TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 42  
 
2 7 6 0 4 1 6 6
 
 
Thông tin Y tế
Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc ban hành hướng dẫn mới thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ trong các cơ sở y tế

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã ban hành hướng dẫn mới 10 bước, để tăng cường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở y tế có cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Việc cho trẻ bú mẹ trong 2 năm đầu đời có thể cứu sống hơn 820.000 trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm.

Hướng dẫn có tên gọi Mười bước để Nuôi con bằng sữa mẹ thành công thúc đẩy Sáng kiến Bệnh viện thân thiện với trẻ sơ sinh, được hai tổ chức đưa ra vào năm 1991. Hướng dẫn thực hành này khuyến khích các bà mẹ mới cách thức nuôi con bằng sữa mẹ và khuyến cáo cho nhân viên y tế cách tốt nhất để hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.

Nuôi con bằng sữa mẹ có vai trò thiết yếu trong sức khỏe suốt đời của trẻ, giảm chi phí cho các cơ sở y tế, các gia đình và các chính phủ. Cho trẻ bú mẹ trong giờ đầu sau sinh có thể bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các nhiễm khuẩn và cứu mạng sống. Trẻ sơ sinh có nguy cơ tử vong cao hơn do mắc tiêu chảy và các bệnh nhiễm khuẩn khác, khi chúng chỉ bú mẹ một phần hoặc không bú mẹ hoàn toàn. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng cải thiện chỉ số IQ, sự sẵn sàng và khả năng tham gia học tập, có liên quan đến mức thu nhập cao hơn trong cuộc sống khi trưởng thành. Cho trẻ bú mẹ cũng làm giảm nguy cơ ung thư vú ở người mẹ.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp cứu mạng sống. Những lợi ích của nó giúp trẻ khỏe mạnh trong những ngày đầu và suốt quá trình trưởng thành. Nhưng nuôi con bằng sữa mẹ đòi hỏi sự hỗ trợ, khuyến khích và hướng dẫn, với những bước cơ bản trong Hướng dẫn, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trên toàn thế giới có thể được cải thiện một cách đáng kể, cho trẻ em có một khởi đầu tốt nhất trong cuộc đời.

Tại nhiều bệnh viện và cộng đồng dân cư trên thế giới, việc trẻ có được bú mẹ hay không có thể tạo ra sự khác biệt giữa sự sống và tử vong, và đứa trẻ phát triển để đạt được tiềm năng của chúng hay không.

Các bệnh viện không chỉ để chữa trị bệnh tật, mà đó còn là nơi thúc đẩy sự sống và đảm bảo mọi người phát triển và sống cuộc sống của họ với đầy đủ tiềm năng vốn có. Là một phần trong nỗ lực của tất cả mọi quốc gia hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân, không có điều gì tốt hơn hoặc quan trọng hơn để bắt đầu, hơn là đảm bảo Mười bước để Nuôi con bằng sữa mẹ thành công được coi là tiêu chuẩn chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Hướng dẫn mới này mô tả các bước thực hành mà các quốc gia nên thực hiện để bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi còn bằng sữa mẹ trong các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Các cơ sở cung cấp nền tảng hệ thống y tế trực tiếp giúp các bà mẹ bắt đầu cho trẻ bú trong giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu.

Hướng dẫn mô tả phương thức các bệnh viện nên có chính sách bằng văn bản về nuôi con bằng sữa mẹ tại bệnh viện, năng lực của nhân viên y tế, chăm sóc trước và sau sinh, bao gồm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ dành cho các bà mẹ. Nó cũng khuyến cáo hạn chế sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ, phòng bệnh, cho ăn đáp ứng, giáo dục cha mẹ về việc sử dụng bình và núm vú giả, hỗ trợ khi mẹ và trẻ sơ sinh được xuất viện.

Hướng dẫn Mười bước để Nuôi con bằng sữa mẹ thành công dựa trên các hướng dẫn của WHO được ban hành vào tháng 11/2017 với tựa đề Bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em.

Việc bắt đầu cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh bảo vệ trẻ khỏi nhiễm khuẩn và giảm tử vong sơ sinh. Việc cho trẻ bú sớm làm tăng khả năng tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ. Trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh và người mẹ, trong đó đầu tiên là bảo vệ chống lại các nhiễm trùng đường ruột và suy dinh dưỡng, không chỉ ở các quốc gia đang phát triển mà cả các quốc gia công nghiệp hóa hiện đại.

Sữa mẹ là một nguồn năng lượng và chất dinh dưỡng quan trọng đối với trẻ từ 6 đến 23 tháng tuổi. Nó có thể cung cấp một nửa hoặc nhiều hơn nhu cầu năng lượng của trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi, và 1/3 nhu cầu về năng lượng trong khoảng 12 – 24 tháng tuổi. Sữa mẹ cũng là một nguồn năng lượng và chất dinh dưỡng quan trọng trong suốt thời gian ốm đau, và làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em bị suy dinh dưỡng. Trẻ em và vị thành niên được bú mẹ đầy đủ ít bị thừa cân hoặc béo phì.

 

Ngày 16/04/2018
Tổ chức Y tế Thế giới - WHO  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.