TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 10  
 
2 7 7 5 3 3 1 1
 
 
Các nghiên cứu khoa học
Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm tăng cường phối hợp công tư trong lĩnh vực y tế

Trần Thị Mai Oanh, Nguyễn Khánh Phương, Hoàng Thị Phượng,
Khương Anh Tuấn, Nguyễn  Thị Thủy, Vương Lan Mai, Đỗ Trà My và cộng sự

Nơi công  bố : Viện Chiến lược và Chính sách Y tế
Năm công bố: 2011


Đặt vấn đề

Trong hệ thống y tế công tư hỗn hợp hiện nay ở Việt Nam, việc tăng cường phối hợp giữa nhà nước và tư nhân trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân nhằm đạt mục tiêu công bằng,  hiệu quả và phát triển đang trở thành một vấn đề ưu tiên trong hoạch định chính sách y tế. Việc nghiên cứu xây dựng, đề xuất mô hình phối hợp công tư phù hợp, hiệu quả dựa trên các bằng chứng khoa học là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Nghiên cứu này được Bộ Y tế giao cho Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế thực hiện từ tháng 5-12/2010, dưới sự tài trợ của Tổ chức Rockefeller tại Việt Nam.

Mục tiêu nghiên cứu

Tìm hiểu các hình thức phối hợp công tư trong lĩnh vực khám chữa bệnh và dự phòng và kinh nghiệm từ các nước;

Phân tích, rà soát khung pháp lý liên quan đến hoạt động của y tế tư nhân (YTTN) và phối hợp công tư trong lĩnh vực y tế;

Mô tả thực trạng các hình thức phối hợp công tư trong lĩnh vực khám chữa bệnh và dự phòng ở Việt Nam, phân tích ưu điểm và nhược điểm của các hình thức phối hợp đó;

Xác định tiềm năng và khả năng phối hợp công tư trong lĩnh vực khám chữa bệnh và dự phòng;

Đề xuất giải pháp tăng cường phối hợp công tư trong lĩnh vực khám chữa bệnh và dự phòng nhằm phát huy vai trò, tiềm năng của y tế tư nhân trong chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành tại 4 tỉnh/TP: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Thái Bình và Thừa Thiên Huế, nơi có số lượng và quy mô YTTN phát triển mạnh trong cả nước, đặc biệt  là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra mô tả cắt ngang kết hợp với hồi cứu các số liệu trong khoảng thời gian từ năm 2006 - 2009. Số liệu thu thập dựa trên các biểu mẫu thống kê được thiết kế sẵn đồng  thời kết hợp phỏng vấn sâu, thảo  luận nhóm các cán bộ lãnh đạo cơ quan quản lý y tế, bảo hiểm xã hội (BHXH), các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân.

Kết quả nghiên cứu

Các hình thức phối hợp công tư trong lĩnh vực khám chữa bệnh


Phối hợp công tư trong đầu tư tài chính thông qua hợp đồng liên doanh liên kết (LDLK) mua sắm trang thiết  bị (TTB) tại các cơ sở y tế công lập: Bệnh viện nhà nước ký hợp đồng liên doanh liên kết với tư nhân chủ yếu dưới 2 hình thức: i) LDLK đặt máy phân chia lợi nhuận; ii). Đặt máy độc quyền phân phối hóa chất. Tuy nhiên, việc đầu tư tư nhân ở trong các bệnh viện công lập chỉ phát triển mạnh ở các khu vực bệnh viện có nhiều tiềm năng thu và ở khu vực đông dân cư có điều kiện kinh tế khá và ít đầu tư tại các bệnh viện có khả năng thu hạn chế.

Phối hợp công tư trong cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT: Cơ quan BHXH ký hợp đồng với các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân trong cung ứng dịch vụ KCB bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên mức độ tham gia của các cơ sở YTTN còn rất hạn chế, chỉ có khoảng 12,7% cơ sở y tế tư nhân tham gia trong tổng số cơ sở y tế nhà nước và tư nhân ký hợp đồng KCB BHYT với số thẻ đăng ký KCB ban đầu là 3,8%. Dịch vụ cung cấp chủ yếu là dịch vụ KCB ngoại trú (93,8%).

Phối hợp công tư trong cung ứng các dịch vụ cận lâm sàng: Cơ sở y tế nhà  nước ký hợp đồng với tư nhân cung cấp các dịch vụ xét nghiệm và dịch vụ kỹ thuật cao cho bệnh nhân BHYT trong khi các cơ sở y tế nhà  nước chưa có đủ điều kiện vật chất  và TTB, năng lực kỹ thuật như các cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên, hình thức này cũng còn rất hạn chế mới chỉ xuất hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế, một trong 4 tỉnh thuộc địa bàn nghiên cứu.

Phối hợp công tư trong cung ứng các dịch vụ phi y tế: Cơ sở y tế nhà  nước ký hợp đồng với tư nhân trong  cung ứng các dịch vụ phi y tế như vệ sinh, giặt là, bảo vệ, bếp ăn dinh dưỡng, điện, nước. Hình  thức này được cho là khá hiệu quả và hiện đang được thực hiện phổ biến tại hầu hết các bệnh viện công lập bắt đầu từ khi thực hiện chính sách tự chủ tài chính bệnh viện (trước là Nghị  định 10/2002/NĐ-CP và nay là Nghị  định 43/2006/NĐ-CP).

