TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ ba, Ngày 19 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 13  
 
2 7 5 4 1 5 4 8
 
 
Các nghiên cứu khoa học
Đánh giá thực trạng nhân lực y tế hoạt động trong chương trình tiêm chủng mở rộng

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981, đến năm 1985 chương trình TCMR được đẩy mạnh và triển khai trên phạm vi cả nước. Từ năm 1986, TCMR được coi là một trong những chương trình y tế quốc gia ưu tiên. Năm 1990, 87% trẻ dưới 1 tuổi trong cả nước được tiêm chủng đầy đủ 6 loại kháng nguyên (Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt và Sởi). Đến nay, Việt Nam đã thanh toán được bệnh Bại liệt, loại trừ Uốn ván sơ sinh. Tỷ lệ mắc Ho gà giảm 183 lần, Bạch hầu giảm 82 lần; Sởi giảm 573 lần. Với các kết quả đạt được trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thành công nhất trong chương trình sức khỏe này.
Tuy nhiên, công tác TCMR còn những điểm hạn chế và đang đứng trước nhiều thách thức. Chất lượng tiêm chủng gần đây đang là vấn đề được ngành y tế quan tâm đặc biệt. Nhiều ý kiến về chất lượng tiêm chủng, an toàn tiêm chủng và nguyên nhân đã được đề cập đến sau một số trường hợp tai biến sau tiêm chủng gần đây. Hội nghị "Nâng cao chất lượng thực hành an toàn tiêm chủng" đã được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 15/6/2007 để bàn về an toàn tiêm chủng. Trong các nguyên nhân được đề cập, yếu tố con người, cụ thể là đội ngũ cán bộ trực tiếp cung cấp dịch vụ tiêm chủng ở xã được coi là một trong những yếu tố then chốt trong công tác an toàn tiêm chủng. Vì vậy, các thông tin về kiến thức, kỹ năng của cán bộ y tế tham gia vào hoạt động TCMR có ý nghĩa quan trong trong việc đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về tiêm chủng mở rộng và từ đó nâng cao chất lượng Chương trình. Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào đề cập đến nhân lực y tế tham gia trong Chương trình TCMR và mối liên quan chất lượng tiêm chủng – người cung ứng dịch vụ tiêm chủng. Xuất phát từ thực tế trên, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Chiến lược và Chính sách Y tế triển khai đề tài nghiên cứu Đánh giá thực trạng nhân lực y tế hoạt động trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

II. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
Đánh giá thực trạng nhân lực y tế hoạt động trong mạng lưới tiêm chủng mở rộng tại một số tỉnh phía bắc và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của công tác tiêm chủng mở rộng.
Mục tiêu cụ thể:
1.    Mô tả thực trạng về nhân lực y tế thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng ở cơ sở.
2.    Đánh giá vai trò của y tế thôn bản trong các hoạt động của Chương trình.
3.    Xác định các yếu tố khách quan tác động tới hiệu quả hoạt động của cán bộ y tế thực hiện Chương trình.
4.    Đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ y tế trong công tác tiêm chủng mở rộng.

III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu được giới hạn trong phạm vi các cán bộ y tế tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp hoạt động tiêm chủng ở cơ sở, bao gồm các cán bộ thuộc Trung tâm y tế dự phòng huyện làm công tác giám sát tiêm chủng, các cán bộ y tế  tại các TYT xã và nhân viên y tế thôn bản.
3.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu
Nghiên cứu được triển khai từ tháng 1/2007 đến tháng 6/2008 tại 6 tỉnh: Điện Biên, Bắc Kạn, Hà Nam, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bạc Liêu.
3.3. Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang, kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính.
3.4. Phương pháp thu thập thông tin
Nghiên cứu định lượng:
-    Phiếu phỏng vấn tự điền dành cho các cán bộ y tế tham gia hoạt động tiêm chủng mở rộng tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện/Đội Vệ sinh phòng dịch và cán bộ tại trạm y tế. Cỡ mẫu phát phiếu: tất cả các đối tượng nghiên cứu có mặt ở  đơn vị vào thời điểm nghiên cứu.
-    Phiếu Trắc nghiệm kiến thức tiêm chủng của các cán bộ TYT xã: được xây dựng dựa vào Quy định các bước an toàn tiêm chủng của Chương trình TCMR quốc gia. Trắc nghiệm gồm 25 câu hỏi, chia theo 4 nhóm nội dung chính là: i) Kiến thức về liều - đường tiêm - vị trí tiêm, ii) Kiến thức về thời gian tiêm, iii) Kiến thức về Dây chuyền lạnh & bảo quản vắc xin và iv) Kiến thức về kỹ thuật tiêm chủng.
Nghiên cứu định tính:
Đề tài đã tiến hành các cuộc phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm với các nhóm đối tượng có liên quan tại các cơ quan, đơn vị nghiên cứu tại 6 tỉnh nghiên cứu.
Phương pháp quan sát:
Đánh giá kỹ năng thực hành tiêm chủng thông qua phân tích thao tác tiêm chủng, phân tích băng ghi hình buổi tiêm chủng của các TYT xã, gồm 3 nhóm nội dung: Các kỹ năng thực hành về dây chuyền lạnh & bảo quản vắc xin; tổ chức buổi tiêm chủng (14 tiêu chí đánh giá) và kỹ năng thực hành tiêm chủng (14 tiêu chí đánh giá).Mỗi xã được phân tích 3- 5 trường hợp tiêm.

