TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 169  
 
2 7 6 0 1 7 4 8
 
 
Các nghiên cứu khoa học
Đánh giá thực trạng công tác dân số đến năm 2020 và đề xuất xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược dân số việt nam đến năm 2030

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC DÂN SỐ ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030

TS. Trần Đức Thuận; ThS. Nguyễn Thị Tố Quyên; 

TS. Nguyễn Văn Hùng; ThS. Vũ Thị Minh Hạnh và cộng sự
 
Nơi công bố: Viện Chiến lược và Chính sách Y tế
Năm công bố: 2021
 

TÓM TẮT

Để cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và tạo dựng cơ sở dữ liệu ban đầu giúp so sánh, nhận diện kết quả thực hiện Chiến lược giữa kỳ và cuối kỳ, từ tháng 6-12/2020, Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã tiến hành nghiên cứu “Đánh giá thực trạng công tác Dân số đến năm 2020 và đề xuất xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược dân số việt nam đến năm 2030”. 

MỤC TIÊU

• Đánh giá thực trạng triển khai công tác Dân số đến năm 2020.

• Phân tích bài học kinh nghiệm, khó khăn, bất cập của công tác dân số đến năm 2020 và những thách thức về biến động dân số ở nước ta trong thời gian tới.

• Đề xuất các giải pháp để xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

ĐỊA BÀN

Nghiên cứu được thực hiện tại 4 tỉnh/thành phố (Sơn La, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Hậu Giang). 

KẾT LUẬN

1. Về thực hiện các nhiệm vụ giải pháp

Công tác lãnh đạo và quản lý đã được thực hiện tốt. Đã có sự chỉ đạo và tham gia của các cấp Đảng và Chính quyền trong triển khai, điều phối các hoạt động thực hiện Chiến lược DS&SKSS cũng như Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Có tới hơn 90% (52/54 tỉnh) tỉnh, thành phố đã phổ biến quán triệt các văn bản của Đảng, chủa chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong thực hiện giải pháp này về quản lý, thời điểm phổ biến quán triệt còn chậm so với thời điểm chính sách được ban hành.

Thời gian qua địa phương đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo điều hành, xây dựng và hoàn thiện nhiều đề án để thực hiện công tác DS-KHHGĐ nói chung và chiến lược dân số nói riêng. Tuy nhiên, việc hoàn thiện, ban hành các chính sách chưa theo kế hoạch trong nghị quyết số 137/NQ-CP cũng như chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020.

Công tác truyền thông, giáo dục đã góp phần quan trọng trong nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của cộng đồng và lãnh đạo. Tuy nhiên, việc quảng bá về chiến lược vẫn còn hạn chế, số lượng, chất lượng của tài liệu truyền thông còn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt hình thức, nội dung truyền thông chưa thực sự chú trọng đến đặc thù vùng/miền, dân tộc nên hiệu quả còn chưa cao.

Hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ đã được củng cố, kiện toàn trong thời gian qua. việc phân phối các dịch vụ phi lâm sàng qua mạng lưới nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số tiếp tục được duy trì và thực hiện nâng cao hiệu quả. Phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ đã được đổi mới theo hướng mở rộng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Tiếp tục huy động các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ thông qua các hình thức: tiếp thị xã hội, xã hội hóa cung cấp phương tiện và dịch vụ tránh thai. Mạng lưới cung cấp dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, can thiệp, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh cho mọi phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được duy trì ổn định. Các cơ sở sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở trung ương đã được mở rộng từ 3 cơ sở lên 5 cơ sở theo phân cấp kỹ thuật, điều đó đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân trong thời gian qua.

Việc thực hiện giải pháp nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số đã thu được nhiều kết quả lớn. Có nhiều nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn qua, với các chủ đề chính về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số ở nhiều cấp khác nhau (cấp Bộ và tương đương, cấp cơ sở, các khảo sát, đánh giá tác nghiệp...). Các nghiên cứu đã cung cấp được nhiều thông tin, bằng chứng quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực DS-KHHGĐ trong thời gian qua.

