TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 21  
 
2 7 7 9 0 3 5 2
 
 
Các nghiên cứu khoa học Dân số
Khảo sát, đánh giá thực trạng về chế độ khuyến khích với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số

Khảo sát, đánh giá thực trạng về chế độ khuyến khích với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số

Ths. Nguyễn Văn Tính, Ths. Nguyễn Thị Thanh, Ths. Dương Đức Hưởng, Ts. Nguyễn Văn Hùng, Ths. Vũ Thị Minh Hạnh và cộng sự

Năm công bố 2020
1. Đặt vấn đề
Thực hiện Quyết định số 1619/QĐ-BYT ngày 06/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, để có cơ sở đề xuất các chế độ khuyến khích tinh thần, vật chất đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số; Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Y tế thực hiện hoạt động“Khảo sát, đánh giá thực trạng về chế độ khuyến khích đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số” tại một số địa phương.
2. Mục tiêu 
Mục tiêu 1: Đánh giá thực trạng về chế độ khuyến khích đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ tại một số địa phương.
Mục tiêu 2: Khuyến nghị một số giải pháp về chế độ khuyến khích đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách Dân số trong tình hình mới phù hợp với từng vùng, miền trong cả nước.   
3. Địa bàn khảo sát
Nghiên cứu được thực hiện tại 4 tỉnh: Sơn La, Thái Bình, Thừa Thiên Huế và Long An.
4. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang, sử dụng kết hợp phương pháp thu thập thông tin định lượng và định tính.
Phương pháp định lượng: Phỏng vấn bằng phiếu hỏi các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (18-49 tuổi). 
Phương pháp định tính: Phỏng vấn sâu:   Nhóm hoạch định chính sách của 4 tỉnh, bao gồm: lãnh đạo HĐND, UBND, Sở Y tế, Chi cục Dân số-KHHGĐ, Trung tâm Dân số/Phòng Dân số huyện, chuyên trách Dân số xã. Thảo luận nhóm: Ban chỉ đạo Dân số-KHHGĐ tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã; cộng tác viên dân số; đại diện các cặp vợ chồng tại 4 tỉnh khảo sát.
5. Các phát hiện từ kết quả nghiên cứu 
 Về cơ sở pháp lý. 
Cho đến nay, trong phạm vi cả nước chưa có văn bản nào hướng dẫn chung cho các địa phương thực hiện chính sách khuyến khích đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số. Do đó các địa phương thiếu cơ sở pháp lý để vận dụng khi tham mưu ban hành văn bản về các nội dung,  hình thức cũng như mức độ khen thưởng trên địa bàn.  
 Về các hình thức hỗ trợ, khuyến khích 
Hầu hết các địa phương đang thực hiện hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số theo Luật Thi đua khen thưởng hiện hành. Ngoài ra, việc ban hành chính sách khuyến khích, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác Dân số thường dựa theo bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội và mục tiêu ưu tiên của từng địa phương. Các hình thức khuyến khích, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số tại các tỉnh, thành phố như sau:
 Các hình thức khen thưởng về vật chất và tinh thần đối với tập thể thực hiện tốt chính sách dân số.
Tặng giấy khen, bằng khen, cờ thi đua và tiền thưởng theo quy định của Luật thi đua khen thưởng cho những tập thể thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn.
Xây dựng mô hình không có người sinh con thứ 3 trở lên được khuyến khích khen thưởng bằng hình thức tiền mặt.
 Các hình thức khen thưởng về vật chất và tinh thần đối với cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số.
Đối với đội ngũ cộng tác viên Dân số - KHHGĐ: Hỗ trợ cộng tác viên Dân số - KHHGĐ (hoặc người trực tiếp) vận động và đưa đối tượng đến cơ sở y tế nhà nước thực hiện BPTT thành công; Hỗ trợ phụ cấp hàng tháng cho đội ngũ cộng tác viên Dân số - KHHGĐ; Hỗ trợ mua BHYT cho cộng tác viên Dân số - KHHGĐ