IV. MỘT SỐ PHÁT HIỆN CHÍNH CỦA ĐỀ TÀI
4.1. Nhân lực y tế trong TCMR ở tuyến huyện:
-    Tỷ lệ cán bộ chương trình và giám sát tiêm chủng ở tuyến huyện được đào tạo từ hệ y tế dự phòng /y tế công cộng rất thấp (12,5%). 17,3% cán bộ chưa được tập huấn về TCMR và giám sát tiêm chủng từ 2002 – 2007, trong đó chủ yếu là những người mới tham gia giám sát. Do vậy, 59% có nguyện vọng được đào tạo kỹ năng giám sát tiêm chủng, 56% có nguyện vọng được đào tạo mới kiến thức và thực hành TCMR.
-    Do thiếu cán bộ ở các TTYTDP huyện, mỗi cán bộ giám sát phải lồng ghép nhiều nội dung khi về xã và thiếu kinh phí cho hoạt động giám sát, nên hoạt động giám sát tiêm chủng chưa được thực hiện đều đặn vào ngày tiêm chủng thường xuyên tại các TYT xã, việc giám sát còn nặng về hình thức (cán bộ giám sát thường không dùng bảng kiểm, chỉ có mặt đầu buổi tiêm…) nên hiệu quả giám sát còn bị hạn chế.
4.2. Nhân lực y tế trong TCMR ở tuyến xã:
-    Hiện nay, tất cả cán bộ của TYT xã đều tham gia các khâu trong buổi tiêm chủng thường xuyên. Do vậy, đối tượng đào tạo và tập huấn về TCMR hàng năm thường chỉ có trạm trưởng và cán bộ chuyên trách tiêm chủng là chưa hợp lý.
-    Có 74% cán bộ y tế xã có kiến thức về tiêm chủng đạt loại khá. Tỷ lệ này ở  cán bộ chuyên trách tiêm chủng là 83,3%. Hai tỉnh miền núi phía bắc là Bắc Cạn và Điện Biên có điểm kém hơn các tỉnh khác. Có sự khác nhau về điểm kiến thức TCMR theo dân tộc, đặc biệt chỉ có 16% người dân tộc có điểm “đạt” về liều – đường tiêm – vị trí tiêm trong khi tỷ lệ này ở người Kinh là 84% (P< 0,001).
-    Kiến thức về các lĩnh vực trong TCMR của cán bộ y tế không đồng đều: kiến thức về liều – đường tiêm – vị trí tiêm đạt loại giỏi ở cả ba nhóm, trong khi đó điểm kiến thức về lịch tiêm, dây chuyền lạnh và bảo quản vắc xin đạt điểm khá; điểm về tiêm chủng chỉ đạt trung bình.
-    Cán bộ y tế xã còn có một số sai sót trong thực hành bảo quản vắc xin và tổ chức buổi tiêm chủng (không sử dụng miếng xốp, không có nhiệt kế theo dõi nhiệt độ vắc xin, không tổ chức bàn tiêm một chiều, thường xuyên để tình trạng chen lấn ồn ào, không khám phân loại trẻ trước khi tiêm...). Kỹ thuật thực hành tiêm chưa đảm bảo (52,8% không lắc lọ trước khi lấy vắc xin, 33,3% sát trùng da chưa đúng kỹ thuật, 69,4% dùng bông cồn xoa lên chỗ vừa tiêm, 84,7% ghi phiếu tiêm chủng trước khi tiêm, 83,3% không tuyên truyền về vắc xin khi tiêm, 76,4% không hẹn ngày tiêm lần tới). Những sai sót thực hành trong 2 lĩnh vực này và điểm kiến thức cũng kém hơn chứng tỏ 2 lĩnh vực kiến thức này chưa được coi trọng đúng mức..
-    Nguyên nhân của các sai sót trên là:
-    Nguyên nhân chủ quan: Ý thức tuân thủ các quy định tiêm chủng của cán bộ y tế xã chưa cao, có thao tác cố tình vi phạm (ghi sổ tiêm chủng trước khi tiêm, không lắc lọ vắc xin trước khi tiêm...). Hạn chế về năng lực, trình độ.
-    Nguyên nhân khách quan: 1) Một số cán bộ chuyên trách tiêm chủng và trạm trưởng chưa được đào tạo/tập huấn về TCMR do chính sách thuyên chuyển cán bộ ở nhiều địa phương làm cho cơ quan quản lý chuyên môn không kịp hoặc không có kinh phí để đào tạo bổ sung. Những cán bộ khác trong trạm chỉ được tập huấn truyền khẩu về TCMR tại trạm bởi trạm trưởng và cán bộ chuyên trách do đó hạn chế về hiểu biết TCMR; 2) Trang thiết bị được trang bị chưa đầy đủ, cũ, hoặc lâu ngày đã hỏng, hoặc không phù hợp, khiến cho cán bộ TYT xã khó có thể thực hiện đúng các quy định trong tiêm chủng an toàn; 3) Cán bộ y tế xã chịu sức ép tâm lý và căng thẳng thần kinh rất lớn vào ngày tiêm chủng thường xuyên: vừa phải đảm bảo tiêm an toàn sau một loạt sự cố sau tiêm chủng, vừa bị thúc bách về thời gian trong bối cảnh chật chội, đông đúc, ồn ào, đối tượng được tiêm là trẻ nhỏ, rất khó tiêm; 4) Một số quy định khó có thể thực hiện được trong buổi tiêm chủng thường xuyên như tư vấn trước tiêm, dặn dò gia đình sau tiêm.

