TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 28  
 
2 7 7 5 9 4 4 2
 
 
Tin tức
Kinh nghiệm của một số nước trong huy động và giữ chân bác sỹ làm việc ở nông thôn

Thiếu hụt nhân lực y tế làm việc ở nông thôn, đặc biệt bác sỹ là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế kể cả ở các nước phát triển và đang phát triển. Sự thiếu hụt này không chỉ gây nên tình trạng mất công bằng trong phân bố nhân lực, mà còn ảnh hưởng đến sự công bằng trong tiếp cận với các dịch vụ y tế ở cơ sở. Để đảm bảo công bằng, hiệu quả và phát triển của hệ thống y tế, các nước thường cố gắng ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện của nước mình. Trong bài này xin được giới thiệu một số chính sách đang được áp dụng tại một số nước để huy động và giữ chân bác sỹ làm việc ở nông thôn.

1/ Chế độ nghĩa vụ bắt buộc theo sự phân công của nhà nước

Để có một cơ số bác sỹ nhất định làm việc ở nông thôn, hiện nay một số nước đang thực hiện chính sách nghĩa vụ phục vụ bắt buộc trong hệ thống y tế công theo sự phân công của nhà nước. Tại Indonesia, từ nhiều năm nay nhà nước đã có chiến lược phát triển nguồn nhân lực y tế. Năm 1992 bắt đầu thực hiện chính sách bắt buộc sinh viên y khoa tốt nghiệp làm việc trong khu vực y tế công theo phân công từ 1 đến 5 năm sau tốt nghiệp. Sau này, thời gian trên được rút xuống còn 3 năm. Nhà nước có chương trình ký hợp đồng 3 năm với bác sỹ, theo đó bác sỹ làm việc ở nông thôn được hưởng lương cao hơn nhiều so với làm việc tại thành phố. Phục vụ trong y tế công được xem như điều kiện tiên quyết để được cấp phép hành nghề y tư nhân.

 

Tại Kyrgyzstan: chính phủ đã ban hành chính sách làm việc 3 năm ở nông thôn sau tốt nghiệp. Hiện nhà nước đang xem xét điều chỉnh chính sách này. Tại Oman: Hiện còn đang thực hiện chính sách nghĩa vụ bắt buộc đối với sinh viên y khoa tốt nghiệp. Ở Thái lan, từ năm 1972, tất cả bác sỹ mới tốt nghiệp phải ký hợp đồng làm việc 3 năm ở khu vực y tế công, đặc biệt là ở nông thôn. Những trường hợp không thực hiện nghĩa vụ trên, sẽ phải bồi hoàn phí đào tạo (khoảng 10 000 $). Những cán bộ y tế được tuyển chọn và đào tạo bằng ngân sách của địa phương, không được cấp chứng nhận hành nghề tư và phải trở về địa phương làm việc sau tốt nghiệp. Tại Myanmar, trước kia bác sỹ tốt nghiệp được hành nghề tư sau khi đã có 3 năm phục vụ trong khu vực y tế công, trong đó có một thời gian làm việc ở nông thôn. Từ năm 1994 nhà nước đã ban hành quy chế đối với bác sỹ tốt nghiệp, theo đó mỗi sinh viên có 2 lựa chọn sau:

Hoặc làm việc 3 năm ở các vùng xa thành phố lớn với tư cách là cán bộ nhà nước tạm thời. Hết thời hạn trên có thể ra làm ở cơ sở y tế tư hoặc ra nước ngoài làm việc nếu muốn, hoặc

Nếu làm việc trong hệ thống y tế công lâu dài, thì có thể tiếp tục học lên sau 2 năm làm việc; nếu làm việc ở vùng nông thôn thì được điểm ưu tiên trong lựa chọn tham gia học sau đại học

 

Philippines: Chính sách bắt buộc phục vụ y tế công vẫn được áp dụng nhưng cũng đã có một số thay đổi. Chương trình lồng ghép quốc gia như "Chương trình bác sỹ làng xóm", theo đó bác sỹ được hưởng mức lương cao hơn nhiều so với bác sỹ ở trung tâm.

 

2/ Mở rộng đối tượng đào tạo

Đào tạo nhiều hơn một số chức danh y tế khác bù lại sự thiếu bác sỹ cho các vùng chưa huy động đựơc bác sỹ (ở Botswana)

 

3/ Tuyển chọn bác sỹ từ các nước khác

Fiji, Oman, Angola, Angeri…đã áp dụng chính sách tuyển dụng các bác sỹ người nước ngoài để bù đắp khoảng thiếu bác sỹ trong nước, đặc biệt ở nông thôn. Cách này được xem như chiến lược tạm thời trong lúc chưa đào tạo đủ bác sỹ và các chức danh ngành y khác để phục vụ trong hệ thống y tế.

