TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ ba, Ngày 23 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 103  
 
2 7 7 7 8 8 9 8
 
 
Các nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu xác định các điều kiện cần thiết để thực hiện chủ trương đưa bác sỹ về xã và phát huy hiệu quả hoạt động của bác sĩ tuyến xã

NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH CÁC ĐIỀU  KIỆN CẦN THIẾT ĐỂ THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG ĐƯA BÁC SỸ VỀ XÃ VÀ PHÁT HUY HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA BÁC SĨ TUYẾN  XÃ

Nguyễn Bạch Ngọc, Vũ Văn Hoàn và cộng sự

Nơi công bố : Bộ Y tế
Năm công bố: 2008

Mục tiêu nghiên cứu

1. Đánh giá thực trạng việc thực hiện chủ trương, chính sách huy động bác sỹ làm việc tại trạm y tế xã.
2. Xác định các điều kiện cần thiết để thực hiện chủ trương đưa bác sỹ về xã có hiệu quả.
3. Đề xuất chính sách nhằm đáp ứng các điều kiện để thực hiện chủ trương đưa bác sỹ về xã có hiệu quả.

Đối  tượng nghiên cứu: Gồm lãnh đạo các đơn vị các cấp có liên quan tới quá trình triển khai chủ trương đưa bác sỹ về xã; các bác sỹ đang làm việc tại trạm y tế xã/phường tại các tỉnh nghiên cứu; sinh viên y khoa năm cuối tại các trường đại học y khoa và người dân tại địa bàn nghiên cứu.

Địa bàn nghiên cứu: Nghiên cứu được triển khai tại Trường Đại học Y Thái Nguyên, Trường Đại học Y Cần Thơ và 3 tỉnh đại diện 3 khu vực Bắc, Trung và Nam: Tuyên Quang, Quảng Nam và Hậu Giang. Mỗi tỉnh chọn 2 huyện và mỗi huyện chọn 3 xã để nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu mô tả cắt ngang, kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính. Nghiên cứu định lượng: thu thập bằng các biểu mẫu thống kê, phân tích các số liệu thứ cấp; tìm hiểu ý kiến của các đối tượng nghiên cứu thông qua phiếu hỏi tự điền: bác sỹ đang công tác tại trạm y tế (tại 18 trạm y tế trong  diện nghiên cứu); sinh viên năm cuối (155 phiếu) và người dân (1.800 phiếu).

Kết quả nghiên cứu

Thực trạng triển khai các biện pháp huy động bác sỹ về xã theo Chỉ thị 06 ngày 22/1/02 của BCH TW và Nghị quyết 46 ngày 23/2/05 của Bộ Chính trị và kết quả thực hiện của cuộc vận động này

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy nhiều biện pháp được thực hiện ở các địa phương để huy động bác sỹ về xã chưa mang tính khả thi cao. Thí dụ, chế độ đào tạo bác sỹ chuyên tu là một định hướng tốt, nhưng đang  gặp phải khó khăn về nguồn y sỹ (lớn tuổi và hết người). Các địa phương cũng đã tăng cường đào tạo bác sỹ cử tuyển cho tuyến xã nhưng chỉ có 6/31 bác sỹ cử tuyển tốt nghiệp ở 6 huyện được nghiên cứu trở về xã làm việc cho thấy biện pháp này đã ít mang lại hiệu quả bởi đã thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ. Nhiều tỉnh đã chú ý đến các biện pháp khuyến khích tài chính nhưng vẫn chưa đủ  để thu hút bác sĩ công tác tại tuyến xã. Điều kiện quan trọng nhất để giữ chân và động viên bác sỹ làm việc ở xã là điều kiện làm  việc còn chưa được quan tâm/chưa được cải thiện dẫn tới có 15 bác sỹ thôi việc/bỏ việc. Các tỉnh đã cử bác sỹ tăng cường từ huyện về xã nhằm tăng độ bao phủ bác sỹ ở xã. Tuy nhiên do huyện cũng đang rất thiếu bác sỹ nên sự hỗ trợ cho tuyến xã rất hạn chế. Kết quả cho thấy tỷ lệ xã có bác sỹ tại 3 tỉnh nghiên cứu khá thấp (Tuyên Quang là 58,6%, Quảng Nam là 32,2% và Hậu Giang là 30,2%). Tỷ lệ này  trong cả nước chỉ đạt  65,1% năm 2006 (có thể thấp hơn nhiều trong các năm sau) và mục tiêu 80% xã có bác sỹ đến năm 2010 là khó khả thi.