4.3. Y tế thôn bản
-    Y tế thôn bản có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, quản lý, vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng. Ngoài ra, do điều kiện đặc thù, YTTB ở một số địa phương đã được huy động tham gia tiêm chủng thường xuyên cùng cán bộ y tế xã và đạt được các kết quả tốt.
-    Đa số nhân viên y tế thôn bản không hài lòng với chế độ đãi ngộ hiện tại của Nhà nước dành cho họ do định mức quá thấp và chậm thay đổi. Nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều trường hợp y tế thôn bản bỏ việc hoặc thờ ơ với công việc do phụ cấp quá thấp, không đủ chi trả các chi phí phục vụ công việc. Những YTTB đang tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng được cho rằng chủ yếu xuất phát từ tấm lòng nhân ái với cộng đồng.

V. KHUYẾN NGHỊ
 5.1. Đối với cán bộ chương trình và cán bộ giám sát TCMR ở tuyến huyện:
-    Cần đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng giám sát tiêm chủng cho các cán bộ y tế có tham gia vào hoạt động tiêm chủng mở rộng một cách thường xuyên và đầy đủ hơn. Nên xây quy trình giám sát chung và xây dựng bảng kiểm thống nhất cho tất cả cán bộ khi đi giám sát để thuận tiện cho việc theo dõi, hỗ trợ và đào tạo cho cán bộ tại trạm y tế về kiến thức và kỹ năng tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng.
-    Có chế độ phụ cấp cho cán bộ đi giám sát tiêm chủng tại các trạm y tế và các điểm tiêm chủng mở rộng.
5.2. Đối với cán bộ TYT xã
-    Tổ chức tập huấn kiến thức và thực hành TCMR cho tất cả cán bộ của trạm, trong đó cần chú trọng tới kiến thức và kỹ năng thực hành bảo quản dây chuyền lạnh, bảo quản vắc xin và tổ chức tiêm chủng;
-    Xem xét lại nhiệm vụ ở tiểu mục a, mục 1 và tiểu mục b, mục 3, điều 13, chương IV của Quy định Về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị theo Quyết định số 23/2008/QĐ-BYT ngày 07 tháng 7 năm 2008 đối với cán bộ TYT xã vào ngày tiêm chủng thường xuyên vì các nhiệm vụ này khó khả thi, hoặc nếu cố thực hiện thì việc tiêm chủng dễ bị chi phối.
-    Quy định bắt buộc phải để áp phích về Lịch tiêm – liều tiêm – đường tiêm – vị trí tiêm ngay tại mỗi bàn tiêm để hỗ trợ cho cán bộ trong buổi tiêm chủng thường xuyên.
-    Hoàn thiện và đưa vào áp dụng Trắc nghiệm kiến thức TCMR để có thể đại trà đánh giá và phân loại đội ngũ cán bộ tiêm chủng hàng năm trên cơ sở xây dựng phần mềm đánh giá kết quả trắc nghiệm.
5.3. Đối với YTTB
-    Tại các xã còn khó khăn về tổ chức tiêm chủng, có thể đào tạo các nhân viên y tế thôn bản có khả năng đáp ứng đủ các yêu cầu về chuyên môn để họ tham gia tiêm cùng cán bộ của trạm y tế để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng ở những địa phương đông dân cư và các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
-    Nhà nước nên xem xét một số chính sách đối với YTTB để động viên họ tích cực tham gia vào các hoạt động CSSK ở cơ sở, gồm: nâng định mức về chế độ phụ cấp hàng tháng; cấp thẻ BHYT miễn phí hoặc đóng một phần.
5.4. Đối với gia đình người hưởng lợi
-    Để nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của gia đình đối với việc tiêm chủng, nên thiết kế lại Phiếu tiêm chủng cá nhân thành Sổ tiêm chủng, trong đó có một số kiến thức cơ bản về TCMR, gồm ý nghĩa của việc tiêm chủng, tên các loại vắc xin được tiêm miễn phí, lịch, đường tiêm, tác dụng phụ, quyền lợi và nghĩa vụ của gia đình trong phối hợp với chương trình TCMR. Sổ này được phát cho các bà mẹ ngay sau khi sinh con.
 

Ngày 25/07/2011
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.