TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 16  
 
2 7 5 9 0 4 5 1
 
 
Các nghiên cứu khoa học Dân số
Điều tra tổng thể hệ thống dân số - kế hoạch hóa gia đình

I. Giới thiệu chung
Vấn đề quản lý dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản được quan tâm ở mức độ khác nhau tại từng quốc gia, tùy thuộc vào mức độ và thời điểm phát triển. Trên thế giới, có hai loại mô hình:
(1) Những nước phát triển, khi người dân có hiểu biết và tự trang trải chi phí dịch vụ KHHGĐ - Ngành Y tế phụ trách.
(2) Các nước đang phát triển, tỷ lệ phát triển dân số cao - Uỷ ban liên ngành phụ trách.
Việt Nam đã trải qua nhiều mô hình tổ chức quản lý nhà nước về công tác DS-KHHGĐ: Năm 1961 Ban vận động sinh đẻ có kế hoạch, sau đó là Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em năm 1963. Năm 1978, Bộ Y tế đảm nhiệm. Năm 1984 thành lập Uỷ ban Dân số và sinh đẻ có kế hoạch. Từ năm 1993, Mô hình Uỷ ban DS-KHHGĐ hoạt động độc lập trực thuộc Chính phủ. Năm 2002 thành lập Uỷ ban DS-GD-TE, cơ quan ngang bộ. Thực hiện Quyết định 1001/2007/QĐ-TTg, chức năng DS-KHHGĐ được đưa về Bộ Y tế. Trước tình hình thay đổi hệ thống DS-KHHGĐ các cấp, Viện CL&CSYT được giao nhiệm vụ: “Điều tra tổng thể hệ thống Dân số - Kế hoạch hoá gia đình” .
Nghiên cứu đặt ra 3 mục tiêu chính:
(1) Điều tra thực trạng tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ các cấp;
(2) Đánh giá cơ chế quản lý công tác DS-KHHGĐ;
(3) Đánh giá hoạt động chuyên môn về DS-KHHGĐ ở các cấp.
Phương pháp nghiên cứu gồm: Điều tra tổng hợp báo cáo 63 tỉnh/thành phố giúp mô tả về tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất của hệ thống tại các cấp; điều tra mẫu qua bảng hỏi cán bộ chuyên môn dân số - KHHGĐ (n=186)  và bảng hỏi hộ gia đình (n=901) giúp đánh giá cơ chế quản lý cũng như hoạt động chuyên môn của công tác DS-KHHGĐ.
Điều tra mẫu:  Chọn địa bàn tại 8 tỉnh/thành phố: Sơn La, Tuyên Quang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kon Tum, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Tháp.

