TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 23  
 
2 7 7 8 6 5 0 3
 
 
Các nghiên cứu khoa học Cung ứng dịch vụ y tế
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO NGƯỜI NGHÈO TẠI NĂM TỈNH MIỀN NÚI PHÍA BẮC VÀ TÂY NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO NGƯỜI NGHÈO TẠI NĂM TỈNH MIỀN NÚI PHÍA BẮC VÀ TÂY NGUYÊN

 

Đàm Viết Cương, Trần Thị Mai Oanh, Dương Huy Lương,

Nguyễn Khánh Phương,Trần Văn Tiến,

Vũ Thị Minh Hạnh, Phan Hồng Vân và cộng sự

 

Nơi công bố: Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt

Năm công bố: 2007

 

Hỗ trợ người nghèo và người dân tộc thiểu số trong khám chữa bệnh luôn là nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ Việt . Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người nghèo, Uỷ Ban Châu Âu (EC) đã xây dựng dự án HEMA nhằm hỗ trợ 5 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Gia Lai và Kon Tum giai đoạn 2006-2010. Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã tiến hành điều tra về tình hình sức khỏe và khám chữa bệnh cho người nghèo tại 5 tỉnh của dự án HEMA nhằm thu thập các thông tin cơ bản để xây dựng và đánh giá dự án. Đây là một cuộc điều tra mang tính toàn diện, không chỉ đánh giá từ góc độ người cung ứng và góc độ các nhà quản lý mà còn đánh giá việc CSSK người nghèo từ góc độ người hưởng lợi. Cuộc điều tra được thực hiện ở 1.575 hộ gia đình.

 

MỘT SỐ PHÁT HIỆN CHÍNH

Hành vi tìm kiếm dịch vụ y tế của người nghèo

•Người nghèo khi ốm đau chủ yếu đến cơ sở y tế nhà nước khám chữa bệnh. Khoảng 30-40% người nghèo ở các tỉnh Miền núi phía Bắc và 20% ở Tây Nguyên tự điều trị khi ốm đau.

•Hầu hết người dân mắc bệnh nhẹ đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, khoảng 97%. Đối với các bệnh nặng, người dân có xu hướng sử dụng dịch vụ ở các cơ sở y tế tuyến trên như bệnh viện huyện và bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên người dân đến khám chữa bệnh nặng chủ yếu tại trạm y tế xã, khoảng 80%.

•Lý do phổ biến của việc người dân không đi khám chữa bệnh là bệnh chưa nặng vàkhó khăn trong đi lại.

•Khoảng 40% đối tượng đã từng sử dụng thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh cho biết sử dụng dịch vụ CSSK nhiều hơn kể từ khi có thẻ bảo hiểm. Lý do chính là không phải trả tiền cho khám chữa bệnh cũng như thuận tiện hơn trong tiếp cận dịch vụ y tế.

•Khoảng 53% bà mẹ được hỏi trả lời có đi khám thai trong quá trình mang thai. Thực trạng chăm sóc trước sinh ở các tỉnh Miền núi phía Bắc không tốt bằng các tỉnh Tây Nguyên. Nhìn chung, công tác chăm sóc trước sinh còn hạn chế trên phương diện số lượng và chất lượng. Hầu hết các dịch vụ chăm sóc trước sinh đều do Trạm y tế xãcung cấp, chiếm 83%.

•Tỷ lệ sinh con tại nhà vẫn còn chiếm tỷ lệ cao tại cả 5 tỉnh nghiên cứu. Chỉ khoảng 30% số trường hợp sinh con có sử dụng gói đẻ sạch.

•86,3% hộ gia đình có sử dụng thẻ KCB người nghèo/BHYT khi đi khám chữa bệnh.

•Tỷ lệ sử dụng thẻ KCB người nghèo/thẻ BHYT cao đối với cả dịch vụ nội trú và ngoại trú.

•Lý do chính không sử dụng thẻ KCB người nghèo/thẻ BHYT là do bị ốm nhưng bệnh chưa nặng đến mức phải điều trị hoặc không bị ốm. Một lý do quan trọng khác là không biết cách sử dụng thẻ do không được hướng dẫn cách sử dụng.

•Tỷ lệ không đi khám chữa bệnh và tự điều trị rất cao ở nhóm đối tượng không có thẻ BHYT/thẻ KCB.

Sử dụng dịch vụ KCB ngoại trú

•Trạm Y tế xã là cơ sở y tế chủ yếu cung cấp các dịch vụ KCB ngoại trú cho người nghèo ở các tỉnh nghiên cứu, chiếm 82%. Y tế tư nhân có vai trò không đáng kể trong việc cung cấp dịch vụ CSSK.

•Số lượt sử dụng dịch vụ KCB ngoại trú bình quân/năm của người có thẻ KCBNN/BHYT cao hơn so với nhóm không có thẻ.

