TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ ba, Ngày 16 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 33  
 
2 7 7 3 4 4 5 1
 
 
Các nghiên cứu khoa học
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỰ ÁN DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU Y TẾ - DÂN SỐ GIAI ĐOẠN 2016-2020

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỰ ÁN DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU Y TẾ - DÂN SỐ GIAI ĐOẠN 2016-2020

Ths. Nguyễn Thị Thanh, CN. Ngô Văn Vương, Ths. Vũ Thị Minh Hạnh, Ts. Trần Đức Thuận,  Ts. Nguyễn Văn Hùng, Ths. Nguyễn Thị Tố Quyên, CN Vũ Thị Thanh Nga và cộng sự

Năm công bố: 2020

1. MỞ ĐẦU

Dự án 3. Dân số và phát triển là một trong 8 dự án thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 31/7/2017 tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg. Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình, nhằm đánh giá những kết quả đạt được và phân tích những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Bộ Y tế đã giao cho Viện Chiến lược và Chính sách Y tế thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá kết quả thực hiện dự án Dân số và Phát triển thuộc chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020”

2. MỤC TIÊU 

• Đánh giá thực trạng triển khai Dự án. Dân số và phát triển thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.

• Đề xuất một số giải pháp định hướng trong giai đoạn tới.

3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu được thực hiện tại 03 tỉnh, thành phố: Điện Biên, Phú Yên, và TP. Cần Thơ.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp mô tả cắt ngang, kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và phương pháp định tính.

Nghiên cứu định lượng được điều tra ở 3 nhóm đối tượng: (i) Người dân từ 15 đến 49 tuổi có con trong giai đoạn 2016-2020; (ii) Người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên; (iii) Người khuyết tật và gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi bị khuyết tật.

Phương pháp định tính: (i) Thực hiện phỏng vấn các đối tượng chuyên gia; nhóm lãnh đạo quản lý và hoạch định chính sách các cấp;  nhóm cán bộ triển khai Dự án các cấp và nhóm cán bộ y tế; (ii)  Thực các cuộc thảo luận nhóm ván bộ cấp tỉnh, huyện, xã; Cộng tác viên dân số và người dân. 

4. CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CHÍNH

4.1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ giải pháp

Về cơ chế quản lý điều hành Dự án 3: Giai đoạn 2016-2020, chỉ có Ban quản lý Chương trình mục tiêu Y tế- Dân số do Bộ trưởng là trưởng ban. Không có các Ban quản lý các Dự án nhỏ mà giao lãnh đạo Bộ phụ trách từ 1 đến 2 Dự án. Do vậy, Dự án 3 cũng không có Ban quản lý Dự án mà chỉ có lãnh đạo Bộ phụ trách. Tổng cục Dân số - KHHGĐ là Ủy viên của Văn phòng thường trực Ban quản lý Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 và được giao nhiệm vụ là đầu mối kết nối, tổng hợp kế hoạch năm, kế hoạch giai đoạn của 5 nội dung hoạt động thuộc Dự án 3 gửi Ban quản lý Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số trình lãnh đạo bộ phê duyệt.

Về xây dựng kế hoạch hoạt động: Kế hoạch hoạt động của Dự án 3 được xây dựng từng năm theo mẫu chung do Bộ Y tế quy định. Căn cứ vào mục tiêu, chỉ tiêu năm trước của từng dự án và Quyết định dự toán chi của Bộ Y tế năm hiện tại để xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu cho phù hợp và khả thi của từng hoạt động. Khi có Quyết định phê duyệt kế hoạch hoạt động hàng năm của Bộ Y tế, các đầu mối được giao triển khai nội dung các hoạt động của Dự án 3 sẽ xây dựng nội dung thực hiện và ban hành công văn hướng dẫn xuống đầu mối các tỉnh để cùng phối hợp thực hiện kế hoạch đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Về cơ chế giám sát: Ở tuyến trung ương, Ban quản lý Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số thường phối hợp với các đơn vị quản lý thành lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình ở địa phương theo kế hoạch, nội dung được báo trước. Do vậy, các đầu mối thực hiện hoạt động của Dự án 3 sẽ tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát cùng với Ban quản lý Chương trình 1125. Ở địa phương, Ban quản lý Chương trình các tỉnh chủ động lập các đoàn kiểm tra, giám sát cấp huyện, xã theo nguồn ngân sách của địa phương.

Về cơ chế báo cáo thông tin: Theo quy định có báo cáo hàng quý và báo cáo năm, các hoạt động thuộc Dự án 3 đều thực hiện báo cáo theo ngành dọc. Sau đó, các đầu mối được giao thực hiện hoạt động tổng hợp gửi đầu mối là Tổng cục Dân số - KHHGĐ tổng hợp, báo cáo Văn phòng thường trực Ban quản lý Chương trình 1125. 

Về nguồn ngân sách thực hiện Dự án 3: 90% ngân sách trung ương được phân về các hoạt động thuộc Dự án 3 để thực hiện các nội dung như kế hoạch. 