Ngân sách phân bổ từ chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn viện trợ đã giảm mạnh trong thời gian qua (nhất là 5 năm trở lại đây), trong khi đó nguồn kinh phí do địa phương hỗ trợ cho công tác DS-KHHGĐ ngày càng tăng nhưng chưa ổn định đã ảnh hưởng đến việc thực hiện bền vững các chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình mà các địa phương đề ra.

Tổ chức bộ máy làm công tác dân số đang được vận hành tương đối đa dạng tại các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, sựu biến động, thay đổi thường xuyên về mô hình giữa các tỉnh, thậm chí là ngay trong mỗi một tỉnh. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành và phối hợp trong quá việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Công tác đào đào tạo mới và đào tạo lại chuyên môn, nghiệp vụ về công tác DS-KHHGĐ được thực hiện thường xuyên. Tổng cục DS-KHHGĐ (Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DS-KHHGĐ), đã thực hiện nhiều khoá đào tạo ngắn hạn với các nguồn kinh phí khác nhau như CTMT, UNFPA, kinh phí địa phương cũng như các tổ chức quốc tế khác cho cán bộ tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã. 

Việc thực hiện giải pháp xã hội hoá, hợp tác liên ngành và hợp tác quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu. Bộ Y tế mà đầu mối là Tổng cục DS-KHHGĐ đã chủ động điều phối các hoạt động thực hiện Chiến lược, đã huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong thực hiện chiến lược, có sự phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan như Hội phụ nữ (HPN), Đoàn thanh niên (ĐTN), Hội nông dân (HND), hệ thống dân số trong thực KHHGĐ và TTGDTT. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp này vẫn còn gặp phải một số khó khăn như đầu tư ngân sách nhà nước còn chậm và chưa đáp ứng được nhu cầu, việc điều phối và kết hợp với các bên liên quan đôi khi còn chưa hiệu quả.

2. Về thực hiện các mục tiêu của công tác Dân số đến năm 2020

Trong 27 chỉ tiêu được nêu trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 có 12 chỉ tiêu trùng với Chiến lược Dân số và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Kêt quả như sau:

- Trong 12 chỉ tiêu được nêu trong chiến lược cũ: có 3 chỉ tiêu: “Quy mô dân số”, “Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh”, “sàng lọc trước sinh là đạt được chỉ tiêu đề ra”. Có 2 chỉ tiêu “Tổng tỷ suất sinh” và “tỷ lệ trẻ sơ sinh được tâm soát” không đạt được mục tiêu. Còn 8 chỉ tiêu còn lại, có một số chỉ tiêu không có số liệu, có một số chỉ tiêu “Giảm tỉ lệ vị thành niên, thanh niên (10-24 tuổi) mang thai ngoài ý muốn”, “Tăng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của các nhóm dân số đặc thù lên 20% vào năm 2015 và 50% năm 2020” không có số liệu để đánh giá, một số chỉ tiêu không có đủ dữ liệu để đánh giá.

- Trong toàn bộ 28 chỉ tiêu của chiến lược Dấn số Việt Nam đến năm 2030, có nhiều chỉ tiêu hiện nay chưa có trong số liệu thống kê định kỳ (tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sơ sinh của đồng bào dân tộc dưới 10 nghìn người; tỷ lệ người cao tuổi được tham gia sản xuất, vay vốn…). Một số số liệu liên quan đến nhiều bộ ngành, cần sớm báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế có văn bản phối hợp thực hiện, chia sẻ thông tin trong quá trình triển khai thực hiện.

- Một số chỉ tiêu tiên lượng sẽ sớm đạt được kết quả như mục tiêu chiến lược đề ra, nhưng cũng có một số mục tiêu khó lượng hóa, khó đánh giá.

+ Các chỉ tiêu tiên lượng sẽ sớm đạt được 

Các chỉ tiêu về: Quy mô dân số; Tổng tỷ suất sinh; Số tỉnh đạt mức sinh thay thế; Tỷ lệ sử dụng BPTT hiện đại; chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh; chỉ tiêu về cơ cấu theo nhóm tuổi; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát chúng ta sẽ đạt được, bởi vì, các chỉ tiêu này, đến thời điểm hiện tại có chỉ tiêu chúng ta đã đạt cao hơn, có chỉ tiêu chúng ta đã tiệm cận tới. Do vậy, trong 5 năm hoặc 10 năm tới chắc chắn chúng ta sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra

