TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ tư, Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 22  
 
2 7 7 8 4 0 1 5
 
 
Các nghiên cứu khoa học Nhân lực y tế
ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CỦA ĐỘI NGŨ NHÂN LỰC Y TẾ XÃ VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT ĐỂ QUẢN LÝ ĐIỀU TRỊ BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP, ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TẠI TRẠM Y TẾ XÃ

ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CỦA ĐỘI NGŨ NHÂN LỰC Y TẾ XÃ VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT ĐỂ QUẢN LÝ ĐIỀU TRỊ BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP, ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TẠI TRẠM Y TẾ XÃ

Nguyễn Thị Thắng, Nguyễn Hoàng Giang, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Thị Phương Linh, Trần Nguyễn Thiên Giang, Đào Phương Linh

Năm công bố: 2021


1. Đặt vấn đề

Tăng huyết áp (THA) và Đái tháo đường (ĐTĐ) là vấn đề thách thức lớn đối với xã hội và hệ thống y tế toàn cầu. Tại Việt Nam, thực hiện quản lý điều trị (QLĐT) bệnh THA và ĐTĐ tại TYT xã là định hướng của Chính phủ và Bộ Y tế. Theo qui định, tới cuối năm 2019, 100% TYT xã phải được tập huấn về QLĐT bệnh THA, ĐTĐ theo nguyên lý y học gia đình; và hướng đến năm 2020 có ít nhất 70% số TYT xã thực hiện dự phòng, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý THA và 40% số TYT xã thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và quản lý ĐTĐ. Tuy nhiên, theo số liệu năm 2018 của Cục Y tế Dự phòng thì mới có 12% số TYT xã thực hiện quản lý THA, hầu như chưa quản lý ĐTĐ tại xã. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do sự thiếu hụt của về nguồn lực đầu vào, đặc biệt là thuốc, đã tác động đến chất lượng hoạt động điều trị bệnh THA, ĐTĐ tại TYT xã. Bên cạnh đó, các vấn đề về đảm bảo nguồn nhân lực tại TYT xã (số lượng, chất lượng) cũng ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động quản lý THA, ĐTĐ tại cộng đồng.

2. Mục tiêu

• Tìm hiểu thực trạng quản lý điều trị bệnh THA, ĐTĐ tại trạm y tế xã.

• Đánh giá năng lực của đội ngũ nhân lực y tế xã trong triển khai quản lý điều trị bệnh THA, ĐTĐ tại trạm y tế xã.

• Xác định các điều kiện cần thiết để thực hiện quản lý điều trị bệnh THA, ĐTĐ tại trạm y tế xã

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu mô tả cắt ngang, kết hợp phương pháp thu thập số liệu định lượng và định tính.

Nghiên cứu được thực hiện tại 3 tỉnh Thái Bình, Tuyên Quang và Hà Tĩnh. Thời gian thu thập số liệu từ tháng 9/2020 đến tháng 4/2021.

Thu thập số liệu định lượng: thu thập biểu mẫu thống kê tại Sở Y tế, TTYT huyện và TYT xã. Phát vấn bộ câu hỏi định lượng đánh giá năng lực với nhóm cán bộ YBS và chuyên trách BKLN tại TYT xã.

Thu thập số liệu định tính: thực hiện thảo luận nhóm với các đối tượng lãnh đạo quản lý và hoạch định chính sách các cấp; nhóm cán bộ YBS, chuyên trách BKLN, nhân viên YTTB tại TYT xã; bệnh nhân THA, ĐTĐ đang điều trị định kỳ tại TYT xã.

4. Các kết quả nghiên cứu chính

Thực trạng công tác QLĐT bệnh THA và ĐTĐ tại TYT xã

• Hoạt động QLĐT bệnh nhân THA, ĐTĐ tại các TYT xã chủ yếu là khám phát hiện bệnh và quản lý danh sách bệnh nhân. Chỉ có số ít các đơn vị thí điểm mô hình điều trị BKLN tại tuyến xã là có triển khai sàng lọc cộng đồng, cấp thuốc định kỳ và lập bệnh án/phần mềm theo dõi điều trị cho bệnh nhân. 

• Phần lớn bệnh nhân THA, ĐTĐ vẫn đang được điều trị định kỳ tại tuyến huyện. 

