TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 26  
 
2 7 6 0 3 8 4 9
 
 
Các nghiên cứu khoa học Dân số
Điều tra tử vong mẹ, tử vong sơ sinh ở việt nam giai đoạn 2006-2007

I. Mục tiêu
Cuộc điều tra tử vong mẹ, tử vong sơ sinh Việt Nam giai đoạn 2006-2007 đã được tiến hành vào tháng 4-5/2009 với các mục tiêu: (1) Xác định tỉ số tử vong mẹ, tỉ suất tử vong sơ sinh của Việt Nam 2006-2007, so sánh sự khác biệt giữa khu vực miền núi và đồng bằng; (2) Mô tả những nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp và các yếu tố liên quan đến tử vong mẹ, tử vong sơ sinh ở Việt Nam, so sánh sự khác biệt giữa khu vực miền núi và đồng bằng; (3) Đề xuất những khuyến nghị nhằm làm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh ở Việt Nam.

II. Phương pháp
Nghiên cứu đã được tiến hành tại tất cả các xã của 30 quận/huyện thuộc 10 tỉnh/thành với tỉ lệ số huyện nông thôn miền núi/nông thôn đồng bằng/thành thị = 16/10/4. Đây là cỡ mẫu đại diện cho toàn quốc.
Nghiên cứu đã thu thập, tổng hợp số liệu về tử vong phụ nữ 15-55 tuổi từ nhiều nguồn thông tin (sổ ghi chép sinh tử của trạm y tế xã, các cơ sở khám chữa bệnh công, tư, dân số, tư pháp, các thảo luận nhóm cộng đồng) và sử dụng phương pháp điều tra tử vong phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ RAMOS. Sau khi xác định chắc chắn các trường hợp tử vong mẹ, người nhà phụ nữ tử vong, cán bộ y tế chứng kiến đã được phỏng vấn bằng bộ câu hỏi verbal autopsy. Các thông tin thu được từ bộ câu hỏi này và việc hồi cứu hồ sơ tử vong đã giúp các chuyên gia xác định nguyên nhân tử vong và các yếu tố ảnh hưởng.