+ Các chỉ tiêu khó đạt được

Các chỉ tiêu về: Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát; Tuổi thọ bình quân; Tuổi thọ khỏe mạnh; Chiều cao trung bình của nam và nữ; Tỉ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; Tỉ lệ tăng dân số của các dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người. Các chỉ tiêu này tiên lượng sẽ khó đạt được, vì kết quả thực hiện Chiến lược dân số cũ, các chỉ tiêu này chúng ta đã đưa ra nhưng chưa đạt được như kỳ vọng, trong khi giai đoạn tới chương trình mục tiêu chưa được định hình, các nhiệm vụ này thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều bộ ngành nên ngành dân số rất khó kiểm soát để có những can thiệp phù hợp.

+ Các chỉ tiêu khó lượng hóa, khó đánh giá

Các chỉ tiêu về: Giảm tỉ lệ vị thành niên, thanh niên (10-24 tuổi) mang thai ngoài ý muốn; Tỉ lệ xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; Tỉ lệ người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vổn phát triển sản xuất; Tỉ lệ ngành, lĩnh vực, địa phương sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tiên lượng sẽ rất khó thực hiện vì hiện nay chúng ta chưa có nguồn số liệu đầu để kiểm định, đánh giá.

KHUYẾN NGHỊ

- Với Chính phủ và các bộ, ngành 

- Chính phủ cần chỉ đạo để Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính cùng với Bộ Y tế sớm phê duyệt nguồn kinh phí được phân bổ đầu tư cho chương trình DS-KHHGĐ giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo với phương châm ưu tiên đầu từ nguồn lực từ ngân sách trung ương cho những tỉnh nghèo, khó khăn về nguồn thu Chính phủ cần quy định cụ thể về tỷ lệ huy động ngân sách địa phương trong triển khai thực hiện công tác DS-KHHGĐ để xác định trách nhiệm và cam kết chính trị của các tỉnh/thành phố đối với lĩnh vực này.

- Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan khẩn trương ban hành các đề án để thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan cần bổ sung bổ sung các chỉ số thống kê chuyên ngành mới theo mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 vào biểu thu thập thông tin thống kê định kỳ theo chức năng, nhiệm vụ được giao

- Bộ Y tế cần điều chỉnh, bổ sung Khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 sao cho chi tiết hơn, đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn hơn và các chỉ tiêu đo lường cụ thể chính xác hơn. Đồng thời hướng dẫn thống nhất các địa phương trong sử dụng nguồn dữ liệu làm căn cứ xây dựng Kế hoạch.

- Bộ Y tế cần tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản đôn đốc, nhắc nhở các địa phương khẩn trương phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Dân số đến năm 2030 và đảm bảo đúng tiến độ thực hiện.

- Bộ Y tế cần căn cứ vào thực trạng biến động dân số cửa các địa phương để giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm cho phù hợp với mức sinh và cơ cấu dân số trong thực tiễn. Đồng thời Bộ Y tế cần tham mưu cho Chính phủ triển khai các chính sách phù hợp với thực trạng biến động về mức sinh tại các địa phương. Cụ thể như sau:

* Với những tỉnh có mức sinh cao

Bộ Y tế tham mưu để Chính phủ chỉ đạo cho Bộ Tài chính rà soát quy định về đối tượng được cấp miễn phí các PTTT để sớm có định hướng mở rộng đối tượng được sử dụng các BPTT miễn phí ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, có mức sinh cao. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính bổ sung kinh phí để mua PTTT sau khi mở rộng các đối tượng được sử dụng các PTTT miễn phí. Đồng thời Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ những giải pháp giảm sinh, tăng cường công tác truyền thông đến nhóm đối tượng đích, vẫn thực hiện thông điệp truyền thông “mỗi gia đình nên có 1-2 con”. Bộ Y tế vẫn giao chỉ tiêu giảm sinh bắt buộc đối với các tỉnh có mức sinh cao, nhất là giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên. 

* Với những tỉnh có mức sinh thấp: 

Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương bố trí đủ nguồn lực theo quy định để thí điểm thực hiện một số chính sách hỗ trợ các gia đình sinh đủ 2 con (học phí, BHYT, trợ cấp xã hội…). Bộ Y tế cần giao chỉ tiêu tăng sinh để từng bước nâng mức sinh tại các tỉnh này về mức sinh thay thế.

