Sáng 8/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2018. Đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã tham dự Hội thảo. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Phương Nam, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam công bố số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam và tổng quan chính sách pháp luật giảm tác hại của sử dụng rượu bia trên thế giới. Theo ông Nguyễn Phương Nam, các nghiên cứu gần đây đều cho thấy, ở Việt Nam, tỷ lệ dân số sử dụng rượu bia cao và tỉ lệ nam giới uống ở mức nguy hại cũng cao. Một nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân cũng chỉ ra, trong số các vụ bạo lực thì hơn 60% là người trẻ tuổi có sử dụng rượu bia. Ông Nguyễn Phương Nam cũng cho biết, hiện nay có 168 nước quy định nồng độ cồn với lái xe, nhờ đó tai nạn liên quan tới rượu bia đã giảm mạnh. Trên thế giới cũng có 165 nước có chính sách điều chỉnh giá bán rượu bia, trong đó 90% áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này chỉ ra rằng, việc tăng giá bán 25% có thể giảm 11% nhu cầu sử dụng rượu bia trung bình. Về quy định giờ bán rượu bia, hiện trên thế giới có hơn 50% số nước có quy định giờ bán rượu bia. Ví dụ, ở Thụy Điển, nhà nước độc quyền tại 431 điểm bán và chỉ mở cửa từ 10h sáng đến 6h chiều. Ở Phần Lan, nhà nước độc quyền tại hơn 300 điểm bán. Nhiều nước còn quy định cụ thể về mật độ điểm bán rượu bia.  Về quảng cáo rượu bia, trong số 166 nước báo cáo việc kiểm soát rượu bia thì hơn 10% số nước có chính sách cấm quảng cáo toàn bộ rượu bia, nhiều nước đặc biệt cấm trong các chương trình dành cho trẻ em. Cụ thể: ở Hàn Quốc cấm toàn bộ quảng cáo đồ uống có độ cồn hơn 17%, Singapore cấm quảng cáo toàn bộ trên các chương trình dành cho trẻ em… Nhiều nước ở châu Âu cũng áp dụng chính sách cấm quảng cáo rượu bia theo khung giờ, hay chương trình dành cho trẻ em… Những vi phạm trong quảng cáo rượu bia bị xử phạt nặng, như Pháp xử phạt 10.000 Euro cho quảng cáo rượu bia trên tạp chí hay trên pano.

Tiếp theo, ông Bundit Sornpaisarn - Phó Giám đốc điều hành Quỹ nâng cao sức khỏe của Thái Lan (Thai Health) và bà Orratai Waleewong, Chương trình Chính sách y tế, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan đã chia sẻ về thành công của Thái Lan trong việc xây dựng chính sách pháp luật về kiểm soát đồ uống có cồn và đề xuất đối với Việt Nam. Ông Bundit Sornpaisarn cho biết, với kinh nghiệm kiểm soát đồ uống có cồn ở Thái Lan, người dân bị cấm bán rượu bia trong các khung giờ từ 2-5g chiều và từ 6h đến 11g tối. Vì vậy, tai nạn sau nửa đêm giảm đáng kể. Chính phủ cũng kiểm soát rất mạnh mẽ thời gian bán rượu, như cấm bán cho người dưới 20 tuổi. Thái Lan cũng cấm quảng cáo các hình ảnh đồ uống có cồn, đặc biệt giám sát quảng cáo rượu bia trên báo chí và tivi. Thái Lan cũng hạn chế bán đồ uống có cồn trong vòng 300 mét xung quanh các trường đại học. Ngoài ra, ông Bundit Sornpaisarn - Phó Giám đốc điều hành Quỹ nâng cao sức khỏe của Thái Lan (Thai Health) cũng  giới thiệu về Quỹ Nâng cao sức khỏe Thái Lan trong kiểm soát đồ uống có cồn và đề xuất đối với Việt Nam. Theo ông Bundit Sornpaisarn,  Thái Lan đã thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe, nguồn tài chính cho quỹ hoạt động được thu từ các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, bia, rượu (2%). Quỹ này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chính phủ Thái Lan đánh giá là minh bạch, hiệu quả và có tác động đáng kể đến việc giảm hút thuốc lá, uống rượu và chấn thương đường bộ. Hiệu quả hoạt động của Quỹ này cũng được WHO đánh giá rằng, mỗi một USD đầu tư vào việc giảm sử dụng rượu có hại sẽ mang lại lợi ích là 9,13 USD…

Trong chương trình Hội thảo, các đại biểu còn được nghe đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trình bày tóm tắt Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với 6 chương và 22 điều xoay quanh một số nội dung chính như: Về quảng cáo, khuyến mại rượu, bia; quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công; địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia; huy động nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về thành công của Thái Lan và một số quốc gia trên thế giới trong xây dựng chính sách pháp luật kiểm soát đồ uống có cồn và nêu các ý kiến xoay quanh Dự thảo Luật và được các chuyên gia giải đáp.

 

Ngày 18/06/2018
Khoa Xã hội học Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.