TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 6  
 
2 7 8 0 0 9 5 7
 
 
Thông tin Y tế
WHO công bố báo cáo mới về xu hướng hút thuốc lá toàn cầu

Số lượng nam giới hút thuốc lá trên toàn cầu ngày càng giảm. Điều đó cho thấy các nỗ lực kiểm soát hiệu quả của chính phủ trong cứu sống, bảo vệ sức khỏe, đánh bại thuốc lá

Lần đầu tiên, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính tổng số nam giới hút thuốc lá đang giảm, điều đó cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch thuốc lá toàn cầu. Các phát hiện từ báo cáo mới công bố của WHO cho thấy các hành động của chính phủ có thể bảo vệ cộng đồng khỏi thuốc lá, cứu sống và ngăn chặn những người bị ảnh hưởng bởi tác hại liên quan đến thuốc lá.

TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết “Tình trạng hút thuốc lá giảm ở nam giới đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại thuốc lá. Từ nhiều năm nay, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng số lượng nam giới sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây chết người. Nhưng bây giờ, lần đầu tiên, chúng ta đang chứng kiến giảm tình trạng hút thuốc lá ở nam giới, do các chính phủ đang cứng rắn hơn đối với ngành công nghiệp thuốc lá. WHO sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước để duy trì xu hướng giảm này”.

Trong gần hai thập kỷ qua, tổng lượng sử dụng các sản phẩm thuốc lá toàn cầu đã giảm, từ 1,394 tỷ năm 2000 xuống còn 1,337 tỷ vào năm 2018, xấp xỉ khoảng 60 triệu người, theo báo cáo toàn cầu của WHO về xu hướng sử dụng thuốc lá năm 2000-2025 phiên bản thứ ba .

Sự sụt giảm phần lớn là số lượng phụ nữ sử dụng các sản phẩm thuốc lá giảm hơn 100 triệu người từ 346 triệu người - năm 2000 xuống 244 triệu người - năm 2018.

Trong cùng thời gian này, việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá của nam giới đã tăng khoảng 40 triệu, từ 1,050 tỷ - năm 2000 lên 1,093 tỷ - năm 2018 (tương đương 82% trong số 1,337 tỷ người hút thuốc lá trên thế giới hiện nay).

Báo cáo mới cho thấy số lượng nam giới hút thuốc lá đã ngừng tăng và dự báo sẽ giảm hơn 1 triệu người đến năm 2020 (tương đương 1,091 tỷ người) so với mức 2018 và giảm 5 triệu vào năm 2025 (1,087 tỷ người).

Đến năm 2020, WHO dự báo sẽ giảm 10 triệu người hút thuốc lá bao gồm cả nam giới và nữ giới, so với năm 2018 và  giảm hơn 27 triệu người vào năm 2025 (1,299 tỷ người). Khoảng 60% các quốc gia đã giảm tình trạng hút thuốc lá kể từ năm 2010.

TS. Ruediger Krech, Giám đốc Nâng cao sức khỏe của WHO cho biết “Tình trạng giảm hút thuốc lá toàn cầu chứng minh rằng khi chính phủ xây dựng và tăng cường các hành động dựa trên bằng chứng toàn diện, họ có thể bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng”.

Mặc dù đã đạt được các thành tựu như vậy, tiến trình đáp ứng mục tiêu toàn cầu các quốc giá đặt ra là giảm hút thuốc lá 30% vào năm 2025 vẫn không được như ý. Với tốc độ như hiện tại, sẽ giảm 23% vào năm 2025. Chỉ có 32 quốc gia hiện đang đi đúng hướng để đạt mục tiêu giảm 30%.

