TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 97  
 
2 7 6 0 8 7 0 2
 
 
Các nghiên cứu khoa học Quản lý điều hành
NGHIÊN CỨU ĐIỀU TRA CHỈ SỐ PHỤC VỤ CHIẾN LƯỢC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2020

NGHIÊN CỨU

ĐIỀU TRA CHỈ SỐ PHỤC VỤ CHIẾN LƯỢC CHƯƠNG TRÌNH

MỤC TIÊU QUỐC GIA 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2020

 

Vũ Thị Minh Hạnh và cộng sự

 

Nơi công bố: Bộ Y tế

Năm công bố: 2008

 

Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2001-2005. Đề xuất một số giải pháp định hướng cho chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006- 2010 và tầm nhìn đến 2020.

Đối tượng nghiên cứu: Những nhóm xã hội có liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia (CTMTYTQG) giai đoạn 2001-2005 gồm Nhóm cán bộ lãnh đạo quản lý, nhóm triển khai thực hiện và nhóm hưởng lợi.

Phương pháp nghiên cứu:

Phương pháp nghiên cứu kết hợp phân tích số liệu thứ cấp kết hợp với thu thập thông tin bằng biểu mẫu thống kê và điều tra bằng bộ câu hỏi bán cấu trúc được áp dụng cho tất cả các xã phường của 64 tỉnh/TP trong cả nước. Ngoài ra, phương pháp nghiên cứu định tính (phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm) và các phương pháp nghiên cứu định lượng (Điều bằng bảng hỏi đối với hộ gia đình, và cán bộ y tế) đã được kết hợp thực hiện trong quá trình triển khai đánh giá.

Địa bàn nghiên cứu:

Địa bàn điều tra thu thập số liệu định lượng: tất cả các xã/phường của 64 tỉnh/thành phố.

Địa bàn đánh giá nhanh thu thập thông tin định tính và điều tra hộ gia đình tại 48 xã/ phường của 24 huyện/thị, ở 8 tỉnh/thành phố thuộc 8 khu vực địa lý trong cả nước gồm: Lào Cai, Điện Biên, Nam Định, Nghệ An, Đăk Lăk, TP Đà Nẵng, Tây Ninh, Cà Mau.

Kết quả nghiên cứu

•Một số chương trình đã nhận được sự cam kết chính trị tương đối mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, Chính quyền; sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội; sự nhiệt tình hưởng ứng của đại bộ phận dân cư và đặc biệt là sự ủng hộ rất có ý nghĩa về kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức Quốc tế.

•Hành lang pháp lý để triển khai thực hiện các CTMTYTQG đã từng bước được xác lập và ngày càng hoàn thiện.

•Mỗi CTMTYTQG đều đã thiếp lập được sự quản lý, chỉ đạo và điều hành thống nhất từ trung ương đến địa phương dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc.

•Từng CTMTYTQG đều đã hình thành và ngày càng mở rộng được mạng lưới tham gia triển khai thực hiện ở các tuyến từ trung ương đến tận thôn bản với sự tham gia liên ngành trong đó ngành y tế giữ vai trò chủ đạo.

•Nhận thức và hành vi thực hành của người dân đối với các CTMTYTQG đã ngày càng được nâng cao thông qua các chỉ số kiến thức về tác hại của bệnh dịch, các đường lây, nguyên nhân lây, cách phòng ngừa và kỹ năng phòng ngừa...

•Các dịch bệnh nguy hiểm thuộc CTMTYTQG đã được khống chế hoặc đang từng bước được đẩy lùi. Tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ngày càng giảm trong khi tỷlệ mắc các bệnh không lây ngày một gia tăng.

•Tuy nhiên, bộ máy tổ chức chỉ đạo thực hiện của nhiều CTMTYTQG tại các tuyến đặc biệt là tại các địa phương còn cồng kềnh, mang nặng tính hình thức và hiệu quả hoạt động thấp. Bộ phận chuyên trách của các CTMTYTQG hoặc chưa có hoặc chưa đủ mạnh để phát huy vai trò điều phối trong tổ chức thực hiện.

•Cơ cấu phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực hoạt động của từng chương trình chưa hợp lý. Định mức chi tiêu quá thấp và lạc hậu hơn nhiều so với biến động của thực tế.

•Nhân lực tham gia triển khai các CTMTYTQG ở các tuyến đều thiếu và yếu về trình độ chuyên môn, không được thường xuyên đào tạo nâng cao về chuyên môn, đội ngũ cán bộ không ổn định, chính sásh đãi ngộ dành cho cán bộ công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng còn nhiều bất cập.

•Hệ thống báo cáo, số liệu trong giám sát triển khai thực hiện cũng như giám sát tình hình dịch của các CTMTYTQG hiện còn rất nhiều bất cập chưa đảm bảo tính cập nhật cũng như tính chính xác.

•Thuốc và trang thiết bị của một số chương trình MTYTQG còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu triển khai thực hiện. Cơ chế cấp phát và bảo quản vật tư trang thiết bị cũng như thuốc, sinh phẩm của một số chương trình còn bất cập.

