TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 91  
 
2 7 6 0 7 5 9 9
 
 
Các nghiên cứu khoa học Nhân lực y tế
ĐÁNH GIÁ NGUỒN LỰC VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ KINH TẾ, XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHĂM SÓC MẮT, PHÒNG CHỐNG MÙ LOÀ

ĐÁNH GIÁ NGUỒN LỰC VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ KINH TẾ, XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHĂM SÓC MẮT, PHÒNG CHỐNG MÙ LOÀ

 

Vũ Thị Minh Hạnh và cộng sự

Nơi công bố: Bệnh viện Mắt trung ương

Năm công bố: 2008

 

Mục tiêu của nghiên cứu: (1)Tìm hiểu về mức độ đầu tư nguồn lực và khả năng cung cấp dịch cụ chăm sóc mắt, phòng chống mù loà của mạng lưới các cơ sở y tế (bao gồm cả công lập và ngoài công lập); (2)Tìm hiểu về mức độ sử dụng, khả năng tiếp cận và nhu cầu của cộng đồng trong sử dụng các dịch vụ chăm sóc mắt và phòng chống mù loà; (3)Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội đối với công tác chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa; (4)Đề xuất một số giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động của công tác chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa, định hướng xây dựng kế hoạch quốc gia phòng chống mù lòa.

Đối tượng nghiên cứu được xác định là những nhóm xã hội có liên quan trực tiếp tới việc triển khai thực hiện chương trình chăm sóc mắt, phòng chống mù loà từ trung ương tới tỉnh/thành, quận/huyện và xã/phường gồm: Nhóm cán bộ lãnh đạo quản lý, Nhóm cung ứng dịch vụ chăm sóc mắt, Nhóm hưởng lợi.

Địa bàn nghiên cứu:

Địa bàn điều tra thu thập số liệu định lượng, thống kê về nguồn lực và mức độ sử dụng chăm sóc mắt: 64 tỉnh/thành phố, tiến hành với cấp tỉnh

Địa bàn đánh giá khảo sát chọn mẫu: 16 tỉnh/thành đại diện cho 8 vùng sinh thái gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Tiền Giang, Bình Phước, Cần Thơ, Ninh Thuận, Bình Định, Gia Lai, Huế, Nghệ An, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Tây, Phú Thọ, Lào Cai.

Phương pháp nghiên cứu gồm có: thu thập và phân tích tài liệu; thu thập bằng biểu mẫu thống kê 64 tỉnh/thành; khảo sát đánh giá tại 16 tỉnh/thành qua phỏng vấn sâu 230 cuộc đối với các Lãnh đạo các cấp ngành y tế, ngành giáo dục và Uỷ ban dân số, thảo luận nhóm 128 cuộc với đại diện các ban, ngành, đoàn thể tổ chức xã hội tuyến cơ sở, nhóm bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân đã mổ đục thuỷ tinh thể và người dân trong cộng đồng và điều tra bằng phiếu hỏi tự điền với 480 cán bộ chăm sóc mắt các tuyến.

Kết quả

Mạng lưới chăm sóc mắt, phòng chống mù loà hiện đã được thiết lập ở các tuyến từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã với sự đa dạng cả về mô hình tổ chức, cơ cấu cũng như các loại hình tham gia. Tuy nhiên mạng lưới cũng chưa được phủ rộng trên phạm vi toàn quốc và phân bố chưa hợp lý. Mô hình tổ chức chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, chưa tạo nên sức mạnh tổng thể của toàn mạng lưới.

Nhân lực hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc mắt, phòng chống mù loà hiện đang thiếu ở tất cả các tuyến, đặc biệt là ở tuyến cơ sở, thiếu các chuyên khoa sâu, phân bố không đều nên chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn khi mà tật khúc xạ, các bệnh về đáy mắt ngày càng gia tăng…

Toàn bộ mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt từ tỉnh đến huyện có khoảng gần 2.000 giường bệnh, bình quân >30 giường bệnh/tỉnh, thành phố. Cơ sở vật chất của mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt trong cả nước hiện còn nhiều bất cập chưa theo kịp nhu cầu khám và điều trị các bệnh về mắt ngày càng tăng trong cộng đồng.