II. Về bộ máy tổ chức và nhân sự các cấp:
    Cấp trung ương:  Năm 2008, Tổng cục DS-KHHGĐ được thành lập với 06 đơn vị hành chính: Vụ DS-KHHGĐ, Vụ TT-GD, Vụ KH-TC, Vụ TCCB, Văn phòng và Thanh tra và 03 đơn vị sự nghiệp: Viện NC Dân số và Phát triển (hợp nhất về Viện CL&CSYT 2009), Trung tâm TT&TL dân số và Báo Gia đình & Xã hội. Tổng cục DS-KHHGĐ có 146 cán bộ biên chế với 21% cán bộ có trình độ trên đại học, 74% trình độ cao đẳng và đại học, cán bộ y, dược chiếm 15%. Nhìn chung, sau giải thể Ủy ban DS-GĐ-TE, đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ còn giữ nguyên ở Tổng cục DS-KHHGĐ.
    Cấp tỉnh: Năm 2009, các Chi cục DS-KHHGĐ của 63 tỉnh/ thành phố đã thực hiện 1.121 (cả biên chế và hợp đồng). Bình quân mỗi Chi cục DS-KHHGĐ có 17,8 cán bộ. Chi cục có số cán bộ ít nhất là 12 người (Phú Yên và Kon Tum), Chi cục có số cán bộ đông nhất là 56 người (Hà Nội). Cán bộ nữ làm công tác DS-KHHGĐ tuyến tỉnh chiếm 56%. Số cán bộ mới tuyển dụng dưới 2 năm chiếm khoảng 21%, cán bộ y, dược chiếm 27%. Như vậy, đến cuối năm 2009 phải tuyển thêm đến 1/5 số cán bộ mới và số cán bộ trẻ chiếm gần 1/4 trong tổng số.
    Cấp huyện: Hầu hết các tỉnh, thành phố đều thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ ở cấp huyện - đơn vị sự nghiệp thuộc Chi cục DS-KHHGĐ. Riêng thành phố Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ DS-KHHGĐ cho Phòng Y tế đảm nhiệm. Đến cuối 2009 cơ quan DS-KHHGĐ cấp huyện đã thực hiện 3.585 (cả biên chế và hợp đồng). Số cán bộ hợp đồng ở các Trung tâm chiếm khoảng 20%. Bình quân mỗi Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện có 5,2 cán bộ, Cán bộ nữ chiếm trên 65%, tuyển dụng dưới 2 năm chiếm trên 45%, cán bộ y, dược chiếm 38%. Như vậy, sau giải thể, tình hình nhân sự ở các Trung tâm DS-KHHGĐ có nhiều thay đổi và phải tuyển thêm đến gần một nửa số cán bộ mới.
    Cấp xã và dưới xã: Tổng cộng trên cả nước đến thời điểm điều tra có 11.101 cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã, trong đó trên 77% là nữ, mới tuyển dụng dưới 2 năm chiếm gần 22%. Đến nay, đã chuyển được 4.541 cán bộ chuyên trách dân số (khoảng 43%) về trạm y tế xã, khoảng 30% đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư 05 của Bộ Y tế. Tính đến nay chỉ có trên 40% y tế thôn/bản kiêm cộng tác viên DS-KHHGĐ trên địa bàn. Bình quân mỗi xã/phường/thị trấn có khoảng 14 cộng tác viên DS-KHHGĐ. Trên 86% số cộng tác viên nằm trong độ tuổi lao động.

III. Đánh giá cơ chế tổ chức công tác DS-KHHGĐ
Mô hình tổ chức hiện nay được cán bộ trong ngành đánh giá là phù hợp: trên 80% ở cấp tỉnh, trên 73% ở cấp huyện, trên 60% ở cấp xã. Tuy nhiên ở cấp xã gần 40% ý kiến cho rằng không phù hợp. Đối với cấp xã có gần một nửa ý kiến cho rằng nên để cán bộ DS-KHHGĐ thuộc UBND quản lý. Trên 70% ý kiến tán thành việc thành lập Trung tâm TVDV và 74% cho rằng các Trung tâm này hoạt động có hiệu quả. Gần 60% ý kiến tán thành việc sáp nhập Đội Sinh đẻ có kế hoạch vào Trung tâm DS-KHHGĐ huyện. Trên 71% ý kiến cho rằng nên để Trung tâm DS-KHHGĐ tuyển dụng cán bộ dân số cấp xã.

IV. Đánh giá về hoạt động của công tác DS-KHHGĐ
Về hoạt động truyền thông: Trên 90% ý kiến biết thông điệp “Thực hiện quy mô gia đình ít con”. Số người biết từ 3 nội dung SKSS trở lên đạt trên 87%. Số cộng tác viên DS-KHHGĐ đến nhà đối tượng chiếm 95% và số cán bộ DS-KHHGĐ xã xuống địa bàn chiếm 85% để nắm tình hình và vận động sinh đẻ có kế hoạch. Quá trình thay đổi tổ chức ở cơ sở đã ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ cơ sở. Tuy nhiên các ý kiến cho rằng 80% cộng tác viên và 65% cán bộ DS-KHHGĐ xã đã từng làm việc trên 2 năm. Gần 90% ý kiến người dân đánh giá “Tốt” hoạt động của của cán bộ cơ sở; 32,8% ý kiến cho rằng mạng lưới cung cấp dịch vụ "đáp ứng đầy đủ", có đến 45,7% ý kiến cho là chỉ đáp ứng một phần và có đến 21,5% ý kiến cho là chưa đáp ứng. Đặc biệt là cán bộ tuyến xã cho rằng mạng lưới cung cấp dịch vụ chưa đáp ứng (64,5%).