4.2. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của dự án

Đánh giá kết quả thực hiện Dự án Dân số và phát triển đến năm 2020: Dưới 50% các mục tiêu sẽ đạt được đến năm 2020, trong đó: 

+ Hoạt động Dân số - KHHGĐ: Đến năm 2020 đạt 40% mục tiêu đề ra. Trong 4 mục tiêu cụ thể có duy nhất 1 mục tiêu đạt được hoàn chỉnh (mục tiêu: khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, phấn đấu năm 2020 tỷ số giới tính khi sinh không quá 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái); 1 mục tiêu đạt được 50%  (Mục tiêu: Nâng cao tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh lên 50% (Đạt); tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh lên 80% (không đạt)). Còn lại hai mục tiêu không đạt đến năm 2020 (Tỷ lệ sử dụng BPTT hiện đại đạt 70,1% và Giảm 20% số người chưa thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn).

+ Hoạt động phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng: Đến năm 2020 đạt 50% mục tiêu đề ra, đó là: đạt mục tiêu 80% người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận với dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp; Không đạt mục tiêu 60% trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi được phát hiện, can thiệp sớm.

+ Hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Không đạt mục tiêu Tối thiểu 50% người cao tuổi được chăm sóc dự phòng toàn diện, khám sức khỏe định kỳ, được điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế.

+ Hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản: Đạt cả 2 mục tiêu đặt ra đến năm 2020, đó là: Giảm tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi xuống còn 14‰ và Giảm tỷ suất chết mẹ xuống còn 52/100.000 trẻ đẻ sống.

+ Hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em: 2/3 mục tiêu đạt được đến năm 2020, đó là: Không đạt mục tiêu Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân <10% Đạt mục tiêu: Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi <21,8% và mục tiêu: Tiếp tục cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ và ở trẻ em dưới 5 tuổi.

5. KHUYẾN NGHỊ

 Đối với Chính phủ và các Bộ, ngành

Tiếp tục duy trì thực hiện Dự án 3. Dân số và phát triển thuộc Chương trình mục tiêu Y tế- Dân số, làm cơ sở để lập kế hoạch thực hiện, có thể huy động được các nguồn lực khác và là cơ sở để các địa phương bố trí ngân sách cho triển khai hoạt động của địa phương.

Trường hợp không thực hiện Chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 mà chuyển các nhiệm vụ về hoạt động chi thường xuyên của ngành y tế, đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính bố trí dòng ngân sách riêng cho các nhiệm vụ này và phân bổ tăng kinh phí giao cho Bộ Y tế để đảm bảo tối thiểu các nhiệm vụ chi mua phương tiện tránh thai cấp miễn phí và các nhiệm vụ thường xuyên khác, hướng dẫn Bộ Y tế và các địa phương về nội dung và định mức chi. Bộ Y tế đề nghị khoản kinh phí này giao cho BYT chủ động đề xuất phương án phân bổ theo các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của ngành. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các nhiệm vụ chi tại địa phương.  

Nên thông báo sự khác nhau khi chuyển nguồn lực đầu tư từ  chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ sang chương trình mục tiêu Y tế- Dân số để các địa phương nắm được để chủ động thích ứng. Giai đoạn 2016-2020, khi chuyển sang chương trình mục tiêu Y tế - Dân số mục đích là Trung ương đang từng bước rút dần việc bố trí kinh phí triển khai hoạt động của Chương trình, ngân sách địa phương cần từng bước chủ động bố trí kinh phí để triển khai hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cần sửa đổi những phần vướng mắc tại Thông tư 26/2018/TT-BTC khi chi các hoạt động cụ thể tại địa phương. 5 hoạt động thuộc Dự án 3. Dân số và phát triển đều cần có những sửa đổi trong định mức chi tại Thông tư 26/2018/TT-BTC.

Đề nghị giao dự toán ngân sách tại địa phương đúng thời gian để các địa phương không bị động trong việc giao chỉ tiêu và dự toán ngân sách, nhất là việc bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai hoạt động liên quan đến Dự án 3. Dân số và phát triển.

Đối với Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, Ngành: Tiếp tục quan tâm tới công tác chăm sóc sức khỏe Người khuyết tật trong giai đoạn tiếp theo; Bố trí kinh phí cho Hoạt động Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; 

 Đối với Bộ Y tế

Nếu Chương trình mục tiêu Y tế- Dân số tiếp tục thực hiện giai đoạn 2021-2025, Bộ Y tế cần quy định quyền hạn và trách nhiệm cụ thể cho cơ quan quản lý phụ trách Dự án 3. Dân số và phát triển để cơ quan này dễ dàng hơn trong việc triển khai, thực hiện chức năng điều phối và quản lý Dự án.

