TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 45  
 
2 7 7 9 2 4 7 1
 
 
Các nghiên cứu khoa học Cung ứng dịch vụ y tế
NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG QUẢN LÝ SỬ DỤNG MỘT SỐ THIẾT BỊ Y TẾ Ở BỆNH VIỆN ĐA KHOA CÔNG LẬP CÁC TUYẾN

NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG QUẢN LÝ SỬ DỤNG MỘT SỐ THIẾT BỊ Y TẾ Ở  BỆNH VIỆN ĐA KHOA CÔNG LẬP CÁC TUYẾN


Khương Anh Tuấn, Nguyễn Thị Minh Hiếu, Trịnh Ngọc Thành, Mai Xuân Thu,

Nguyễn Minh Tuấn, Lê Thanh Hải, Bùi Việt Dũng, Lê Hồng Hải và cs


Năm công bố: 2020

Nơi công bố: Viện Chiến lược và Chính sách Y tế

1. Đặt vấn đề

Tại Việt Nam, việc gia tăng nhanh chóng số lượng, chủng loại thiết bị y tế (TBYT) phần nào dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý TBYT tại các cơ sở y tế. Chính phủ, các bộ ngành có liên quan đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện quản lý đối với TBYT. Tuy nhiên, hành lang pháp lý vẫn còn chưa đầy đủ, thiếu những quy định hướng dẫn cụ thê. Nhằm cung cấp thêm thông tin để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, điều chỉnh, bổ sung các các văn bản hướng dẫn trong quá trình sử dụng TBYT, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu thực trạng quản lý sử dụng một số thiết bị y tế ở bệnh viện đa khoa công lập các tuyến”.

2. Mục tiêu nghiên cứu: 

- Mô tả thực trạng quản lý thiết bị y tế trong quá trình sử dụng tại các bệnh viện đa khoa công lập các tuyến.

- Tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến quản lý thiết bị y tế trong quá trình sử dụng tại các bệnh viện đa khoa công lập các tuyến.

- Đề xuất giải pháp về chính sách và tổ chức thực hiện.

3. Địa bàn nghiên cứu:

Nghiên cứu được thực hiện tại 03 tỉnh là: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế và Cần Thơ.

4. Phương pháp nghiên cứu:

Nghiên cứu mô tả cắt ngang, sử dụng kết hợp cả 2 phương pháp định lượng và định tính trong thu thập thông tin.

- Phương pháp định lượng: Thu thập số liệu sẵn có bằng biểu mẫu thống kê. Đánh giá thực trạng quản lý TBYT của bệnh viện thông qua quan sát có sử dụng bảng kiểm đối với 10 nhóm TBYT đã được lựa chọn trước. 

- Phương pháp định tính: Phỏng vấn sâu đại diện cơ quan quản lý tuyến TW và tuyến tỉnh. Thảo luận nhóm lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo các khoa, phòng.Thảo luận nhóm các các cán bộ trực tiếp tham gia quản lý và sử dụng TBYT. 

5. Các kết quả nghiên cứu chính

Thực trạng quản lý và đảm bảo kỹ thuật TBYT trong quá trình sử dụng: Nghiên cứu được thực hiện đối với 10 nhóm TBYT thiết yếu, tổng số có 661 TBYT được đánh giá khảo sát trực tiếp. Kết quả cho thấy:

Mua sắm đấu thầu: Việc xác định nhu cầu đầu tư chủ yếu dựa trên năng lực của đơn vị, hầu hết các đơn vị không thực hiện các khảo sát nhu cầu, không có nguồn số liệu thống kê y tế và cũng không có thông tin về phân bố TBYT trên toàn tỉnh để làm cơ sở để cân nhắc đầu tư. Có những đơn vị tuy đã có đủ điều kiện nhưng lại chưa thu xếp được nguồn mua sắm. Nhiều đơn vị lại khó khăn trong việc lựa chọn cấu hình, công nghệ và tìm hiểu giá của TBYT do thiếu thông tin để đánh giá, kiểm chứng. 

