TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 2  
 
2 7 6 0 3 6 6 4
 
 
Các nghiên cứu khoa học Xã hội học y tế
Nguy cơ lây nhiễm HIV tại biên giới Việt - Lào, thực trạng và giải pháp

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Để góp phần cung cấp bằng chứng nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 38/QĐ - TTg ngày 8/1/2008 của Thủ tướng Chính Phủ Việt Nam về “Quy định sự phối hợp trong phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới”; Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm PC HIV/AIDS/STDs  thuộc Cục Y tế Dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế Lào tiến hành nghiên cứu hợp tác “Nguy cơ lây nhiễm HIV tại một số địa phương thuộc biên giới Việt – Lào: Thực trạng và giải pháp”. Kinh phí triển khai do Văn phòng điều phối dự án Phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Kông tài trợ, trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2009.

II. MỤC TIÊU
1. Đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV qua biên giới ở các nhóm nguy cơ cao.
2. Đề xuất giải pháp can thiệp nhằm thay đổi kiến thức, thái độ, hành vi và tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ dự phòng và điều trị của các nhóm nguy cơ cao nhằm giảm thiểu sự lây nhiễm HIV qua biên giới.
3. Nâng cao năng lực của các đơn vị tham gia nghiên cứu và thiết lập mối quan hệ hợp tác dài hạn trong nghiên cứu và triển khai các can thiệp giữa các bên liên quan.

III. ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang sử dụng phương pháp thu thập thông tin định tính (phỏng vấn sâu), thu thập phân tích các thông tin sẵn có, quan sát trực tiếp tại các điểm nóng mại dâm và tiêm chích ma túy ở 2 bên biên giới.

Đối tượng nghiên cứu:  Gồm cả người Lào và Việt Nam, thuộc 3 nhóm gồm: Nhóm lãnh đạo quản lý tại các khu vực đường biên, nhóm nguy cơ cao tại khu vực đường biên và các nhóm có liên quan khác. Tổng số đã thực hiện 409 cuộc PVS: 90 cuộc với nhóm quản lý, 237 cuộc với nhóm nguy cơ cao và 82 cuộc với các nhóm liên quan khác.

Địa bàn nghiên cứu:  Nghiên cứu được tiến hành ở 6 tỉnh tại 3 cặp cửa khẩu quốc tế thuộc biên giới Việt-Lào: cửa khẩu Bờ Y–Phù Cưa tại Kon Tum (Việt Nam) và Attapư (Lào), Cầu Treo-Nam Phao tại Hà Tĩnh (Việt Nam) và Bolykhamsay (Lào) và Tây Trang- Panghok tại Điện Biên (Việt Nam) và Phongsaly (Lào).