Chính sách khuyến khích vật chất và tinh thần cho người dân: Hỗ trợ cho đối tượng thực hiện các BPTT miễn phí tại các cơ sở y tế công lập của tỉnh, thành phố; Khen thưởng, biểu dương, thực hiện mô hình câu lạc bộ để khuyến khích các cặp gia đình sinh con một bề là gái; Hỗ trợ tiền mặt cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số (thực hiện Nghị định 39/2015/NĐ-CP); Giảm học phí cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; Một số hình thức hỗ trợ cho các đối tượng nhằm nâng cao chất lượng dân số tại địa phương (hỗ trợ khám sức khỏe tiền hô nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh).
 Về nguồn lực đầu tư
Nguồn lực đầu tư cho việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số tại địa phương hiện nay phụ thuộc phần lớn vào ngân sách địa phương. Sự cam kết chính trị thể hiện bằng việc ban hành Nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND sẽ tương ứng với nguồn lực dành cho công tác Dân số - KHHGĐ.
 Về tác động của chính sách khen thưởng, khuyến khích đối với người dân.
Hầu như người dân tại 4 tỉnh khảo sát không biết đến hình thức khen thưởng, khuyến khích các tập thể như thôn, ấp, bản, làng, khu phố  hoặc xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình không sinh con thứ ba trở lên sẽ được khen thưởng bằng khen và tặng thưởng công trình phúc lợi xã hội. Tương tự đối với  hình thức khen thưởng các thôn, xóm, hoặc xã, phường, thị trấn không có trường hợp tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống người dân cũng không biết nhiều (chỉ 3% người dân được hỏi biết hình thức này).
Hình thức hỗ trợ miễn phí dịch vụ đối với người dân thực hiện biện pháp triệt sản tại cơ sở y tế công lập được gần một nửa người dân biết, tuy nhiên chỉ có 2% biết được chăm sóc, điều trị miễn phí tại cơ sở y tế công lập nếu bị tác dụng phụ hoặc tai biến.
Rất ít người dân biết đến hình thức biểu dương, khen thưởng những cặp vợ chồng sinh con một bề là gái học giỏi cam kết không sinh con thứ ba.
Hình thức giảm học phí từ cấp mầm non đến cấp PTTH chỉ duy nhất tỉnh Long An thực hiện đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con cam kết không sinh con thứ ba được 89,30% người dân ở Long An biết.
Hình thức hỗ trợ khám sức khỏe tiền hôn nhân, hoạt động sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh được người dân biết nhiều hơn và rất quan tâm đến những hình thức này.
 Về những khó khăn, bất cập 
Chưa có văn bản hướng dẫn về chính sách khen thưởng dành riêng cho việc khuyến khích thực hiện tốt chính sách dân số tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương cùng triển khai thực hiện.
Nội dung khen thưởng chưa theo kịp với sự điều chỉnh về chính sách Dân số và mức độ biến động về mức sinh trong thực tế; các địa phương đồng nhất đề cao mục đích giảm sinh trong khi hiện đã có khoảng 17 tỉnh đang có mức sinh thấp cần phải khuyến sinh.
Chế tài xử lý đối với những vi phạm về chính sách dân số chưa đủ mạnh, đặc biệt nhóm cán bộ công chức, viên chức, đảng viên là những người làm gương cho người dân noi theo thì có xu hướng sinh con thứ ba tăng.
Việc quán triệt phổ biến về các hình thức khen thưởng đến với cộng đồng dân cư còn chưa được chú trọng đúng mức; hoạt động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chưa được quan tâm; nguồn lực thực hiện không ổn định và rất hạn chế …
Tổ chức bộ máy làm công tác Dân số - KHHGĐ không ổn định những năm gần đây nhất là tại tuyến cơ sở (huyện, xã và thôn bản) là một thách thức lớn đối với việc triển khai chính sách khen thưởng, khuyến khích tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách Dân số.  
6. Khuyến nghị
 Ban hành văn bản pháp lý về khuyến khích thực hiện tốt chính sách dân số để thực hiện đồng nhất trong cả nước.
