TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ bảy, Ngày 04 Tháng 05 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 95  
 
2 7 8 2 7 3 7 2
 
 
Tin tức Tin Hội thảo
Hội thảo chăm sóc sức khỏe cho người di cư vùng sông Mê Kông

CUỘC HỌP LẦN THỨ NHẤT VỀ CHÍNH SÁCH, TÀI CHÍNH VÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ
Mandalay, Myanmar, 23-26/3/2014



Sáng kiến loạt hội thảo về chăm sóc sức khỏe cho người di cư vùng sông Mê Kông được thực hiện dưới sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của USAID và IHPP (Chương trình chính sách sức khỏe quốc tế, Bộ Y tế, Thái Lan). Mục tiêu của loạt hội thảo là: 1) tìm hiểu về thực trạng di cư quốc tế, môi trường chính sách, nguồn tài chính và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người di cư của 5 nước tiểu vùng sông Mê-Kông nhằm xác định các vấn đề chung; 2) tìm các hướng tiếp cận phù hợp để đẩy mạnh cơ chế bảo vệ tài chính, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người di cư giữa các nước; 3) Nâng cao nhận thức và cam kết của các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển quốc tế, tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan thực hiện nhằm mở rộng các can thiệp và hướng tới giải pháp chiến lược cho mỗi quốc gia. Theo kế hoạch, 2 hội thảo được tổ chức vào tháng 3 tại Myanmar và tháng 6 tại Thái Lan.

Cuộc họp lần thứ nhất được tổ chức tại Mandalay, Myanmar, từ ngày 23 -26/3/2014, tập trung vào các vấn đề về chính sách, tài chính và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người di cư. Tham gia hội thảo gồm các đoàn đến từ 5 nước tiểu vùng sông Mê Kông (Cam-pu-chia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam), USAID, IHPP và đại diện của ILO và WHO. Trong 3 ngày hội thảo, các nước tham gia đã trình bày thực trạng và thách thức trong chăm sóc sức khỏe cho người di quốc tế; cùng xây dựng khung chiến lược nhằm giải quyết các thách thức đặt ra; xác định các ưu tiên mà mỗi nước cần thực hiện trong thời gian trước mắt và lâu dài.

Việt Nam đã có một hệ thống các chính sách về người lao động, trong đó có đề cập các giải pháp bảo vệ cho nhóm di cư, lao động ra nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề chăm sóc sức khỏe của người Việt Nam đi lao động quốc tế vẫn chưa thực sự có các giải pháp hệ thống. Rất nhiều người lao động di cư giữa biên giới Việt Nam và Lào, cũng như với các nước khác thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông là nhóm di cư tự do hoặc ngắn hạn, theo vụ mùa. Đây là nhóm di cư tự phát, khó quản lý, do đó thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhóm này rất hạn chế. Thách thức trong chăm sóc sức khỏe cho nhóm di cư này còn xuất phát từ việc thiếu những giải pháp hợp tác với nước sở tại, nơi người Việt di cư tự do tới.

Hội thảo lần thứ nhất được xem là cơ hội để các nước xây dựng kế hoạch hành động cho mình cũng như hợp tác với các nước có người lao động di cư tới. Đoàn Việt Nam đã xác định 4 hoạt động chính cần làm trong thời gian tới, đó là: 1) Tăng cường cam kết trong bảo vệ người di cư thông qua tổ chức hội thảo xác định vai trò các bên tham gia trong chăm sóc sức khỏe người di cư quốc tế, đặc biệt người di cư tự do; 2) Kiện toàn lại vai trò và chức năng của cơ quan đầu mối; 3) Đẩy mạnh thực hiện chính sách đảm bảo an sinh cho người Việt đi lao động nước ngoài ở những nước có thỏa thuận hợp tác; 4) Đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thân thiện cho người di cư tự do ở các bệnh viện đường biên Việt Nam – Lào, Việt Nam- Campuchia.

Ngày 03/04/2014
Khoa Dân số và Phát triển  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.