IV. KẾT QUẢ

1. Các điểm nóng trên địa bàn khu vực biên giới:
- Đặc điểm nhân khẩu xã hội của các nhóm di biến động
- Người bán dâm: Hầu hết người bán dâm trong nghiên cứu này đều là nữ, độ tuổi từ 25-30. Gái mại dâm (GMD) người Lào trẻ hơn so với người Việt. Trình độ học vấn của họ ở mức trung bình khá, hầu hết đều đang sống độc thân, hoặc ly thân, ly dị. Số đông đều không phải là người địa phương, sinh trưởng trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt (nghèo, mồ côi, bố mẹ li dị, thiếu sự chăm sóc đầy đủ, bị chồng hoặc bị người yêu lừa gạt, ruồng rẫy, bị cưỡng bức...)
- Người tiêm chích ma túy (TCMT): Phần đông người TCMT đều là nam giới, tuy nhiên số phụ nữ sử dụng ma túy có chiều hướng gia tăng ở một vài khu vực. Độ tuổi trung bình của nhóm TCMT phía Lào (16 – 37 tuổi) thấp hơn phía Việt Nam (19 – 62). Trình độ học vấn của họ đạt ở mức trung bình khá, nghề nghiệp chủ yếu là nghề nông, buôn bán nhỏ và lao động tự do... Phần lớn họ đều đã có gia đình và hiện đang sống cùng vợ con. 
- Lái xe đường dài (LXĐD): Hầu hết LXĐD là nam giới tuổi từ 30 – 50, trình độ học vấn phổ biến là phổ thông trung học và tiểu học. Phần đông họ vận chuyển gỗ, hoa quả, hàng điện tử của Thái Lan; thu nhập tùy thuộc theo công việc đảm nhận (5-8 triệu đồng/tháng). Số đông LXĐD đã có gia đình. Phần lớn họ đều có chung một số sở thích như: quan hệ tình dục, các dịch vụ giải trí thư giãn (karaoke, gội đầu thư giãn…), chơi bài…
- Các nhóm di biến động khác: Chủ yếu là nam giới làm công nhân xây dựng, công nhân, chủ thầu, làm thuê... trong độ tuổi từ 20 – 50, trình độ học vấn ở mức thấp. Người đã lập gia đình chiếm số đông song do điều kiện công việc họ thường xuyên phải sống xa vợ con và người thân. Thu nhập của nhóm này ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Điều kiện làm việc và sinh hoạt tại nơi heo hút khiến họ rất dễ bị lôi kéo vào các hành vi nguy cơ.
- Hành vi nguy cơ cao và khả năng tiếp cận với dịch vụ dự phòng và điều trị HIV.
- Nhóm mại dâm:
+ Quan hệ tình dục: GMD người Việt có tuổi QHTD lần đầu thấp (từ 16 - 25 tuổi) nhưng GMD người Lào còn thấp hơn (từ 13 – 25 tuổi). Khách mua dâm rất đa dạng (người Việt, Lào, Campuchia, Thái, Trung Quốc...). Ngoài khách mua dâm, GMD còn có từ 1-3 bạn tình thường xuyên. Thâm niên hành nghề trung bình của GMD từ 1-5 năm. Hình thức QHTD chủ yếu của GMD là qua đường âm đạo. Bình quân GMD Lào tiếp từ 2-4 lần/tuần trong khi người Việt là 2 - 3 lần/ngày, thậm chí 7 - 8 lần/ngày. Hành vi an toàn tình dục (sử dụng bao cao su - BCS) của GMD còn thấp, nhất là với người yêu, bạn tình hoặc khách quen. Tuy nhiên với khách mua dâm thì tỷ lệ GMD sử dụng BCS trong QHTD lại cao (97% với GMD người Lào và 80% GMD người Việt). Mặc dù vậy, phần đông GMD chưa biết sử dụng BCS đúng cách, hiểu biết về đường lây truyền HIV và cách phòng ngừa cũng rất hạn chế.
+ Hành vi sử dụng ma tuý: Một số GMD và khách hàng đã sử dụng ma túy trước khi QHTD (uống Amphetamine hoặc hít/chích heroin). Thời gian đầu, GMD Lào thường uống ma túy tổng hợp trong khi GMD Việt thường hít hêrôin, sau đó họ chuyển sang chích. Sự cộng hưởng nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm này là rất cao.
