TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 21  
 
2 7 6 0 6 6 5 6
 
 
Các nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu năng lực kiểm dịch y tế của một số cửa khẩu, sân bay, hải cảng chính

NGHIÊN CỨU NĂNG  LỰC KIỂM  DỊCH Y TẾ CỦA
MỘT SỐ CỬA KHẨU, SÂN BAY, HẢI CẢNG CHÍNH

Khương Anh Tuấn,  Nguyễn  Thị Minh Hiếu, Trịnh Ngọc Thành, Nguyễn Văn Toan và cộng sự

 

Nơi công  bố : Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bộ Y tế
Năm công bố: 2011

 

Đặt vấn đề

Cơ cấu các bệnh gây dịch nguy hiểm cho người trên thế giới có nhiều thay đổi. Các bệnh gây dịch trước đây đã được khống chế, nay phát triển trở lại với mức độ trầm trọng hơn. Đó là những yếu tố thuận lợi cho các bệnh dịch quốc tế và các bệnh dịch nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam và ngược lại. Kiểm dịch y tế chủ động,  tích cực nhằm phòng ngừa và hạn chế dịch bệnh xâm nhập, lan tràn, bảo đảm an ninh y tế quốc gia, sức khỏe người dân nói chung là nhiệm vụ hết sức quan trọng và ngày càng trở nên cấp thiết, góp phần khẳng định Việt Nam là một địa điểm an toàn về du lịch, đầu tư, phát triển kinh tế của khu vực và thế giới.

Việc tiến hành một nghiên cứu toàn  diện về nội dung hoạt động kiểm dịch tại một số cửa khẩu,  sân bay, bến cảng lớn của Việt Nam, đánh giá thực trạng, đề xuất một số biện pháp phát triển công tác kiểm dịch y tế quốc tế là một vấn đề quan trọng, cấp thiết, góp phần  định hướng phát triển mạng lưới kiểm dịch y tế quốc tế của nước ta hoạt động đạt hiệu quả, đủ khả  năng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Mục tiêu nghiên cứu

1. Mô tả thực trạng công tác kiểm dịch y tế ở các cửa khẩu, sân bay, bến cảng lớn của Việt Nam.
2. Đánh giá hiệu quả hoạt động và đề xuất giải pháp của công tác kiểm dịch y tế.

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang sử dụng phương pháp phân tích định lượng kết hợp với định tính.

Đối tượng nghiên cứu: Các tài liệu sẵn có; Các số liệu báo cáo của tất cả các trung tâm kiểm dịch y tế (TTKDYT) và trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP); Cán bộ quản lý tuyến Trung ương; Cán bộ quản lý tuyến tỉnh; Cán bộ quản lý cửa khẩu; Cán bộ trực tiếp tham gia kiểm dịch biên giới tại các cửa khẩu.

Địa điểm: 05 tỉnh đại diện có cửa khẩu đại diện cho 3 miền có cửa khẩu,  sân bay, hải cảng chính: TP. Hồ Chí Minh (hàng không, cảng biển), Lạng Sơn (đường bộ, đường sắt) và Đà Nẵng (hàng không, cảng biển),  Tây Ninh, Quảng Trị (đường bộ).

Kết quả nghiên cứu

Thực trạng công tác kiểm dịch y tế (KDYT) ở Việt Nam

Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị

Không có trung tâm nào có hệ thống thông gió đạt tiêu chuẩn. Thiết kế cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo chức năng hoạt động của TTKDYT. Về phương tiện phục vụ công tác, các TTKDYT đều gặp khó khăn trong đảm bảo phương tiện công tác. Theo quy định thì tất cả các cửa khẩu đều phải có phòng cách ly người nghi ngờ bị nhiễm  bệnh nhưng hiện nay chỉ có 11/46 (24%) cửa khẩu thuộc TTKDYT  và 2/54 (4%) cửa khẩu thuộc khoa KDYT báo cáo là có bố trí được phòng cách ly người nghi ngờ nhiễm bệnh. Số cửa khẩu có khu xử lý y tế không nhiều, chỉ 10/46 (22%) cửa khẩu thuộc TTKDYT và 4/54 (8%) cửa khẩu thuộc khoa KDYT bố trí được khu xử lý y tế.