III. Các kết quả nghiên cứu chính
Kết quả nghiên cứu cho thấy các số liệu thu được qua cuộc điều tra kết hợp việc thu thập thông tin từ nhiều nguồn rất khác biệt so với số liệu thống kê do địa phương cung cấp. Các kết quả cụ thể như sau:
3.1. Về tử vong phụ nữ
1. Kết quả điều tra cho thấy tổng số phụ nữ 15-49 tuổi được xác định là tử vong trong quãng thời gian trên tại địa bàn nghiên cứu là 1196, trong đó số trường hợp  phát hiện thêm qua điều tra là 299 trường hợp (tăng 33,33% so với số liệu thống kê của địa phương)
2. Tỉ lệ tử vong chung của phụ nữ 15-49 trong toàn mẫu là 0,72%o. Có khác biệt giữa các khu vực địa lý: khu vực nông thôn miền núi có tỉ lệ này cao nhất (0,76%o), tiếp đến ở khu vực nông thôn đồng bằng (0,69%o) và thấp nhất ở khu vực thành thị (0,66%o).
3. Trong cuộc điều tra này phát hiện 1196 trường hợp tử vong PN 15-49, trong đó có số tử vong mẹ là 49 trường hợp. Tỉ lệ tử vong mẹ trên tổng số tử vong chung phụ nữ 15-49 tuổi (PMDF) là 4,10%.
3.2. Về tử vong mẹ
1. Trong số 49 TVM có 18 trường hợp địa phương báo cáo là tử vong mẹ, 12 trường hợp địa phương báo cáo là tử vonng phụ nữ và 19 trường hợp phát hiện mới trong quá trình điều tra thực địa. Theo khu vực địa lý có 35 trường hợp TVM (71,4%) ở nông thôn miền núi, 9 trường hợp TVM (18,4%) ở nông thôn đồng bằng và 5 trường hợp TVM (10,2%) ở thành thị.
2. Theo kết quả điều tra trực tiếp thì tỉ số tử vong mẹ (MMR) ở Việt Nam là 46 trên 100.000 trẻ đẻ sống trong giai đoạn 2006-2007.
    - Theo kết quả tính toán sau khi đã tính trọng số thì tỉ số tử vong mẹ (MMR) ở Việt Nam là 42 trên 100.000 trẻ đẻ sống trong giai đoạn 2006-2007, khoảng tin cậy dao động từ 23 – 61.
- Theo khuyến cáo của WHO cho các điều tra TVM bằng PP RAMOS thì MMR điều chỉnh chung cho toàn quốc là 63 trên 100.000 trẻ đẻ sống trong giai đoạn 2006-2007, khoảng tin cậy dao động từ 42 – 84.
Các số liệu đã được điều chỉnh theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO adjusted) sẽ được sử dụng là con số chính thức.
3. Khoảng 80% các TVM có trình độ học vấn thấp dưới PTTH. Khoảng 60% trường hợp TVM là nông dân.
4. Đa số các TVM là sau khi kết thúc thai nghén (42,9%) và trong khi kết thúc thai nghén (34,7%). Chỉ có khoảng 22,4% TVM là trước khi kết thúc thai nghén.
5.    Phần lớn các TVM đẻ tại các bệnh viện. Chỉ có khoảng 1/3 đẻ tại nhà.
6. Đa số các trường hợp tử vong đều tử vong tại các bệnh viện (62,5%), trong đó 40% tại bệnh viện tỉnh, 16% tại bệnh viện huyện và 6,5% tại bệnh viện trung ương.
7. 71,5% các TVM là do các nguyên nhân trực tiếp và 16,3% là do các nguyên nhân gián tiếp. Các nguyên nhân tử vong trực tiếp chủ yếu là băng huyết (34,7%), sản giật (18,4%) và nhiễm khuẩn (14,3%), chỉ có khoảng 4,1% là do tắc ối. Vẫn còn 12,2% các TVM không xác định được nguyên nhân.
8. Các yếu tố hỗ trợ liên quan đến tử vong mẹ đó là:
    + chậm trễ trong việc ra quyết định tiếp cận với các cơ sở y tế có chất lượng ở mọi khu vực đặc biệt là khu vực miền núi cùng với
    + sự không sẵn có của các phương tiện chuyển bệnh nhân và
    + đường giao thông đi lại dẫn đến tỉ lệ sinh tại nhà còn khá cao, là một yếu tố góp phần làm tăng tử vong mẹ
    + việc cấp cứu và điều trị chưa kịp thời và
    + trình độ kỹ thuật, điều kiện cơ sở vật chất, dịch vụ chăm sóc y tế thiếu thốn, lạc hậu
    + thói quen và nhận thức hạn chế đặc biệt ở khu vực miền núi
3.3. Về tử vong sơ sinh
1.    Theo điều tra xác định có 341 TVSS và 54.602 TĐS trong mẫu năm 2007: 214 (53,3%) ở MN, 88 (33,3%) ở ĐB và 39 (13,3%) ở TT.
2.    Tỉ suất tử vong sơ sinh (NMR) chung toàn quốc là 7,0 trên 1000 TĐS (5,0-9,0). NMR cao nhất ở MN là 10,0 trên 1000 TĐS. Ở ĐB là 5,0 trên 1000 TĐS và ở TT thấp nhất là 4,0 trên 1000 TĐS.
3.    Đẻ non/nhẹ cân là nguyên nhân hàng đầu gây TVSS (38,1%) đúng cho mọi khu vực địa lý. Nguyên nhân ngạt đứng thứ hai  (24,9%) ở TT và MN, ở ĐB lại có tỉ lệ rất thấp. Nguyên nhân nhiễm khuẩn đứng hàng thứ ba (15,8%) chủ yếu ở MN. Các dị tật bẩm sinh, tim bẩm sinh là nguyên nhân thứ tư (8,8%) gây tử vong sơ sinh.
4.    Các yếu tố liên quan đến tử vong sơ sinh đứng đầu là kém hiểu biết, lạc hậu (28,9%), đặc biệt ở khu vực miền núi. Tiếp đến là do đẻ tại nhà (20%) (cũng chủ yếu là ở khu vực miền núi). Đứng thứ ba là do cấp cứu, chuyển tuyến chậm (chủ yếu ở khu vực miền núi) và lý do nhà xa cơ sở y tế (đặc biệt ở miền núi) cũng là yếu tố liên quan.

