TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ bảy, Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 39  
 
2 7 7 6 4 2 8 1
 
 
Thông tin Y tế Việt Nam
Kế hoạch quốc gia về phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2014 - 2020

Ngày 06 tháng 10 năm 2014, Bộ Y tế đã ký Quyết định số 4039/QĐ-BYT do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên ký về việc “Phê duyệt Kế hoạch Quốc gia về phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2014 – 2020”. Đây là Quyết định quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay, trong đó căn cứ vào Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 và Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động Quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.

Mục tiêu chính của Kế hoạch là củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở PHCN và nâng cao chất lượng dịch vụ PHCN nhằm phát hiện sớm, can thiệp sớm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt để họ hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội. Kế hoạch cũng xác định rõ các mục tiêu cụ thể để phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2014 – 2020 đối với ngành y tế, xuyên suốt từ trung ương đến cấp địa phương và cơ sở. Một số chỉ tiêu cụ thể là:
- Với tuyến xã: 90% số TYT có phân công cán bộ phụ trách PHCN.
- Tuyến huyện: 90% bệnh viện huyện có tổ chức PHCN (khoa, phòng, tổ PHCN), trong đó có cán bộ y tế được đào tạo về chuyên ngành PHCN
- Tuyến tỉnh: 100% bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập khoa PHCN, 75% số tỉnh thành lập bệnh viện PHCN và trên 50% bệnh viện chuyên khoa thành lập khoa PHCN.
- Tuyến trung ương: Bệnh viện PHCN trung ương phát triển chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu về PHCN, 100% khoa PHCN của các bệnh viện đa khoa trực thuộc Bộ Y tế, Bộ/ngành có giường bệnh nội trú, 70% các bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế, trực thuộc các Bộ/ngành thành lập khoa PHCN

Cùng với sự đầu tư phát triển về chuyên môn, Kế hoạch cũng xác định các chỉ tiêu cụ thể về các hoạt động tại cộng đồng: 100% các cơ sở PHCN có hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa khuyết tật, về PHCN và PHCN dựa vào cộng đồng; 100% các Tỉnh, Thành phố trực thuốc trung ương triển khai và duy trì chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tại ít nhất 40% xã/phường/thị trấn; 70% số trẻ em dưới 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh và được can thiệp sớm; 80% người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận với các dịch vụ PHCN…

Về vấn đề đào tạo nhân lực chuyên ngành PHCN, Kế hoạch cũng đã nêu rõ chỉ tiêu: 100% các trường đại học chuyên ngành Y, 50% các trường cao đẳng, trung cấp y tế công lập có đào tạo về PHCN và có khoa hoặc bộ môn PHCN; 100% các khoa hoặc bộ môn PHCN có nội dung đào tạo các chức danh chuyên môn: Bác sỹ chuyên khoa PHCN, Y sỹ chuyên khoa PHCN, cử nhân ngôn ngữ (âm ngữ) trị liệu, KTV hoạt động trị liệu, KTV dụng cụ chỉnh hình….

Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, Kế hoạch cũng hướng dẫn các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác PHCN, bao gồm: Xây dựng chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi cho người làm trong lĩnh vực PHCN; bổ sung và hoàn thiện danh mục và khung giá dịch vụ, kỹ thuật PHCN bao gồm cả các quy định về BHYT chi trả cho dịch vụ, kỹ thuật này;  xây dựng và ban hành các tài liệu chuyên môn liên quan đến công tác PHCN; lồng ghép công tác PHCN, PHCN dựa vào cộng đồng với các chương trình mục tiêu Quốc gia…

Về kinh phí cho hoạt động: Kế hoạch cũng hướng dẫn các nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động bao gồm: Ngân sách nhà nước, ngân sách từ Chương trình mục tiêu y tế, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Quỹ phát triển hoạt động phát triển sự nghiệp của các cơ sở KCB và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Về triển khai: Kế hoạch cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Vụ/Cục của Bộ Y tế, Sở Y tế các Bộ/ngành và các cơ sở KCB căn cứ vào nhiệm vụ được giao để xây dựng kế hoạch cụ thể cho đơn vị mình trong triển khai thực hiện.

Có thể thấy đây là tin vui cho công đồng người khuyết tật trên cả nước, khi được Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động này. Mặc dù mới chỉ định hướng đến năm 2020, nhưng với những chỉ tiêu cụ thể đã đề ra, khi triển khai thực hiện thành hiện thực sẽ giúp cho người khuyết tật nói chung được quan tâm, tư vấn, hướng dẫn và can thiệp để người khuyết tật sớm được khắc phục những khiếm khuyết, giảm bớt tàn tật và hòa nhập cùng với cộng đồng.

Ngày 23/10/2014
ThS. Trịnh Ngọc Thành - Khoa Quản lý Dịch vụ y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.