Tiếp nhận, kiểm kê: Nhiều bệnh viện vẫn coi công tác kiểm kê, theo dõi TBYT như các tài sản thông thường khác nên giao cho những bộ phận không có nghiệp vụ hoặc giao luôn trách nhiệm quản lý theo dõi cho khoa. Trong số 661 TBYT được khảo sát có khoảng trên 10% không có số liệu đầu vào và trên 17% không được kiểm kê theo dõi hàng năm. Biểu mẫu thống kê chưa thống nhất giữa các bệnh viện, chủ yếu là bệnh viện tự xây dựng biểu mẫu, sổ sách, phần mềm khác nhau và các thông số, dữ liệu kiểm kê theo dõi cũng khác nhau. Chỉ có 3% số TBYT được ghi danh pháp quốc tế, 14% có thông số kỹ thuật, và 0,3% có thông tin nhận dạng định vị TBYT. 

Theo dõi hoạt động của TBYT: Sổ sách theo dõi quá trình sử dụng TBYT do các khoa ghi chép, có khoảng 45% các TBYT được theo dõi về độ ẩm, nhiệt độ môi trường, 70% có ghi chép tình trạng trước và sau khi sử dụng và 65% ghi chép tình trạng sau sửa chữa. Tuy nhiên việc ghi chép này chủ yếu tập trung vào một vài nhóm TBYT sử dụng cho bệnh nhân nặng như máy thở, máy thận nhân tạo, hệ thống nội soi. Nguyên nhân chính là do chưa có các hướng dẫn chi tiết các thông số cần theo dõi nên các đơn vị gặp lúng túng trong thực hiện. 

Hiệu chuẩn TBYT: Tỷ lệ TBYT được hiệu chuẩn định kỳ tại 12 bệnh viện khảo sát vẫn còn thấp, đạt khoảng 37%. Thực tế chỉ có một số ít các TBYT (máy thận nhân tạo) được hiệu chuẩn sau sửa chữa vì thường những máy này do hãng đặt nên được hãng chịu trách nhiện sửa chữa và hiệu chuẩn. Lý do chính không thực hiện hiệu chuẩn là do chưa có quy định bắt buộc. 

Kiểm định TBYT: Qua khảo sát chỉ khoảng 63,6% máy X-quang và 53,3% máy CT Scanner được kiểm định định kỳ. Kiểm tra hồ sơ kiểm định cho thấy rất nhiều TBYT có cấp giấy chứng nhận nhưng không được dán tem kiểm định trên thân máy theo đúng quy định.

Khử nhiễm: Có trên 96% TBYT được khử nhiễm sau khi sử dụng cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm. Hầu hết các bệnh viện đều trả lời không biết cách hoặc không thực hiện khử nhiễm hóa chất. 

Thanh lý: Thực tế các bệnh viện không thực hiện hủy TBYT mà chỉ là thanh lý sau khi TBYT hỏng hóc và hết khấu hao. Trách nhiệm thanh lý TBYT thuộc phòng Tài chính – Kế toán. Những TBYT nhiễm kim loại nặng, hóa chất độc hại....hiện nay chưa có quy định nên vẫn thực hiện thanh lý như các TTBYT và tài sản khác.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động quản lý TBYT tại bệnh viện

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Qua tổng quan văn bản pháp quy, hầu hết các hoạt động quản lý, đảm bảo kỹ thuật TBYT trong quá trình sử dụng đã được quy định trong các VBQPPL các cấp từ luật đến nghị định, thông tư, quyết định. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu các quy định cụ thể về phân công trách nhiệm, phân loại, quy định về thời hạn sử dụng TBYT cũng như vật tư linh kiện đi kèm. 

Tổ chức bộ máy, nhân lực và đào tạo quản lý TBYT tại bệnh viện: Công tác quản lý TBYT hiện có nhiều đầu mối khoa phòng, cán bộ khác nhau và chịu trách nhiệm quản lý chung là Phòng/Tổ Vật tư-TTBYT. Nguyên nhân là do chưa có văn bản hướng dẫn nên số lượng nhân lực hoàn toàn dựa trên quyết định của lãnh đạo bệnh viện. Về trình độ nhân lực, Việt Nam hiện chưa có yêu cầu bằng cấp cho vị trí này. Qua thống kê ở bệnh viện tuyến TW và tuyến tỉnh, gần như toàn bộ nhân lực phòng Vật tư - TTBYT đã được đào tạo đúng chuyên ngành (kỹ thuật y sinh/điện tử y sinh) hoặc các chuyên ngành gần (tự động hóa, điện tử viễn thông, điện) phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn quản lý, đảm bảo kỹ thuật TBYT. Ở tuyến huyện, tỷ lệ này rất thấp chỉ chiếm khoảng một nửa. Khảo sát thực tế, một số bệnh viện tuyến huyện còn giao cho dược sĩ, dược tá, thậm chí là kế toán phụ trách quản lý TTBYT. Chỉ có khoảng 80% cán bộ của phòng/tổ Vật tư-TTBYT và chưa đến 50% cán bộ phụ trách TBYT tại Khoa từng được đào tạo liên tục hoặc tập huấn về quản lý TBYT. Nội dung được đào tạo chủ yếu là về cách vận hành, theo dõi và bảo dưỡng, sửa chữa đơn giản TBYT.