Hiểu biết của sinh viên y khoa về chủ trương huy động bác sỹ về xã và sự đồng tình của họ với chính sách nghĩa vụ làm việc có thời hạn ở xã

Có 38,7% sinh viên y khoa sắp tốt nghiệp biết về chủ trương huy động bác sỹ về xã từ nhà trường và chỉ có 39,4% % đã được thảo luận  về chủ trương này cho thấy họ chưa được xem là đối tượng đích để vận động  về xã. Trong khi đó ở các nước, sinh viên y khoa chính quy được xem là lực lượng quan trọng và ổn định nhất  để huy động  về nông thôn. Tỷ lệ 47,7% sinh viên tốt nghiệp sẽ về xã nếu bị phân  công cho thấy họ chưa sẵn sàng về nông thôn phục vụ. Tuy vậy, đã có 69% ý kiến đồng tình với chế độ phục vụ bắt buộc ở nông thôn để đảm bảo công bằng trong tiếp cận với các dịch vụ y tế. Song kèm theo  nghĩa vụ đó, nhà nước cần phải công khai thời hạn phục vụ, các quyền lợi đối với người thực hiện nghĩa vụ và xử phạt đối với người không thực hiện/không hoàn thành nghĩa vụ. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi suy nghĩ của họ đã hướng tới nghĩa vụ và sự công bằng trong xã hội và những  đòi hỏi của họ là hoàn toàn chính đáng để các nhà hoạch định chính sách tham khảo.

Xác định các điều kiện cần  thiết để thực hiện chủ trương huy động bác sỹ làm việc ở trạm y tế xã

Tổng hợp kết quả  nghiên cứu, đề tài đã xác định được 5 điều kiện cần thiết nhất  để thực hiện chủ trương huy động bác sỹ làm việc ở trạm y tế (TYT) xã/phường. Cụ thể là:

(1) Đảm bảo điều kiện làm  việc ở TYT xã (hạ tầng, trang thiết bị, kinh phí thường xuyên);
(2) Chính sách, chế độ đồng bộ và phù hợp (phụ cấp ngành, phụ cấp thu hút theo vùng...);
(3) Có cơ sở pháp lý (thể chế hoá chủ trương bằng  chính sách nghĩa vụ phục vụ có thời hạn ở xã, kèm theo các chính sách về quyền  lợi đối với người thực hiện nghĩa vụ và xử phạt đối với người không thực hiện nghĩa vụ);
(4) Có cơ hội phát triển chuyên môn (chế độ đào tạo liên tục, đào tạo chuyên sâu, mở rộng phân tuyến kỹ thuật nơi có điều kiện);
(5) Có cơ hội thăng tiến chức vụ và địa vị xã hội, sự tôn vinh của xã hội.

Khuyến nghị

(1) Để có bác sỹ làm việc tại TYT xã, nên thực hiện chính sách nghĩa vụ phục vụ có thời hạn ở nông thôn đối với tất cả sinh viên y khoa tốt nghiệp (trừ trường hợp có thành thích học tập xuất sắc). Thời hạn phục vụ có thể là 3 năm đối với bác sỹ làm việc ở TYT xã vùng sâu, vùng xa và 4 năm đối với vùng đồng bằng. Có thể rút ngắn thời gian phục vụ bắt buộc đối với bác sỹ nữ. Bác sỹ sẽ có 6 tháng đến 1 năm được thực tập ở bệnh viện huyện trước khi về xã.
Quyền lợi đối với người thực hiện nghĩa vụ gồm: Được hưởng ngay lương khởi điểm; Sau khi hoàn thành nghĩa vụ: được xét tuyển/thi tuyển làm việc trong hệ thống y tế công lập, được chuyển lên làm việc ở cơ sở y tế công lập tuyến trên, được học lên (thi cao học, nghiên cứu sinh, chuyên khoa I, II), được cấp chứng chỉ nghề sau khi hoàn thành nghĩa vụ, được một số ưu tiên về chính trị/xã  hội khác...;
Xử phạt đối với những người không thực hiện nghĩa vụ: bồi thường kinh phí đào tạo (toàn bộ hoặc một phần, tùy theo mức đóng học phí), không được cấp chứng chỉ nghề và cấp phép hành nghề bằng thời gian nghĩa vụ về xã;

(2) Cần thực hiện đồng bộ các điều kiện sau để cải thiện  điều kiện sống và làm việc tại các trạm y tế xã, tạo sức hút và duy trì các bác sỹ công tác ổn định tại tuyến xã:

Cải thiện điều kiện làm  việc ở TYT xã: Đảm bảo các TYT xã có đủ danh mục trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế. Nâng kinh phí hoạt động thường xuyên cho TYT xã. Chính quyền địa phương có trách nhiệm đầu tư xây dựng TYT xã như đã đầu tư cho xây dựng trường học.

Chính sách tài chính: Ngoài lương theo quy định chung, tăng phụ cấp ngành (trực, độc hại...), có phụ cấp theo vùng và mức phụ cấp này sẽ tăng theo thời gian cho người tình nguyện ở lại làm việc lâu dài ở xã sau khi hết nghĩa vụ.

Tạo cơ hội phát triển chuyên môn: Có chính sách quy định rõ thời gian và nội dung đào tạo liên tục bắt buộc và định kỳ cho bác sỹ xã học ở các cơ sở y tế tuyến  trên. Kết hợp đào tạo theo nhu cầu của các địa phương. Mở rộng phân tuyến kỹ thuật ở nơi có đủ điều kiện (có thiết  bị máy móc, có chứng chỉ chuyên sâu).

Tạo cơ hội thăng tiến  địa vị và tôn vinh của xã hội: Tạo điều kiện nhiều  hơn  cho bác sỹ làm việc ở xã có cơ hội thăng tiến  về địa vị xã hội, được xã hội tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau, được bình đẳng bình bầu và lựa chọn các danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú, chiến sỹ thi đua, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.





Ngày 19/07/2013
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.