TS. Vinayak Prasad, người đứng đầu đơn vị kiểm soát thuốc lá của WHO cho biết “Sự suy giảm dự kiến ở nam giới vốn chiếm phẩn lớn trong những người hút thuốc lá, có thể được đẩy mạnh và sử dụng để đẩy nhanh nỗ lực đạt được mục tiêu toàn cầu. Số lượng người hút thuốc lá giảm, đây là một bước quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tuy nhiên, nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành. Nếu không tăng cường hành động quốc gia, tình trạng hút thuốc lá giảm theo dự báo sẽ không đạt được các mục tiêu toàn cầu. Chúng ta không bao giờ được buông xuôi trong cuộc chiến chống lại các công ty thuốc lá đa quốc gia (Big Tobacco)”.

Báo cáo của WHO cũng đưa ra một số phát hiện quan trọng khác bao gồm:

• Trẻ em: Khoảng 43 triệu trẻ em (từ 13-15 tuổi) hút thuốc lá trong năm 2018 (14 triệu bé gái và 29 triệu bé trai).

• Phụ nữ: Số lượng phụ nữ hút thuốc lá năm 2018 là 244 triệu người. Đến năm 2025, sẽ giảm 32 triệu phụ nữ hút thuốc lá. Việc giảm hút thuốc ở nữ giới chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình, trong khi đó ở khu vực Châu Âu, số lượng phụ nữ hút thuốc lá giảm chậm nhất.

• Xu hướng châu Á: Khu vực Đông Nam Á của WHO có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất, hơn 45% nam và nữ từ 15 tuổi trở lên, nhưng xu hướng này được dự báo sẽ giảm nhanh xuống mức tương tự ở châu Âu và Tây Thái Bình Dương khoảng 25% vào năm 2025. Khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc, được dự đoán sẽ vượt qua Đông Nam Á để trở thành khu vực có tỷ lệ trung bình cao nhất ở nam giới.

• Xu hướng ở Châu Mỹ: 15 quốc gia ở Châu Mỹ đang trên lộ trình đạt mục tiêu giảm 30% hút thuốc lá vào năm 2030, khiến đây là khu vực hoạt động tốt nhất trong 6 khu vực của WHO.

• Hành động chính sách: ngày càng nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả, có hiệu quả mong đợi trong giảm hút thuốc lá. Thuế thuốc lá không chỉ giúp giảm tiêu thụ thuốc lá và chi phí chăm sóc sức khỏe, mà  đồng thời cung cấp nguồn thu  để tăng cường tài chính cho sự phát triển ở nhiều quốc gia.

Mỗi năm, hơn 8 triệuca tử vong do hút thuốc lá, xấp xỉ một nửa số người dùng. Hơn 7 triệu trường hợp tử vong là do hút thuốc lá trực tiếp trong khi khoảng 1,2 triệu trường hợp là do những người hút thuốc thụ động. Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến thuốc lá xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, vốn là mục tiêu của hoạt động tiếp thị và hoạt động mạnh mẽ của ngành công nghiệp thuốc lá.

Báo cáo của WHO bao gồm việc sử dụng thuốc lá điếu, thuốc lá tẩu, xì gà, thuốc lào, các sản phẩm thuốc lá không khói (như cheroots và kittlek) và các sản phẩm thuốc lá làm nóng. Thuốc lá điện tử không được đề cập trong báo cáo.

Báo cáo hỗ trợ giám sát Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 3.a, trong đó kêu gọi tăng cường thực hiện Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO (WHO FCTC). Các biện pháp MPOWER của WHO phù hợp với FCTC của WHO và đã được chứng minh là cứu sống và giảm chi phí từ chi phí chăm sóc sức khỏe, bao gồm:

• Giám sát các chính sách phòng chống và sử dụng thuốc lá.

• Bảo vệ mọi người khỏi khói thuốc lá.

• Cung cấp trợ giúp để bỏ thuốc lá.

• Cảnh báo mọi người về tác hại của thuốc lá.

• Thực thi lệnh cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá.

• Tăng thuế đối với thuốc lá.

 

Ngày 12/02/2020
Tổ chức Y tế Thế giới - WHO  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.