IV. Các kết luận
1. Các số liệu thu được từ cuộc điều tra kết hợp việc thu thập từ nhiều nguồn thông tin rất khác biệt so với số liệu thống kê do địa phương báo cáo lên. Với số liệu tử vong mẹ cuộc điều tra đã phát hiện thêm 19 trường hợp tử vong mẹ bị bỏ sót, con số thực tế sau điều tra là 49). Với tử vong sơ sinh số liệu thống kê địa phương báo cáo lên là 400 trường hợp, nhưng điều tra xác định chỉ có 341 trường hợp, còn lại 59 trường hợp là nhầm lẫn với thai chết lưu hoặc tử vong trẻ dưới 1 tuổi.
2. Tỉ số tử vong mẹ và tỉ suất tử vong sơ sinh đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Tử vong mẹ đã giảm từ 165 (năm 2001-2002) xuống còn 63 (năm 2006-2007) trên 100.000 trẻ đẻ sống. Tử vong trẻ sơ sinh đã giảm từ 12,2 (năm 2002) xuống còn 7,0 (năm 2007) trên 1000 trẻ đẻ sống. Tuy nhiên vẫn còn sự mất công bằng giữa các khu vực. Ở khu vực miền núi nguy cơ tử vong mẹ cao hơn 3 lần và nguy cơ tử vong trẻ sơ sinh cao hơn hơn 2 - 2,5 lần so với các khu vực khác.
3. Nguyên nhân tử vong mẹ và tử vong sơ sinh vẫn chưa thay đổi, tương tự như các cuộc điều tra trước và các nước tương đồng. Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ là băng huyết. Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sơ sinh là đẻ non/nhẹ cân. Tuy nhiên, lần đìều tra này không phát hiện thấy nguyên nhân tử vong mẹ do nạo phá thai. Điều này có thể do phụ nữ Việt Nam đã được tiếp cận với các biện pháp tránh thai đầy đủ và nạo phá thai an toàn hơn.
4. Yếu tố liên quan đến tử vong mẹ và tử vong sơ sinh là ba chậm đó là: (1) kém hiểu biết dẫn đến chậm trễ quyết định lựa chọn đúng đắn với các dịch vụ y tế có chất lượng, (2) phương tiện không sẵn có đường sá khó khăn làm chậm tiếp cận với các cơ sở y tế có chất lượng, (3) việc cấp cứu, chuyển tuyến, cứu chữa không kịp thời.

V. Khuyến nghị
(1) Cần tăng cường chất lượng của hệ thống thu thập số liệu sẵn có hiện nay.
(2) Cần có cuộc điều tra riêng cho tử vong sơ sinh với phương pháp điều tra tối ưu nhằm giảm tối đa các trường hợp bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn để đưa ra một con số thống kê chính xác về tử vong sơ sinh cho toàn quốc.
(3) Cần định kỳ thu thập thong qua điều tra (survey) hoặc thiết lập một hệ thống theo dõi (surveyllance) số liệu tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trong phạm vi toàn quốc để có được con số chính xác giúp cho quá trình lập kế hoạch và hoạch chính sách y tế.
(3) Tuy con số chung về tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh đã giảm đáng kể trong 5 năm qua, nhưng vẫn còn có sự mất công bằng giữa các khu vực. Nguy cơ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh ở khu vực miền núi cao gấp 2-3 lần so với các khu vực khác. Tử vong chủ yếu tập trung ở nông dân là những đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội. Điều này cho thấy cần phải có các chính sách cụ thể và phân bổ nguồn lực phù hợp cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở khu vực miền núi. Đặc biệt, chương trình làm mẹ an toàn khi xây dựng kế hoạch cần tập trung vào các đối tượng phụ nữ nghèo ở khu vực miền núi.
(4) Tăng cường đội ngũ nhân lực cả về số lượng và chất lượng cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ cho y tế tuyến cơ sở khu vực miền núi nhằm nâng cao tiếp cận của bà mẹ và trẻ em với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hoàn thiện bộ máy vận chuyển cấp cứu, chuyển tuyến cho bệnh nhân lên các tuyến trên.
(5) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân về cách chăm sóc trước, trong và sau sinh cũng như cách chăm sóc trẻ mới sinh,... Vận động người dân đi khám thai đủ, đẻ phải có cán bộ y tế trợ giúp, dùng gói đẻ sạch,...
 

Ngày 25/07/2011
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.