TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ bảy, Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 29  
 
2 7 7 6 4 3 5 7
 
 
Các nghiên cứu khoa học Quản lý điều hành
Đánh giá 9 tháng triển khai thực hiện đề án 1816 nhằm đề xuất các giải pháp hoàn thiện

I. Đặt vấn đề
Ngày 26/5/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh". Mục tiêu của Đề án: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế. Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương. Chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới. Để Đề án thực sự phát huy hiệu quả và đảm bảo tính bền vững trong thực tiễn cần thiết phải tiến hành nghiên cứu đánh giá quá trình triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua nhằm nhận diện những vấn đề phát sinh cũng như những bất cập cần tháo gỡ, từ đó đề xuất các giải pháp sao cho phù hợp và khả thi hơn.

II. Mục tiêu nghiên cứu
1.    Đánh giá quá trình tổ chức thực hiện Đề án tại các tuyến.  
2.    Xác định kết quả bước đầu của việc triển khai thực hiện đề án 1816.  
3.    Phân tích những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai thực hiện đề án.
4.    Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính bền vững của việc thực hiện đề án 1816 trong thời gian sắp tới.

III. Địa bàn nghiên cứu
-    Đối với các đơn vị cử cán bộ đi luân phiên: BV tuyến TW: BV Bạch Mai, BV ĐK TW Huế, BV Chợ Rẫy. BV chuyên khoa tuyến TW: BV Lao và Bệnh Phổi TW, BV Nhi TW, BV Hữu nghị Việt Đức. BV hạng I của 3 TP lớn: BV Xanh Pôn (TP Hà Nội), BV Việt Tiệp (TP Hải Phòng), BV Nhân dân Gia Định (TP. HCM)
-    Đối với các địa phương: 5 tỉnh đã tiếp nhận cán bộ tuyến trên về luân phiên là Trà Vinh, Điện Biên, Hà Nam, Quảng Nam, Đắc Nông.

IV. Phương pháp
Nghiên cứu điều tra mô tả cắt ngang kết hợp phân tích hồi cứu, sử dụng cả hai phương pháp thu thập thông tin định lượng và định tính trong đó đã tiến hành 29 cuộc Thảo luận nhóm với Ban Chỉ đạo Đề án các tuyến, 60 cuộc Phỏng vấn sâu với lãnh đạo ngành Y tế từ tuyến TW đến cơ sở và lãnh đạo UBND các tỉnh, phát phiếu phỏng vấn 389 cán bộ đã và đang thực hiện luân phiên tại tuyến dưới.

