TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 29  
 
2 7 5 8 9 2 6 3
 
 
Các nghiên cứu khoa học
Tìm hiểu nhận thức, thái độ và nhu cầu sống trong các Trung tâm dưỡng lão của người cao tuổi Việt Nam

1. Đặt vấn đề

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nhân khẩu học mạnh mẽ. Từ năm 2005, dân số Việt Nam chuyển từ giai đoạn cơ cấu dân số trẻ với tuổi trung vị của dân số là 25,5% và đang bước vào ngưỡng của cơ cấu dân số già. Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh là 8,2% năm 1999 lên 9,45% năm 2007 và 9,9% năm 2008. Theo dự báo của Liên hợp quốc, tỷ lệ người già sẽ tăng lên 26% vào năm 2050. Theo một số dự báo trước đây, Việt Nam sẽ già hoá dân số vào năm 2015. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, dân số nước ta sẽ bước vào thời kỳ già hoá dân số vào năm 2010, sớm hơn dự báo 5 năm .

Số người già tăng nhanh sẽ cần một nhóm người đáng kể hỗ trợ cho người già đảm bảo sinh hoạt bình thường. Đạo lý “Kính già” cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, được coi là một trong những thang bậc cơ bản và quan trọng của dân tộc Việt Nam. Song trên thực tế do số lao động kiếm sống đã và đang chiếm phần lớn số thành viên của các gia đình nên việc thực hiện đạo lý ấy đang bị sao nhãng và ít được quan tâm như trước. Chính vì thế, gần đây, ở nước ta cũng có nhiều loại hình Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi được hình thành và hoạt động; đặc biệt là các mô hình do tư nhân đứng ra thành lập bước đầu đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên do truyền thống văn hóa dân tộc nên vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau xung quanh vấn đề này. Chính vì thế việc tiến hành nghiên cứu đề tài cơ sở “Tìm hiểu quan điểm, thái độ và nhu cầu sống trong các trung tâm dưỡng lão của người cao tuổi Việt Nam” nhằm tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng về việc sống trong các trung tâm dưỡng lão là việc làm cần thiết để có thể đề xuất những biện pháp hữu hiệu về quản lý nhà nước, thúc đẩy sự phát triển đối với các loại hình dịch vụ này, tăng cường chất lượng dịch vụ, xã hội hóa và huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng, xã hội đối với công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

2. Mục tiêu nghiên cứu
- Tìm hiểu nhận thức và thái độ của cộng đồng đối với việc người cao tuổi sống trong các trung tâm chăm sóc người cao tuổi
- Tìm hiểu nhu cầu của người cao tuổi Việt Nam đối với việc sống trong các trung tâm chăm sóc người cao tuổi.

3. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả
- Phương pháp thu thập thông tin: Phương pháp định tính (49 PVS)
- Đối tượng thu thập thông tin: Người cao tuổi đang sống cùng con cháu và người cao tuổi đang sống trong các trung tâm dưỡng lão; thành viên gia đình; cán bộ, lãnh đạo của trung tâm dưỡng lão.
- Địa bàn nghiên cứu: Hà Nội, 1 xã thuộc huyện Từ Liêm, 1 phường thuộc quận Đống Đa.

4. Các kết quả nghiên cứu chính

Cũng như những cuộc tranh luận có nhiều ý kiến trái ngược nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây về quan niệm môi trường sống tốt nhất cho người cao tuổi: tại trung tâm dưỡng lão hay tại gia đình cùng con cháu. Kết quả nghiên cứu này cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi, người thì đồng tình với quan điểm “nên để người cao tuổi sống trong trung tâm dưỡng lão”, một số khác thì không ủng hộ và quyết liệt phản đối. Mặc dù Việt Nam đã bước vào ngưỡng của già hóa dân số nhưng vẫn có một tỷ lệ lớn tham gia nghiên cứu cho rằng: không ai chăm sóc cha mẹ bằng con cái và mô hình chăm sóc tại gia đình hiện nay vẫn còn khá phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Đặc biệt, suy nghĩ này không chỉ xuất phát từ người cao tuổi mà ngay cả những người trẻ tuổi cũng đồng tình với quan điểm này.

Suy nghĩ, quan điểm, thái độ của cộng đồng về vấn đề này có sự khác biệt đáng kể giữa những khu vực sinh sống. Những người sống ở thành phố và ở khu đô thị có cái nhìn tiến bộ và người cao tuổi thành thị dễ dàng thích nghi hơn với cuộc sống trong trung tâm dưỡng lão hơn những người cao tuổi sống ở nông thôn.

Ngoài định kiến xã hội, tập quán sinh hoạt thì nghiên cứu còn cho thấy yếu tố kinh tế cũng là rào cản lớn đối với thái độ, nhu cầu của người cao tuổi và gia đình khi họ muốn sống ở trung tâm dưỡng lão. Để vào sống ở đây, họ phải đóng góp một khoản kinh phí không nhỏ và không phải ai cũng có thể có được. Mô hình này chỉ thực sự đáp ứng nhu cầu của một đại bộ phận dân chúng có tiền.

Vậy những người muốn vào trung tâm dưỡng lão, họ là ai? Qua khảo sát tại trung tâm dưỡng lão và qua ý kiến của cộng đồng, chủ yếu những người sống trong trung tâm dưỡng lão là những người có hoàn cảnh đặc biêt như: họ không có con cái, họ chỉ có con gái không có con trai và không thích sống với con rể, con cái họ đi làm ăn xa, người có bệnh nặng không thể tự chăm sóc cho mình trong khi con cái lại quá bận. Ngoài ra những người đến trung tâm vì những lý do và nguyên nhân khác chiếm tỷ lệ rất thấp.

