TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ ba, Ngày 16 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 1  
 
2 7 7 3 5 5 4 3
 
 
Các nghiên cứu khoa học
RỐI LOẠN CHƠI GAME VÀ MỐI LIÊN QUAN VỚI HÀNH VI NGUY CƠ SỨC KHỎE CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TẠI HÀ NỘI

RỐI LOẠN CHƠI GAME VÀ MỐI LIÊN QUAN VỚI HÀNH VI NGUY CƠ SỨC KHỎE CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TẠI HÀ NỘI

Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Vũ Thị Minh Hạnh, Vũ Mạnh Cường, Vũ Thị Mai Anh, Nguyễn Việt Hà và cộng sự
Năm công bố: 2021
Nơi công bố: Viện Chiến lược và Chính sách Y tế
 
TÓM TẮT NGHIÊN CỨU
Rối loạn chơi game hiện đã được liệt kê chính thức trong phiên bản mới nhất của Phân loại Thống kê Quốc tế về Bệnh tật và Các vấn đề sức khỏe liên quan (ICD-11), đặc trưng bởi hành vi chơi game online hoặc offline gây ra sự suy giảm các hoạt động cá nhân, các tương tác gia đình, xã hội, học tập, công việc hoặc các lĩnh vực khác. Rối loạn chơi game dẫn đến bỏ lỡ các cơ hội trong cuộc sống, ảnh hướng đến việc sinh hoạt hàng ngày, tương tác xã hội trong đời thực và các nhiệm vụ thiết yếu khác (học tập, công việc). Các ước tính hiện nay về tỷ lệ rối loạn chơi game khác nhau tùy theo công cụ nghiên cứu, nhưng tỷ lệ toàn cầu là 3,05%. Tỷ lệ học sinh rối loạn chơi game dao động từ <1% trong một nghiên cứu ở Mỹ, Anh, Canada [4] đến 24% trong một báo cáo khác ở Đức. 
Năm 2017, Việt Nam xếp thứ 28 trên toàn cầu về doanh thu từ sản xuất và kinh doanh game (365 triệu đô la) với 32,8 triệu người chơi (xấp xỉ 35% tổng dân số Việt Nam). Theo báo cáo SAVY 2 (2009), một nửa tổng số học sinh trung học cơ sở và một phần ba tổng số học sinh trung học phổ thông chơi game khi rảnh rỗi. 
Để cung cấp bằng chứng đề xuất giải pháp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tình trạng rối loạn chơi game và hành vi nguy cơ sức khỏe ở vị thành niên, góp phần đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực tương lai của xã hội, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế triển khai nghiên cứu “Rối loạn chơi game và mối liên quan với hành vi nguy cơ sức khỏe của học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tại Hà Nội” với 3 mục tiêu nghiên cứu:
1. Xác định tỷ lệ rối loạn chơi game của học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tại Hà Nội.
2. Phân tích các yếu tố liên quan đến rối loạn chơi game của học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tại Hà Nội.
3. Tìm hiểu mối liên quan giữa rối loạn chơi game và hành vi nguy cơ sức khỏe của học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tại Hà Nội.
Nghiên cứu sử dụng thiết kế nghiên cứu cắt ngang tại trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ học sinh phổ thông Hà Nội rối loạn chơi game theo thang đo IGD-20 là 11,6%. Tỷ lệ rối loạn chơi game ở học sinh trung học phổ thông cao hơn so với học sinh trung học cơ sở. 
Kết quả nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa rối loạn chơi game và hình thức kỷ luật của cha mẹ, đặc biệt là những hành vi bạo lực thể chất nghiêm trọng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự đồng xảy ra giữa rối loạn chơi game và các hành vi nguy cơ sức khỏe khác, chẳng hạn như sử dụng các chất kích thích, tấn công bạo lực và đánh nhau, hành vi quan hệ tình dục và đánh bạc. Những phát hiện này cho thấy sự cần thiết của các can thiệp giải quyết rối loạn chơi game có thể giúp ngăn ngừa các hành vi nguy cơ sức khỏe khác.
 
KHUYẾN NGHỊ
 Với ngành Y tế và Giáo dục 
 Tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về tác hại của game, thời lượng chơi game hợp lý cho học sinh và phụ huynh đặc biệt trong bối cảnh học tập online. Nội dung các thông điệp truyền thông cần chi tiết, cụ thể, đầy đủ, chính xác về những nguy hại đối với sức khỏe, học tập, kinh tế và xã hội do rối loạn chơi game. 
 Các chương trình y tế trường học cần có những nội dung cụ thể hơn về phòng chống tác hại của game, chăm sóc sức khỏe tâm thần và trợ giúp tâm lý xã hội cho học sinh.
 Bộ Y tế cần rà soát các dịch vụ và nguồn lực nhằm ứng phó rối loạn chơi game; lồng ghép sàng lọc phát hiện người rối loạn chơi game với các hành vi nguy cơ sức khỏe khác. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn phòng chống tác hại của game, điều trị rối loạn game tại cộng đồng giúp vị thành niên dễ dàng tiếp cận dịch vụ khi có nhu cầu.
 Với các cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ game online và offline
 Rà soát những quy định pháp luật về quản lý và sử dụng internet – game để đảm bảo hạn chế thời lượng chơi của người chơi game hiệu quả hơn như đã được triển khai ở một số quốc gia; hạn chế các nội dung game bạo lực; hạn chế tính sẵn có của dịch vụ game và sản phẩm game online
 Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách liên quan đến phòng chống tác hại của game tùy theo chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ngành. Đoàn thể, nhằm mục tiêu: (1) tăng cường nguồn nhân lực; (2) cải thiện chất lượng dịch vụ tại các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng, và (3) có những chính sách đặc thù dành cho đối tượng trẻ em và vị thành niên. Quá trình này cần sự chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế và sự phối hợp của các Bộ ngành chủ chốt khác.
 Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm về quản lý internet – game. Hạn chế tối đa các loại game có tính chất bạo lực, phát triển game có tính giáo dục, trí tuệ cao.
 

 

 

 

Ngày 17/01/2022
Khoa Xã hội học Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.