Chỉ có 21,7% cán bộ biết hướng dẫn của nhà sản xuất là căn cứ để thực hiện hiệu chuẩn; 51,7% số cán bộ biết cần hiệu chuẩn sau khi sửa chữa lớn. 

6. Khuyến nghị

- Bộ Y tế cần tiếp tục thực hiện rà soát bổ sung, sửa đổi các văn bản quy định và hướng dẫn hiện hành về quản lý TBYT, xem xét sửa đổi, bổ sung các định nghĩa có liên quan đến việc phân định phạm vi quản lý TBYT phù hợp với đặc thù của các loại TBYT, cụ thể là với Nghị định 36/2016/NĐ-CP thì bổ sung định nghĩa về TBYT theo WHO và thông lệ quốc tế. Cần có văn bản quy định rõ hơn về phân loại TBYT theo cả mục đích sử dụng gắn với tiêu chí phân loại nguy cơ, đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện. 

- Tiếp tục xây dựng và ban hành quy định về quản lý TBYT trong quá trình sử dụng bao gồm: (i) Xác định nhu cầu sử dụng, (ii) Mua sắm/nhận tài trợ TBYT, (iii) Kiểm kê TBYT, (iv) Theo dõi hiệu quả hoạt động và an toàn của TBYT; (v) Bảo dưỡng TBYT; (vi) Hiệu chuẩn và kiểm định TBYT, (vii) Khử nhiễm TBYT, (viii) Xử lý TBYT khi hết hạn sử dụng, (ix) Ứng dụng CNTT để quản lý TBYT. Đây là các nội dung quản lý mang tính nguyên tắc và đã được quốc tế khuyến cáo và áp dụng. Trong nội dung lập kế hoạch mua sắm cần cần quan tâm tới hướng dẫn lập kế hoạch mua sắm các kinh kiện, thiết bị ngoại vi thay thế định kỳ để dự trữ với số lượng nhất định để các BV có thể chủ động trong việc duy trì tình trạng hoạt động liên tục. 

Với từng nội dung quản lý cần cụ thể  hóa một số chỉ số, thông tin cụ thể phù hợp với từng nhóm TBYT, đặc biệt là các chỉ số liên quan tới tình trạng kỹ thuật và sự an toàn của TBYT. Với loại TBYT chủ động (thiết bị y tế cần người vận hành, thiết bị XN) cần có các chỉ số, thông tin sau vào hồ sơ theo dõi quản lý: số năm TBYT hoạt động kể từ khi đưa vào sử dụng, thời gian TBYT ngừng hoạt động, thông tin về giới hạn thời gian bảo dưỡng và thay thế linh kiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, thông tin lịch sử vận hành, thông tin về sự cố liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật-an toàn, số lần hiệu chỉnh/bảo dưỡng, nội dung hiệu chỉnh/bảo dưỡng/thay thế linh kiện, số lần và nội dung sửa chữa.

- Cần có quy định cụ thể về thông tin báo cáo, tích hợp dữ liệu với hệ thống thống kê TBYT quốc gia để các BV chủ động xây dựng phần mềm quản lý tích hợp với hệ thống quản lý bệnh viện. 

- Ban hành quy định và hướng dẫn cụ thể về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, yêu cầu năng lực và các chính sách có liên quan cho nhân lực thuộc lĩnh vực quản lý TBYT.

- Nghiên cứu cơ chế tài chính, điều chỉnh cho phù hợp đối với hoạt động sửa chữa, bảo trì, thay thế linh kiện cho TBYT.

 

 

Ngày 02/07/2021
Khoa Quản lý Dịch vụ Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.