TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ tư, Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 20  
 
2 7 7 8 4 0 0 5
 
 
Tin tức
Tác động của quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo đối với hộ gia đình nghèo tại hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang

   Tác đỘng cỦa quỸ khám chỮa bỆnh cho ngưỜi nghèo đỐi vỐi hỘ gia đÌnh nghÈo tẠi hai tỈnh HẢi Dương vÀ BẮc Giang

Cơ quan thực hiện: Viện Chiến lược và Chính sách Y tế

 

Chủ nhiệm đề tài: TS. Đàm Viết Cương

Thư ký: Th.S Trần Thị Mai Oanh

Th.S Nguyễn Khánh Phương

Chuyên gia KT: Th.S Henrik Axelson

Nhóm nghiên cứu: Th.S Trần Thị Mai Oanh

Th.S Nguyễn Khánh Phương

Th.S Dương Huy Lương

Th.S Khương Anh Tuấn

CN. Nguyễn Thị Thủy

CN. Tường Duy Trinh

CN. Trịnh Thúy Hằng

Đặt vấn đề

Một trong những ưu tiên của chính phủ Việt Nam là đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã đưa những bằng chứng rõ ràng chứng minh nghèo đói là một rào cản trong việc sử dụng các dịch vụ y tế ở Việt Nam. Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo (QKCBCNN) được thành lập vào tháng 10 năm 2002 với mục đích đảm bảo người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế nhà nước. Bộ Y tế đã có những đánh giá về việc triển khai ban đầu của QKCBCNN năm 2004 bao gồm độ bao phủ, tình hình chi tiêu quỹ và các khía cạnh khác chủ yếu là vấn đề quản lý (Bộ Y tế, 2004a). Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giámột cách toàn diện về hiệu quả của QKCBCNN, đặc biệt nhìn từ góc độ của người hưởng lợi. Vì vậy, nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả của QKCBCNN thông qua các chỉ số như việc sử dụng dịch vụ y tế, các rào cản trong việc sử dụng và tác động của Quỹ đối với việc giảm gánh nặng tài chính cho người nghèo.

Phương pháp nghiên cứu

Các số liệu được thu thập tại hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang thuộc miền Bắc Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2004 đến tháng 1 năm 2005 thông qua điều tra hộ gia đình (800 hộ), thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu.

Các kết quả nghiên cứu chính

Nhìn chung QKCBCNN được người nghèo (đối tượng hưởng lợi) ở các địa phương đánh giá cao. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy một số kết quả khả quan. Thứ nhất, độ bao phủ của quỹ này rất cao (100% ở Bắc Giang và 86% ở Hải Dương), việc xác định đối tượng người nghèo được tiến hành tương đối khách quan và hiệu quả với độ rò rỉ thấp (rất ít người không đúng đối tượng mà được hưởng lợi). Thứ hai, kết quả điều tra hộ gia đình cho thấy có dấu hiệu tăng việc sử dụng các dịch vụ y tế sau khi triển khai QKCBCNN, đặc biệt khám chữa bệnh nội trú. Thứ ba, việc lựa chọn trạm y tế xã là nơi khám chữa bệnh đầu tiên của các đối tượng hưởng lợi tăng đáng kể. Thứ tư, gánh nặng chi tiêu y tế đối với hộ nghèo giảm rõ rệt khi so sánh với trước khi triển khai QKCBCNN (sử dụng số liệu thu được của Điều tra y tế quốc gia 2001-2002). Tỉ lệ chi tiêu hàng năm cho y tế so với tổng chi tiêu hàng năm của hộ gia đình giảm từ 6,9% xuống còn 5,5%.Tỉ lệ chi tiêu hàng năm cho y tế so với tổng chi tiêu hàng năm của hộ gia đình không tính chi phí cho ăn uống giảm từ 23,3% xuống còn 11%. Cuối cùng, mặc dù chi tiêu trung bình cho một trường hợp điều trị ngoại trú và nội trú vẫn còn khá cao, nhưng đã có sự giảm đáng kể việc chi tiêu tiền túi của người nghèo có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế /thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo khi so sánh với những người không dùng thẻ.

Nghiên cứu cũng đã phát hiện ra những điểm còn hạn chế khi triển khai ban đầu QKCBCNN. Thứ nhất, năng lực của tuyến tỉnh và các tuyến dưới trong việc quản lý QKCBNN còn yếu ở cả hai tỉnh nghiên cứu. Thứ hai, do thiếu nhân lực nên không thực hịên được sự điều hành và giám sát một cách có hệ thống. Thứ ba, việc phối hợp liên ngành không hiệu quả. Thứ tư, ở một số nơi việc xác định người nghèo không được làm ở tuyến xã và có một số người nghèo đủ tiêu chuẩn hưởng lợi từ QKCBCNN đã không được nhận thẻ. Thứ năm, việc tăng tỉ lệ sử dụng dịch vụ y tế đã không được đáp ứng bằng việc tăng đầu tư cho các cơ sở y tế và tăng nguồn nhân lực. Thứ sáu, sự hài lòng của người nghèo đối với các dịch vụ y tế được cung cấpbao gồm cả nội trú và ngoại trú nhìn chung còn thấp. Thứ bảy, nhận thức của người nghèo về QKCBCNN còn rất hạn chế. Lý do chính của việc nhận thức kém là do tuyên truyền thông tin không đầy đủ cho cả lãnh đạo cộng đồng và người nghèo. Thứ tám, có một tỉ lệ đáng kể người hưởng lợi từ QKCBCNN đã không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế/thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo khi đi khám ở các cơ sở y tế nhà nước. Lý do chính vì thiếu kiến thức về việc sử dụng thẻ cũng như các lợi ích của thẻ. Cuối cùng, các bệnh nhân nghèo, người được hưởng lợi từ QKCBCNN vẫn chịu gánh nặng chi phí cho mua thuốc bên ngoài các cơ sở y tế, các chi phí gián tiếp như chi phí đi lại, thức ăn và các chi phí cơ hội.


Kết luận

Nhìn chung, QKCBCNN đã hoạt động tốt. Mức độ sử dụng dịch vụ y tế của người nghèo tăng lên và gánh nặng tài chính y tế đối với người nghèo có giảm đi. Tuy nhiên, một số mặt của QKCBCNN cần được cải thiện như việc truyền thông và quản lý quỹ. Các can thiệp phù hợp cần được triển khai để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của Quỹ.

Nghiên cứu này mới chỉ đánh giá việc triển khai QKCBCNN ở hai tỉnh nên kết quảkhông thể dùng để đại diện cho toàn quốc. Cần đảm bảo việc thiết lập một hệ thống giám sát và đánh giá trong toàn quốc với nguồn lực đầy đủ để đánh giá một cách hệ thống và thường xuyên QKCBCNN để có các điều chỉnh về chính sách khi cần. Hơn nữa, do việc triển khai QKCBCNN mới được thực hiện trong một thời gian ngắn cần tiếp tục theo dõi để xác định các ảnh hưởng lâu dài và tính bền vững của QKCBCNN.

Ngày 25/07/2006
 
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.