TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 16  
 
2 7 7 9 7 6 5 1
 
 
Thông tin Y tế Thế giới
Cứ mỗi 11 giây trên thế giới vẫn có một phụ nữ mang thai hoặc trẻ sơ sinh tử vong

Theo ước tính tử vong mẹ và trẻ sơ sinh được công bố mới đây của các tổ chức Liên hợp quốc, trong đó đứng đầu là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ngày nay có nhiều phụ nữ và con của họ sống sót hơn so với trước kia. Kể từ năm 2000, tử vong trẻ em đã giảm gần một nửa, tử vong mẹ giảm hơn 1/3, nguyên nhân chủ yếu do cải thiện việc tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng, giá cả hợp lý.

Điều này phù hợp khi tại các quốc gia cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, an toàn, giá cả hợp lý cho tất cả mọi người, phụ nữ và trẻ em có thể sống sót và phát triển tốt. Đây được coi là hiệu quả của bao phủ sức khỏe toàn dân.

Tuy nhiên, các ước tính mới cũng cho thấy rằng 6,2 triệu trẻ em dưới 15 tuổi tử vong trong năm 2018, và hơn 290.000 phụ nữ tử vong do các biến chứng trong khi mang thai và sinh con trong năm 2017. Trong số các trường hợp tử vong trẻ em, 5,3 triệu trường hợp xảy ra trong 5 năm đầu đời, với gần một nửa con số này xảy ra trong tháng đầu tiên sau sinh.

Phụ nữ và trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương nhất trong quá trình mang thai và ngay sau khi sinh. Ước tính 2,8 triệu phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm, hoặc cứ 11 giây thì có 1 ca tử vong, chủ yếu là do các nguyên nhân có thể dự phòng được.

Trẻ em phải đối diện với nguy cơ tử vong cao nhất trong tháng đầu tiên, đặc biệt nếu chúng được sinh ra quá sớm hoặc quá nhỏ, có biến chứng trong quá trình sinh, bị khuyết tật bẩm sinh hoặc nhiễm khuẩn thai nghén. Khoảng 1/3 các ca tử vong xảy ra trong ngày đầu tiên và gần ¾ các ca tử vong xảy ra chỉ riêng trong tuần đầu tiên.

Việc những người có kỹ năng giúp các bà mẹ và trẻ sơ sinh quanh thời điểm sinh, cùng với nước sạch, dinh dưỡng đầy đủ, thuốc và vắc xin cơ bản có thể tạo ra sự khác biệt. Do đó, cần phải làm những gì cần thiết để đầu tư vào bao phủ sức khỏe toàn dân nhằm cứu sống các bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Bất bình đẳng lớn trên thế giới

Các ước tính cũng cho thấy những bất bình đẳng lớn trên thế giới, khi phụ nữ và trẻ em ở Châu Phi cận Sahara phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể so với tất cả các khu vực khác.

Mức độ tử vong bà mẹ ở Châu Phi cận Sahara cao hơn gấp gần 50 lần, tử vong trẻ em trong tháng đầu tiên sau sinh cao hơn 10 lần, so với các quốc gia thu nhập cao.

Trong năm 2018, 1/13 trẻ em ở Châu Phi cận Sahara tử vong dưới 5 tuổi, cao hơn gấp 15 lần nguy cơ của một đứa trẻ tại Châu Âu, nơi chỉ có 1/196 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong.

Cứ 1/37 phụ nữ ở Châu Phi cận Sahara đối mặt với nguy cơ tử vong khi mang thai hoặc sinh con. Trong khi so sánh, nguy cơ đối với một phụ nữ ở Châu Âu là 1/6.500. Khu vực Châu Phi cận Sahara và Nam Á chiếm khoảng 80% số ca tử vong bà mẹ và trẻ em toàn cầu. Các quốc gia xảy ra xung đột hoặc khủng hoảng nhân đạo thường có hệ thống y tế yếu kém, dẫn tới hạn chế việc phụ nữ và trẻ em tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cấp cứu thiết yếu.

Các tiến bộ gắn với bao phủ sức khỏe toàn dân

Thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tử vong bà mẹ và trẻ em. Kể từ 1990, thế giới đã giảm 56% trẻ em tử vong dưới 15 tuổi, từ 14,2 triệu ca tử vong xuống 6,2 triệu ca trong 2018. Các quốc gia ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á đã có nhiều sự tiến bộ nhất, với việc giảm 80% các ca tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.

Từ 2000 đến 2017, tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm 38%. Khu vực Nam Á đã có những cải tiến lớn nhất trong cứu sống các bà mẹ, với tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm gần 60% kể từ năm 2000.

Belarus, Bangladesh, Cambodia, Kazakhstan, Malawi, Maroc, Mông Cổ, Rwanda, Timor-Leste và Zambia là các quốc gia đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong việc giảm tử vong bà mẹ và trẻ em. Thành công đạt được do vận động chính trị, cải thiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng thông qua đầu tư vào nguồn nhân lực y tế, giới thiệu các dịch vụ chăm sóc miễn phí cho phụ nữ mang thai và trẻ em, hỗ trợ kế hoạch gia đình. Nhiều quốc gia trong số này tập trung vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và bao phủ sức khỏe toàn dân.

Đối với trẻ em sống trong tháng đầu tiên, các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi, tiêu chảy và sốt rét là nguyên nhân cho hầu hết các ca tử vong trên toàn cầu. Ở trẻ lớn hơn, chấn thương, bao gồm cả chấn thương giao thông và đuối nước trở thành nguyên nhân chính dẫn đến tử vong và khuyết tật.

Tử vong bà mẹ là do các biến chứng sản khoa như tăng huyết áp thai kỳ, xuất huyết nghiêm trọng, nhiễm trùng trong hoặc sau khi sinh con; gia tăng do bệnh lý sẵn có hoặc tình trạng trầm trọng hơn bởi những ảnh hưởng của thai kỳ.

Mục tiêu toàn cầu

Mục tiêu toàn cầu về chấm dứt tử vong bà mẹ có thể dự phòng được (SDG Mục tiêu 3.1) là giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ toàn cầu (MMR) xuống dưới 70/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2030. Thế giới sẽ rút ngắn được mục tiêu này nếu tiến bộ hiện tại vẫn tiếp tục.

SDG Mục tiêu 3.2 hướng đến chấm dứt tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi có thể dự phòng được, đã đề ra giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh xuống tối thiểu 12/1.000 trẻ đẻ sống và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống tối thiểu 25/1.000 trẻ đẻ sống. Trong năm 2018, 121 quốc gia đã đạt được tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi này. Trong số 74 quốc gia còn lại, 53 quốc gia sẽ cần phải đẩy nhanh tiến độ để đạt được Mục tiêu SDG về sự sống của trẻ em tới năm 2030.

 

Ngày 20/09/2019
Tổ chức Y tế Thế giới - WHO  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.