Đội ngũ nhân lực y tế xã thực hiện QLĐT bệnh THA và ĐTĐ

• Hầu hết các TYT xã trong khảo sát đã đảm bảo đủ 3 thành phần nhân lực chính trong QLĐT bệnh THA và ĐTĐ là YBS đa khoa có chứng chỉ hành nghề (99,4%), cán bộ theo dõi BKLN (99,4%), đủ nhân lực YTTB hoạt động tại thôn/tổ (96,5%).

• Hoạt động đào tạo cho cán bộ y tế xã về QLĐT bệnh THA, ĐTĐ chủ yếu thực hiện từ hỗ trợ của các Dự án trên địa bàn chứ không huy động đủ từ ngân sách địa phương.

• Tỷ lệ YTTB được đào tạo theo quy định của Bộ Y tế tại 3 tỉnh nghiên cứu chỉ đạt 67,5%. Có 103/170 xã có toàn bộ số nhân viên YTTB là kiêm nhiệm. Nguyên nhân chính là do thực hiện quy định tinh giảm đầu mối cán bộ không chuyên trách ở thôn/tổ dân phố. Trong số các nhân viên YTTB kiêm nhiệm thì có đến 1/3 là không có chuyên môn về y tế hoặc chưa được đào tạo về YTTB. 

Năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân lực trong QLĐT bệnh THA, ĐTĐ tại TYT xã

• Việc chẩn đoán bệnh THA của các YBS tại TYT xã còn có nhiều hạn chế. Mặc dù thực hành chủ yếu dựa trên chỉ số HA, nhưng chỉ có 12% số đối tượng mô tả được đúng các bước đo. Bên cạnh đó, rất ít YBS có hỏi bệnh và khám lâm sàng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ví dụ như hỏi về các yếu tố nguy cơ gây bệnh, tiền sử gia đình, đo BMI, đo vòng bụng/vòng mông, khám phát hiện cơ quan tổn thương.

• Thực tế việc chẩn đoán bệnh ĐTĐ tại TYT xã cần phụ thuộc vào tính sẵn có của xét nghiệm đường máu tại trạm. Việc cấp phát thuốc và lập bệnh án cho bệnh nhân ĐTĐ tại TYT xã cũng hoàn toàn dựa theo chỉ định của TTYT huyện chuyển về.

• Việc tư vấn chăm sóc của YBS với bệnh nhân THA và ĐTĐ mới chỉ tập trung vào hướng dẫn sử dụng thuốc, chưa chú ý đến giúp thay đổi lối sống của bệnh nhân. Kết quả cho thấy không có sự tương đồng về những gì YBS biết và thực tế họ làm, khi mà đánh giá kiến thức cho thấy có trên 80% số đối tượng trả lời đúng các câu hỏi về yếu tố nguy cơ gây bệnh và các nội dung cần tư vấn điều chỉnh lối sống cho bệnh nhân.

• 3 thực hành của cán bộ theo dõi BKLN tại TYT xã là: (1) Thu thập và cập nhật thông tin người bệnh trên địa bàn xã qua KCB tại TYT xã và từ YTTB (giao ban hàng tháng); (2) Báo cáo thông tin về bệnh nhân THA, ĐTĐ cho TTYT huyện; và (3) Cập nhật thông tin bệnh nhân THA, ĐTĐ trên địa bàn cho YTTB. Tuy nhiên các thông tin quản lý bệnh nhân hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nội dung theo qui định tại Thông tư 37/2019/TT-BYT. Trong đó, TYT xã chủ yếu quản lý là thông tin cá nhân, ngày/nơi phát hiện bệnh, yếu tố nguy cơ.

• Chưa có qui định cụ thể về nhiệm vụ của YTTB trong quy trình QLĐT bệnh nhân THA và ĐTĐ. Thực tế các hoạt động YTTB tham gia là khi có yêu cầu của TYT xã, bao gồm: (1) Cập nhật danh sách bệnh nhân trên địa bàn, theo dõi tình trạng bệnh nhân tại hộ gia đình; và (2) Truyền thông, tư vấn cho bệnh nhân và người có nguy cơ thông qua loa đài, lồng ghép trong các cuộc họp của hội/ban ngành, nhưng chủ yếu vẫn là truyền thông trực tiếp cá nhân.

Các điều kiện cần thiết để cán bộ y tế xã thực hiện QLĐT bệnh THA, ĐTĐ 

• Tập huấn nâng cao năng lực YBS, đảm bảo điều kiện về thuốc (TT 39/2017/TT-BYT về Gói dịch vụ y tế cơ bản), có xét nghiệm đường máu mao mạch là các giải pháp trước mắt giúp cán bộ y tế thực hiện hiệu quả công tác QLĐT bệnh THA, ĐTĐ tại TYT xã.

