TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 22 Tháng 09 Năm 2023  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 71  
 
2 6 6 1 1 9 9 4
 
 
Các nghiên cứu khoa học Quản lý điều hành
Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 46-CT/TW của Bộ Chính trị...

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 46-CT/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHOẺ NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI VÀ CHỈ THỊ 06-CT/TW CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG

 

Vũ Thị Minh Hạnh và cộng sự

 

Nơi công bố: Bộ Y tế

Năm công bố: 2008

 

Mục tiêu của nghiên cứu: Tìm hiểu quá trình phổ biến, triển khai thực hiện Nghị quyết 46 và Chỉ thị 06 của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về quán triệt, tổ chức thực hiện và kết quả bước đầu. Phát hiện những tồn tại, khó khăn, bất cập và nguyên nhân. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 46 và Chỉ thị 06 trong thời gian tới.

Đối tượng nghiên cứu: gồm nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhóm cung ứng dịch vụ, nhóm hưởng lợi tại các tuyển tỉnh, huyện, xã.

Địa bàn nghiên cứu gồm 8 tỉnh/thành phố: Tuyên Quang, Thái Bình, Hà Nội, Đà Nẵng, Đắc Nông, Phú Yên, Bình Dương, Cà Mau.

Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp thu thập phân tích các tài liệu thứ cấp và số liệu có liên quan. Phương pháp phỏng vấn sâu được tiến hành tại 8 tỉnh/thành phố từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện, tuyến xã.

Kết quả của nghiên cứu:

Thời điểm triển khai Chỉ thị 06 và Nghị quyết 46 tại các địa phương thường sau từ 6 đến 9 tháng kể từ ngày ban hành văn bản. Các hình thức phổ biến, giới thiệu về Chỉ thị 06 và Nghị quyết 46 tại các địa phương rất đa dạng, phong phú với nhiều phương thức khác nhau tùy thuộc theo từng nhóm đối tượng. Phạm vi và đối tượng được triển khai Chỉ thị 06 và Nghị quyết 46 tại các tỉnh, thành phố khá sâu rộng, bao phủ hầu hết các địa bàn được đánh giá. Hầu hết các chi bộ Đảng cơ sở đều đã tổ chức quán triệt và học tập về Chỉ thị 06 và Nghị quyết 46 cho đông đảo cán bộ đảng viên cũng như phổ biến cho đại đa số quần chúng nhân dân.

Việc phổ biến, quán triệt học tập và nghiên cứu Chỉ thị 06 và Nghị quyết 46 còn mang tính hình thức, thiếu liên hệ vào điều kiện cụ thể tại các địa phương nên thiếu hiệu quả, chưa thực sự huy động được sự tham gia của đông đảo cán bộ đảng viên. Việc ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Hội đồng nhân dân… tại một số địa phương còn máy móc, thiếu sự vận dụng linh hoạt sáng tạo vào điều kiện thực tế nên thường thiếu khả thi.

Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 06 vàNghị quyết 46 do các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Hội đồng Nhân dân, một số ngành… tại các địa phương ban hành đã theo sát tinh thần chỉ đạo cũng như nội dung trọng tâm của Chỉ thị và Nghị quyết song thường thiếu cụ thể, chi tiết, còn mang tính hình thức, máy móc dập khuôn.

Việc kiểm tra, giám sát thực hiện các văn bản này chưa được các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Hội đồng nhân dân, các ngành các đoàn thể tại các tỉnh quan tâm đúng mức, mới dừng ở mức thu thập thông tin qua báo cáo do các đơn vị cơ sở cung cấp, không có giám sát chuyên đề và giám sát tại thực địa, không có điều chỉnh, rút kinh nghiệm sau giám sát đánh giá...

Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 06 và hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 46, hệ thống y tế tại các địa phương đã ngày càng được củng cố hoàn thiện và phát triển trên mọi lĩnh vực từ dự phòng đến khám chữa bệnh, phục hồi chức nang cũng như dược và trang thiết bị y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở. Nhờ vậy mà chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND) đã và đang từng bước được nâng cao. Các chỉ tiêu về sức khỏe dân cư tại các địa bàn cũng đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho công tác CSSKND còn rất hạn hẹp nhất là ở các tỉnh nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, miền núi... Thiếu nhân lực y tế các tuyến đặc biệt là ở tuyến cơ sở đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa... Chế độ đãi ngộ dành cho cán bộ y tế còn nhiều bất cập đặc biệt là ở tuyến cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng. Do vậy các cơ sở y tế công lập nhất là ở tuyến huyện, xã và lĩnh vực y tế dự phòng hiện đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút, tuyển dụng cũng như duy trì sự ổn định về nhân lực.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền đối với công tác bảo vệ CSSKND ngày càng được tăng cường. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và quần chúng nhân dân về những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ CSSKND có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Hiệu lực quản lý nhà nước cũng đã từng bước được nâng cao thông qua việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hành nghề y dược tư nhân và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại hầu hết các địa phương. Tuy nhiên hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để, kết quả thu được còn nhiều bất cập, do vậy hiệu lực của quản lý nhà nước về y tế tại các địa phương chưa cao.

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 06 và Nghị quyết 46 đã có tác dụng to lớn trong việc tạo nên sự chuyển biến về nhận thức không chỉ của các cấp ủy Đảng, Chính quyền mà còn cả nhiều ban ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân đối với công tác CSSKND góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế tại các địa phương.

Hiệu quả của hoạt động thông tin giáo dục truyền thông cũng đã từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, ở một số tỉnh miền núi do trình độ dân trí thấp, bất đồng về ngôn ngữ... nên hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe còn gặp nhiều trở ngại. Vấn đề vệ sinh môi trường, thói quen tập quán lạc hậu trong chăm sóc sức khỏe chưa được giải quyết tốt nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Khuyến nghị

•Ban Bí thư tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ngành, đoàn thể xã hội tăng cường vai trò lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện công tác CSSKND trong tình hình mới.

•Duy trì thường xuyên hoạt động tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị 06 và Nghị quyết 46 tại các tỉnh, thành phố theo khu vực/vùng/miền với định kỳ 1 lần/năm nhằm nhận diện những chuyển biến trong thực tế, phát hiện những khó khăn thách thức, đúc rút những bài học kinh nghiệm.

•Bộ Y tế cần tiếp tục xây dựng các đề án nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ được đề cập trong Nghị quyết 46 làm cơ sở để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện trong thực tiễn.

•Tăng cường hơn nữa đầu tư kinh phí cho công tác CSSKND đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi, các tỉnh vùng khó khăn thông qua việc nâng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động y tế. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu đầu tư sao cho hợp lý giữa các tuyến; giữa các lĩnh vực.

•Sửa đổi và bổ sung hoàn thiện các chính sách đặc biệt là các chính sách nhằm tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa y tế, nâng cao thu nhập cho cán bộ y tế… tạo dựng hành lang pháp lý đồng bộ cho việc thúc đẩy nâng cao chất lượng của công tác CSSKND.

•Xây dựng chiến lược tạo nguồn, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực y tế nhằm đáp ứng nhu cầu cũng như duy trì sự ổn định về mạng lưới nhân lực y tế tại các cơ sở y tế công lập ở các tuyến đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng.

 

Ngày 26/02/2009
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.