TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 33  
 
2 7 7 5 8 8 1 5
 
 
Tin tức
Kết quả thực hiện hoạt động: “Đánh giá thực trạng triển khai Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và kết quả thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020”

Ngày 26/12/2020, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế họp Hội đồng nghiệm thu kết quả nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở “Đánh giá thực trạng triển khai Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và kết quả thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020” do Khoa Dân số và Phát triển triển khai thực hiện. TS. Trần Thị Mai Oanh – Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng và các thành viên.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước những thách thức về công tác dân số như: mức sinh còn có sự khác biệt giữa các vùng miền; vấn đề già hóa dân số đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, mất cân bằng giới tính khi sinh diễn biến phức tạp, tình hình di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ, vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn chưa thực sự được quan tâm, … bên cạnh đó, mô hình tổ chức có nhiều biến động. 

Để nhận diện những kết quả đạt được, các khó khăn, thách thức, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn trước, cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, nghiên cứu được triển khai gắn với 3 mục tiêu cụ thể: Một là, đánh giá thực trạng triển khai Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và kết quả thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020; Hai là, phân tích khó khăn, thách thức và nguyên nhân của việc triển khai thực hiện chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020; Ba là, đề xuất các điều kiện cần thiết để xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Bốn tỉnh/thành phố lựa chọn khảo sát là Sơn La, Hưng Yên, thành phố Hồ Chí Minh, Hậu Giang, bên cạnh làm việc với Ban chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, các Sở, Ban ngành liên quan, phỏng vấn sâu đối tượng cán bộ cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/Kế hoạch hóa gia đình ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tiếp cận các đối tượng là cộng tác viên Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Kết quả nghiên cứu cho thấy:

Về thực hiện các nhiệm vụ giải pháp: Công tác lãnh đạo và quản lý đã được thực hiện tốt. Đã có sự chỉ đạo và tham gia của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong triển khai, điều phối các hoạt động thực hiện Chiến lược DS & SKSS cũng như Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Thời gian qua nhiều địa phương đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo điều hành, xây dựng và hoàn thiện nhiều đề án để thực hiện công tác DS – KHHGĐ nói chung và Chiến lược Dân số nói riêng. Công tác truyền thông, giáo dục đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của cộng đồng và lãnh đạo. 

Hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ đã được củng cố, kiện toàn trong thời gian qua, việc phân phối các dịch vụ phi lâm sàng qua mạng lưới y tế thôn/bản, cộng tác viên dân số tiếp tục được duy trì và thực hiện nâng cao hiệu quả; phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ đã được đổi mới theo hướng mở rộng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của từng nhóm đối tượng. Mạng lưới cung cấp dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, can thiệp, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh cho mọi phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được duy trì ổn định, các cơ sở sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở Trung ương đã được mở rộng từ 3 cơ sở lên 5 cơ sở theo phân cấp kỹ thuật, điều đó đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân trong thời gian qua. 

Tổ chức bộ máy làm công tác dân số đang được vận hành tương đối đa dạng tại các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, sự biến động, thay đổi thường xuyên về mô hình giữa các tỉnh, thậm chí là ngay mỗi một tỉnh. Điều này ảnh hưởng đến công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành và phối hợp trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, ngân sách phân bổ từ Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn viện trợ giảm mạnh; kinh phí địa phương hỗ trợ không ổn định ảnh hưởng đến việc thực hiện bền vững các chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình mà các địa phương đề ra.

Việc thực hiện giải pháp nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số đã thu được nhiều kết quả lớn. Công tác đào tạo mới và đào lại lại chuyên môn, nghiệp vụ về công tác DS – KHHGĐ được thực hiện thường xuyên. Việc thực hiện giải pháp xã hội hóa, hợp tác liên ngành và hợp tác quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu.

Về thực hiện các mục tiêu: Trong 28 chỉ tiêu nêu trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 có 12 chỉ tiêu trùng với Chiến lược Dân số và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Có một số chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu, nhiều chỉ tiêu chưa có số liệu, một số số liệu liên quan đến nhiều Bộ, ngành cần sớm có báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế có văn bản phối hợp thực hiện, chia sẻ thông tin trong quá trình triển khai thực hiện.

Nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số khuyến nghị về thực hiện nhiệm vụ giải pháp, thực hiện các mục tiêu nhằm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Kết thúc buổi họp, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng đã thảo luận, thống nhất đồng ý nghiệm thu kết quả triển khai hoạt động “Đánh giá thực trạng triển khai Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và kết quả thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020”.

 

Ngày 04/01/2021
Khoa Dân số Phát triển  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.