TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 9  
 
2 7 7 8 8 8 5 4
 
 
Tin tức Tin Hội thảo
Hội thảo về dự án luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

Ngày 13 tháng 04 năm 2018, Bộ Y tế phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới tổ chức hội thảo về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Hội thảo có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đại diện các Bộ, Ngành như Bộ Công thương, Tổng cục thống kê; các Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế như: Vụ Pháp Chế, Cục Y tế dự phòng, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế; các tổ chức thuộc Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam như tổ chức HealthBridge Canada, Hội Y tế Công cộng Việt Nam cùng đại diện của UBND, HĐND một số tỉnh/thành và các cơ quan truyền thông, báo chí.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Kidong Park - trưởng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Namcho biết việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng nhanh. Chỉ trong 5 năm từ 2011 đến 2015, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới tăng từ 69,6% lên 80,3%; ở nữ giới tăng từ 5,6% lên 11,2%. Mức tiêu thụ rượu, bia cũng tăng từ 6,6 lít cồn nguyên chất bình quân đầu người năm 2010 lên 8,6 lít năm 2016. Với mức tiêu thụ này, Việt Nam xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương, xếp thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. 

Các báo cáo trình bày tại Hội thảo đều nhấn mạnh việc sử dụng rượu bia dù ở bất kỳ mức độ nào đều có khả năng gây hại đến sức khỏe con người. Sử dụng rượu bia không chỉ gây ra các tổn hại to lớn cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả những người xung quanh, cho toàn xã hội. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm (với 3,4 tỷ lít bia, chưa kể đến 70 triệu lít rượu công nghiệp và hàng trăm triệu lít rượu thủ công), chưa tính đến chi phí gián tiếp do giải quyết hậu quả của rượu, bia. Sử dụng rượu, bia chiếm khoảng 0,5% đến 7,7% chi tiêu của hộ gia đình… Bên cạnh những tổn hại về kinh tế, tác hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam cũng rất to lớn: 11% hộ gia đình xảy ra bạo lực liên quan đến rượu, bia mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em; 14% hộ gia đình xuất hiện tình trạng rạn nứt mối quan hệ giữa các thành viên do sử dụng rượu bia; 12,2% hộ gia đình có người sử dụng rượu bia không muốn/không đủ sức khỏe để lao động; 15% hộ gia đình có người sử dụng rượu, bia không muốn/không đủ sức khỏe để đảm nhận công việc gia đình; 6% hộ gia đình chịu hậu quả cấp tính về sức khỏe và tổn thất về tài sản liên quan đến rượu, bia; 4,5% hộ gia đình có thành viên bị chấn thương liên quan đến rượu, bia cần chăm sóc y tế… Đây là những bằng chứng có được từ nghiên cứu về hậu quả của sử dụng rượu bia đối với hộ gia đình tại Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành năm 2017.

Ths. Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế báo cáo tham luận tại Hội thảo

Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia với 6 chương và 22 điều đã đề cập các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia; kiểm soát việc cung cấp rượu; giảm tác hại; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống tác hại rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Dự thảo Luật cũng đưa ra các phương án quy định kiểm soát trong khuyến mại, quảng cáo, tài trợ các sản phẩm rượu bia; trong quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia; quy định về địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu bia; huy động nguồn kinh phí cho phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng qua việc thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng… xin ý kiến các đại biểu tham dự.

Trong thời gian sắp tới, Bộ Y tế dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức các Hội thảo xin ý kiến Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, thúc đẩy việc hoàn thiện Luật, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp diễn ra vào tháng 10/2018.

 

Ngày 16/04/2018
Khoa Xã hội học Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.