TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 70  
 
2 7 5 9 5 6 4 0
 
 
Các nghiên cứu khoa học
ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ-CHI PHÍ CỦA THUỐC KHÁNG VI-RÚT TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM GAN C MẠN TÍNH TẠI VIỆT NAM

ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ-CHI PHÍ CỦA THUỐC KHÁNG VI-RÚT TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM GAN C MẠN TÍNH TẠI VIỆT NAM

Nguyễn Khánh Phương, Ong Thế Duệ, Đỗ Trà My, Nguyễn Tuấn Việt,

Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thị Thu Cúc, Phạm Văn Hiến, Mai Xuân Thu

Năm công bố: 2020

Nơi công bố: Viện Chiến lược và Chính sách Y tế

TÓM TẮT NGHIÊN CỨU

Ước tính hiện có 184 triệu người trên toàn thế giới đang nhiễm vi-rút viêm gan C (VGC), chiếm tỷ lệ 2,5% dân số toàn cầu. Trong số đó, khoảng 150 triệu người nhiễm VGC mạn tính. Tại Việt Nam, ước tính có 1-2 triệu người đang nhiễm VGC, chiếm khoảng 1-2% tổng dân số. Tỷ lệ mắc mới vào khoảng 10 nghìn ca mỗi năm. Từ năm 2019, 3 phác đồ DAA đã được đưa vào danh mục thuốc được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, bao gồm sofosbuvir/ ledipasvir (SOF/LDV), sofosbuvir/ velpatasvir (SOF/VEL), và  sofosbuvir + daclatasvir (SOF+DCV). Theo Quyết định số 5315/QĐ-BYT ban hành ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế, các thuốc được đưa vào thuốc danh mục BHYT cần có bằng chứng về hiệu quả - chi phí và bằng chứng về tác động đến ngân sách quỹ BHYT trong bối cảnh Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng về hiệu quả - chi phí và tác động ngân sách của 3 phác đồ DAA trong bối cảnh Việt Nam. Bên cạnh đó, mức thanh toán từ quỹ BHYT đối với các thuốc DAA chỉ là 50%. Trong bối cảnh giá thuốc DAA trên thị trường vẫn còn cao, mức đồng chi trả cho những thuốc này vẫn vượt quá khả năng chi trả của nhiều người bệnh. 

Trên cơ sở đó, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành triển khai nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả-chi phí của thuốc kháng vi-rút tác động trực tiếp trong điều trị bệnh viêm gan C mạn tính tại Việt Nam” với hai mục tiêu nghiên cứu:

1) Đánh giá chi phí và hiệu quả của các phác đồ SOF/LDV, SOF/VEL, và SOF+DCV so với PR trong điều trị bệnh VGC mạn tính kiểu gen 1 và 6 tại Việt Nam.

2) Đánh giá tác động lên ngân sách quỹ BHYT của các phác đồ SOF/LDV, SOF/VEL, và SOF+DCV so với PR trong điều trị bệnh VGC mạn tính kiểu gen 1 và 6 tại Việt Nam.

Nghiên cứu sử dụng thiết kế Phân tích chi phí-thỏa dụng dựa trên mô hình hoá, kết hợp mô hình cây ra quyết định và mô hình Markov.

Kết quả nghiên cứu cho thấy ba phác đồ DAA trong danh mục BHYT Việt Nam (SOF/LDV, SOF/VEL, SOF+DCV) đều tiết kiệm chi phí ở bệnh nhân VGC kiểu gen 1 và 6 theo cả hai quan điểm xã hội và quan điểm bên chi trả. Hơn nữa, điều trị bằng các phác đồ DAA cũng mang lại lợi ích kinh tế và sức khoẻ lâu dài. Độ tin cậy của các kết quả này đã được khẳng định thông qua kết quả của các phân tích độ nhạy và phân tích kịch bản. Bên cạnh đó, phân tích tác động ngân sách 10 năm của việc áp dụng các phác đồ DAA theo các kịch bản khác nhau đã được thực hiện, trong đó đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi điều trị, tiếp theo là tăng tỷ lệ chẩn đoán trong khi cân nhắc về khả năng ngân sách.

Kết quả của nghiên cứu này cung cấp thông tin hữu ích cho chính phủ Việt Nam, cũng như các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khác có chung mối quan tâm, đặc biệt các quốc gia có bệnh nhân VGC mang kiểu gen 6 hoặc các quốc gia đang thúc đẩy việc sử dụng các kết quả phân tích chi phí-hiệu quả theo quan điểm xã hội.

KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Dựa trên kết quả phân tích chi phí-hiệu quả và phân tích tác động ngân sách trong nghiên cứu này, tất cả các phác đồ DAA đã cho thấy lợi ích về kinh tế và sức khoẻ vượt trội so với PR. Do đó, phân bổ nguồn lực cho điều trị VGC bằng phác đồ DAA chắc chắn là một khoản đầu tư y tế công cộng giá trị, và các phác đồ DAA nên được duy trì trong danh mục thuốc BHYT. Bên cạnh đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam nên xem xét tăng tỷ lệ thanh toán BHYT đối với các thuốc DAA, do ngay cả khi mức thanh toán BHYT là tối đa (100%), các thuốc DAA vẫn cho thấy lợi ích tiết kiệm chi phí so với PR.

Tuy nhiên, để tối đa hoá lợi ích của các phác đồ DAA cũng như đạt được mục tiêu y tế toàn cầu đối với bệnh VGC vào năm 2030, chính phủ Việt Nam cần thực hiện các chiến lược hiệu quả để nhanh chóng mở rộng phạm vi điều trị và tỷ lệ chẩn đoán, trong đó tiếp cận về khả năng tài chính đóng vai trò thiết yếu. Một số chiến lược khả thi cho phép tiếp cận khả năng tài chính có thể là: (i) thực hiện chiến lược giảm giá (ví dụ: đàm phán giá, giấy phép tự nguyện và bắt buộc, cùng mua sắm, và kế hoạch nhập khẩu cá nhân); (ii) tăng tỷ lệ đồng chi trả của bảo hiểm y tế đối với các phác đồ DAA; và (iii) tìm kiếm sự hỗ trợ của các nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần nghiên cứu xây dựng Hướng dẫn sàng lọc VGC để tiến tới triển khai các chương trình sàng lọc trên thực tế. Trong bối cảnh tỷ lệ hiện mắc của VGC hiện chỉ từ 1-2%, sàng lọc quy mô rộng sẽ không phù hợp, cần nghiên cứu các chiến lược sàng lọc tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, như đồng nhiễm HIV, tiêm chích ma tuý, chạy thận nhân tạo…

Điều trị VGC là chi phí chỉ cần đầu tư một lần (bệnh nhân chỉ cần điều trị một liệu trình 12 tuần để hoàn toàn khỏi bệnh), nên không gây tổn hại đến sự bền vững tài chính của chính phủ hoặc các nhà tài trợ nhiều như đầu tư cho điều trị các bệnh mạn tính khác. Càng nhiều bệnh nhân được điều trị với phác đồ DAA, chính phủ càng thu được nhiều lợi ích về kinh tế và sức khoẻ, càng cho thấy đầu tư có hiệu quả. Tuy nhiên, để tối đa hoá những lợi ích này, cần huy động được các nguồn lực lớn từ chính phủ hoặc từ các nhà tài trợ. Khoản đầu tư càng lớn, thời gian đạt được hiệu quả tiết kiệm chi phí càng ngắn, và lợi ích về kinh tế và sức khoẻ mang lại càng nhiều.

 

Ngày 14/07/2021
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.