TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ bảy, Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 25  
 
2 7 7 6 3 0 9 8
 
 
Tin tức
Đánh giá tình trạng lạm dụng rượu bia tại một số địa phương

Sử dụng rượu bia là một thói quen mang đậm nét văn hoá truyền thống tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Sử dụng rượu bia với mức độ hợp lý có thể đem lại cho con người cảm giác hưng phấn, khoan khoái, lưu thông huyết mạch… Song rượu bia lại là chất kích thích, gây nghiện vì vậy người sử dụng rất dễ bị lệ thuộc với mức độ dung nạp ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng lạm dụng rượu bia. Lạm dụng rượu bia gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ cộng đồng và xã hội.

Ở nước ta, quá trình đổi mới và phát triển nền kinh tế trong những năm qua đã giúp cho đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Xu hướng sử dụng rượu bia trong sinh hoạt hàng ngày, trong những dịp lễ, hội, trong quan hệ công việc… đang ngày càng gia tăng. Tình trạng sử dụng rượu bia tràn lan ở một số nơi đã làm cho trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trở thành những vấn đề đáng báo động.

Được sự uỷ quyền của Dự án thành phần Chính sách Y tế; Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế đã tiến hành nghiên cứu đánh giá về Tình hình lạm dụng rượu bia tại Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất một số chính sách ưu tiên nhằm từng bước giảm thiểu tác hại do bia, rưọu gây ra đối với mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

·Mục tiêu nghiên cứu

Đánh giá tình hình lạm dụng rượu bia ở Việt Nam để cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng chính sách và đề xuất xây dựng một số chính sách ưu tiên trong phòng chống lạm dụng rượu bia.

  • Phương pháp nghiên cứu:

üThu thập và phân tích thông tin có sẵn trong nước và trên thế giới.

üPhỏng vấn sâu: 110 cuộc với các nhóm đối tượng như cán bộ các cơ quan Trung ương; các tổ chức quốc tế; cán bộ lãnh đạo chính quyền, ban ngành tuyến tỉnh…

üThảo luận nhóm: 84 cuộc với các nhóm đối tượng như đại diện ban ngành, đoàn thể tuyến xã/phường, người dân, người lạm dụng rượu bia (theo tiêu chí của WHO) tại 28 xã/phường của 14 quận/huyện thuộc 7 tỉnh/thành.

üĐiều tra hộ gia đình: 1188 hộ.

  • Nhận xét kết luận:

  • Về tình hình lạm dụng rượu bia và các chính sách phòng ngừa của một số nước trên thế giới

üSản lượng rượu bia trên toàn thế giới đang có xu hướng ngày càng gia tăng và dịch chuyển sang khu vực các nước đang phát triển.

üMức độ tiêu thụ rượu bia có sự chênh lệch đáng kể giữa những nước phát triển và nước đang phát triển.

üTỷ lệ sử dụng rượu bia ở các nước phát triển thường ở mức trên 70% đối với nam và trên 50% đối với nữ (trên 15 tuổi).

üPhần đông các nước trên thế giới hiện đã ban hành những chính sách nhằm hạn chế tác hại của lạm dụng rượu bia, trong đó một số quốc gia đã có chính sách tổng thể về rượu bia nhằm tác động cả đến sản xuất lưu thông và sử dụng.

  • Về tình hình lạm dụng rượu bia ở Việt Nam

üTình hình sản xuất, lưu thông và tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam liên tục gia tăng trong những năm gần đây. So với mức bình quân/người/năm trên toàn thế giới, mức tiêu thụ về cả rượu và bia của Việt Nam đều thấp hơn.

üTỷ lệ sử dụng rượu (ít nhất là 1 lần/tuần) tại các địa bàn nghiên cứu là 33,5%. Tỷ lệ sử dụng rượu trong nhóm nam là 64%, cao hơn so với số liệu điều tra về tình hình sử dụng rượu bia tại 12 quốc gia đang phát triển (50%) và thấp hơn so với tỷ lệ sử dụng rượu của nam giới trong khu vực Tây Thái Bình Dương là 84%.

üTỷ lệ lạm dụng rượu (theo quy chuẩn cua WHO) là 18%, lạm dụng bia là 5% và có sự khác nhau rõ nét giữa các nhóm dân cư, theo giới tính, trình độ học vấn và nghề nghiệp.

üLý do của việc sử dụng rượu bia chủ yếu là do sự tác động của bạn bè và trạng thái hưng phấn của cá nhân người sử dụng.

üTuổi bắt đầu sử dụng rượu trung bình là 24 và có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, các khu vực. So với thế giới tuổi bắt đầu uống rượu ở nước ta muộn hơn song hiện đang có xu hướng trẻ hoá rất rõ nét.

üMức độ sử dụng rượu trung bình khá cao: bình quân 6,4 đơn vị/ngày và 26,1 đơn vị/tuần; vượt khá xa ngưỡng sử dụng rượu an toàn theo quy định của WHO.

üĐại bộ phận những người sử dụng ruợu thường uống rượu nấu thủ công: 95,7%. Đa số những người sử dụng bia thường uống bia nhà máy: 87,9%. Trong số này bia TW chỉ chiếm > 40% còn lại là bia địa phương.

üĐịa điểm uống rượu bia chủ yếu là tại nhà và tại lễ tiệc, uống tại quán, nhà hàng, khách sạn chiếm > 11%.

