TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ tư, Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 13  
 
2 7 7 8 3 9 2 6
 
 
Các nghiên cứu khoa học Quản lý điều hành
Đổi mới quản lý điều hành nhà nước đối với hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển

Đổi mới quản lý điều hành nhà nước đối với hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Đàm Viết Cương và cộng sự

 

Nơi công bố:Bộ Y tế

Năm công bố: 2006

Đây là nghiên cứu báo cáo chuyên đề trong dự án Các lựa chọn chính sách để đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Hiện trạng

Quá trình xây dựng chính sách còn chưa đảm bảo đầy đủ thông tin và bằng chứng khoa học chắc chắn. Tác động của các chính sách đổi mới trong y tế đối với công bằng trong khám chữa bệnh, sự thay đổi hành vi của người cung ứng dịch vụ y tế và người sử dụng dịch vụ y tế, chất lượng dịch vụ y tế, dư luận xã hội cũng chưa được dự báo, nghiên cứu đầy đủ. Vẫn còn thiếu sự phối hợp cần thiết giữa nhà nghiên cứu và nhà xây dựng chính sách.

Bộ máy thanh tra, kiểm tra mỏng, không đủ quyền, chưa đủ năng lực để thực hiện kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát chuyên ngành. Chưa xây dựng được hệ thống báo cáo thống nhất, nhanh nhạy, chính xác; chưa có các tiêu chí hợp lý để đánh giá chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và dịch vụ y học dự phòng. Thưởng, phạt chưa nghiêm minh, chưa khuyến khích được người có năng lực, có thành tích thực sự.

Đối thoại liên ngành, đối thoại giữa người thực thi chính sách, giữa cán bộ y tế với người hưởng lợi chưa phải là hoạt động phổ biến. Các kênh thông tin đại chúng chưa được khai thác có hiệu quả.

Tổ chức bộ máy chưa thực sự phù hợp với mục tiêu, chức năng và nhiệm vụ. Công tác quản lý, điều hành nhà nước đối với hệ thống y tế về cơ bản đã được phân cấp tới các địa phương, chưa thích ứng với công tác quản lý khu vực y tế tư đang phát triển nhanh. Cấu trúc của một số cơ quan quản lý, điều hành chính sách y tế chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Thiếu các cơ chế thích hợp nhằm nâng cao tính trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân hoạt động trong hệ thống y tế, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các chức năng của hệ thống y tế.

Đổi mới và tăng cường vai trò của Nhà nước đối với hệ thống y tế

·Tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc lập kế hoạch, quản lý và điều tiết, giám sát lĩnh vực y tế ở tầm chiến lược, giảm bớt việc tham gia trực tiếp quản lý tác nghiệp hằng ngày về cung ứng dịch vụ.

·Trong điều kiện kinh tế thị trường, Nhà nước càng phải có vai trò lớn hơn để thiết lập các điều kiện tiên quyết cho thị trường vận hành có hiệu quả, điều chỉnh khuyết tật của thị trường và nâng cao tính công bằng.

·Bên cạnh việc thực hiện chức năng quản lý điều hành đa dạng và phức tạp hơn, Nhà nước phải là người cung cấp các dịch vụ y tế công cộng, chăm sóc sức khoẻ cơ bản, phát triển hệ thống khám chữa bệnh công lập, nhất là ở tuyến cơ sở, trợ giúp cho người nghèo và các vùng khó khăn.

Hoàn thiện quá trình xây dựng chính sách

·Trước hết, cầnbảo đảm các chính sách y tế được xây dựng và hoạch định dựa trên bằng chứng và được định kỳ theo dõi, đánh giá và điều chỉnh, sửa đổi. Công tác nghiên cứu đánh giá hiện trạng sức khỏe cộng đồng, kết quả thực hiện chính sách cần được coi là một bước không thể thiếu trong quá trình xây dựng, sửa đổi, điều chỉnh chính sách.

·Thứ hai, là tiếp tục hoàn thiện chiến lược tổng thể, dài hạn phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe, làm cơ sở cho các chương trình phát triển chính sách y tế. Chiến lược tổng thể này cần bao gồm những định hướng chính sách bảo đảm tính công bằng, hiệu quả và phát triển của hệ thống y tế, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa các chính sách phát triển trong nội bộ hệ thống y tế cũng như giữa chính sách chăm sóc sức khỏe và các chính sách phát triển chung.

