TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 112  
 
2 7 7 5 6 4 2 4
 
 
Các nghiên cứu khoa học Xã hội học y tế
Nghiên cứu tìm hiểu nhận thức và biện pháp ứng phó của nhân viên y tế đối với dịch cúm a/h5n1

NGHIÊN CỨU TÌM HIỂU NHẬN THỨC VÀ BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ ĐỐI VỚI DỊCH CÚM A/H5N1

 

Vũ Thị Minh Hạnh và cộng sự

 

Nơi công bố: Bộ Y tế

Năm công bố: 2008

 

Mục tiêu nghiên cứu: Tìm hiểu về nhận thức, biện pháp ứng phó của cán bộ y tế đối với dịch cúm A/H5N1. Đề xuất các kiến nghị và giải pháp về tăng cường hoạt động thông tin giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và khả năng ứng phó của cán bộ y tế các tuyến trong việc phòng chống dịch cúm A/H5N1 ở người.

Đối tượng nghiên cứu: nhóm cán bộ quản lý ngành y tế từ trung ương đến xã/phường, nhóm chuyên môn gồm cán bộ ngành y tế tham gia vào các lĩnh vực dự phòng và chăm sóc điều trị ở các tuyến.

Phương pháp nghiên cứu: Thu thập và phân tích tài liệu thứ cấp. Nghiên cứu định tính sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm kết hợp với định lượng sử dụng bộ câu hỏi bán cấu trúc dành cho cán bộ y tế.

Địa bàn nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành tại bảy tỉnh/thành phố tiêu biểu cho bảy vùng sinh thái trong cả nước gồm: Quảng Ninh, Quảng Bình, Lâm Đồng, Kiên Giang, Sơn La, Ninh Thuận, Bình Dương.

Kết quả

•Chỉ số hiểu biết của nhân viên y tế về những thông tin chung liên quan đến phòng chống cúm A/H5N1 như nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng, mức độ nguy hiểm, đường lây, biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện và trong cộng đồng ... thường rất cao đạt tỷ lệ từ >80% đến >95%.

•Phần đông nhân viên y tế trong các cơ sở y tế dự phòng đã có hiểu biết đúng về cách phát hiện sớm và xử lý các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1. Tuy nhiên, đối với một số thông tin cụ thể liên quan đến chẩn đoán phát hiện sớm và xét nghiệm..., tỷ lệ cán bộ y tế có hiểu biết chính xác chưa nhiều. Điều này sẽ làm hạn chế khả năng phát hiện sớm cũng như xử lý kịp thời các ổ dịch cúm trong cộng đồng...

•Trong các cơ sở điều trị, tỷ lệ nhân viên y tế nắm vững kiến thức về chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế rất cao từ >80% đến >90%. Hiểu biết của họ về các biện pháp phòng lây nhiễm trong bệnh viện cũng khá đầy đủ và toàn diện.

•Đáng chú ý hiện đang có một khoảng cách rất lớn giữa nhận thức và thực hành của nhân viên y tế trong xử trí các trường hợp nghi nhiễm cũng như sử dụng các biện pháp phòng hộ tự bảo vệ trong khi làm việc. Chỉ có >50% xếp bệnh nhân vào khu vực cách ly khi có dấu hiệu nghi ngờ; >44% chỉ định làm các xét nghiệm và >17% thông báo với cơ quan chức năng... Có tới 97,8% cán bộ cho biết phải sử dụng các phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân song trong thực tế chỉ có 2% đã sử dụng khẩu trang và găng tay khi khám bệnh cho bệnh nhân có dấu hiệu về đường hô hấp... Nguyên nhân của sự cách biệt này là do sự chủ quan của nhân viên y tế, nhất là ở những vùng chưa có dịch, do thói quen, do thiếu ý thức dự phòng lây nhiễm, do thiếu hiểu biết về cách thức sử dụng (đối với quần áo, mặt nạ...), do thiếu phương tiện phòng hộ và do áp lực công việc không có đủ thời gian để thực hiện các biện pháp phòng hộ.

•Hiểu biết của nhân viên y tế thuộc các cơ sở điều trị về phác đồ điều trị cúm A/ H5N1 còn chưa đầy đủ do chưa được hướng dẫn chi tiết cũng như chưa có nhiều trường hợp bệnh nhân trong thực tế để thực hành. Kiến thức và kỹ năng vận hành các máy hỗ trợ điều trị (máy thở) còn nhiều bất cập.

•Các nội dung mà cán bộ y tế mong đợi được tiếp nhận gồm có: mức độ nguy hiểm của bệnh; triệu chứng thường gặp; cách phát hiện sớm và điều trị; các biện pháp phòng lây nhiễm trong bệnh viện; cách phòng chống lây nhiễm tại cộng đồng. Hình thức truyền tải thông tin về cúm A/H5N1 mà cán bộ y tế mong muốn bao gồm: tập huấn, truyền hình, hội thảo, sinh hoạt khoa học, Sách báo, tạp chí, đặc san, cẩm nang, tờ rơi và trang web...

•Trong những năm gần đây, các địa phương đều đã chú trọng tới việc triển khai rộng khắp trên địa bàn các hoạt động phòng chống cúm A/H5N1 như: mở các lớp tập huấn cho nhân viên y tế, đầu tư cơ sở vật chất, thuốc và trang thiết bị, tổ chức diễn tập, kiểm soát đàn gia cầm bị bệnh, xử lý các ổ dịch... tuy nhiên khả năng ứng phó của các cơ sở y tế còn nhiều bất cập do thiếu các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc, thiếu trang bị bảo hộ, thiếu nhân lực y tế và chính sách chế độ đãi ngộ chưa đồng bộ...

Khuyến nghị

•Tăng cường hơn nữa hoạt động truyền thông về phòng chống cúm A/H5N1 cho nhân viên y tế:

oVề nội dung các thông điệp: cần tiếp tục tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của bệnh, triệu chứng thường gặp, cách phát hiện sớm và điều trị, các biện pháp phòng lây nhiễm trong bệnh viện, cách phòng chống lây nhiễm tại cộng đồng, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe trong phòng chống cúm A/H5N1.

oVề các kênh truyền thông cần huy động: cần thiết phải thường xuyên tiến hành mở các khóa tập huấn về phòng chống cúm A/H5N1 cho cán bộ y tế, tổ chức các khóa đào tạo TOT cho giảng viên tuyến tỉnh, tổ chức các hội thảo, sinh hoạt khoa học, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là truyền hình, biên soạn và phát hành rộng rãi các tài liệu truyền thông, đăng tải trên các trang web.

•Đảm bảo việc cung ứng đủ cơ số thuốc có chất lượng và dụng cụ phòng hộ cho nhân viên y tế.

•Bổ sung một số chế độ chính sách có liên quan đến phòng chống dịch như: hỗ trợ phụ cấp độc hại cho lái xe của các Trung tâm Y tế Dự phòng tuyến huyện, tỉnh khi tham gia chống dịch...

Ngày 04/03/2009
 
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.