TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ hai, Ngày 04 Tháng 12 Năm 2023  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 143  
 
2 7 0 3 3 8 6 9
 
 
Các nghiên cứu khoa học Dân số
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI CÁC CHÍNH SÁCH VỀ KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH TẠI MỘT SỐ TỈNH, THÀNH PHỐ

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI CÁC CHÍNH SÁCH VỀ KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH TẠI MỘT SỐ TỈNH, THÀNH PHỐ

 

TS. Nguyễn Văn Hùng, CN, Vũ Thị Thanh Nga, ThS. Vũ Thị Minh Hạnh, 

TS. Trần Đức Thuận; ThS. Nguyễn Thị Tố Quyên; ThS. Nguyễn Thị Thanh; 

CN Ngô Văn Vương, ThS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh.


Nơi công bố: Viện Chiến lược và Chính sách Y tế

Năm công bố: 2021


TÓM TẮT

Để cung cấp bằng chứng cho việc thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) theo Quyết định 468/QĐ-TTg từ ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã tiến hành nghiên cứu “Đánh giá thực trạng triển khai các chính sách về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại một số tỉnh thành phố”.

MỤC TIÊU

• Đánh giá thực trạng triển khai các chính sách về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại một số tỉnh/thành phố.  

• Phân tích những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong thực tiễn.

• Đề xuất chính sách nhằm kiểm soát có hiệu quả hơn tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh trong thời gian tới.

ĐỊA BÀN

Nghiên cứu này được thực hiện tại 5 tỉnh/thành phố gồm: Hòa Bình; Thái Bình; Thừa Thiên Huế; Gia Lai; Hồ Chí Minh

CÁC PHÁT HIỆN CHÍNH

 Về thực trạng triển khai các chính sách về kiểm soát MCBGTKS.  

Kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam đã đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra là khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) hàng năm ở dưới 0,4 điểm phần trăm/năm theo mục tiêu của đề án kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025 đề ra. Tuy nhiên, TSGTKS ở Việt Nam vẫn có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng miền trong cả nước. Tại các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung, Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng Sông Hồng tỷ số này cao hơn các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. 

Mức chênh lệch TSGTKS còn nhiều biến động với một biên độ lớn giữa các tỉnh theo từng năm. Những xu hướng biến động của TSGTKS cho thấy những thách thức to lớn trong việc đưa tỉ số này xuống "dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống" vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về Công tác dân số trong tình hình mới đề ra.

Sau khi xuất hiện tình trạng MCBGTKS, nhận diện được nguyên nhân, hậu quả của vấn đề này trung ương và các địa phương đã sớm ban hành văn bản chỉ đạo điều hành, văn bản triển khai thực hiện, mà điểm nhấn quan trọng đó là việc Chính phủ ban hành Quyết định 468/QĐ-TTg về đề án Kiểm soát MCBGTKS, các địa phương, tỉnh ủy, UBND cũng thể hiện những cam kết chính trị mạng mẽ để từng bước triển khai thực hiện đề án trong thực tiễn cuộc sống. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành tạo dựng một cam kết chính trị và hành lang pháp lý cho việc triển khai thực hiện.

Các Bộ, ngành, của cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương đã vào cuộc chủ động để triển khai thực hiện các giải pháp của chương trình can thiệp giảm thiểu MCBGTKS. Tại trung ương nhiều Bộ, ngành đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện đề án, ký cam kết phối hợp liên ngành, phối hợp kiểm tra giám sát Tại địa phương, tất cả các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn khảo sát đã ban hành văn bản chỉ đạo điều hành chương trình này. Tuy vậy, nguồn lực bổ sung cho chương trình còn chậm, chưa ổn định, định mức còn thấp.

Đã có nhiều hoạt động truyền thông được triển khai tại cộng đồng thông qua các kênh thông tin khác nhau, với nhiều nội dung phong phú đa dạng liên quan đến công tác DS-KHHGĐ nói chung và MCBGTKS nói riêng đã giúp nâng cao người dân hiểu biết hơn về nguyên nhân, hậu quả của tình trạng MCBGTKS. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đảm bảo có kênh truyền thông, thông điệp và tài liệu truyền thông phù hợp với các đối tượng đích do thiếu kinh phí, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị

Công tác truyền thông, giáo dục đã góp phần quan trọng trong nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân về vấn đề bình đẳng giới, vai trò của con trai, con gái trong gia đình. Tuy nhiên, bị áp lực sinh được con trai vẫn còn diễn ra tương đối phổ biến trong các gia đình, nhất là gia đình nhiều thế hệ chung sống, gia đình là con trai trưởng, con trai độc.