Phòng xét nghiệm tại các TTKDYT không thể hoạt động đúng với chức năng vì thiếu  các trang thiết  bị (TTB)  và nhân lực cần thiết. Chính vì vậy  các TTKDYT rất ít khi thực hiện các xét nghiệm theo quy định và nếu có làm thì cũng không thường xuyên, trang bị các máy móc cần thiết cho xử lý y tế không được đầy đủ. Về chất  lượng các TTB, các TTB được cung cấp không đồng bộ cả về chủng loại và thiếu kinh phí bảo dưỡng; trang bị bảo hộ rất hạn chế và không được đầy đủ theo yêu cầu.

Nhân lực

Chỉ có duy nhất TTKDYT thành phố Hồ Chí Minh là có cơ cấu tổ chức đúng theo quy định với 4 khoa và 2 phòng chức năng, các TTKDYT còn lại thường tổ chức 2 - 3 khoa chuyên môn trong đó có khoa Xét nghiệm, ghép bộ phận Kiểm dịch và Xử lý y tế vào  một khoa hoặc ghép cả 3 khoa chuyên môn vào một khoa. Thiếu nhân lực và khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thì một cán bộ khi luân phiên làm việc tại các cửa khẩu đều phải làm nhiều nhiệm vụ vừa phát hiện dịch, vừa xử lý người, phương tiện, thậm chí cả lấy mẫu. Tại các TTYTDP, cán bộ kiểm dịch có thể kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau do nhu cầu bố trí xắp xếp nhân lực tại các trung tâm đó. Hiện nay chỉ có 2/11 TTKDYT và 14/20 (70%) khoa KDYT là có đủ số lượng cán bộ theo quy định. TTKDYT đều gặp phải khó khăn rất lớn là không tuyển được nhân lực, đặc biệt là bác sỹ và cán bộ đại học thuộc các chuyên ngành có liên quan. Hơn nữa, tại các cơ sở đào tạo cũng không có các chương trình đào tạo về KDYT nên các đơn  vị dù có tuyển được cán bộ nhưng cũng phải  tổ chức tự đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn của mình là chính.

Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn

Các cửa khẩu lớn thuộc quản lý của TTKDYT quốc tế đều đã triển khai thực hiện các kiểm dịch đối với người, thi hài, phương tiện, hàng hóa và giám sát vector truyền bệnh. Tuy nhiên còn một số trung tâm KDYT chưa triển khai được các hoạt động khác tại các cửa khẩu cụ thể như kiểm dịch các sản phẩm y tế và tiêm chủng (06 trung tâm), bưu phẩm (03 trung tâm), xét nghiệm ( 02 trung tâm). Phối hợp liên ngành hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là vấn đề thiếu cơ chế chia sẻ thông tin và thực hiện theo đúng quy trình nhập cảnh tại cửa khẩu.

Kết luận

Số lượng và loại dịch vụ chuyên môn chưa được thực hiện  đầy đủ tại các cửa khẩu và tại các TTKDYT, khoa KDYT theo quy định. Nguyên nhân chủ yếu là:

- Cơ sở hạ tầng không đảm bảo được với nhu cầu chuyên môn.
- TTB không đủ và đáp ứng với nhu cầu công việc.
- Nhân lực KDYT thiếu trầm trọng ở các tuyến cả về số lượng.
- Không có chương trình đào tạo và thực hành kiểm dịch y tế chính thức tại các cơ sở đào tạo.
- Thiếu các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về phân  công, phối hợp và trách nhiệm của từng thành viên tại các cửa khẩu.

Khuyến nghị

- Xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới kiểm dịch y tế với nguyên tắc một cơ quan chuyên trách về kiểm  dịch,  một đầu mối chịu trách nhiệm về chuyên môn tại các cửa khẩu.
- Xây dựng nội dung chương trình đào tạo về kiến  thức, kỹ năng KDYT.
- Cần có chính sách và biện pháp tuyển dụng đối với cán bộ làm công tác KDYT có tính tới các yếu tố khu vực khó khăn, trực làm ngoài giờ...
- Cần có thêm các văn bản liên ngành để cụ thể hóa các phạm vi thực hiện công tác chuyên môn.

Ngày 12/07/2013
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.