Cần ổn định bộ máy tổ chức của một số cơ quan, đơn vị đang quản lý và triển khai các hoạt động của Dự án 3. Dân số và phát triển, đó là: Ổn định bộ máy, cán bộ làm công tác dân số từ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; Ổn định hệ thống Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tại tuyến tỉnh và cán bộ CSSKSS tại tuyến huyện, tuyến xã; Quy hoạch mạng lưới PHCN để đầu tư, phát triển, nâng cao năng lực của các cơ sở PHCN; Phát triển nhân lực ngành Y tế nói chung, xây dựng và phát triển chuyên ngành Lão khoa từ tuyến tỉnh đến tuyến y tế cơ sở nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi.

 Những kiến nghị riêng của các cơ quan, đơn vị quản lý hoạt động thuộc Dự án 3. Dân số và phát triển.

Tổng cục Dân số - KHHGĐ: Đề nghị Bộ Y tế đưa 04 Dự án sau vào Chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của Bộ Y tế: (1). Dự án đầu tư hoàn thiện mạng lưới tầm soát trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2021- 2025; (2). Dự án đầu tư xây dựng mạng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2021-2025; (3). Dự án đầu tư nâng cấp hệ thống kho dữ liệu chuyên ngành dân số giai đoạn 2021-2025; (4). Dự án Nâng cao chất lượng dân số và thích ứng với già hóa dân số tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 (vốn ODA).

Cục Quản lý khám, chữa bệnh: Đề nghị Bộ Y tế đưa vào Chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của Bộ Y tế dự án: “Dự án đầu tư xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe người khuyết tật giai đoạn 2021-2025”.

Bệnh viện Lão khoa Trung ương: Đề nghị Bộ Y tế ban hành, mở rộng thanh toán Bảo hiểm Y tế các danh mục kỹ thuật phục vụ trong chuyên ngành Lão khoa cho người cao tuổi (bao gồm dự phòng, Phục hồi chức năng cho người cao tuổi tại cộng đồng,…).

Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em: Đề nghị Bộ Y tế xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong tử vong mẹ, tử vong trẻ em, đặc biệt ưu tiên khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xây dựng nội dung và cơ chế tài chính nhằm thực hiện các gói dịch vụ y tế cơ bản về y tế dự phòng và y tế công cộng (không nằm trong phạm vi chi trả của Bảo hiểm Y tế), trong đó có các gói dịch vụ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; 

Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Đề nghị Bộ Y tế xây dựng chiến lược quốc gia dinh dưỡng, hoàn thiện các chính sách về công tác dinh dưỡng nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và định hướng trong việc xây dựng kế hoạch phòng chống suy dinh dưỡng ở nước ta; Duy trì và củng cố hệ thống triển khai công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng mạng lưới, tăng cường năng lực ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về dinh dưỡng do tác động của thiên tai; Triển khai có hiệu quả các can thiệp dinh dưỡng đặc thù phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương. Ưu tiên tập trung nguồn lực nhà nước cho vùng khó khăn, vùng khó tự chủ được kinh phí và đẩy mạnh xã hội hóa tại các vùng còn lại; Củng cố và duy trì hệ thống theo dõi, giám sát dinh dưỡng từ cấp trung ương đến địa phương để đưa ra những can thiệp và điều chỉnh phù hợp và cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách phù hợp về dinh dưỡng; Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ quốc tế và nâng cao hiệu quả phối hợp với các chương trình, dự án khác nhằm đảm bảo tối đa nguồn lực cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng./.

 Với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tiếp tục xác định các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình là mục tiêu phấn đấu của các địa phương, đơn vị. Có những cơ chế, chính sách, giải pháp, nguồn lực để duy trì các kết quả đạt được trong phòng, chống SDD trẻ em; dân số và phát triển; chăm sóc sức khỏe sinh sản; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng.

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính về các nội dung, định mức chi, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị của tỉnh chủ động xây dựng nội dung, hoạt động của yếu của Chương trình trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 và dự toán ngân sách 3 năm giai đoạn 2021-2023 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chú ý đảm bảo ngân sách chi chế độ cho nhân viên y tế, cộng tác viên.

Đề nghị UBND hàng năm bố trí ngân sách địa phương cho hoạt động truyền thông của các hoạt động Dân số - KHHGĐ, phục hồi chức năng cho NKT tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện dinh dưỡng trẻ em. 

Đề nghị UBND bố trí ngân sách hỗ trợ kinh phí để 100% người khuyết tật được thăm khám sức khỏe định kỳ (ít nhất 1 lần/năm); 100% người cao tuổi được thăm khám sức khỏe định kỳ (ít nhất 1 lần/năm).

Đề nghị UBND đưa các chỉ tiêu về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Tích cực huy động nguồn lực và khai thác lợi thế của từng địa phương; tổ chức thực hiện Chương trình theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế và các Bộ, ngành chức năng; Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện chương trình; tổ chức thực hiện, kiểm tra và giám sát; báo cáo hằng năm việc thực hiện chương trình theo quy định hiện hành; Chỉ đạo cơ quan/phương tiện truyền thông của địa phương định kỳ có các chuyên mục, bài viết, phóng sự thông tin tuyên truyền về sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em dưới. Chú trọng hệ thống thông tin cơ sở. 

 

 

Ngày 21/06/2021
Khoa Dân số Phát triển  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.