Bộ Y tế, trực tiếp là Tổng cục DS-KHHGĐ được giao là đơn vị điều phối các hoạt động của Đề án đã huy động được nhiều bên liên quan tham gia vào thực hiện, trong đó sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, có sự tham gia tích cực của các bộ ngành như Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Địa phương đã tổ chức các hình thức khen thưởng đối với các gia đình sinh con 1 bề là gái. Tuy nhiên, các hình thức khen thưởng đang được áp dụng chủ yếu là “tôn vinh, biểu dương về mặt tinh thần”, các hình thức này chỉ mang tính đại diện, chưa đi vào chiều sâu, chiều rộng, đôi khi còn mang tính hình thức, tính thời điểm.

Công tác thực thi chính sách pháp luật về kiểm soát MCBGTKS chưa đem lại hiệu quả như mong đợi, hàng năm các địa phương đều tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát các cơ sở siêu âm, bắt mạch, các cơ sở in, xuất bản ấn phẩm sách, báo nhưng số các tổ chức, cá nhân bị phát hiện và xử lý phạm vi phạm không được là bao.

 Khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện 

Công tác chỉ đạo điều hành đã được xây dựng, ban hành rất kịp thời, tuy nhiên việc đầu tư nguồn lực chưa tương xứng. Có địa phương ban hành rất nhiều văn bản nhưng nguồn lực đầu tư rất ít, có địa phương đầu tư kinh phí cho chương trình dân số nói chung thì nhiều nhưng đầu tư cho việc thực hiện Đề án kiểm soát MCBGTKS lại hạn chế.

Các Bộ, ngành, của cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương đã vào cuộc chủ động để triển khai thực hiện phối hợp nhưng công tác phối hợp mới chỉ dừng lại ở việt ban hành hành các văn bản hướng dẫn còn việc triển khai các hoạt động cụ thể chưa được quan tâm đúng mức đặc biệt là hối hợp kiểm tra giám sát.

Kinh phí phân bố cho công tác truyền thông thấp nên các hoạt động truyền thông về kiểm soát MCBGTKS vẫn phải lồng ghép vào các hoạt động khác nên chưa tạo được điểm nhấn, chưa tạo được “cú hích” để thay đổi nhận thức của người dân về hậu quả cũng như định kiến về giới.

Công tác khen thưởng những gia đình sinh con một bề là gái tổ chức tại các địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, gián đoạn nên cũng chưa tạo được sự đồng thuận, chưa tạo được niềm tin cho người dân đối với các chính sách an sinh sau khi về già.

Công tác thực thi chính sách pháp luật về kiểm soát MCBGTKS chưa đem lại hiệu quả như mong đợi, hàng năm các địa phương đều tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát các cơ sở siêu âm, bắt mạch, các cơ sở in, xuất bản ấn phẩm sách, báo nhưng số các tổ chức, cá nhân bị phát hiện và xử lý phạm vi phạm không được là bao.

Định kiến về giới vẫn còn tồn tại trong tiềm thức của người dân, do vậy, vẫn còn có một tỷ lệ nhất định người dân đã từng sử dụng ít nhất một biện pháp sinh con theo ý muốn. Biện pháp được nhiều người sử dụng nhất thực hiện chế độ ăn uống, sử dụng kết hợp giữa đông y và tây y, trong số đó cũng có nhiều người thành công sau khi họ sử dụng biện pháp can thiệp.

Các cơ sở cung cấp dịch vụ sản phụ khoa vẫn thông báo giới tính thai nhi đến khách hàng sử dụng dịch vụ, tỷ lệ tiết lộ giới tính thai nhi ở cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn các cơ sở y tế công lập.

KHUYẾN NGHỊ

 Với chính phủ

Chính phủ cần ban hành một nghị quyết thực hiện chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với những người thực hiện tốt công tác dân số nói chung trong đó có nội dung về MCBGTKS. Điều này không chỉ thể hiện sự cam kết chính trị mạnh mẽ của chính phủ, mà còn huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, huy động được nguồn lực, để chính sách được thực hiện thống nhất và quan trọng để người dân yên tâm hơn khi nhận thấy được sự vào cuộc từ cơ quan hành pháp cao nhất của đất nước

 Với Bộ Y tế

Rà soát lại các văn bản đã ban hành, sửa đổi, bổ sung những văn bản các văn bản để tang hiệu lực quản lý nhà nước về vấn đề kiểm soát MCBGTKS. Đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách liên quan như Luật Bình đẳng Giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, v.v… Chỉ đạo các Vụ, cục, đơn vị liên quan phối với các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong việc triển khai các chương trình, các hoạt động liên quan đến kiểm soát MCBGTKS.

Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác DS- KHHGĐ, trong đó bổ sung nhiều nội dung truyền thông về vị thế của người con gái trong gia đình. Tuyên về hệ lụy của vấn đề MCBGTKS, ưu tiên hướng đến các đối tượng đã có 2 con gái và đang có dự định sinh thêm con thứ 3, hay những người sống trong gia đình nhiều thế hệ, những gia đình có con trai duy nhất, con trai độc nhất, v.v….

Chú trọng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng thích hợp để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tình trạng MCBGTKS; thay đổi các hình thức truyền thông, nên có những thước phim, những câu chuyện đời thường về tấm gương của những gia đình sinh con một bề là gái và họ sống hạnh phúc.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất các cơ sở y tế, các phòng khám sản phụ khoa trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Cần có những can thiệp mạnh hơn về công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống y tế tư nhân và hệ thống y tế nhà nước nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của các cơ sở này trong quá trình cung cấp dịch vụ nhất là việc thông báo giới tính thai nhi.

Việt Nam đang trong quá trình biến đổi cấu trúc gia đình mạnh mẽ, những minh chứng từ các nghiên cứu được cập nhật có vai trò rất cần thiết cho việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan đến TSGTKS. Do vậy, cần có những nghiên cứu sâu hơn về mô hình của gia đình (gia đình lưỡng hệ và gia đình phụ hệ…) tác động đến TSGTKS ở Việt Nam hiện nay.

 Với các Bộ liên quan

Bộ Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục chỉ đạo để đưa thêm nội dung về MCBGTKS, bình đẳng giới vào các chương trình ngoại khóa trong trường THCS, THPT và đại học. Phối hợp với Bộ Y tế (Tổng cục DS-KHHGĐ) xây dựng tài liệu chuẩn (giáo trình) để cấp cho các trường học trong quá trình giảng dạy. Báo báo cáo Chỉnh phủ để có chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên trong các gia đình có con một bề là gái thực hiện tốt chương trình DS-KHHGĐ.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tuyên truyền luật bình đẳng giới, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng bạo hành liên quan đến giới. Báo cáo chính phủ có những chính sách ưu tiên đào tạo nghề và tuyển dụng đối với lao động nữ (vì trên thực tế nữ giới khó khăn hơn so với nam giới). Ngoài ra cần có chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho những người bố mẹ già sinh con một bề.

 Chính quyền địa phương

Lồng ghép các nội dung liên quan đến đề án giảm thiểu MCBGTKS vào hương ước, quy ước nhằm tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc thực hiện đề án.

Cụ thể hóa các hướng dẫn từ Bộ Y tế trong việc triển khai các hình thức hỗ trợ, cần đa dạng hóa mở rộng các hình thức hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa của từng từng địa phương, từng dân tộc để người dân nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, sự cần thiết của chính sách.

Ngoài 4 đối tượng trong các gia đình sinh con một bề gái được hỗ trợ: hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân đang sống tại các xã đảo, huyện đảo; cho cha mẹ sinh con một bề gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu (theo Quyết định số 468/QĐ-TTg), cần mở rộng đối tượng sinh con một bề là gái được hưởng chính sách hỗ trợ về vật chất và tinh thần như gia đình có mức sống trung bình, gia đình có bố mẹ bị tai nạn lao động, gia đình có điều kiện kinh tế nhưng con cái ngoan, học giỏi.

Cung cấp kiến thức về giới, giới tính trước khi sinh, về các quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi tại cộng đồng, khu dân cư, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vai trò của nam giới và nữ giới trong gia đình.

Chỉ đạo ngành tư pháp tổ chức cung cấp thông tin cho đối tượng nam, nữ đến đăng ký kết hôn tại để nam nữ hiểu được tác hại của việc lựa chọn giới tính thai nhi và các quy định của pháp luật về nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

Rà soát, lựa chọn các đối tượng đích để tuyên truyên về MCBGTKS, ưu tiên những gia đình đã sinh con 1 bề là gái, những cặp vợ chồng sống trong gia đình nhiều thế hệ, những gia đình có cont rai trai duy nhất, con trai độc nhất.

 

 

 

 

 

 

Ngày 11/10/2021
Khoa Dân số Phát triển  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.