* Với các tỉnh có mức sinh đạt mức sinh thay thế:

Cần thay đổi thông điệp truyền thông như đối với những tỉnh có mức sinh thấp đó là “mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con”. Bên cạnh đó cũng cần tập trung quan tâm đến các nội dung liên quan đến chất lượng dân số. Không giao kế hoạch giảm sinh, cũng không giao kế hoạch tăng sinh cho các địa phương đã đạt mức sinh thay thế. Tại các địa phương này vẫn thực hiện chính sách lựa chọn đối tượng ưu tiên để cung cấp miễn phí các dịch vụ KHHGĐ như hiện nay đó là nhóm nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn. Nên thay đổi cơ chế vận hành cung cấp các dịch vụ KHHGĐ theo cơ chế tôn trọng quy luật của thị trường trong điều tiết, vận hành các dịch vụ KHHGĐ (PTTT). Nhà nước cần ưu tiên nguồn lực cho các địa phương khó khăn, cho nhóm đối tượng đặc thù (đồng bào dân tộc, người nghèo, người theo đạo công giáo) ở những vùng kém phát triển, những tỉnh nghèo. Những địa phương có điều kiện kinh tế phát triển không cần cung cấp miễn phí cho nhóm đối tượng này. Đặc biệt, cung cấp dịch vụ cần hướng đến nhóm đối tượng di cư ở những địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. 

* Với các tỉnh thường xuyên biến động về mức sinh, ở trong giai đoạn ngắn hạn: 

Bộ Y tế chưa nên thực hiện chính sách khuyến sinh. Không giao chỉ tiêu bắt buộc thực hiện KHHGĐ ở cả BPTT lâm sàng và phi lâm sàng.

- Với các địa phương

- Khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn.

- Việc xác định các mục tiêu, chỉ tiêu trong Kế hoạch cần phải căn cứ vào thực trạng biến động dân số về mức sinh, về cơ cấu theo giới tính, theo độ tuổi của địa phương để đảm bảo tính khả thi và sát thực. 

- Với những nơi có mức sinh cao: Công tác truyền thông thời gian tới cần tập trung vào nhóm đối tượng đích như những người theo đạo thiên chúa giáo, những hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, những gia đình bố mẹ còn trẻ nhưng con cái đã trưởng thành, những đối tượng sống trong gia đình nhiều thế hệ, gia đình sinh con 1 bề.

- Với những nơi có mức sinh thấp: Bên cạnh việc tăng cường hoạt động truyền thông, các địa phương cần bổ sung các thông điệp truyền thông cho phù hợp với tình hình mới, đó là tại những tỉnh, thành phố mức sinh đã xuống thấp cần hướng đến nội dung truyền thông về những thay đổi trong định hướng giá trị, không quá đề cao việc thỏa mãn nhu cầu trước mắt của các cặp vợ chồng mà phải hướng tới giá trị bền vững về quy mô gia đình, quy mô dân số của vùng của quốc gia. Tỉnh không giao chỉ tiêu giảm sinh cho các quận/huyện, huyện không giao chỉ tiêu giảm sinh cho các xã/phường/thị trấn. Thậm chí cần giao chỉ tiêu tăng sinh để từng bước nâng mức sinh tại các tỉnh này đạt mức sinh thay thế.

Tại các các địa phương đã thay đổi thông điệp từ « mỗi cặp vợ chồng nên sinh từ 1- 2 con » sang thông điệp « mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con » cần nhấn mạnh đến những hạn chế của việc sinh 1 con. Các tỉnh phải nhất quán để thống nhất trong toàn tỉnh trong việc in ấn tài liệu truyền thông, thông điệp truyền thông ngay cả tại các huyện/quận, xã/phường mức sinh con cao.

- Với những nơi đạt mức sinh thay thế: Cần lựa chọn những hoạt động phù hợp nhất là hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Hoạt động truyền thông nên sử dụng thông điệp « mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con » và dịch vụ KHHGĐ, không nên giao chỉ tiêu triệt sản.

 

Ngày 12/05/2021
 
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.