Một việc nhỏ nhưng đầy trăn trở
Báo Nhân Dân ngày 2-7-2012 trong bài "Trẻ em dưới 6 tuổi tạm trú cần được cấp thẻ BHYT" đã phản ánh theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh từ ngày 1-7-2012 đối tượng được cấp thẻ BHYT là trẻ dưới 6 tuổi có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh; giao các cơ quan liên quan rà soát, thu hồi các thẻ BHYT cấp sai đối tượng (trẻ tạm trú). Như vậy những trẻ dưới 6 tuổi, con của gia đình tạm trú sẽ không được cấp thẻ BHY tại TP Hồ Chí Minh. Chưa biết đâu là cơ sở của quyết định này. Thiết nghĩ mặc dù đã có văn bản quy định nhưng để các cháu khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế là điều tất cả những người làm chính sách đều luôn phải suy nghĩ. Dưới đây xin giới thiệu một câu chuyện của xảy ra ở nước Anh do chính người trong cuộc kể lại. Trông người lại ngẫm đến ta !

MỘT VIỆC NHỎ NHƯNG ĐẦY TRĂN TRỞ
Cách đây đứng một tuần (ngày 15 tháng 6 năm 2012), tôi và gia đình đi du lịch tại Anh. Lúc này Luân Đôn vẫn còn giá lạnh, chỉ khoảng 10 độ C. Đứa cháu ngoại của tôi mới 4 tuổi rưỡi, chẳng may bị cảm, sốt cao và rét run. Trời đã tối, tôi lo lắng, vừa vì nhớ đến câu các cụ dậy “xảy nhà ra thất nghiệp”, vừa sợ hãi vì ở nơi “đất khách quê người” biết đâu ban đêm cháu sốt cao, co giật thì làm thế nào. Tôi đành mang cháu đến bệnh viện xem sao. Nơi tôi đưa cháu đến là bệnh viện quận Chelsea, địa danh có sân bóng đá nổi tiếng của The Blue. Sau khi đăng ký thủ tục, một cô điều dưỡng ra gặp tôi. Cô chào và giới thiệu tên cùng chức danh của cô, rồi mời tôi đem cháu vào để gặp bác sỹ. Bà bác sỹ nom thấy ông cháu tôi là người nước ngoài liền hỏi chúng tôi từ đâu đén và có phải là đang đi nghỉ không. Bà cũng giới thiệu tên và cười với cháu, vuốt ve cháu để làm quen. Ban đầu cháu tôi sợ hãi, nép chặt người vào ông ngoại, nhưng dần dần nó nhìn và cười với bà. Thế rồi bà bắt dầu hởi và khám bệnh. Những động tác tỏ ra rất nhẹ nhàng, âu yếm nhưng rất dứt khoát. Những điều này cũng không lạ lắm với tôi vì ỏ Việt Nam đôi lần tôi cũng đã dẫn cháu đi khám bệnh. Những cái lạ nhất với tôi là khi bà khám bệnh xong, tôi cảm ơn bà và hỏi: ”thưa bác sỹ, tôi phải trả bao nhiêu tiền cho cuộc khám này?”. Bà bác sỹ trợn tròn mắt ngạc nhiên, nhưng chắc bà hiểu ngay câu hỏi ấy của tôi là câu hỏi của một người từ nước khác đến nước Anh. Bà nắm lấy tay tôi và nói: “Ở nước tôi, tất cả trẻ em kể cả trẻ đến đây du lịch nếu bị bệnh đều được khám và cho thuốc miễn phí”. Trước lúc đi đến bệnh viện tôi đã nói gia đình chuẩn bị tiền để trả, tôi còn phỏng đoán chắc cũng phải trả đến trăm Bảng vì ở Anh giá cái gì cũng đắt đỏ hơn nước khác. Khi nghe bà bác sỹ nói như vậy, tôi ngạc nhiên và cảm động. Ngạc nhiên và cảm động chẳng vì không phải trả tiền mà vì sao lại thế nhỉ. Đứng ở bệnh viện "nước người" nhất là những lúc khó khăn, đêm tối mà lại nghĩ miên man về y tế ở “xứ mình”! Một giọt nước mắt lăn trên gò má tôi. Tôi cúi người và cảm ơn bà bác sỹ nước Anh.
Chưa hết. Cầm đơn thuốc mà bà bác sỹ đưa cho tôi. Tôi giật mình: bà ấy cho cháu thuốc Phenoxymethyl penicilin. Ra đến cửa phòng, con gái tôi xem đơn thuốc. Tuy cháu không phải bác sỹ nhưng cháu bảo tôi: ”Bố ơi, thuốc này ở ta không sài chục năm nay rồi, sao lại cho thuốc này??? Đơn của bà bác sỹ cùng câu hỏi của cháu làm cho tôi lại suy nghĩ miên man và trong đầu cứ lần lượt đặt ra câu hỏi như một dây chuyền: nào là “ tại sao nước Anh vẫn dùng penicilin (kháng sinh thế hệ 1) mà ta cứ thích dùng kháng sinh thế hệ 3? Hay ta chơi sang hơn nước bạn??”, nào là ta đánh vi khuẩn bằng “tên lửa”, còn bạn đánh vi khuẩn bằng “súng trường”, tại sao nhỉ??”, nào là “nhỡ vi khuẩn kháng lại tên lửa, thì ta biết lấy gì để đánh chúng?”, phải chăng người dân các nước nghèo như ta cứ trở thành “vật thí nghiệm” cho các hãng thuốc lớn thử nghiệm các loại kháng sinh mới, còn dân nước họ vẫn dùng kháng sinh kinh điển??, và ở ta còn quan tâm chiến lược dùng vũ khí nào đánh vi khuẩn không hay cứ nhập kháng sinh bừa???? Vài nỗi tâm sự trong một chuyến đi. Nói một cách chính thống chưa chắc đã động lòng các nhà làm chính sách, viết chuyện trải lòng may ra lại có ích. Thôi đang đi du lịch, mà nghĩ chuyện đau đầu như thế thì làm sao xem được cảnh đẹp của xứ người. Cho phép tôi dừng ở đây. Luân Đôn ngày 18 tháng 6 năm 2012.
|