üThời điểm uống rượu chủ yếu vào buổi tối song đáng chú ý vẫn còn một tỷ lệ đáng kể uống vào buổi sáng và buổi trưa.

  • Về hậu quả của sử dụng rượu bia và các yếu tố làm gia tăng tình hình lạm dụng rượu bia

üUống rượu bia đã gây ra những phí tổn về kinh tế cho người sử dụng, gia đình họ và toàn xã hội.

üRượu bia là nguyên nhân nhập viện của một tỷ lệ bệnh nhân tại bệnh viện đa khoa các tỉnh. Tỷ lệ này đang có xu hưóng ngày càng tăng nhất là ở các tỉnh miền núi.

üSố vụ tai nạn giao thông do người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia đang ngày càng gia tăng và trở thành một vấn đề bức xúc của nhiều địa phương hiện nay.

üCác vụ tội phạm và gây rối trật tự công cộng do có sử dụng rượu bia cũng đang có xu hướng gia tăng.

üSử dụng rượu bia ở nước ta hiện đang có xu hướng ngày càng tăng là do sự ảnh hưởng cộng hưởng của một số nhân tố chủ yếu như: tập quán, chuẩn mực văn hoá; mức sống được cải thiện, nhu cầu giao tiếp xã hội ngày càng tăng, sự gia tăng nhanh của thị trường sản xuất và cung ứng rượu bia, các hoạt động quảng cáo và tiếp thị rượu bia ngày càng mở rộng…

  • Về các chính sách phòng ngừa lạm dụng rượu bia ở Việt Nam

üTrong những năm vừa qua Chính phủ và một số địa phương đã bước đầu thực thi một số chính sách nhằm hạn chế lạm dụng rượu bia thông qua việc tăng cường quản lý trong sản xuất, lưu thông, quảng cáo, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số loại rượu và tác động đến người sử dụng… Tuy nhiên các chính sách còn tản mạn, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ.

üHiệu lực của việc thực thi các chính sách trong thực tế còn thấp. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có cơ chế triển khai thực hiện, chưa được các cấp, các cơ quan, đoàn thể quan tâm, thiếu sự tham gia của người dân và thiếu sự đầu tư về nguồn lực cũng như thiếu kiểm tra giám sát thực hiện.

üNước ta hiện vẫn chưa có chính sách tổng thể đối với việc phòng ngừa lạm dụng rượu bia. Một số chính sách cụ thể tác động đến 2 lĩnh vực chủ yếu là: sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hiện đã có nhưng chưa đầy đủ và có những điểm chưa thích hợp. Do vậy còn nhiều khía cạnh thuộc 2 lĩnh vực trên vẫn còn đang bị bỏ ngỏ chưa có chính sách tác động.

·Khuyến nghị

üĐề nghị Bộ Y tế xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chính sách quốc gia về phòng chống lạm dụng rượu bia: hạn chế sản xuất, lưu thông, sử dụng và giải quyết hậu quả của lạm dụngrượu bia.; có sự tham gia liên ngành, có mạng lưới rộng khắp từ trung ương đến địa phương; đầu tư thoả đáng nguồn lực: nhân lực, phương tiện, kinh phí; có cơ chế giám sát và kiểm tra việc thực thi các chính sách đối với mọi cấp, mọi ngành.

üMột số lĩnh vực cần có chính sách ưu tiên

  • Chính sách đối với lĩnh vực sản xuất lưu thông

- Quản lý, kiểm soát đối với sản xuất và lưu thông mặt hàng rượu nấu thủ công

- Quy định chế tài giám sát về cấm bán rượu bia tại những địa điểm theo quy định, cấm bán rượu bia cho trẻ em. Bổ sung thêm quy định về giờ được phép bán rượu trong ngày, hạn chế các cơ sở kinh doanh rượu bia trên địa bàn…

- Cấm không được quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại và tài trợ đối với các loại rượu bia. Trên mác nhãn của các loại rượu bia cần ghi rõ tác hại của lạm dụng rượu bia. Không đưa các hình ảnh uống rượu bia, nguyên thủ quốc gia tiếp khách bằng rượu bia trên các phương tiện thông tin đại chúng.

  • Chính sách đối với người sử dụng

- Hạn chế lạm dụng rượu bia với một số nhóm có nguy cơ cao: cán bộ viên chức, doanh nhân, phụ nữ có thai, nam nông dân, nam ngư dân, dân tộc thiểu số...

- Điều chỉnh quy định về kiểm tra nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở của người tham gia giao thông sao cho linh hoạt và áp dụng khả thi hơn trong thực tế.

- Tăng cường giáo dục truyền thông về tác hại của rượu bia trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với việc phát động phong trào toàn dân hưởng ứng phòng chống lạm dụng rượu bia với nhiều hoạt động cụ thể lồng ghép trong các tiêu chí Làng văn hoá, cơ quan văn hoá…

- Thiết lập mạng lưới giám sát, theo dõi tình hình sử dụng rượu và lạm dụng rượu bia tại cộng đồng với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, trên cơ sở đó hình thành và duy trì hoạt động của mạng lưới tư vấn phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của lạm dụng rượu bia tại cộng đồng…

- Xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho nạn nhân lạm dụng rượu bia dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

Ngày 25/07/2006
 
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.