Tổng cục Dân số - KHHGĐ cần khẩn trương tham mưu với Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn chính sách khuyến khích thực hiện tốt chính sách Dân số tạo dựng cơ sở pháp lý để các địa phương áp dụng thống nhất về đối tượng, nội dung, hình thức, mức độ khen thưởng. Thông tư cần đề cập đến các nội dung khen thưởng về việc chấp hành các biện pháp trong kiểm soát mức sinh bao gồm cả giảm sinh và khuyến sinh tùy theo mức sinh trong thực tế tại từng địa phương; về các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số; việc lồng ghép biến dân số trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương…  Về đối tượng thụ hưởng chính sách là những tập thể, cá nhân không thuộc diện hưởng lương của nhà nước. Về hình thức và mức độ khen thưởng Thông tư cần đề cập đến những nguyên tắc chung và khuyến khích các địa phương linh hoạt áp dụng phù hợp với bối cảnh thực tiễn. Đặc biệt Thông tư cũng cần phải quy định về phương thức tạo nguồn bền vững và hợp pháp giúp thực thi có hiệu lực các chính sách này.
 Các hình thức khen thưởng, khuyến khích trong văn bản pháp lý của Trung ương mang tính hướng dẫn, các địa phương áp dụng linh hoạt dựa vào bối cảnh kinh tế - xã hội, mức sinh của từng tỉnh, từng vùng miền.
- Các hình thức khen thưởng, khuyến khích và hỗ trợ có thể áp dụng trong cả nước:
Thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng hiện hành; Hỗ trợ phụ cấp hàng tháng cho đội ngũ cộng tác viên Dân số- KHHGĐ; Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho cộng tác viên Dân số - KHHGĐ; Giảm học phí cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Tùy theo địa phương có thể áp dụng tỷ lệ giảm học phí phù hợp với ngân sách cân đối của từng tỉnh, tp; Hỗ trợ cho một số hoạt động nâng cao chất lượng dân số (khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh); Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 102-QĐ/TW  về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách Dân số.
- Các hình thức khen thưởng, khuyến khích và hỗ trợ có thể áp dụng đối với những tỉnh, thành phố có mức sinh cao (TFR lớn hơn 2,3):
Tiếp tục thực hiện mô hình không có người sinh con thứ ba trở lên được khen thưởng bằng việc tặng giấy khen và hiện vật là xây dựng công trình phúc lợi cho cộng đồng; Tiếp tục thực hiện mô hình không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với những địa bàn vẫn còn xảy ra các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Tiếp tục phát huy hình thức đưa chỉ tiêu sinh con thứ ba, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào hương ước làng, xã, thôn bản để thực hiện.
- Các hình thức khen thưởng, khuyến khích và hỗ trợ có thể áp dụng đối với những tỉnh, thành phố có mức sinh rất thấp (TFR dưới 1,6):
Các gia đình sinh đủ hai con được ưu tiên cho vay vốn để phát triển SX & mua nhà ở xã hội; Xây dựng và phát triển các dịch vụ trông giữ trẻ; Ban hành chế độ khi phụ nữ mang thai được nghỉ làm trong những ngày đi khám thai và sử dụng các dịch vụ liên quan đến chăm sóc thai sản, sinh đẻ và nuôi con nhỏ; Hỗ trợ chi phí khám bệnh, giá sữa, giá dịch vụ vui chơi giải trí  trẻ em là con thứ 2 trong gia đình; Hỗ trợ chi trả toàn bộ hay một phần dịch vụ liên quan đến thai sản (khám thai, sinh con, các dịch vụ sàng lọc v.v...) cho các cặp vợ chồng sinh con thứ 2;  Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ  tiền thuê nhà trong vòng 1 năm cho các cặp vợ chồng sinh con thứ 2.
 Các tỉnh, thành phố cần tăng cường truyền thông, quảng bá sâu rộng về các hình thức khuyến khích, khen thưởng đến với người dân tạo động lực để cộng đồng cùng chung sức thực hiện.
 Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách này trong thực tế để kịp thời điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu lực thực thi góp phần thúc đẩy chương trình Dân số phát triển của các địa phương cũng như cả nước.
 

Ngày 24/05/2021
Khoa Dân số Phát triển  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.