Trang thiết bị còn nghèo nàn ở tất cả các tỉnh, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và tuyến cơ sở. Một số địa phương đầu tư trang thiết bị còn chưa hợp lý.

Mức đầu tư cho hoạt động chăm sóc mắt tại các địa phương không tăng qua các năm (2007 so với 2006). Nguồn viện phí trong CSSK mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng cao nhưng còn thấp hơn so với cơ cấu đầu tư của lĩnh vực chăm sóc mắt. Kinh phí đầu tư cho hoạt động còn hạn hẹp, ngân sách nhà nước chỉ đạt 10%, thu viện phí chiếm tới 70% trong khi chi chung cho y tế: nhà nước - 30%, người dân - 60%, nguồn khác - 10%.

Khả năng cung cấp dịch vụ còn nhiều bất cập, nhất là tại tuyến huyện, tuyến xã. Năng lực mổ đục thuỷ tinh thể nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu cần giải quyết. Chăm sóc sau mổ đục thuỷ tinh thể chưa được chú trọng. Hoạt động khám sàng lọc, phát hiện tật khúc xạ và chỉnh kính hiện chưa được triển khai thực hiện tại nhiều địa phương. Nguy cơ y tế ngoài công lập gây ảnh hưởng lớn mạnh hơn y tế công lập, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp kỹ thuật cao tại các khu đô thị.

Phần đông dân cư trong cộng đồng vẫn lựa chọn trạm y tế xã và bệnh viện đa khoa để tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc mắt bởi lý do gần nhà và đỡ tốn kém về thời gian cũng như kinh phí, trong khi khả năng cung cấp dịch vụ của tuyến cơ sở hiện còn rất đơn giản, gây thiệt thòi cho người dân.

Tỷ lệ nghe/biết các bệnh về mắt khá cao song số người biết về một số bệnh cụ thể không nhiều, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc mắt cũng chưa đầy đủ.

Khi có các dấu hiệu bất thường về mắt, phần đông dân cư đã đi khám ở các cơ sở y tế. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ đáng kể để mặc tự khỏi hoặc tự chữa bằng biện pháp dân gian và mua thuốc về.

Khuyến nghị

(1).Các cơ sở chăm sóc mắt từ trung ương đến địa phương cần khẩn trương xây dựng chiến lược/kế hoạch hành động quốc gia cũng như địa phương và tham mưu cho ngành y tế trình Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh phê duyệt tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động nguồn lực để phát triển mạng lưới.

(2).Củng cố và hoàn thiện mạng lưới chăm sóc mắt trong cả nước theo hướng là một chuyên ngành độc lập từ trung ương đến địa phương.

(3).Chú trọng tăng cường đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao và tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến cả về khám chữa bệnh và dự phòng chăm sóc mắt.

(4).Bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ sở chăm sóc mắt các tuyến, đặc biệt là tuyến xã/phường

(5).Tăng cường đầu tư kinh phí đặc biệt là từ nguồn ngân sách Nhà nước cho chương trình chăm sóc mắt, phòng chống mù loà.

(6).Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về chăm sóc mắt đặc biệt là chăm sóc mắt trẻ em trong cộng đồng với việc đa dạng hoá các kênh truyền thông cũng như hình thức và đối tượng tuyên truyền.

(7).Đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong truyền thông về chăm sóc mắt và duy trì thực hiện các hành vi chăm sóc mắt.

(8).Chú trọng thực hiện một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa khả năng cung cấp dịch vụ đục thuỷ tinh thể trên địa bàn

Ngày 04/03/2009
 
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.