•Số lần sử dụng dịch vụ KCB ngoại trú trung bình của người dân là 1 lần khám/người/năm.

Sử dụng dịch vụ KCB nội trú

•Bệnh viện huyện là cơ sở y tế chủ yếu cung cấp các dịch vụ KCB nội trú

•Không có sự khác biệt lớn về tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế nội trú giữa nhóm đối tượng có thẻ và không có thẻ ở các tỉnh nghiên cứu

•Số lần sử dụng dịch vụ nội trú trung bình là: 4 lần KCB/100 người dân/năm

Chi tiêu cho khám chữa bệnh của các đối tượng hưởng lợi sau khi thực hiện quyết định 139 (QĐ-TTg)

•Việc sử dụng thẻ KCB người nghèo/thẻ BHYT đã góp phần làm giảm chi phí y tế của dịch vụ KCB ngoại trú và nội trú. Tuy nhiên, người nghèo vẫn phải trả thêm một khoản chi phí đáng kể cho các loại thuốc không được BHYT thanh toán cũng như cho các chi phí gián tiếp khác.

•Nhìn chung, những người có thẻ phải chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh với số tiền ít hơn so với những người không có thẻ (cả chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp).

Việc triển khai thực hiện Quỹ KCB cho người nghèo

•Một số người nghèo và người dân tộc thiểu số chưa được cấp thẻ KCB.

•Vướng mắc trong quá trình xác định đối tượng nghèo tại địa phương:

- Việc lập danh sách người nghèo được thực hiện thông qua việc ghi chép bằng tay.

- Chưa xây dựng được cơ chế để kiểm tra và kiểm tra chéo danh sách hộ nghèo.

- Quy trình lập danh sách hộ nghèo rất phức tạp.

- Nguồn tài chính cho công tác quản lý hành chính hạn chế và không có chế độ khuyến khích cho nhân lực thực hiện công tác này ở địa phương.

•Chậm trễ trong in ấn và cấp phát thẻ KCB người nghèo.

Năng lực quản lý của cơ quan BHXH

•Năng lực của cơ quan BHXH trong công nghệ thông tin nhìn chung còn hạn chế về nhiều mặt: nhân lực, xây dựng phần mềm quản lý và ứng dụng.

Tác động của Quỹ KCB cho người nghèo đối với đối tượng hưởng lợi

•Quỹ KCB cho người nghèo có tác động tích cực tới việc CSSK cho người nghèo trong nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cũng như giảm gánh nặng tài chính cho nhóm đối tượng hưởng lợi. Tuy nhiên một số đối tượng hưởng lợi chưa thực sự được hưởng lợi từ Quỹ KCB cho người nghèo. Nhiều người nghèo không đi KCB tại các CSYT.

Một số yếu tố ảnh hưởng tới việc sử dụng dịch vụ của người nghèo

•Chất lượng dịch vụ, đặc biệt tại tuyến xã còn hạn chế

•Kiến thức và thực hành về các vấn đề sức khoẻ và CSSK và tầm quan trọng của CSSK của nhóm đối tượng nghèo còn hạn chế.

•Ngôn ngữ cũng là rào cản trong việc giao tiếp bởi vì không phải người dân tộc nào cũng nói được tiếng Kinh và nhiều cán bộ y tế không nói được tiếng dân tộc.

•Các hoạt động truyền thông còn hạn chế.

•Khoảng cách, khó khăn về giao thông và thiếu hiểu biết về CSSK của một số đồng bào dân tộc thiểu số là những rào cản chính có ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế.

•Hạn chế về quyền lợi do hạn chế trần điều trị, sự sẵn có của các dịch vụ CSSK và thuốc, đặc biệt ở Trạm y tế xã cũng là yếu tố cản trở việc sử dụng dịch vụ CSSKcủa người dân.

•Một số đối tượng gặp khó khăn về tài chính trong KCB do phải trả thêm chi phí cho thuốc hoặc các chi phí gián tiếp khác như ăn uống và đi lại...

•Thủ tục hành chính là một rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ CSSK tuyến trên.

Tóm lại, khả năng tiếp cận các dịch vụ CSSK ngoại trú và nội trú của người nghèo ngày càng được cải thiện kể từ khi Quỹ KCB cho người nghèo được triển khai. Tuy nhiên, hiệu quả của việc triển khai hoạt động của Quỹ trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người nghèo và các nhóm đối tượng đích khác còn hạn chế ở cả 5 tỉnh nghiên cứu. Mặc dù khả năng tiếp cận dịch vụ của nhóm đối tượng hưởng lợi của Quỹ có tăng lên nhưng chưa đạt được như mong muốn do chất lượng dịch vụ ở tuyến dưới chưa được cải thiện, chi phí gián tiếp cho điều trị vẫn còn cao và việc quản lý Quỹ vẫn còn một số vướng mắc.

Ngày 04/03/2009
 
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.