V. Một số phát hiện chính
-    Về quá trình tổ chức triển khai thực hiện:
-    100% các cơ sở được khảo sát đã tiến hành phổ biến quán triệt chủ trương này của BYT tới đông đảo cán bộ trong toàn đơn vị.
-    100% các cơ sở tuyến TW, > 95% các CS tuyến tỉnh và tuyến huyện đã thành lập BCĐ thực hiện Đề án.
-    100% các BV tuyến TW, 97% tuyến tỉnh, 98% tuyến huyện đã lập kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. 86,1% cán bộ đã lập kế hoạch trước khi đi luân phiên.
-    93% BV tuyến TW, 76% BV tuyến tỉnh đã thực hiện giám sát hỗ trợ cho cán bộ đi luân phiên.
-    Về kết quả 9 tháng triển khai thực hiện Đề án:
-    Có 1.794 cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao tại các cơ sở được khảo sát đã được điều động luân phiên từ BV tuyến trên về làm việc tại BV tuyến dưới.
-    Hơn 90% số cán bộ nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Đề án; hơn 85% đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; 78% đã nghiêm túc chấp hành quyết định điều động; 85% đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…
-    Các BV tuyến TW đã chuyển giao cho tuyến dưới 80 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng. Số liệu tương ứng đối với BV tuyến tỉnh và BV tuyến huyện là: 110 và 90.
-    Các BV tuyến trên đã trang bị nhiều TTB mới cho tuyến dưới, TTB cũ được phục hồi và đưa vào sử dụng.
-    Có 139.661 lượt bệnh nhân đã được cán bộ luân phiên từ BV tuyến trên trực tiếp khám bệnh, 97.415 lượt được trực tiếp điều trị, 6.529 ca được trực tiếp phẫu thuật.
-    Quy trình triển khai các kỹ thuật tại nhiều BV tuyến dưới cũng đã được CB luân phiên hướng dẫn điều chỉnh hoặc thiết lập một cách bài bản và khoa học.
-    97% BV tuyến tỉnh, 77,3% BV tuyến huyện hài lòng với những đóng góp của CB tuyến trên luân phiên đến.
-    Về những tác động bước đầu của việc triển khai thực hiện Đề án:
-    Đối với các cơ sở tuyến trên: Uy tín, vị thế chuyên môn của các BV chủ quản đã ngày càng được nâng lên. Khả năng chuyên môn của CB được rèn luyện, thử thách và phát triển trong thời gian thực thi nhiệm vụ ở tuyến dưới. Góp phần giảm tải đối với các BV tuyến trên.
-    Đối với các cơ sở tuyến dưới: Năng lực cung cấp dịch vụ CSSK đã được cải thiện một cách đáng kể, nhất là đối với các chuyên khoa được BV tuyến trên hỗ trợ. Uy tín của BV ngày càng được nâng. Bệnh nhân được tiếp cận tại chỗ với các dịch vụ kỹ thuật cao, giảm thiểu chi phí trong khám chữa bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
-    Về những khó khăn, bất cập:
-    Đối với các cơ sở tuyến trên: Một số đơn vị còn thụ động trong tiếp nhận và triển khai thực hiện Đề án, điều động CB đi luân phiên chưa phù hợp với nhu cầu cần hỗ trợ của tuyến dưới. Có đơn vị khi triển khai Đề án còn thiếu linh hoạt trong vận dụng các quy định...
-    Đối với cơ sở tuyến dưới: Có đơn vị chưa thực sự chủ động trong lĩnh hội và triển khai thực hiện Đề án. Đa số các BV tuyến dưới hiện đang thiếu định hướng phát triển các kỹ thuật. Khả năng rà soát nhu cầu và lập kế hoạch đề xuất hỗ trợ còn rất hạn chế. Một số BV tuyến dưới còn tỏ ra ỷ lại vào BV tuyến trên, chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, cow sở vật chất, TTB để tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao. Sự phát triển thiếu đồng bộ về các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng. Với một số kỹ thuật cao, bệnh nhân ở tuyến dưới không nhiều dễ dẫn đến tình trạng lãng phí khi cử CB tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật...
-    Một số quy định chung trong hướng dẫn thực hiện Đề án hiện còn bất cập như: Quy định về chỉ tiêu CB đi luân phiên theo quy mô giường bệnh. Quy định về thời gian luân phiên 3 tháng/người/lượt. Quy định gửi báo cáo về BCĐ thực hiện Đề án TW theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng... Vai trò phối hợp giám sát và điều chỉnh kịp thời của các BV đầu ngành của các khu vực cũng như bộ phận thường trực thuộc BCĐ Đề án TW có những thời điểm chưa sát sao kịp thời.
-    Đối với các chính sách hiện hành: Danh mục thuốc theo tuyến và danh mục chi trả của BHYT theo quy định hiện hành đã làm hạn chế hiệu quả điều trị của cán bộ y tế tuyến trên khi luân phiên về làm việc tại tuyến dưới. Chưa có các chính sách đãi ngộ thỏa đáng nhằm thu hút CB luân phiên về cũng như giữ chân CB yên tâm gắn bó với tuyến dưới.
-    Ảnh hưởng ngoài mong muốn: Có thể làm gia tăng thêm tình trạng quá tải của các BV tuyến trên. Thực hiện tự chủ theo Nghị định 43 cũng đã đem lại những ảnh hưởng bất lợi khi một số BV tuyến trên cũng có mong muốn tăng thu nhập nhờ ngày càng có thêm nhiều bệnh nhân từ tuyến dưới.

VI. Khuyến nghị
*    Một số giải pháp trước mắt:
-    Chấn chỉnh kịp thời các bất cập trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
-    Bổ sung thêm một số danh mục chi trong cơ cấu phân bổ kinh phí thực hiện Đề án cho các cơ sở.
-    Ban chỉ đạo Đề án tuyến TW tham mưu để Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, Ngành chức năng xây dựng cơ chế phân bổ ngân sách thực hiện Đề án 1816 cho các địa phương trong cả nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.  
-    Điều chỉnh trong việc thay quy định chỉ tiêu điều động cán bộ luân phiên theo quy mô giường bệnh với thời gian luân phiên 3 tháng/người/đợt bằng hình thức giao khoán các kỹ thuật cần chuyển giao.
-    Ban hành các tiêu chí để xác định khả năng tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao của cơ sở  tuyến dưới và tiêu chí, hình thức công nhận đối với kết quả chuyển giao kỹ thuật.
-    Tăng cường vai trò giám sát và hỗ trợ của các BV được giao đảm nhận vai trò chỉ đạo tuyến.
-    Bổ sung thêm các thành viên là lãnh đạo của các BVĐK/BVCK hiện đang đảm nhiệm vai trò chỉ đạo tuyến tại các vùng, miền vào Ban chỉ đạo Đề án tuyến TW.
-    Xây dựng chuyên trang thông tin về Đề án 1816 trong trang Web của Bộ Y tế để kịp thời cập nhật những nhu cầu cần hỗ trợ của các cơ sở y tế tuyến dưới cũng như khả năng đáp ứng của các cơ sở tuyến trên và các văn bản quy định có liên quan.
-    Một số giải pháp lâu dài:
-    Điều chỉnh một số quy định chưa phù hợp về danh mục thuốc, danh mục trang thiết bị theo tuyến cũng như danh mục chi trả của BHYT…
-    Tạo cơ chế và các điều kiện cần thiết để phát huy vai trò chỉ đạo tuyến của các BV khu vực/BV vùng trong hỗ trợ chuyển giao các kỹ thuật.
-    Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bổ sung và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của Đề án.
-    Chủ động tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ sở y tế tuyến dưới thông qua việc đa dạng hóa các loại hình, đối tượng đào tạo.
-    Bổ sung và hoàn thiện các chính sách đãi ngộ nhằm thu hút và giữ chân cán bộ công tác tại các cơ sở y tế tuyến dưới.
 

Ngày 25/07/2011
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.