• Việc áp dụng các hình thức quản lý thông tin điều trị của bệnh nhân tại TYT xã giữa các tỉnh là chưa thống nhất. Với bệnh án điều trị ngoại trú, đây chưa phải là quy định bắt buộc thực hiện tại TYT xã và cũng chưa có biểu mẫu chính thức dành cho tuyến xã từ Bộ Y tế. Các TYT xã đang thực hiện chỉ mang tính tự phát bằng cách sao chép từ bệnh án ngoại trú của TTYT huyện hoặc sử dụng mẫu do Dự án cung cấp. Còn với hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) thì lộ trình triển khai bao phủ toàn dân và mức độ cập nhật đầy đủ thông tin đang rất khác nhau giữa các địa phương. Tuy nhiên đây là hình thức lý tưởng để theo dõi tình hình điều trị của bệnh nhân nếu khi cơ sở dữ liệu có thể kết nối với phần mềm khám chữa bệnh BHYT và liên thông giữa các tuyến.

• Sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ của cơ quan quản lý y tế tại địa phương là một trong các yếu tố quan trọng đảm bảo việc các điều kiện cần thiết để thực hiện quản lý THA, ĐTĐ tại TYT xã.

• Để có thể quản lý và điều trị bệnh nhân THA, ĐTĐ hiệu quả thì TYT xã phải thể hiện được vai trò tham mưu chủ động cho UBND xã, huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể xã và người bệnh. 

5. Khuyến nghị

Đối với Bộ Y tế: 

• Rà soát lại số liệu nhân viên YTTB chưa qua đào tạo chuyên môn trên địa bàn cả nước để có phương hướng đào tạo/tập huấn cho đội ngũ này vì đây là cánh tay nối dài của TYT xã trong theo dõi, quản lý người bệnh THA, ĐTĐ tại cộng đồng.

• Xem xét cơ chế thanh toán dịch vụ xét nghiệm đường máu mao mạch qua BHYT trong khám phát hiện sớm bệnh nhân ĐTĐ tại TYT xã.

• Cần qui định việc sử dụng thống nhất phần mềm quản lý số liệu bệnh THA, ĐTĐ tại TYT xã trên phạm vi cả nước. Phần mềm này phải liên thông với phần mềm dữ liệu KCB của người bệnh cũng như phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân/HSSKĐT (mô hình HSSKĐT của Hà Tĩnh).

Đối với Sở Y tế:

• Xây dựng kế hoạch và thực hiện tập huấn định kỳ hàng năm cho đội ngũ YBS thực hiện QLĐT bệnh THA, ĐTĐ cũng như cán bộ theo dõi BKLN tại TYT xã, trong đó cần chú trọng đặc biệt tới đội ngũ Y sĩ thực hiện KCB cho bệnh nhân.

• Thực hiện khảo sát các loại máy xét nghiệm đường máu mao mạch hiện đang có từ nhiều nguồn khác nhau ở các TYT xã để xây dựng phương án đấu thầu que thử phù hợp với máy. 

• Duy trì công tác chỉ đạo, giám sát và kiểm tra thường xuyên việc thực hiện QLĐT bệnh THA, ĐTĐ tại TYT xã.

Đối với TTYT huyện:

• Cấp đủ số lượng và chủng loại thuốc THA, ĐTĐ cho TYT xã dựa trên số thẻ BHYT và số bệnh nhân THA, ĐTĐ trên thực tế của xã.

• Hỗ trợ chuyên môn định kỳ cho các YBS qua các buổi giao ban với TYT xã.

• Duy trì công tác chỉ đạo, giám sát và kiểm tra thường xuyên việc thực hiện QLĐT bệnh THA, ĐTĐ tại TYT xã.

• Có cơ chế khuyến khích các TYT xã thực hiện QLĐT tốt bệnh nhân THA, ĐTĐ từ nguồn tiền công khám bệnh.

Đối với TYT xã:

• Xây dựng kế hoạch QLĐT bệnh THA, ĐTĐ hàng năm và chủ động tham mưu UBND xã để có sự vào cuộc của chính quyền và các ban ngành.

• Tuân thủ đầy đủ các nội dung QLĐT bệnh THA, ĐTĐ theo đúng qui định.

 

 

 

 

Ngày 19/01/2022
Khoa Y tế Công cộng  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.