- Nhóm TCMT
+ Hành vi sử dụng ma tuý: Nhóm TCMT (cả Lào và Việt Nam) đều bắt đầu sử dụng ma túy từ sau năm 1990, ở độ tuổi từ 16 - 39 tuổi (số đông từ 18 - 25 tuổi). Hình thức sử dụng ma túy phổ biến là hút sau đó chuyển sang chích. Địa điểm TCMT luôn thay đổi và khó xác định. Mỗi tụ điểm tiêm chích ở Lào thường tập trung từ 3 - 5 người có cả nam và nữ (nữ chủ yếu là GMD). Mức độ sử dụng thấp nhất là từ 1 - 2 lần/ngày, mỗi lần 50.000 đồng, trung bình từ 3 – 5 lần/ngày và cao nhất có thể lên đến 10 lần/ngày. Tất cả người TCMT được phỏng vấn đều đã từng dùng chung hoặc dùng lại bơm kim tiêm bẩn mà không qua công đoạn làm sạch.
+ Hành vi tình dục: Hầu hết số người sử dụng ma túy đều có tuổi QHTD thấp (dưới 20 tuổi). Bạn tình của họ thường là bạn học, người yêu hoặc GMD. Hành vi TDAT thường rất thấp: tất cả đều không dùng BCS khi quan hệ với vợ , rất ít sử dụng BCS khi quan hệ với GMD. Hiểu biết của họ về phòng ngừa lây nhiễm HIV tương đối đầy đủ song chỉ số hành vi an toàn trong nhóm họ hiện vẫn còn rất thấp. Khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS còn nhiều hạn chế.
- Lái xe đường dài ở khu vực biên giới Việt - Lào không chỉ là nhóm thường xuyên có nhiều bạn tình, đặc biệt là GMD mà còn là nhóm có một số  thành viên sử dụng ma túy. Đây là sự cộng hưởng của các hành vi nguy cơ, tiềm ẩn các yếu tố làm gia tăng sự lây truyền HIV.
- Các nhóm di biến động khác có hành vi QHTD (đặc biệt là QHTD với GMD) tương tự như nhóm lái xe đường dài song tần suất ít hơn do tính chất công việc và mức độ di chuyển thiếu ổn định. Hành vi TCMT trong nhóm công nhân xây dựng và công nhân làm đường có tỷ lệ cao hơn so với nhóm lái xe qua biên giới. Sự cộng hưởng hành vi nguy cơ và các yếu tố tiềm ẩn làm lây nhiễm HIV trong nhóm này cũng rất đáng lưu ý.
- Quỹ đạo hoạt động trong QHTD và TCMT của các nhóm di biến động cũng rất đa dạng và phức tạp không chỉ tại Việt Nam, Lào mà còn cả các nước lân cận như Trung Quốc, Campuchia.
- Mạng lưới quan hệ xã hội và QHTD
a) Mạng lưới quan hệ xã hội: Nhóm GMD quan hệ xã hội bó gọn trong cùng nhóm hoặc với những nhóm có liên quan trực tiếp (chủ chứa, chủ quán, bảo kê, khách hàng,...). Nhóm TCMT phần đông chỉ quan hệ với những người trong gia đình và bạn chích. Đáng lưu ý, quan hệ xã hội của lái xe đường dài và các nhóm di biến động khác rất đa dạng và phức tạp (bạn cùng sở thích, bạn hàng, chủ nhà hàng, khách sạn, chủ chứa, bảo kê, GMD...)
b) Mạng lưới QHTD: Các nhóm di biến động tại khu vực biên giới Việt – Lào thường có độ mở khá lớn trong QHTD; GMD và lái xe đường dài cùng một số nhóm di biến động khác có mạng lưới QHTD phức tạp hơn so với người TCMT.
- Mối quan hệ tương hỗ giữa các nhóm có nguy cơ: Có thể thấy nhóm GMD và nhóm lái xe đường dài là hai nhóm có mối quan hệ mật thiết và tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm gia tăng sự lây nhiễm HIV.