V. Kết luận
    Sau hơn 1 năm công tác DS-KHHGĐ được đưa về Bộ Y tế, thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước quản lý đa ngành, bộ máy ở trung ương nhìn chung vẫn ổn định, tuyến tỉnh ít nhiều có xáo trộn, phải tuyển mới đến 1/5 số cán bộ. Đặc biệt bộ máy ở tuyến huyện phải tuyển mới đến 45%, ở tuyến xã đã tuyển mới 22%.
    Nhìn chung bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh phù hợp với trung ương. Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế, và Tổng cục DSKHHGĐ thuộc Bộ Y tế. Mô hình ở cấp huyện hiện nay còn nhiều ý kiến, trong một chừng mực nhất định bị tách rời với cấp ủy và chính quyền, nên hoạt động có khó khăn. Tuy nhiên việc thành lập Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn đã khắc phục phần nào hạn chế này.
    Về công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ, 32,8% ý kiến cho rằng mạng lưới cung cấp dịch vụ "đáp ứng đầy đủ". Đặc biệt là cán bộ tuyến xã cho rằng mạng lưới cung cấp dịch vụ gần như là chưa đáp ứng (64,5% ), kể tới một số PTTT như: thuốc cấy, bao cao su, thuốc tiêm tránh thai. Công tác truyền thông còn hạn chế, cụ thể trong số 10 nội dung của SKSS, số cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ biết được 5 nội dung trở lên còn rất thấp (23,1%), đặc biệt là ở cấp xã (5%).

VI. Khuyến nghị
    - Tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức và cơ chế quản lý hệ thống DS-KHHGĐ tại cấp trung ương và cấp tỉnh đi vào ổn đinh. Tại cấp huyện và cấp xã cần điều chỉnh để có sự gắn kết cơ chế quản lý. Như hiện nay, Trung tâm DS-KHHGĐ (thuộc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh) quản lý trực tiếp nguồn lực và ký hợp đồng với cán bộ dân số xã và khối cán bộ này làm việc tại trạm y tế hoặc UBND xã phường. Ngoài ra tham khảo mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ thuộc UBND quận huyện, cũng như đưa Đội SĐCKH về Trung tâm DS-KHHGĐ như một số điạ phương đang thí điểm.
    - Về công tác tổ chức cán bộ, cần có Thông tư liên tịch với Bộ Nội vụ để địa phương thống nhất thực hiện Chi cục DS-KHHGĐ có ít nhất 20 biên chế hành chính và Trung tâm DS-KHHGĐ có ít nhất 6 biên chế, phụ cấp trách nhiệm cho lãnh đạo Chi cục và Trung tâm cũng cần được quy định thống nhất, tiêu chuẩn chuyên môn tuyển cán bộ DS-KHHGĐ tuyến xã vào Trạm y tế nên giảm bớt đối với cán bộ miền núi và vùng sâu vùng xa.
    - Xây dựng kế hoạch đào tạo cho các cấp: Trung ương đào tạo cho cán bộ cấp tỉnh và cấp huyện thông qua các khóa học 2 tháng. Ngoài ra trung ương phải đào tạo đội ngũ giảng viên cho tuyến tỉnh. Giảng viên tuyến tỉnh chịu trách nhiệm đào tạo cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã.
    - Bộ Y tế ban hành thông tư quản lý hậu cần phương tiện tránh thai, thuốc thiết yếu và trang thiết bị y tế phục vụ chương trình DS-KHHGĐ để thống nhất đầu mối quản lý và tổ chức thực hiện. Cần có một cơ quan dịch vụ Dân số ở trung ương, thực hiện chức năng sự nghiệp và chỉ đạo chuyên môn cho Trung tâm dịch vụ DS-KKHHGĐ các tỉnh, thành phố.
    - Cần duy trì sự tham gia chỉ đạo của cấp Ủy và chính quyền, huy động các ban ngành tham gia vận hành Chương trình DS-KHHGĐ ở địa phương. “Đề nghị TW có văn bản chỉ đạo các ngành phối hợp với ngành y tế để thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở”.
 

Ngày 25/07/2011
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.