TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 26  
 
2 7 7 9 2 1 3 1
 
 
Các nghiên cứu khoa học
ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CUNG ỨNG DỊCH VỤ CỦA TRẠM Y TẾ XÃ TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CUNG ỨNG DỊCH VỤ CỦA TRẠM Y TẾ XÃ TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

Nguyễn Hoàng Giang, Nguyễn Thị Phương Linh, Đào Phương Linh

Nguyễn Thế Vinh, Trần Nguyễn Thiên Giang, Nguyễn Thị Thắng

Nơi công bố: Viện Chiến lược và Chính sách Y tế

Năm công bố: 2022


ĐẶT VẤN ĐỀ

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo 20 năm tới, nước ta sẽ bước vào giai đoạn dân số già với khoảng 21 triệu NCT chiếm 20% tổng dân số. Điều này đặt ra các thách thức lớn trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, an sinh xã hội, và đặc biệt là chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho NCT. Một trong các giải pháp ưu tiên hàng đầu được Chính phủ đặt ra là tăng cường năng lực của tuyến YTCS, đặc biệt là các trạm y tế xã/phường/thị trấn (gọi tắt là TYT xã), trong cung cấp DVYT cơ bản và triển khai hoạt động CSSK ban đầu (CSSKBĐ) cho NCT tại cộng đồng. Tuy nhiên, TYT xã hiện đang đối mặt nhiều khó khăn như thiếu ổn định và đồng nhất về cơ cấu tổ chức và quản lý; nhân lực hạn chế về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị (TTB) và thuốc chưa đáp ứng nhu cầu CSSK của NCT. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu “Đánh giá năng lực cung ứng dịch vụ của TYT xã trong CSSK NCT” được thực hiện. 

MỤC TIÊU CHUNG

Góp phần cung cấp bằng chứng trong xây dựng và hoàn thiện các chính sách về chăm sóc sức khỏe NCT, đặc biệt là các giải pháp nhằm tăng cường năng lực của TYT xã trong đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT tại cộng đồng.

ĐỊA BÀN

Nghiên cứu được thực hiện tại 3 tỉnh gồm: Hà Nam, Lạng Sơn, Quảng Bình.

CÁC PHÁT HIỆN CHÍNH

1. Các TYT xã/phường/thị trấn (TYT xã) hiện nay đang cung ứng các dịch vụ y tế  và triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho người cao tuổi (NCT) theo quy định. 

Khám bệnh chữa bệnh và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm: Đa số các TYT thực hiện KCB BHYT với nhóm bệnh nhân NCT chiếm đa số (60%). Tỉ lệ TYT xã triển khai quản lý điều trị cho bệnh THA và ĐTĐ lần lượt là 64,7% và 30,9%.

Khám chữa bệnh tại nhà cho NCT: Các TYT đã bước đầu thực hiện thăm khám tại nhà cho NCT có hoàn cảnh đặc biệt tuy nhiên tần suất tương đối hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT.

Lập kế hoạch quản lý sức khỏe NCT: Đa số các TYT chưa triển khai lập kế hoạch riêng về quản lý sức khỏe NCT dẫn đến việc chưa triển khai một cách toàn diện các nội dung chăm sóc và quản lý sức khỏe NCT trên địa bàn. 

Quản lý hồ sơ sức khỏe NCT: Hầu hết các TYT xã chưa triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho NCT mà chủ yếu quản lý trên danh sách. Đa số NCT (75%) trên địa bàn chưa được các TYT xã chưa được cập nhật thông tin sức khỏe vào danh sách này.

Khám sức khỏe định kỳ cho NCT: Hoạt động KSK định kỳ và sàng lọc bệnh cho NCT được thực hiện tại hầu hết các TYT xã (94,4%). Tuy nhiên mức độ bao phủ thấp (27,3% NCT tại TYT xã).

Phục hồi chức năng: Các TYT xã chưa đáp ứng được nhu cầu PHCN cho NCT bằng phương pháp y học tại cơ sở y tế chủ yếu là cung cấp thông tin và tư vấn cho NCT và gia đình tự chăm sóc và PHCN tại nhà.

