TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 160  
 
2 7 5 9 2 1 2 9
 
 
Thông tin Y tế
Sử dụng rượu bia ở mức có hại gây tử vong cho hơn 3 triệu người mỗi năm, chủ yếu là nam giới

Báo cáo tình trạng toàn cầu về rượu và sức khỏe năm 2018 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố mới đây cho thấy bức tranh toàn diện về tiêu thụ rượu bia và gánh nặng bệnh tật do rượu bia trên toàn thế giới, cũng như hành động của các quốc gia để làm giảm gánh nặng này.

Hơn 3 triệu người đã tử vong do sử dụng rượu bia ở mức có hại trong năm 2016, tương ứng 1/20 số trường hợp tử vong, trong đó hơn ¾ số trường hợp tử vong này là nam giới. Nhìn chung, việc sử dụng rượu bia ở mức có hại gây ra hơn 5% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Nhiều cá nhân, gia đình và cộng đồng đang phải gánh chịu hậu quả của việc sử dụng rượu bia ở mức có hại do bạo lực, chấn thương, các vấn đề sức khỏe tâm thần và các bệnh liên quan như ung thư và đột quỵ. Vì vậy, cần thiết phải có những hành động để ngăn chặn mối đe dọa nghiêm trọng này đối với sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Trong số tất cả các trường hợp tử vong do rượu, 28% là do chấn thương, chẳng hạn như tai nạn giao thông, tự gây hại và bạo lực giữa các cá nhân; 21% là do rối loạn tiêu hóa; 19% là do các bệnh tim mạch và phần còn lại do các bệnh truyền nhiễm, ung thư, rối loạn tâm thần và các tình trạng sức khỏe khác.

Mặc dù có một số điểm tích cực trong xu hướng toàn cầu về tình trạng sử dụng rượu bia ở mức độ có hại và số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu bia từ năm 2010, gánh nặng tổng thể về bệnh tật và chấn thương gây ra do sử dụng rượu bia ở mức độ có hại vẫn ở mức rất cao, đặc biệt ở khu vực châu Âu và châu Mỹ.

Ước tính toàn cầu có 237 triệu nam giới và 46 triệu nữ giới gặp phải các rối loạn do sử dụng rượu bia, với tỷ lệ cao nhất đối với nam giới và nữ giới ở khu vực châu Âu (14,8% và 3,5%) và khu vực châu Mỹ (11,5% và 5,1%). Các rối loạn do sử dụng rượu bia phổ biến hơn ở các quốc gia có thu nhập cao.

Tiêu thụ toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trong 10 năm tới

Ước tính có khoảng 2,3 tỷ người đang sử dụng rượu bia. Rượu bia được tiêu thụ bởi hơn một nửa dân số tại 3 khu vực của WHO là châu Mỹ, châu Âu và Tây Thái Bình Dương. Châu Âu có mức tiêu thụ bình quân đầu người cao nhất thế giới, mặc dù mức tiêu thụ bình quân đầu người đã giảm hơn 10% kể từ năm 2010. Các xu hướng và dự báo hiện tại cho thấy đang có sự gia tăng về mức tiêu thụ bình quân đầu người trên thế giới trong 10 năm tới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ.

Mức tiêu thụ rượu bia trung bình hàng ngày

Mức tiêu thụ trung bình hàng ngày của người sử dụng rượu bia là 33g cồn nguyên chất mỗi ngày, tương đương với 2 ly (150ml/ly) rượu vang, một chai bia lớn (750ml) hoặc 2 chén rượu mạnh (40ml/chén).

Trên toàn thế giới, hơn ¼ (27%) số người trong độ tuổi 15 – 19 hiện có sử dụng rượu bia. Tỷ lệ người hiện có sử dụng rượu bia trong độ tuổi 15 – 19 tuổi cao nhất ở châu Âu (44%), tiếp đến là châu Mỹ (38%) và Tây Thái Bình Dương (38%). Khảo sát tại trường học ở nhiều quốc gia cho thấy việc bắt đầu sử dụng rượu bia trước 15 tuổi có sự khác biệt rất nhỏ giữa nam và nữ.

Trên toàn thế giới, 45% tổng số rượu bia được tiêu thụ dưới dạng các loại rượu mạnh. Bia là loại đồ uống có cồn đứng thứ hai về mức độ cồn nguyên chất được tiêu thụ (34%), sau đó là rượu vang (12%). Trên thế giới chỉ có thay đổi rất nhỏ trong sở thích về đồ uống có cồn từ năm 2010. Những thay đổi lớn nhất diễn ra ở châu Âu, nơi tiêu thụ các loại rượu mạnh giảm 3%, trong khi rượu vang và bia lại tăng lên.

Ngược lại, hơn một nửa (57% hay 3,1 tỷ người) dân số toàn cầu từ 15 tuổi trở lên không sử dụng rượu bia trong 12 tháng trước đó.

Cần nhiều hành động hơn từ các quốc gia

Tất cả các quốc gia có thể hành động nhiều hơn nữa để giảm các chi phí y tế và xã hội của việc sử dụng rượu bia ở mức có hại, như các hành động đã được chứng minh và có hiệu quả về chi phí, bao gồm tăng thuế đối với rượu bia và đồ uống có cồn, cấm hoặc hạn chế quảng cáo sản phẩm rượu bia và hạn chế tính sẵn có của rượu bia.

Các quốc gia có thu nhập cao có nhiều khả năng để giới thiệu các chính sách này, thúc đẩy các vấn đề về công bằng sức khỏe toàn cầu và nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hỗ trợ hơn nữa cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Hầu hết tất cả các quốc gia (95%) đều có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, nhưng ít hơn một nửa trong số này sử dụng các chiến lược về giá khác như cấm bán giảm giá hoặc giảm giá theo khối lượng. Phần lớn các quốc gia có một số hình thức hạn chế về quảng cáo bia, trong đó lệnh cấm phổ biến nhất đối với truyền hình và phát thanh, nhưng ít phổ biến hơn đối với internet và truyền thông xã hội.

Do đó, các quốc gia cần triển khai các giải pháp sáng tạo nhằm cứu mạng sống, chẳng hạn như đánh thuế rượu bia và hạn chế quảng cáo, hướng tới cắt giảm nhu cầu để đạt được mục tiêu giảm 10% mức tiêu thụ rượu bia toàn cầu từ năm 2010 đến 2025.

Giảm sử dụng rượu bia ở mức có hại sẽ giúp đạt được một số mục tiêu liên quan đến sức khỏe trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), bao gồm các mục tiêu về sức khỏe bà mẹ và trẻ em, các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần, chấn thương và ngộ độc.

 

Ngày 25/09/2018
 
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.