•Việc triển khai các CTMTYTQG hiện đang gặp nhiều khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hiệu quả triển khai tại những khu vực này còn thấp.

•Sự chuyển đổi trong nhận thức và hành vi thực hành phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm của cộng đồng chưa bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu của từng CTMTYTQG.

•Một số CTMTYTQG trong giai đoạn 2001-2005 chưa đạt được kết quả như mong muốn như Chương trình Phòng chống Sốt xuất huyết, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bảo vệ sức khỏe tâm thần... đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong những năm tiếp theo.

•Diễn biến của tình hình dịch bệnh trong thực tế ngày càng phức tạp do sự biến đổi về khí hậu và môi trường sinh thái cũng như do những chuyển đổi về kinh tế xã hội trong khi hiện tượng kháng thuốc ngày càng phổ biến. Đây thực sự là một trở ngại lớn trong quá trình triển khai các hoạt động phòng dịch.

•Chưa có sự phối kết hợp giữa các CTMTYTQG trong triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực, đặc biệt là đối với những chương trình có mối liên quan mật thiết như Phòng chống Lao và HIV/AIDS...

•Việc duy trì bền vững những lĩnh vực hoạt động cũng như kết quả đạt được của mỗi CTMTYTQG tại các địa phương hiện đang rất khó khăn do thiếu những tiền đề cần thiết.

•Các CTMTYTQG trong giai đoạn 2001-2005 chưa huy động được sự tham gia của các cơ sở y tế tư nhân - một lực lượng xuất hiện ngày càngnhiều và ngày càng khẳng định được vai trò trong CSSKBĐ tại cộng đồng.

Khuyến nghị

•Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành.

•Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước thông qua việc tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý vững chắc và đồng bộ cho quá trình triển khai thực hiện các CTMTYTQG.

•Củng cố và chuyển đổi hình thức hoạt động của Ban chỉ đạo các CTMTYTQG tại các địa phương. Nên chăng không để tồn tại từng Ban chỉ đạo riêng biệt cho mỗi chương trình mà nên hình thành một Ban chỉ đạo chung cho cả 10 CTMTYTQG tại tuyến tỉnh, huyện và xã.

•Củng cố và hoàn thiện bộ phận chuyên trách của từng CTMTYTQG tại các tuyến sao cho đảm đương được vai trò chủ đạo về chuyên môn và điều phối các lĩnh vực hoạt động của mỗi chương trình trên địa bàn.

•Đẩy mạnh hơn nữa chủ trương xã hội hóa trong triển khai thực hiện các CTMTYTQG thông qua việc thu hút sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội.

•Chú trọng hơn nữa đến việc duy trì sự ổn định và ngày càng phát triển mạng lưới nhân lực tham gia triển khai các CTMTYTQG đặc biệt là đối với các cán bộ Y tế. Cần phải có: chính sách phụ cấp đặc thù, tăng cường đào tạo lại và đào tạo nâng cao, tập huấn về chuyên môn cũng như quản lý chương trình, thiết lập hệ thống giám sát sau đào tạo…

•Khẩn trương cải tổ lại hoạt động giám sát triển khai thực hiện cũng như giám sát tình hình dịch. Cần phải chỉnh sửa lại hệ thống các biểu mẫu báo cáo của từng chương trình sao cho ngắn gọn, dễ thu thập...

•Đầu tư xây dựng, nâng cấp các labo xét nghiệm theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tăng cường trang thiết bị cho tuyến cơ sở đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa: dây truyền lạnh bảo quản vắc xin, cân để cân cho trẻ... Nâng cao hơn nữa chất lượng bảo quản và sử dụng thuốc, vắc xin, sinh phẩm và hóa chất. Đồng thời tăng cường năng lực sản xuất thuốc và sản xuất vắc xin trong nước đáp ứng cơ bản nhu cầu triển khai của các CTMTYTQG.

•Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin giáo dục truyền thông về các CTMTYTQG trong phạm vi cả nước, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

•Kinh phí đầu tư cho các CTMTYTQG cần phải tăng cường. Cần có sự tham mưu của các cơ quan chuyên môn về định mức đầu tư cho từng chương trình, giúp cán bộ lãnh đạo các cấp có thể chủ động trong phân bổ nguồn lực. Điều chỉnh cơ chể phân bổ kinh phí của từng CTMTYTQGcho phù hợp.

•Tiếp tục tăng cường các mối quan hệ hợp tác quốc tế sẵn có và mở rộng các mối quan hệ mới nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về mọi mặt, đặc biệt là hỗ trợ về kỹ thuật và đào tạo cán bộ...

•Lồng ghép việc triển khai thực hiện các CTMTYTQG, đặc biệt là tại tuyến cơ sở (huyện, xã) nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực, sử dụng kinh phí cũng như nhân lực có hiệu quả hơn.

•Xây dựng các chỉ số để xác định những dịch bệnh có thể đưa vào hoặc đưa ra ngoài danh sách CTMTYTQG. Thành lập hội đồng quốc gia xét duyệt, thẩm định việc thêm hoặc bớt các CTMTYTQG.

Ngày 04/03/2009
 
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.