TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ tư, Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 18  
 
2 7 7 8 1 3 2 4
 
 
Các nghiên cứu khoa học Tài chính y tế
ĐÁNH GIÁ CHÍNH SÁCH VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM Y TẾ Ở VIỆT NAM

ĐÁNH GIÁ CHÍNH SÁCH VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM Y TẾ Ở VIỆT

 

Trần Văn Tiến và cộng sự

 

 

Nơi công bố: Bộ Y tế

Năm công bố: 2007

 

Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá tổng quát về chính sách BHYT hiện hành, thực trạng tình hình triển khai thực hiện chính sách BHYT và dự báo khả năng phát triển BHYT trong thời gian tới, nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho quá trình dự thảo Luật BHYT.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu sử dụng các phương pháp nghiên cứu bàn giấy, nghiên cứu mô tả kết hợp phân tích số liệu thứ cấp và nghiên cứu định tính.

 

Kết quả nghiên cứu: (1) BHYT bao phủ trên 30 triệu dân trong cả nước trong đó 1/3 là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, 5,8 triệu lao động hưởng lương và 3.649 lao động thuộc các hộ kinh doanh cá thể; (2) Mức phí BH bình quânnăm 2005 là 170.000 đồng/người/ năm đối với khu vực bắt buộc và mức phí bình quân cho mọi đối tượng năm 2005 xấp xỉ 7,5 USD/người; (3) Các văn bản hiện hành đã mở ra nhiều phương thức thanh toán chi phí khác nhau nhưng phương thức thanh toán theo phí dịch vụ (fee-for-service) có trần giới hạn đang được áp dụng phổ biến nhất; (4) Gói quyền lợi của bệnh nhân BHYT hiện nay chỉ giới hạn trong khu vực điều trị, quyền lợi trong sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao chi phí lớn có giới hạn nhất định; (5) Tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT hiện lớn hơn số thu BHYT, xu hướng bội chi ngày càng gia tăng; (6) Chương trình BHYT bắt buộc cho lao động hưởng lương trong các doanh nghiệp nhỏ ngoài nhà nước có tính khả thi thấp. Chương trình BHYT cho người nghèo ngày càng đòi hỏi mức độ hỗ trợ lớn hơn của ngân sách nhà nước với mệnh giá thẻ BHYT ngày càng cao hơn. Theo các quy định hiện hành, các chương trình BHYT tự nguyện rất ít có khả năng vừa cân đối được quỹ lại vừa mở rộng diện bao phủ.

 

Kết luận: (1) Đa số người tham gia BHYT hiện là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội được nhà nước cấp ngân sách mua BHYT. Hiện đang có một khoảng trống lớn trong khu vực lao động phải tham gia BHYT. BHYT tự nguyện mới chỉ bao phủ một phần rất nhỏ dân số và chưa bảo đảm được tính bền vững. Sự bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành và năng lực thực hiện chính sách tạo ra hiện trạng tham gia BHYT theo kiểu lựa chọn bất lợi ở khu vực BHYT tự nguyện cũng như trong khu vực lao động ngoài nhà nước; (2) Mức phí BHYT bình quân đầu người theo các quy định hiện hành thấp hơn nhiều so với nhu cầu chi phí y tế; (3) Quy định trần thanh toán theo các văn bản hiện hành trong bối cảnh mức phí BHYT thấp khiến cho các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế không thể thực hiện đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHYT; (4) Gói quyền lợi BHYT theo quy định hiện hành là toàn diện nhưng trần thanh toán thấp dẫn tới giới hạn quyền lợi của người tham gia BHYT; (5) Những yếu tố nguy cơ như lựa chọn bất lợi, mức phí thấp, giải pháp kiểm soát chi phí y tế chưa hiệu quả,... đang dẫn tới sự mất cân đối tài chính của quỹ BHYT, đặc biệt là quỹ BHYT tự nguyện; (6) Chương trình BHYT bắt buộc cho lao động hưởng lương trong các doanh nghiệp nhỏ ngoài nhà nước có tính khả thi thấp do chưa hội đủ các điều kiện kinh tế xã hội cần thiết.

 

Khuyến nghị: (1) Chương trình BHYT bắt buộc nên mở rộng đối tượng hưởng lợi đến những người ăn theo là thân nhân, cần có các giải pháp bảo đảm sự tham gia của chủ sử dụng lao động đối với khu vực lao động chính quy ngoài nhà nước, cần có các quy định khống chế lựa chọnbất lợi trong các chương trình BHYT tự nguyện; (2) Cần có quy định rõ ràng hơn về gói quyền lợi BHYT trong văn bản luật hoặc dưới luật với tiêu chí gói quyền lợi BHYT bao trùm các nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong lĩnh vực phòng bệnh và chữa bệnh và phù hợp với khả năng đóng góp tài chính của người tham gia BHYT; (3) Mức phí BHYT cần được xác định sao cho có thể đáp ứng được chi phí của nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản. Ít nhất, mức phí BHYT bình quân phải bảo đảm bù đắp chi phí điều trị; (4) Cần quy định về các phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT giữa quỹ BHYT và nhà cung ứng dịch vụ, ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán khuyến khích tính chi phí hiệu quả, tiếp tục xem xét vấn đề cùng chi trả chi phí KCB của người tham gia BHYT ở mức độ cùng chi trả và phương pháp nộp tiền cùng chi trả hợp lý; (5) Cần tăng quyền lực cho cơ quan BHYT và tăng cường phân cấp, thực hiện chuyên nghiệp hóa hoạt động BHYT, thành lập và phát huy vai trò của các tổ chức chuyên môn trong hệ thống BHYT (Hội đồng tư vấn danh mục thuốc BHYT, Hội đồng tư vấn y học cho BHYT); (6) Cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản luật có liên quan đảm bảo sự nhất quán về chính sách trong phát triển hệ thống y tế dựa trên hệ thống bảo hiểm y tế xã hội theo mô hình Bismarck.

Ngày 26/02/2009
 
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.