·Trong quá trình xây dựng chính sách, cần thu thập ý kiến đóng góp nhiều hơn của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tham khảo đầy đủ ý kiến của người hưởng lợi. Tăng cường đội ngũ chuyên gia phân tích chính sách y tế của Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan về số lượng và trình độ chuyên môn, khắc phục tình trạng đóng góp một cáchhình thức của một số cán bộ thuộc các bộ ngành khác đối với chính sách y tế.

·Thứ ba, là tăng cường phối hợp liên ngành, tạo các liên kết, đối tác. Sự phối hợp liên ngành và tạo các liên kết, đối tác cần được đảm bảo ngay trong khâu xây dựng và hoạch định chính sách. Thường xuyên thực hiện các hình thức đối thoại liên ngành, đối thoại trong nội bộ ngành, đối thoại giữa người cung ứng dịch vụ y tế và người sử dụng dịch vụ y tế.

·Làm tốt hơn hoạt động thông tin, tuyên truyền chính sách y tế, tổ chức và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp về thông tin, tuyên truyền, chuyên trách về quan hệ vớicộng đồng (“public relations - PR”).

Điều chỉnh bộ máy, tổ chức quản lý y tế

·Công tác giám sát, thanh tra cần được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của hoạt động quản lý, điều hành nhà nước. Bộ máy thực hiện nhiệm vụ giám sát, thanh tra ở cấp bộ và tỉnh, thành phố cần được tăng về số lượng và được đào tạo nghiệp vụ về thanh tra, giám sát.

·Xây dựng hệ thống thông tin báo cáo về hoạt động chăm sóc sức khỏe trong điều trị cũng như dự phòng một cách khoa học, đảm bảo tính khách quan. Hệ thống báo cáo cần có các tiêu chí, các chỉ số đánh giá chất lượng chăm sóc sức khỏe khoa học, tin cậy, có thể đánh giá một cách khách quan tình hình sức khỏe trong cộng đồng và chất lượng dịch vụ y tế.

·Tổ chức, chức năng nhiệm vụ của bộ máy quản lý nhà nước về y tế ở các cấp cần được thiết kế lại để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với khu vực y tế tư đang phát triển nhanh. Cần trao quyền cho cơ quản quản lý được thưởng, phạt, cưỡng chế... đối với tất cả các cá nhân và tổ chức có hoạt động liên quan đến dịch vụ y tế và đến sức khỏe nhân dân nói chung, ở cả khu vực nhà nước và tư nhân.

·Cuối cùng, trách nhiệm giải trình là một trong những điểm còn yếu cần được khắc phục của quản lý, điều hành nhà nước (thiếu sự phân công, phân nhiệm cho các tổ chức và cá nhân một cách rõ ràng, rành mạch, xử lý khi chưa hoàn thành nhiệm vụ chưa trở thành thường quy).

Về phân cấp trong quản lý, điều hành nhà nước

·Giảm bớt nhiệm vụ quản lý, điều hành trực tiếp đối với các cơ quan, đơn vị cung ứng dịch vụ (điều trị, sản xuất v.v..)đang trực thuộc Bộ Y tế. Bộ Y tế sẽ có nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng chính sách và giám sát, chỉ đạo thực hiện chính sách ở tầm vĩ mô.

·Thực hiện sự phân cấp lớn hơn nữa cho các địa phương, không chỉ trong tổ chức thực hiện chính sách, mà cả trong việc xây dựng chính sách đặc thù phù hợp với hoàn cảnh từng địa phương.

·Tăng cường tính tự chủ của các bệnh viện công cũng thuộc phạm trù phân cấp quản lý, song cần được thực hiện từng bước kèm theo những điều kiện bảo đảm nhất định như đã trình bày ở mục trên.

Đổi mới và tăng cường phối hợp liên ngành

·Thường xuyên thực hiện các hình thức đối thoại liên ngành, đối thoại trong nội bộ ngành, đối thoại giữa người cung ứng dịch vụ y tế và người sử dụng dịch vụ y tế để đạt được sự đồng thuận trong việc thực hiện chính sách.

·Phát huy vai trò của cộng đồng, của các tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức xã hội... cần được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Thực hiện phân cấp quản lý một cách cẩn trọng sẽ làm cho việc lồng ghép và phối hợp liên ngành ở cấp cơ sở tốt hơn, thúc đẩy sự hợp tác, phối hợp liên ngành ở cấp quốc gia.

Ngày 25/02/2009
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.