2. Thực trạng kiểm soát lây truyền HIV qua biên giới tại địa bàn nghiên cứu.

Tại khu vực đường biên phía Việt Nam, khả năng cung cấp các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm và điều trị STDs, HIV/AIDS của cả 3 tỉnh còn nhiều hạn chế. Hiện vẫn chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở hai bên đường biên trong triển khai các hoạt động dự phòng cũng như phát hiện, chăm sóc và điều trị  HIV/AIDS.

Tại khu vực đường biên của Lào, các tỉnh thuộc địa bàn nghiên cứu đều chưa có đủ khả năng cung cấp các dịch vụ khám điều trị STDs cũng như sàng lọc và xét nghiệm HIV. Tại thời điểm nghiên cứu đã có một số hoạt động can thiệp giảm tác hại trong nhóm mại dâm ở khu vực biên giới của Lào song mới dừng lại ở các hoạt động truyền thông.

V. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
- Đây là nghiên cứu đầu tiên về nguy cơ lây nhiễm HIV ở khu vực biên giới được thực hiện bởi các nghiên cứu viên 2 nước với cùng cách thức tiếp cận.
- Các điểm nóng về tệ nạn xã hội đặc biệt là các cơ sở vui chơi giải trí trá hình đã xuất hiện ngày càng nhiều xung quanh khu vực hai bên đường biên.
- GMD hành nghề tại khu vực biên giới Việt – Lào thường có độ tuổi cao hơn, thâm niên hành nghề lâu hơn và đã trải qua hành nghề ở nhiều vùng khác. Đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm STDs và HIV.
- Nguy cơ lây truyền HIV qua biên giới cao nhất là ở nhóm GMD (đặc biệt là mại dâm người Việt), lái xe đường dài, công nhân các công trình xây dựng. Người bản địa tại hai bên đường biên cũng là nhóm tiềm ẩn nguy cơ và cũng là nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV qua biên giới.
- Khả năng tiếp cận với các thông tin về phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS của các nhóm di biến động tại khu vực biên giới Việt – Lào hiện còn hạn chế. Do vậy nhận thức của họ về các đường lây và biện pháp phòng nhiễm HIV còn rất mơ hồ.
- Nguy cơ mắc các bệnh STIs và STDs trong nhóm GMD nhất là mại dâm người Việt hành nghề ở Lào và mại dâm đường phố là rất cao trong khi điều kiện tiếp cận với dịch vụ khám và điều trị ở cả 2 bên đường biên.
- Khả năng tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS của các nhóm di biến động tại đường biên còn nhiều khó khăn. Hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV hiện mới bước đầu được triển khai với quy mô nhỏ lẻ, với một vài nhóm đối tượng cụ thể.
- Hiện chưa có sự phối hợp giữa hai nước trong kiểm soát, giám sát tình hình dịch cũng như triển khai các hoạt động dự phòng và chăm sóc điều trị HIV/AIDS.
* Một số khuyến nghị đối với các nghiên cứu hợp tác giữa hai bên giai đoạn tới: Kết quả nghiên cứu cần được công bố rộng rãi đến với cả các địa phương. Cần nhân rộng nghiên cứu này ra các địa bàn khác thuộc biên giới Việt -  Lào. Tại các địa bàn thuộc nghiên cứu này nên chăng triển khai lặp lại (2 - 3 năm) để cập nhật những diễn biến mới....
*  Một số giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát lây truyền HIV qua đường biên giới:
- Đầu tư nguồn lực để tăng cường hoạt động thông tin giáo dục truyền thông và can thiệp giảm tác hại cho các nhóm di biến động dễ bị tổn thương bởi HIV ở cả hai bên đường biên. Đầu tư nguồn lực để tăng cường các hoạt động truyền thông và giảm tác hại ngay tại các điểm dân cư sát khu vực biên giới.
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế đảm nhận triển khai các hoạt động dự phòng và điều trị HIV/AIDS tại cả hai bên đường biên đặc biệt là với nhân viên Y tế tuyến huyện ở phía Lào.
- Đầu tư trang thiết bị để các địa phương ở vùng biên giới có đủ năng lực khám chuẩn đoán và điều trị STDs.
- Đầu tư để tăng cường và mở rộng các điểm tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV nhằm giúp các nhóm đối tượng dễ dàng được tiếp cận đồng thời tăng cường khả năng xét nghiệm HIV cho các tỉnh phía Việt Nam để có thể hỗ trợ các địa phương lân cận ở Lào khi có nhu cầu.

Ngày 03/05/2012
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.