2. Các TYT xã chưa đáp ứng các điều kiện đầu vào cần thiết đáp ứng nhu cầu CSSK NCT tại cộng đồng: thiếu trang thiết bị cận sàng theo nhu cầu của NCT, thuốc hạn chế về số lượng và chủng loại để điều trị bệnh mạn tính phổ biến của NCT, nguồn lực tài chính hạn chế và cơ chế tài chính chưa phù hợp, số lượng nhân lực hạn chế và đa số chưa được đào tạo tập huấn về lão khoa, hệ thống quản lý thông tin thiếu liên thông và đồng bộ.

3. Các yếu tố rào cản đối với NCT trong tiếp cận dịch vụ CSSK của TYT xã 

Một số dịch vụ và hoạt động CSSK của TYT không sẵn có hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu cao của NCT: Các dịch vụ cận lâm sàng để chẩn đoán và theo dõi bệnh, khám sức khỏe tại nhà, và khám sức khỏe định kỳ kết hợp chỉ định và cấp phát thuốc điều trị.

Sự thiếu tin tưởng về chất lượng dịch vụ y tế tại TYT xã: Sự hạn chế về trang thiết bị và thuốc là yếu tố chính khiến NCT đánh giá thấp và không tin tưởng chất lượng dịch vụ của các TYT xã. 

Nhận thức hạn chế của người cao tuổi về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ, việc tuân thủ điều trị, theo dõi, quản lý điều trị và tái khám định kỳ tại CSYT đối với các bệnh mạn tính. Thói quen tự điều trị của của một bộ phân không nhỏ NCT đối với các bệnh cấp tính thông thường và các bệnh mạn tính. 

Hiểu biết của NCT về chính sách bảo hiểm y tế: Chưa nắm rõ chính sách thông tuyến trong KCB BHYT khiến NCT dù có nguyện vọng điều trị tại TYT xã nhưng vẫn đến thăm khám tại các cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tuyến trên. 

Người cao tuổi sống một mình, người cao tuổi hạn chế đị lại, không có sự hỗ trợ của gia đình để đi đến CSYT. Sự hỗ trợ chăm sóc của gia đình vẫn là yếu tố thúc đẩy chính với việc tiếp cận dịch vụ y tế của người cao tuổi.

Một bộ phận NCT dưới 80 tuổi không có BHYT nên thường không chủ động đến TYT xã.

KHUYẾN NGHỊ

Rà soát và sửa đổi quy định quản lý và sử dụng kinh phí cho hoạt động CSSK NCT tại nơi cư trú và cụ thể hóa nội dung liên quan đến huy động, phân bổ và sử dụng kinh phí cho các hoạt động CSSK NCT tại TYT xã như: tư vấn, khám sức khỏe định kỳ, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú cho người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng.

Đổi mới và hoàn thiện cơ chế chi trả cho các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại xã để tạo động lực cho TYT xã cung ứng dịch vụ có chất lượng và đáp ứng nhu cầu điều trị của NCT.

Thúc đẩy giải pháp đấu thầu thuốc BHYT tại các địa phương, cung ứng thuốc liên tục, đầy đủ và đảm bảo tính sẵn có của các loại thuốc phù hợp với nhu cầu điều trị các bệnh thông thường và quản lý điều trị các bệnh mạn tính phổ biến của NCT tại xã.

Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn tăng cường kỹ năng và kiến thức chuyên môn về quản lý, CSSK NCT tại ng đồng cho cán bộ y tế và cán bộ chuyên trách dân số tại các tuyến.

Xây dựng và ban hành biểu mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe người cao tuổi để áp dụng trên cả nước và tích hợp vào phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân đang triển khai tại xã để tăng cường hiệu quả quản lý thông tin y tế.

Xây dựng và phổ biến các tài liệu hướng dẫn chuyên môn cơ bản về lão khoa, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho cán bộ y tế cơ sở

 

 

 

 

 

Ngày 16/05/2023
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.