Phối hợp công tư trong cung ứng nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực: i) Về cung ứng nguồn nhân lực: Hiện tại, chưa có sự phối hợp công tư chính thức giữa cơ sở y tế nhà  nước và tư nhân theo hình thức ký kết hợp đồng giữa hai bên, tuy nhiên hình thức này lại tồn tại khá phổ biến một cách không chính thức. Hầu hết cán bộ y tế nhà  nước có làm thêm ngoài giờ tại các cơ sở y tế tư nhân hoặc tại phòng mạch của cá nhân. ii) Về phối hợp công tư trong đào tạo nhân lực: Cơ sở y tế nhà nước ký hợp đồng đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ của cơ sở y tế tư nhân và cấp chứng chỉ cho học viên, tuy nhiên hình thức này mới chỉ xuất phát từ nhu cầu của các cơ sở y tế tư nhân.

Các hình thức phối hợp công tư trong lĩnh vực dự phòng

Hiện đã có một số hình thức phối hợp công tư trong lĩnh vực dự phòng ở Việt Nam như: nhượng quyền xã hội (social franchising), tiếp thị xã hội (social marketing), phiếu thanh toán dịch vụ (voucher). Các hoạt động chủ yếu là đào tạo tập huấn cho các nhân viên y tế tư nhân tham gia trong phát hiện sớm, tư vấn, chuyển tuyến và điều trị thuộc các chương trình mục tiêu y tế quốc gia như: Lao, HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, còn có hình thức phối hợp giữa nhà nước và tư nhân trong đào tạo cán bộ y tế chuyên khoa về các bệnh không lây, bệnh hen suyễn, tai biến mạch máu não và các bệnh ung thư của phụ nữ...

Phối hợp công tư trong lĩnh vực y tế dự phòng đã đạt được một số kết quả nhất  định, tuy nhiên hiện còn rất hạn chế, nhỏ lẻ, phân tán và phần lớn dựa vào sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (NGOs), tổ chức từ thiện, nhà thờ, tôn giáo... do vậy, tính bền vững của chương trình không cao.

Tiềm năng phối hợp công tư trong lĩnh vực KCB và dự phòng:

Trong lĩnh vực KCB: Tư nhân có tiềm năng trong đầu tư tài chính thông qua các hình thức LDLK, mua sắm trang thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng tại các cơ sở y tế công lập. Tư nhân cũng có tiềm năng trong cung ứng dịch vụ KCB BHYT, các dịch vụ xét nghiệm và dịch vụ kỹ thuật cao cho các cơ sở y tế nhà nước, cung ứng các dịch vụ phi y tế, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Trong lĩnh vực dự phòng: tư nhân có thể tham gia thực hiện một số hoạt động thuộc các chương trình y tế như: HIV/AIDS; lao và sức khỏe sinh sản...

Kết luận

Đã có một số hình thức phối hợp giữa nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực khám chữa bệnh và dự phòng, nhưng còn rất hạn chế. Phối hợp công tư trong lĩnh vực KCB chủ yếu là hình thức đầu tư tài chính, LDLK tại các bệnh viện công lập đóng trên địa bàn thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển và ít đầu tư tại các vùng có điều kiện kinh tế thấp. Phối hợp công tư trong lĩnh vực dự phòng hiện còn rất hạn chế, phân tán, nhỏ lẻ và tập trung chủ yếu vào một số chương trình y tế như: HIV/AIDS, lao, sức khỏe sinh sản...

Tư nhân có tiềm năng phối hợp với nhà nước trong đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao, cơ sở hạ tầng, cung ứng dịch vụ xét nghiệm,  dịch vụ kỹ thuật cao và trong đào tạo chuyển giao công nghệ, tuy nhiên ít có tiềm năng trong lĩnh vực y tế dự phòng ở Việt Nam.

Khuyến nghị

Để có thể mở rộng sự phối hợp công tư trong lĩnh vực y tế, cần thiết phải tiến hành một số giải pháp như sau:

Đối với chính sách của nhà nước

Cần ban hành khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn  đầy đủ về phối hợp công tư cho ngành y tế nói chung và cho lĩnh vực KCB và dự phòng nói riêng.

Đối với Bộ Y tế

Cần tăng cường vai trò kiểm soát của nhà nước trong việc hợp tác liên doanh liên kết đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc tại các cơ sở y tế công lập.

Cần mở rộng KCB BHYT cho các cơ sở y tế tư nhân và cần có cơ chế khuyến  khích YTTN tham gia cung ứng dịch vụ KCB cho người nghèo và các nhóm xã hội yếu.

Cần có cơ chế khuyến  khích, bắt buộc sự tham gia của y tế tư nhân trong một số các hoạt động dự phòng trên cơ sở bình đẳng và bảo vệ quyền lợi hai bên.

Cần phải tiến hành nghiên cứu toàn  diện về phối hợp công tư tại Việt Nam theo các tiêu chí đánh giá rủi ro và lợi ích các bên để cung cấp bằng chứng cho hoạch định chính sách.

Cần tiến hành các dự án nghiên cứu đánh giá và thử nghiệm mô hình phối hợp công tư trong lĩnh vực KCB và dự phòng ở Việt Nam để đưa ra các giải pháp chiến lược nhằm hỗ trợ và thu hút sự tham gia của YTTN trong hai lĩnh vực trên.



Ngày 19/09/2013
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.