TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 45  
 
2 7 7 5 8 4 1 1
 
 
Thông tin Y tế
Đói nghèo toàn cầu tiếp tục gia tăng

Theo báo cáo Tình trạng An ninh Lương thực và Dinh dưỡng Thế giới năm 2018 do Liên hợp quốc công bố, các bằng chứng mới tiếp tục cho thấy số người đói trên thế giới đang tăng lên, đạt 821 triệu người vào năm 2017, như vậy cứ mỗi 9 người thì có 1 người đói. Các tiến bộ bị hạn chế trong việc giải quyết các vấn đề về suy dinh dưỡng, từ còi cọc ở trẻ em tới béo phì ở người trưởng thành, gây ra nguy cơ sức khỏe cho hàng trăm triệu người.

Tình trạng đói đã gia tăng trong ba năm qua, trở về mức độ như một thập kỷ trước đây. Sự đảo ngược trong tiến trình này cho thấy một cảnh báo rõ ràng rằng nhiều hành động cần phải được thực hiện và khẩn trương để có thể đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững về Xóa đói vào năm 2030.

Tình hình đang trở nên xấu đi ở Nam Mỹ và hầu hết các khu vực của châu Phi, trong khi xu hướng giảm của tình trạng suy dinh dưỡng đặc trưng ở châu Á dường như đang chậm lại đáng kể.

Báo cáo thường niên của Liên hợp quốc phát hiện rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến lượng mưa và mùa vụ, và các hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán và lũ lụt, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng đói nghèo, cùng với xung đột và suy thoái kinh tế.

Nếu muốn đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững về không đói nghèo và suy dinh dưỡng ở tất cả các dạng vào năm 2030, điều bắt buộc là phải đẩy mạnh và tăng cường hành động để phục hồi và thích nghi hệ thống lương thực và sinh kế của người dân để ứng phó với biến đổi khí hậu và các hiện tượng khí hậu cực đoan.

Tác động của biến đổi khí hậu và các hiện tượng khí hậu cực đoan đối với nạn đói

Những thay đổi về khí hậu đã làm suy yếu việc sản xuất các loại cây trồng chính như lúa mì, gạo và ngô ở các vùng nhiệt đới và ôn đới, và khó có khả năng phục hồi khí hậu, điều này được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ gia tăng và trở nên khắc nghiệt hơn.

Phân tích trong báo cáo cho thấy tỷ lệ và số người bị suy dinh dưỡng có khuynh hướng cao hơn ở các quốc gia xuất hiện các hiện tượng khí hậu cực đoan. Tình trạng suy dinh dưỡng cao hơn nữa khi xuất hiện các hiện tượng khí hậu cực đoan, kết hợp với tỷ lệ cao dân số phụ thuộc vào hệ thống nông nghiệp có độ nhạy cao với lượng mưa và biến đổi khí hậu.

Các bất thường về nhiệt độ trên các vùng trồng trọt nông nghiệp tiếp tục cao hơn mức trung bình dài hạn trong suốt giai đoạn 2011 – 2016, dẫn đến các đợt nóng cực đoan diễn ra thường xuyên hơn trong 5 năm qua. Bản chất của mùa mưa cũng đang thay đổi, chẳng hạn như mùa mưa bắt đầu muộn hoặc sớm hơn và phân bố lượng mưa không đều trong một mùa.

Tác hại đối với sản xuất nông nghiệp là góp phần gây ra thiếu hụt về thực phẩm, với các tác động kích thích tăng giá lương thực, nhưng gây thiệt hại về thu nhập, làm giảm khả năng tiếp cận thức ăn của mọi người.

Các tiến bộ chậm chạp trong việc chấm dứt các dạng suy dinh dưỡng

Theo báo cáo, các tiến bộ giảm nghèo được thể hiện trong việc giảm trẻ em thấp còi, với gần 151 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thấp còi do suy dinh dưỡng trong năm 2017, so với 165 triệu trẻ em vào năm 2012. Trên toàn cầu, châu Phi và châu Á chiếm lần lượt 39% và 55% số trẻ em thấp còi.

Tỷ lệ trẻ em gầy mòn vẫn còn rất cao ở châu Á, nơi gần 1/10 trẻ em dưới 5 tuổi có cân nặng thấp hơn so với chiều cao tương ứng, so với chỉ 1/100 ở châu Mỹ Latin và Carribean.

Báo cáo mô tả thực tế rằng cứ 1 trong 3 phụ nữ ở độ tuổi sinh sản trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi thiếu máu, gây ra hậu quả về sức khỏe và phát triển đáng kể cho cả phụ nữ và con cái của họ. Không có khu vực nào cho thấy sự suy giảm về tình trạng thiếu máu của phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, tỷ lệ hiện mắc ở châu Phi và châu Á cao gấp gần 3 lần so với Bắc Mỹ.

Tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn ở châu Phi và châu Á cao hơn 1,5 lần so với tỷ lệ này ở Bắc Mỹ, nơi chỉ có 26% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn.

Mặt khác của nạn đói: gia tăng béo phì

Béo phì ở người trưởng thành đang tệ đi, khi hơn 1/8 người trưởng thành trên thế giới mắc béo phì. Vấn đề trở nên rõ ràng hơn tại Bắc Mỹ, nhưng báo cáo cho thấy châu Phi và châu Á cũng cho thấy xu hướng gia tăng.

Suy dinh dưỡng và béo phì cùng tồn tại ở nhiều quốc gia, thậm chí có thể cùng nhận thấy trong một hộ gia đình. Việc hạn chế tiếp cận với các thực phẩm dinh dưỡng do chi phí cao hơn, các căng thẳng trong việc mất an ninh lương thực, và thích ứng sinh lý với việc thiếu thực phẩm giúp giải thích tại sao các gia đình không an toàn thực phẩm có nguy cơ thừa cân và béo phì cao hơn. 

Kêu gọi hành động

Báo cáo kêu gọi thực hiện và mở rộng các can thiệp nhằm đảm bảo tiếp cận thực phẩm dinh dưỡng và phá vỡ chu kỳ suy dinh dưỡng liên thế hệ. Các chính sách phải đặc biệt chú ý đến những nhóm dễ bị tổn thương nhất do hậu quả tiêu cực của việc hạn chế tiếp cận thực phẩm, bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ em trong độ tuổi đi học, trẻ vị thành niên và phụ nữ.

Đồng thời, một sự thay đổi bền vững phải được thực hiện hướng đến các hệ thống thực phẩm và nông nghiệp nhạy cảm để có thể cung cấp thực phẩm an toàn và chất lượng cao cho tất cả mọi người.

Báo cáo cũng kêu gọi những nỗ lực lớn hơn để xây dựng khả năng phục hồi khí hậu thông qua các chính sách thúc đẩy thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Các thông tin và số liệu chính

Số người đói trên thế giới năm 2017: 821 triệu (1/9 dân số)

Châu Á: 515 triệu

Châu Phi: 256,5 triệu

Châu Mỹ Latin và Caribbean: 39 triệu

Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi: 150,8 triệu (22,2%)

Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể gầy mòn: 50,5 triệu (7,5%)

Trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân: 38,3 triệu (5,6%)

Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị thiếu máu: 32,8%

Tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn: 40,7%

Số người trưởng thành bị béo phì: 672 triệu (13% hoặc 1/8 dân số)

 

Ngày 24/09/2018
Tổ chức Y tế Thế giới - WHO  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.