Theo thống kê của trung tâm dưỡng lão Từ Liêm, số người cao tuổi có sức khỏe tốt chỉ chiếm 20%. Thực tế cho thấy mô hình này ở nước ta hiện nay mới chỉ là mô hình dành cho người già bệnh tật, không thể tự chăm sóc, phải có người phục vụ 24/24. Một mô hình trung tâm dưỡng lão cho người cao tuổi khỏe mạnh gửi gắm cuộc sống để hưởng không gian yên tĩnh, thanh bình hiện nay vẫn chưa có. Chính vì thế, người cao tuổi kỳ vọng vào một mô hình trung tâm dưỡng lão hoạt động và tổ chức theo đúng nghĩa. Mô hình này đã được thiết lập tại các nước phương Tây từ rất lâu.

Nghiên cứu cũng chỉ ra hiện tại ở nước ta, nhu cầu sống trong các trung tâm dưỡng lão của người cao tuổi chưa thực sự là cấp thiết. Tuy nhiên trong vòng 10- 15 năm nữa, thế hệ già kế tiếp sẽ rất quan tâm đến vấn đề này. Vì vậy, ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng cũng như nhà nước phải nghiên cứu và đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, một số mô hình trung tâm dưỡng lão do tư nhân quản lý đã được hình thành tuy nhiên chưa có sự điều tiết của nhà nước và thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng. Vì vậy bên cạnh một số mô hình hoạt động tốt, có hiệu quả thì vẫn tồn tại mô hình hoạt động không ngoài mục đích thu lợi nhuận.

Việc tiếp nhận người cao tuổi vào sống trong trung tâm dưỡng lão tư nhân hiện nay quá thông thoáng, nhiều khi chỉ cần có sự thỏa thuận giữa gia đình và trung tâm, bỏ qua cả sự đồng ý của chính bản thân người cao tuổi. Điều này vô hình chung đã làm sai với pháp lệnh người cao tuổi và có thể là điều kiện cho những người con hư dễ dàng chối bỏ bố mẹ, không làm tròn trách nhiệm và bổn phận làm con của mình.

Chất lượng dịch vụ của các trung tâm hiện nay đa phần chưa đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của các cụ về mô hình dưỡng lão lý tưởng. Do không được nhà nước hỗ trợ, ưu tiên bất cứ điều gì cho  nên các trung tâm hiện nay hoạt động còn rất khó khăn. Nguồn kinh phí chủ yếu có được là do đóng góp của các gia đình, hoạt động theo phương thức lấy thu bù chi nên họ không đầu tư vốn và mặt bằng. Vì vậy, trung tâm thường hẹp, ít có chỗ vui chơi ngoài trời cho các cụ và cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn nhiều.

Ở Việt Nam, việc chăm sóc người cao tuổi chưa thực sự cấp thiết nên Nhà nước chưa đầu tư để đào tạo ra đội ngũ nhân viên có chuyên môn và nghiệp vụ. Đây là một thách thức đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

5. Kết luận và khuyến nghị

Việc xã hội hóa các loại hình TTDL là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên nhà nước phải có kế hoạch điều tiết và quản lý sự vận hành của các mô hình dưỡng lão nói chung, đặc biệt là mô hình dưỡng lão do tư nhân, nhóm, tổ chức thành lập. Việc điều tiết và quản lý ấy phải được cụ thể hóa bằng văn bản, bằng những quy định, nghị định chung. Có như vậy, chất lượng của các trung tâm mới được nâng lên, đời sống của NCT mới được cải thiện.

Mô hình TTDL hiện nay chỉ mới phục vụ được một số nhóm đối tượng nhất định. Trước mắt Nhà nước chỉ nên cho thành lập một số mô hình thí điểm. Nếu thành công sẽ nhân rộng, tránh được sự lợi dụng tư cách pháp nhân để thành lập tràn lan.

Nhà nước phải có quy định chung đối với những đối tượng thành lập mô hình trung tâm dưỡng lão. Những người này phải xuất thân trong ngành y tế, đã từng làm công tác quản lý một thời gian.

TTDL chỉ được hình thành khi có sự cam kết phối hợp chặt chẽ của các nhân viên y tế và của một cơ sở y tế nào đó. Điều này tránh được việc khi người cao tuổi ở trung tâm có vấn đề về sức khỏe thì sẽ được nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện y tế để người bệnh được điều trị kịp thời.

Nhà nước cũng cần đưa ra cơ chế chung khi tiếp nhận người cao tuổi vào trung tâm dưỡng lão, phải dựa vào pháp lệnh người cao tuổi để soạn thảo cơ chế.

Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ về kinh phí, về đất đai cho những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Nhà nước cũng nên có kế hoạch xây dựng mô hình dịch vụ chăm sóc người cao tuổi theo phương thức của hệ thống các trường mẫu giáo.

Nhà nước nên có hoạt động đào tạo về chuyên môn cho những nhân viên phục vụ trong nhà dưỡng lão, coi đó là một ngành nghề quan trọng. Có như vậy chất lượng dịch vụ mới được đảm bảo và không ngừng được cải thiện./

Ngày 27/03/2012
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.