 

4/ Khuyến khích động viên bằng lương

Chile: tăng các chế độ khuyến khích bằng lương cho bác sỹ làm việc ở nông thôn. Philippine trả lương bác sỹ làm việc ở nông thôn cao hơn nhiều so với ở thành thị. Thái lan: thu nhập hàng tháng của bác sỹ mới tốt nghiệp làm việc ở nông thôn (bệnh viện huyện): 890 Bath, ở vùng sâu: 1080 – 1330 Bath; làm việc ở bệnh viện tỉnh: 830 Bath.

 

5/ Cho vay tiền học/ cấp học bổng có điều kiện dành cho sinh viên y khoa: Đây là biện pháp khá phổ biến và đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước. Theo đó người nhận học bổng sẽ được hỗ trợ tiền học và sinh hoạt trong thời gian học, song phải có nghĩa vụ làm việc theo sự phân công của nơi đã cấp kinh phí học. Nơi làm việc sau tốt nghiệp thường là các vùng sâu, vùng xa, vùng còn bị nhiều thiệt thòi trong tiếp cận với các dịch vụ y tế.

 

Tại Mỹ: Tập đoàn dịch vụ y tế đã cấp học bổng cho sinh viên học chuyên ngành CCSKBĐ, đổi lại sinh viên sẽ phải làm việc bắt buộc tối thiểu 2 năm sau tốt nghiệp theo phân công. Tại Trung tâm Sức khỏe nông thôn (bang Illinois) có Chương trình học bổng cho sinh viên y khoa (bác sỹ gia đình, nội khoa, nhi đa khoa và sản). Sinh viên tốt nghiệp chọn nơi phù hợp với mình trong số các nơi được giới thiệu. Các tổ chức và Hiệp hội phi thương mại cấp học bổng y học quốc gia (NMF) hỗ trợ cho bác sỹ người dân tộc. Có Chương trình của Cục Nhân lực y tế và Quản lý dịch vụ CSSKBĐ về tăng cường tuyển chọn, giữ chân các thầy thuốc lâm sàng có trách nhiệm với cộng đồng, có chuyên môn CSSKBĐ ở những vùng còn đang thiếu bác sỹ. Mức lương được trả theo thoả thuận với bác sỹ.

 

Tại Ấn độ: Chương trình học bổng CSSKBĐ làm việc tại các vùng chưa đáp ứng về y tế hoặc các vùng còn thiếu bác sỹ. Các vùng này được Bộ Y tế Ấn độ chọn. Học bổng gồm có phí đào tạo và lệ phí cho mỗi sinh viên trong 4 năm. Mỗi năm được cấp học bổng tương đương với một năm phục vụ bắt buộc ở các vùng trên. Sinh viên có quyền lựa chọn chỗ theo danh sách. Các lĩnh vực chuyên môn có thể đăng ký học là bác sỹ gia đình, bác sỹ đa khoa nội, nội nhi.

 

6/ Một số giải pháp khác

 

Thái lan: song song với chế độ lương hấp dẫn, Nhà nước đã đầu tư cải thiện mạnh mẽ hạ tầng cho nông thôn. Ngoài ra, nhiều nơi còn thực hiện chế độ ghi danh những người cống hiến nhiều năm ở nông thôn và mời họ nói chuyện tại một số trường y có uy tín.

Oman: Cải thiện điều kiện làm việc và chuẩn hoá lại định biên, đồng thời đã nâng cấp trang thiết bị y tế ở cơ sở.

 

Đối với các nước chưa thực hiện các chính sách thu hút bác sỹ đồng bộ, sự mất cân bằng rõ rệt về phân bố nguồn nhân lực y tế là điều không tránh khỏi. Thí dụ, tại Bangladesh, 75% dân sống ở nông thôn, nhưng tỷ lệ cán bộ y tế chỉ dưới 20%. Tỷ lệ bác sỹ ở thành phố là 1:1 500 người, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 1:15 000 người. Tại Cămpuchia, Pnômpênh có dân số chiếm 9,5% nhưng tập trung 54% số bác sỹ; các vùng còn lại có gần 91% dân số nhưng chỉ có 46% bác sỹ. Tại Trung quốc, gần 70% cán bộ y tế ở thành thị phục vụ cho 30% số dân; 30% số cán bộ y tế ở khu vực nông thôn phục vụ cho 70% dân số. Số bác sỹ có trình độ chuyên môn cao làm việc ở nông thôn đã giảm 80% trong vòng 20 năm qua. Từ 1989 – 1999, tỷ lệ giảm nhân lực y tế hằng năm là 2,9%. Tại Việt nam, 17% bác sỹ xã phục vụ 73% dân số ở nông thôn.

 

Lời kết: Một hệ thống y tế chỉ có thể đạt được công bằng, hiệu quả và phát triển nếu từng yếu tố cấu thành của hệ thống cũng đạt được công bằng, hiệu quả và phát triển. Phát triển nguồn nhân lực y tế, trong đó có các chính sách phù hợp huy động bác sỹ làm việc ở nông thôn là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp tới công bằng, hiệu quả và phát triển của hệ thống y tế. Đó là lựa chọn duy nhất cho mỗi nước.

Ngày 30/01/2008
PGS.TS. Nguyễn Bạch Ngọc  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.